Ca khúc: Tự hào người làm báo Thanh tra

Theo dõi Báo Thanh tra trên

Đề xuất miễn học phí cho con giáo viên, giảng viên

Hương Giang

Thứ ba, 08/10/2024 - 15:28

(Thanh tra) - Chính sách tiền lương, phụ cấp, ưu đãi; hỗ trợ miễn học phí cho con giáo viên, giảng viên… được quy định trong Dự thảo Luật Nhà giáo cần đánh giá kỹ lưỡng để bảo đảm tính khả thi, công bằng trong mối tương quan với các đối tượng ưu tiên khác, theo Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn.

Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn đề nghị đánh giá kỹ chính sách tiền lương, hỗ trợ miễn học phí cho con giáo viên, giảng viên. Ảnh: P.Thắng

Ngày 8/10, tiếp tục chương trình phiên họp 38, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến (lần 2) về Dự thảo Luật Nhà giáo. Một trong những nội dung đáng chú ý là dự thảo luật đề xuất, lương nhà giáo được xếp cao nhất trong hệ thống thang bậc lương hành chính sự nghiệp; miễn học phí cho con giáo viên, giảng viên.

Đối tượng áp dụng của luật là nhà giáo được tuyển dụng, làm nhiệm vụ giảng dạy, giáo dục trong các cơ sở giáo dục thuộc hệ thống giáo dục quốc dân; bao gồm nhà giáo công tác tại cơ sở giáo dục công lập, cơ sở giáo dục ngoài công lập và nhà giáo là người nước ngoài.

Chi thêm hàng nghìn tỷ khi thực hiện chính sách tiền lương, miễn học phí

Trình bày báo cáo của Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Kim Sơn cho hay, đã tiếp thu tối đa ý kiến của các thành viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội, cơ quan thẩm tra.

Sau khi được chỉnh lý, dự thảo luật giảm 26 điều so với dự thảo luật trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội tại phiên họp thứ 37 trước đó.

Dự thảo Luật Nhà giáo quy định về nhà giáo; hoạt động nghề nghiệp, quyền và nghĩa vụ của nhà giáo; chức danh, chuẩn nghề nghiệp nhà giáo; tuyển dụng, sử dụng nhà giáo; chính sách tiền lương, đãi ngộ đối với nhà giáo; đào tạo, bồi dưỡng và hợp tác quốc tế về nhà giáo; khen thưởng và xử lý vi phạm đối với nhà giáo; quản lý nhà giáo.

Trong đó, theo Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn, một số nội dung chính sách (quy định về chính sách tiền lương, phụ cấp, hỗ trợ đối với nhà giáo) được rà soát kỹ lưỡng để vừa đảm bảo có đột phá, vừa phù hợp với bối cảnh thực hiện cải cách tiền lương trong thời gian tới.

Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Kim Sơn. Ảnh: P.Thắng

Với các chính sách dự kiến quy định tại Luật Nhà giáo, sẽ làm phát sinh tăng ngân sách.

Tại báo cáo của Chính phủ cho biết, chi phí phát sinh tăng thêm để chi trả tiền lương cho nhà giáo sẽ khoảng 1.068 tỷ đồng/tháng, tức hàng năm ngân sách phải bổ sung 12.816 tỷ đồng.

Trường hợp, quy định nhà giáo tuyển dụng, xếp lương lần đầu được xếp tăng 1 bậc lương trong hệ thống thang bậc lương hành chính sự nghiệp, thì chi phí phát sinh tăng thêm để chi trả tiền lương khoảng 22 tỷ đồng/tháng, tức hàng năm ngân sách phải bổ sung 264 tỷ đồng.

Dự thảo luật cũng dự kiến có chính sách miễn học phí cho con giáo viên, giảng viên. Nếu thực hiện chính sách này, ngân sách Nhà nước phải cấp chi trả thêm hơn 9.200 tỷ đồng.

Đảm bảo công bằng giữa các đối tượng là quan trọng nhất”

“Nguồn này ở đâu, lấy từ chỗ nào để bố trí chi”, Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn nói và đề nghị đánh giá kỹ lưỡng để bảo đảm tính khả thi, công bằng trong mối tương quan với các đối tượng ưu tiên khác.

“Các đối tượng khác như thế nào khi ban hành luật này. Chúng ta đảm bảo sự công bằng giữa các đối tượng là quan trọng nhất”, Chủ tịch Quốc hội nói.

Theo ông Trần Thanh Mẫn, đây là luật được ngành giáo dục quan tâm nhưng cũng là luật khó, nội dung tác động lớn, phức tạp. Do đó, ông đề nghị Chính phủ, Bộ Giáo dục và Đào tạo hết sức quan tâm, xây dựng dự thảo luật thận trọng, kỹ lưỡng.

Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng. Ảnh: P.Thắng

Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng đánh giá chính sách tiền lương và đãi ngộ với nhà giáo là một trong những nội dung đột phá, đảm bảo thu hút, phát triển đội ngũ nhà giáo.

Cơ bản đồng tình với các chính sách quy định trong dự thảo luật, nhưng ông Tùng đề nghị tờ trình của Chính phủ và hồ sơ kèm theo cần lý giải đầy đủ hơn và lập luận cho thuyết phục.

