Ca khúc: Tự hào người làm báo Thanh tra

Theo dõi Báo Thanh tra trên

Đề xuất xoá nợ thuế trên 10.500 tỷ: “Tránh chính sách đưa ra bị lợi dụng”

Thứ ba, 17/09/2019 - 16:12

(Thanh tra) – Chủ nhiệm Uỷ ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh cho rằng, không loại trừ trường hợp tinh vi hơn khi doanh nghiệp mượn danh, núp bóng để lập doanh nghiệp nhưng thực tế chỉ mua bán hoá đơn... "Tôi đề nghị làm rõ cơ chế, chính sách để xoá nợ thuế, tránh việc chính sách đưa ra bị lợi dụng", ông Thanh nói.

Chủ nhiệm Uỷ ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh

Ngày 17/9, tại phiên họp thứ 37, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến Dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về xử lý tiền thuế nợ đối với người nộp thuế không còn khả năng nộp ngân sách Nhà nước.

Hơn 41 nghìn tỷ tiền thuế nợ không có khả năng thu

Theo Bộ trưởng Bộ Tài chính, tình hình nợ đọng thuế vẫn còn cao. Tính đến ngày 31/12/2018, tổng số tiền thuế nợ là 81.618 tỷ đồng, tăng 4% so với thời điểm 31/12/2017.

Trong đó, tiền thuế nợ không có khả năng thu ngân sách là 41.387 tỷ đồng, chiếm 50,7% tổng số tiền thuế nợ.

Tình hình trên do nhiều nguyên nhân khác nhau như hơn 2.600 người nộp thuế là người đã chết, mất tích, mất năng lực hành vi dân sự. Hơn 24.000 doanh nghiệp tự giải thể nhưng không thực hiện thủ tục giải thể doanh nghiệp theo quy định. Có hơn 200 doanh nghiệp mất khả năng thanh toán, tự phá sản, hàng trăm nghìn người nộp thuế bỏ địa chỉ kinh doanh hoặc không còn hoạt động nữa…

“Để giải quyết nợ đọng thuế không còn khả năng nộp ngân sách, Chính phủ thấy cần thiết phải xây dựng Nghị quyết của Quốc hội về xử lý tiền thuế nợ của người nộp thuế không còn khả năng nộp ngân sách Nhà nước”, Bộ trưởng Dũng nói.

Tờ trình của Chính phủ cũng nêu rõ, dự kiến có 758.660 người nộp thuế thuộc đối tượng, với số nợ tiền phạt chậm nộp, tiền chậm nộp đề nghị xóa là 10.562 tỷ đồng.

'

Chủ nhiệm Uỷ ban Tài chính Ngân sách Nguyễn Đức Hải

Thẩm tra nội dung Chính phủ trình, Uỷ ban Tài chính Ngân sách nhất trí về sự cần thiết ban hành nghị quyết. Tuy nhiên, cơ quan thẩm tra đề nghị, Chính phủ rà soát lại việc xóa nợ tiền phạt chậm nộp, tiền chậm nộp đối với các đối tượng không tuân thủ theo quy định của pháp luật.

Thường trực Uỷ ban Tài chính Ngân sách cũng cho rằng, Chính phủ cân nhắc, làm rõ việc xử lý tiền nợ thuế đối với các doanh nghiệp Nhà nước.

Theo Chủ nhiệm Uỷ ban Tài chính Ngân sách Nguyễn Đức Hải, doanh nghiệp Nhà nước là pháp nhân do Nhà nước làm đại diện chủ sở hữu và hiện nay đang trong tiến trình cổ phần hóa, sắp xếp lại các doanh nghiệp Nhà nước.

“Việc khoanh nợ, xóa nợ tiền thuế cần được xử lý trong quá trình cổ phần hóa doanh nghiệp”, ông Hải nói.

Ngoài ra, Chính phủ cần rà soát, báo cáo rõ việc xử lý tiền thuế nợ đối với các khoản nợ liên quan đến tiền sử dụng đất, tiền thuê đất… trong dự thảo nghị quyết này, theo đó sẽ khoanh nợ, xóa nợ đối với các trường hợp cụ thể nào liên quan đến đất đai.

