Theo dõi Báo Thanh tra trên
Thứ sáu, 28/08/2015 - 06:35
(Thanh tra)- Lấn, chiếm đất đai, cho thuê, cho mượn đất, chuyển mục đích, chuyển nhượng đất trái pháp luật diễn ra vẫn phổ biến; cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (GCNQSDĐ) trước và sau chuyển đổi rất chậm, trong khi người dân thiếu đất sản xuất… Đó là những vấn đề, Đoàn Giám sát Ủy ban Thường vụ Quốc hội, đại biểu Quốc hội (ĐBQH) “truy” liên bộ tại phiên giải trình về việc quản lý, sử dụng đất đai tại các nông, lâm trường hôm qua (27/8).
Bộ trưởng Cao Đức Phát giải trình trước Đoàn Giám sát của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, sáng 27/8. Ảnh: Thảo Nguyên
Giao đất không ai nhận, xã mới quản lý?
Mở đầu phiên giải trình, Ủy viên Thường trực Ủy ban Tư pháp Đỗ Văn Đương đặt một loạt câu hỏi: Người dân đang thiếu đất sản xuất, tại sao giao 2,1 triệu ha đất cho UBND cấp xã quản lý? Việc giao như vậy có đúng luật? Việc quản lý đất nông, lâm trường hiệu quả rất kém, trách nhiệm của các bộ đến đâu? Làm thế nào để khắc phục tình trạng lãng phí nguồn lực đất đai?
Trả lời câu hỏi, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn (NN&PTNN) Cao Đức Phát cho biết, diện tích đất xã quản lý thường xa dân, có chất lượng đất rất kém, hoặc là đất rừng phòng hộ, rừng đặc dụng, nếu giao cho dân hiệu quả sẽ rất thấp. Còn những tồn tại trong quản lý đất nông, lâm trường tồn tại rất lâu năm. Sau khi sắp xếp, thay đổi cơ chế quản lý, có chấn chỉnh nhưng những tồn tại vẫn diễn ra. “Chúng tôi có trách nhiệm trong việc kiểm tra, đôn đốc, hướng dẫn các địa phương giám sát trong quản lý, sử dụng đất nông, lâm trường được giao”, Bộ trưởng thừa nhận.
Chưa hài lòng, ĐB Đỗ Văn Đương tiếp tục “truy”: Có chuyện dân thiếu đất sản xuất không? Việc giao đất cho xã quản lý có đúng pháp luật không? “Bộ trưởng nói đất xa dân nên không giao thì không thuyết phục”- ông Đương nhấn mạnh.
Bộ trưởng Cao Đức Phát khẳng định, đây là diện tích đất đã bị sói mòn, chỉ còn trơ sỏi đá và “cây cũng không thể tự mọc”, nên chưa giao được cho dân. Những diện tích đất khác là vùng đất dốc, ven sông, ven suối đã được quy hoạch là đất rừng phòng hộ nên cũng không thể giao cho dân. Thực tế, không phải giao cho xã quản lý đất nông, lâm trường mà do không giao được cho ai nên xã phải quản lý. Còn chuyện người dân thiếu đất sản xuất là có.
Nhà nước đã có nhiều chính sách giao đất cho dân và đã giải quyết được khó khăn về đất sản xuất cho nhiều hộ gia đình. Tới đây, Bộ NN&PTNN cũng tiến hành rà soát lại, nếu diện tích nào là rừng đặc dụng, rừng phòng hộ mà có thể giao cho dân sản xuất thì sẽ đề nghị chuyển đổi. “Không phải mình có đất tốt, dân thiếu đất mà không giao cho dân. Các địa phương cũng làm rất có trách nhiệm, không phải vô cảm”, Bộ trưởng Cao Đức Phát trần tình.
Nếu có 1.000 tỷ sẽ hoàn thành đo đạc bản đồ
Khi nào cơ bản hoàn thành việc cấp GCNQSDĐ với đất nông, lâm trường quốc doanh trước và sau khi chuyển đổi? Ủy viên Thường trực Ủy ban Về các vấn đề xã hội Nguyễn Thị Khá đặt câu hỏi với Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường (TN&MT). Theo ĐB, tiến độ cấp GCNQSDĐ với đất nông trường chưa đạt 50%, với đất lâm trường chỉ đạt khoảng 25%.
Trong khi đó, việc giao đất chủ yếu được thực hiện bởi các nông, lâm trường, hồ sơ không được lập và quản lý chặt chẽ, nhiều nơi bị thất lạc. Việc giao đất lại không cụ thể, chỉ giao trên giấy tờ, trên bản đồ có tỷ lệ nhỏ, không đo đạc, cắm mốc rõ ràng trên thực địa. Điều đó dẫn tới tình trạng lấn chiếm, cho thuê, cho mượn, sử dụng sai mục đích hoặc bỏ hoang…
Giải thích vấn đề này, Bộ trưởng Nguyễn Minh Quang cho biết, đây là việc rất khó khăn. Việc cấp GCNQSDĐ phải trên cơ sở lập bản đồ địa chính, xác định ranh giới, cắm mốc. Tình trạng thực tế tình trạng chồng lấn, xen kẽ, tranh chấp, vi phạm pháp luật khá phổ biến, nên việc rà soát, xác định ranh giới, đo vẽ bản đồ gặp rất nhiều khó khăn về kỹ thuật, về kinh phí. Cho nên, cần phải có giải pháp đồng bộ, từ đầu tư kỹ thuật cho đến tổ chức thực hiện.