Ông Tùng ví dụ, dự thảo luật đang đề xuất giữ lại rất nhiều khoản phụ cấp với nhà giáo, trong khi Nghị quyết 27 của Trung ương về cải cách tiền lương đặt vấn đề phải thu hẹp hoặc hợp nhất một số loại phụ cấp, đặc biệt là các phụ cấp theo nghề, phụ cấp thu hút…

“Đây là vấn đề cần phải lý giải, phân tích đầy đủ, thuyết phục, đặt trong bối cảnh cải cách chính sách tiền lương để nghiên cứu xem giữ gì, không giữ gì”, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật nêu.

Ở góc độ cơ quan thẩm tra, Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa Giáo dục Nguyễn Đắc Vinh cho biết, thường trực ủy ban này cơ bản đồng tình với quy định về chính sách tiền lương, phụ cấp với nhà giáo.

Theo ông Vinh, có ý kiến trong cơ quan thẩm tra đề nghị xác định rõ phạm vi, đối tượng thụ hưởng, đánh giá tác động kỹ lưỡng, đầy đủ về nguồn lực bảo đảm thực hiện chính chính sách hỗ trợ, thu hút nhà giáo, nhất là chính sách miễn học phí cho con của nhà giáo.

Chính sách bảo đảm chỗ ở tập thể hoặc được thuê nhà ở công vụ theo quy định của Luật Nhà ở và các điều kiện thiết yếu khi đến công tác tại “vùng nông thôn” cũng được đề nghị đánh giá rõ tác động.

Dự án Luật Nhà giáo sẽ được trình ra Quốc hội cho ý kiến lần đầu tại kỳ họp 8, dự kiến khai mạc vào tháng 10 tới.

Dự thảo Luật Nhà giáo

Điều 25. Tiền lương và phụ cấp đối với nhà giáo

1. Tiền lương nhà giáo ở cơ sở giáo dục công lập như sau:

a) Lương cơ bản theo bảng lương nhà giáo được xếp cao nhất trong hệ thống thang bậc lương hành chính sự nghiệp;

b) Phụ cấp ưu đãi nghề và các phụ cấp khác tùy theo tính chất công việc, theo vùng theo quy định của pháp luật;

c) Nhà giáo cấp học mầm non; nhà giáo công tác ở nơi đặc biệt khó khăn vùng đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi, vùng bãi ngang, ven biển và hải đảo; nhà giáo trường chuyên biệt, trường chuyên biệt khác; nhà giáo thực hiện giáo dục hòa nhập; nhà giáo là người dân tộc thiểu số và nhà giáo ở một số ngành nghề đặc thù được ưu tiên trong chế độ tiền lương và phụ cấp cao hơn so với các nhà giáo khác;

d) Nhà giáo tuyển dụng, xếp lương lần đầu được xếp tăng 01 bậc lương trong hệ thống thang bậc lương hành chính sự nghiệp.

Điều 26. Chính sách hỗ trợ nhà giáo

1. Chính sách hỗ trợ nhà giáo bao gồm:

a) Chế độ trợ cấp theo tính chất công việc, theo vùng;

b) Chính sách hỗ trợ đào tạo, bồi dưỡng;

c) Chăm sóc sức khỏe định kỳ, chăm sóc sức khỏe nghề nghiệp;

d) Miễn học phí cho con đẻ và con nuôi hợp pháp của nhà giáo đang trong thời gian công tác;

đ) Phụ cấp lưu động đối với nhà giáo làm công tác xóa mù chữ hoặc phổ cập giáo dục hoặc biệt phái hoặc dạy tăng cường hoặc dạy liên trường hoặc phải di chuyển để dạy ở các điểm trường tại các thôn, bản, phum, sóc;

e) Các chính sách hỗ trợ khác cho nhà giáo.

2. Ngoài chính sách chung quy định tại khoản 1 điều này, nhà giáo công tác vùng đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi, biên giới, hải đảo và vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn; nhà giáo dạy trường chuyên biệt, nhà giáo dạy giáo dục hòa nhập; nhà giáo dạy tiếng dân tộc thiểu số; nhà giáo dạy tăng cường tiếng Việt cho học sinh người dân tộc thiểu số; nhà giáo dạy các môn năng khiếu, nghệ thuật còn được hưởng một số chính sách hỗ trợ trong số các chính sách sau:

a) Bảo đảm chỗ ở tập thể hoặc được thuê nhà ở công vụ theo quy định của Luật Nhà ở và các điều kiện thiết yếu khi đến công tác tại vùng nông thôn, vùng đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi, biên giới, hải đảo và vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn;

b) Thanh toán tiền tàu xe trong thời gian làm việc ở vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn khi nghỉ hằng năm, nghỉ ngày lễ, tết, nghỉ việc riêng về thăm gia đình theo quy định;

c) Chế độ phụ cấp, trợ cấp tùy theo đối tượng.

........

Ý kiến bình luận:

Ý kiến của bạn sẽ được xét duyệt khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.

Hiện chưa có bình luận nào, hãy trở thành người đầu tiên bình luận cho bài biết này!

Tin cùng chuyên mục

Hà Giang: Tỷ lệ tinh giảm biên chế giai đoạn 2016-2021 giảm 10%

Hà Giang: Tỷ lệ tinh giảm biên chế giai đoạn 2016-2021 giảm 10%

(Thanh tra) - Chiều 13/12, Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh Hà Giang khóa XVII, nhiệm kỳ 2020 – 2025 tổ chức Hội nghị lần thứ 28 để tổng kết Nghị quyết 18-NQ/TW ngày 25/10/2017 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa VII về “Tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả”.

Bùi Bình

19:37 13/12/2024

Tin mới nhất

Xem thêm