Thuế từ đối tượng đã chết, giải thể… chưa phải là tiền thật

Trong khi đó, ông Vũ Hồng Thanh, Chủ nhiệm Uỷ ban Kinh tế lo ngại quy định như dự thảo nghị quyết sẽ "dễ bị lợi dụng".

Theo ông Thanh phân tích, số thuế nợ đọng của doanh nghiệp không còn kinh doanh tại địa chỉ đăng ký hoạt động với cơ quan thuế... hiện gần 23.900 tỷ đồng. Những trường hợp này cơ quan thuế đã tới chính quyền địa phương xác nhận thông tin không hoạt động hay chưa? Liệu có xảy ra chuyện họ không ở địa chỉ này nhưng lại đang kinh doanh ở địa chỉ khác hay không?

Chủ nhiệm Uỷ ban Kinh tế cho rằng, không loại trừ trường hợp tinh vi hơn khi doanh nghiệp mượn danh, núp bóng để lập doanh nghiệp nhưng thực tế chỉ mua bán hoá đơn... "Tôi đề nghị làm rõ cơ chế, chính sách để xoá nợ thuế, tránh việc chính sách đưa ra bị lợi dụng", ông Thanh nói.

“Với số tiền 1 tỷ đồng thôi chúng ta đã có được 20 căn nhà tình nghĩa rồi”, Trưởng ban Dân nguyện Nguyễn Thanh Hải nói  và cũng đề nghị rà soát chặt chẽ để tránh bị lạm dụng chính sách này.

Bà Hải còn đặt một loạt câu hỏi, “việc xóa nợ đọng thuế đối với đối tượng nào, mức độ xóa tới đâu, trách nhiệm của người nộp thuế đặc biệt là trách nhiệm của người thu thuế như thế nào? Đã xử lý được cán bộ nào, cơ quan nào, về trách nhiệm đôn đốc thuế này chưa?”.

Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng

Giải trình, Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng cho hay, các năm gần đây thu hồi nợ đọng thuế luôn đạt mức năm sau cao hơn năm trước, tăng bình quân 14%/năm.

“Có thể nói trách nhiệm của cơ quan quản lý thuế trong đôn đốc thu hồi nợ đọng thuế rất quyết liệt và có kết quả cụ thể”, ông Dũng nhấn mạnh, đặc biệt, khi ngân sách khó khăn, đây là một trong những trọng điểm mà Bộ Tài chính tập trung chỉ đạo đột phá để đảm bảo dự toán, đảm bảo thu ngân sách.

Tuy nhiên, theo lãnh đạo ngành Tài chính, với những người đã chết, mất tích, giải thể, phá sản… thì việc thực hiện giải pháp về sau để thu hồi rất khó khăn.

“Chúng tôi hiểu thuế là của ngân sách, nhưng đây là thuế từ những trường hợp đã chết, mất tích, giải thể, bỏ địa điểm kinh doanh… thực tế chưa phải là tiền thật, chưa vào ngân sách để mà mất ngân sách”, ông Dũng nói.

Do vậy, Bộ trưởng Bộ Tài chính thiết tha đề nghị Uỷ ban Thường vụ Quốc hội cho tiếp tục hoàn chỉnh nghị quyết, tiếp thu ý kiến để trình ra Quốc hội tại kỳ họp tới.

Kết luận, Phó chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển nêu, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội đồng ý trình nội dung xoá nợ thuế để Quốc hội xem xét tại kỳ họp thứ 8 (tháng 10/2019). Song Chính phủ cần làm rõ trách nhiệm của các đối tượng liên quan đến tình trạng để nợ thuế thời gian qua.

Hương Giang

Ý kiến bình luận:

Ý kiến của bạn sẽ được xét duyệt khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.

Hiện chưa có bình luận nào, hãy trở thành người đầu tiên bình luận cho bài biết này!

Tin cùng chuyên mục

Bắc Kạn: Đề xuất phương án hợp nhất 10 sở, ngành

Bắc Kạn: Đề xuất phương án hợp nhất 10 sở, ngành

(Thanh tra) - Chiều 11/12, Ban Chỉ đạo về Tổng kết việc thực hiện Nghị quyết số 18-NQ/TW ngày 25/10/2027 của Ban Chấp hành (BCH) Trung ương Đảng khóa XII một số vấn đề về đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu quả.

Trung Hà

21:14 11/12/2024

Tin mới nhất

Xem thêm