Theo đề nghị hỗ trợ của các nông, lâm trường, Bộ TN&MT đã tổng kết lại, Bộ NN&PTNT đã thẩm định, Bộ Tài chính trình, tổng số tiền đề nghị hỗ trợ khoảng 1.000 tỷ đồng. “Nếu được hỗ trợ thì chúng tôi cam kết sẽ hoàn thành trong năm 2016”, Bộ trưởng Nguyễn Minh Quang cam kết và nói thêm, “đây không phải là việc quá lớn và quá khó, vấn đề là chúng ta có tập trung quyết liệt không”.
ĐBQH Nguyễn Sỹ Cương (Ninh Thuận) cho rằng, không phải khó khăn về tài chính mà do không quản lý được. Tình trạng sử dụng đất trái quy định pháp luật phổ biến, diễn ra trong thời gian dài. Trách nhiệm của Bộ TN&MT thế nào? Đã tổ chức được bao nhiêu cuộc thanh tra, thu hồi đất cho Nhà nước đến đâu?
“Chúng tôi không phải chối trách nhiệm của mình”, Bộ trưởng Nguyễn Minh Quang nói và lý giải, nhưng từ văn bản đến thực tế rất khó khăn. Không có tiền thì sao làm được? Các tỉnh miền núi hết sức nghèo. Chúng ta phải bàn để tháo gỡ khó khăn. Liên quan đến thanh tra, UBND các cấp, các nông, lâm trường thực hiện nghiêm túc kết luận thanh tra; đã kiểm điểm, làm rõ trách nhiệm liên quan đến các hạn chế trong công tác quản lý đất đai hoặc vi phạm chế độ quản lý, sử dụng đất.
Thất thoát quỹ đất nghiêm trọng
Tham gia giám sát, theo ĐB Nguyễn Tiến Sinh, Phó trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh Hoà Bình, tình trạng thất thoát quỹ đất và tài sản của Nhà nước khá nghiêm trọng. Tình trạng tranh chấp, chiếm dụng, thâu tóm đất đai, sử dụng trái mục đích sử dụng đất tràn lan, Nhà nước không thu được tiền thuê đất. Hiệu quả kinh tế không rõ nét, phát sinh nợ do dự án vẫn tiếp tục “hà hơi thổi ngạt” cho doanh nghiệp, công ty nông, lâm trường này sống nhưng thực ra không sống được.
ĐB Trương Thị Huệ (Trưởng đoàn ĐBQH Thái Nguyên) thì đặt vấn đề: Cử tri rất bức xúc khi thấy có các biệt thự nguy nga “mọc” lên trên đất nông, lâm trường, đất rừng. Mà những người ở trong các biệt thự này lại là quan chức, người có tiền. Bộ có kiểm tra, chế tài xử lý như thế nào?
Tư lệnh ngành Nông nghiệp thừa nhận, sau sắp xếp còn một số công ty nông, lâm nghiệp không khắc phục được tồn tại cũ, kết quả sản xuất kinh doanh thấp hoặc tiếp tục lỗ. Việc quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp còn nhiều lúng túng, xúc tiến thương mại phát triển thị trường, xây dựng thương hiệu còn hạn chế. “Các lâm trường quản lý, sử dụng đất lâm trường hiệu quả kém khiến đất rừng bị lấn chiếm, tàn phá. Nhưng quá hỗn loạn tôi không cảm nhận như vậy”, ông Cao Đức Phát nói.
Liên quan đến việc xử lý vi phạm trên đất nông, lâm trường, theo Bộ trưởng Cao Đức Phát, tinh thần đều phải xử lý nghiêm. Tất nhiên, Bộ cũng có trách nhiệm khi chưa đôn đốc, kiểm tra kịp thời nên có tình trạng xảy ra như ĐB Huệ thông tin. Tuy nhiên, nếu có nhà “mọc” lên giữa rừng như vậy, các địa phương phải biết, phải xử lý, chứ Bộ không thể bao quát hết cả nước được.
Thảo Nguyên
Ý kiến bình luận:
Hiện chưa có bình luận nào, hãy trở thành người đầu tiên bình luận cho bài biết này!
(Thanh tra) - Chiều 13/12, Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh Hà Giang khóa XVII, nhiệm kỳ 2020 – 2025 tổ chức Hội nghị lần thứ 28 để tổng kết Nghị quyết 18-NQ/TW ngày 25/10/2017 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa VII về “Tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả”.
Bùi Bình
19:37 13/12/2024(Thanh tra) - Ngày 13/12/2024, UBND tỉnh Cao Bằng tổ chức hội nghị tổng kết công tác quốc phòng địa phương, giáo dục quốc phòng và an ninh năm 2024, triển khai nhiệm vụ năm 2025.
Trung Hà
16:40 13/12/2024T.Thanh
16:36 13/12/2024PV
16:33 13/12/2024Thu Huyền
16:03 13/12/2024Chính Bình
15:56 13/12/2024Trần Quý
Trần Quý
Trần Kiên
Bùi Bình
Văn Thanh
Bùi Bình
Văn Thanh
Trần Kiên
Trung Hà
Thái Hải
Bùi Bình