Ca khúc: Tự hào người làm báo Thanh tra

Theo dõi Báo Thanh tra trên

ĐBQH Dương Trung Quốc: "Các vị từ nhiệm trước nhiệm kỳ thể hiện văn hóa của mình"

Thứ năm, 31/03/2016 - 08:41

(Thanh tra) - Trao đổi với báo chí về công tác nhân sự bên hành lang Quốc hội, Đại biểu Quốc hội (ĐBQH) Dương Trung Quốc (Đồng Nai) nhấn mạnh: “Một số vị từ nhiệm trước nhiệm kỳ, thể hiện văn hoá của mình, tự rời chức vụ vì trách nhiệm chung. Đó là thứ từ chức, được người dân chia sẻ, tôn vinh. Từ chức không thuần túy là hành vi tiêu cực”.

ĐBQH Dương Trung Quốc nhấn mạnh: "Chúng ta tin rằng, 1 người phàm đã tuyên thệ thì chắc chắn ý chí thực hiện lời thề của mình cao hơn không tuyên thệ". Ảnh: TN

Giới thiệu 1 ứng cử viên nữ vào vị trí Chủ tịch Quốc hội rất đáng mừng

+ Sau khi miễn nhiệm Chủ tịch Quốc hội, quy trình chọn nhân sự vị trí lãnh đạo cấp cao này thực hiện như thế nào, thưa ông?

- Phải nói rằng, thông thường các chức danh lãnh đạo cấp cao của Nhà nước sẽ được bầu trong một nhiệm kỳ Quốc hội mới.

Mặc dù, chúng ta đã chứng kiến rất nhiều lần có sự thay đổi nhân sự. Ví dụ, như thời kỳ Chủ tịch Quốc hội Nông Đức Mạnh sang làm Tổng Bí thư chuyển giao cho ông Nguyễn Văn An. Nhưng những trường hợp ấy tương đối đơn giản hơn bởi các ông ấy vẫn ở cương vị Uỷ viên Bộ Chính trị.

Lần này có lẽ là lần đầu tiên 3 chức danh quan trọng nhất (Chủ tịch Quốc hội, Chủ tịch nước, Thủ tướng Chính phủ - PV), sau Đại hội Đảng lần thứ 12 không tham gia Ban Chấp hành Trung ương và không tham gia Bộ Chính trị.

Để kéo dài tình trạng những chức danh cao cấp ấy không có cương vị trong Đảng thì không phù hợp với thiết chế chính trị của ta.

Vì thế, lần này cùng một lúc, chúng ta bầu 3 chức danh quan trọng để bộ máy Nhà nước đi vào hoạt động một cách có hiệu quả trong công tác đối nội và đối ngoại.

Hơn thế nữa, trong chừng mực nào đó, những người từ nhiệm trước nhiệm kỳ cũng là sự hy sinh. Vì thế, thủ tục như đã thông báo có động tác từ nhiệm, rời chức vụ để có cơ sở bầu những người mới.

Việc bầu như mọi quy trình khác, bảo đảm sự giám sát của Quốc hội trong việc đánh giá các nhân sự tương xứng với những chức năng được Hiến pháp quy định cũng như những chuẩn mực, tiêu chuẩn.

+ Trong lần bầu 3 chức danh chủ chốt này, Bộ Chính trị đã giới thiệu một ứng cử viên nữ vào vị trí Chủ tịch Quốc hội. Ông nghĩ gì về điều này?

- Đây là dấu ấn đầu tiên, có thể là tiền lệ tích cực, nhưng tiền lệ này rất đáng mừng. Nhưng tôi lưu ý rằng, nhìn ra thế giới thì nữ làm Thủ tướng, Tổng thống, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng có từ lâu rồi.

+ Về việc bỏ phiếu khi tiến hành bầu các chức danh này thì thế nào, thưa ông?

- Bỏ phiếu lần này chúng ta phải làm nghiêm túc, được giám sát. Chắc chắn là bỏ phiếu kín, làm theo đúng thủ tục, quy trình chúng ta đã làm nhiều lần.

+ Còn tỷ lệ bầu thì có được công khai?

- Tôi nghĩ là nên công khai, vừa để cho mọi người biết, vừa nhắc nhở công việc tiếp theo của các vị trúng cử.

+ Sau khi được bầu, Chủ tịch Quốc hội, Chủ tịch nước, Thủ tướng Chính phủ sẽ tuyên thệ. Ông đánh giá như thế nào về việc này?

- Ý kiến tuyên thệ thì tôi là một trong những người sớm phát biểu trước Quốc hội. Từ lịch sử xa xưa trong truyền thuyết các vua Hùng cũng đã có tuyên thệ.

Gần hơn, trước khi kết thúc Quốc dân Đại hội Tân Trào, Quốc hội đầu tiên, Chính phủ đầu tiên của chúng ta cũng có tuyên thệ.

Thế giới đã quá phổ biến thì sao mình không tuyên thệ? Hơn nữa, đảng viên tuyên thệ được thì sao các quan chức không tuyên thệ được?

Lần này đưa vào Hiến pháp là điều rất đáng mừng. Chúng ta tin rằng, 1 người phàm đã tuyên thệ thì chắc chắn ý chí thực hiện lời thề của mình cao hơn không tuyên thệ.

“Từ chức không thuần tuý là hành vi tiêu cực”

+ Khi bầu các vị trí lãnh đạo chủ chốt, các vị ĐBQH sẽ thể hiện vai trò, trách nhiệm của mình như thế nào?

- Trước hết, phải thực hiện đúng luật, không coi đây là vấn đề hình thức. Chúng ta hoàn toàn có quyền giám sát tính chân thật, tính chính xác của những dữ liệu liên quan đến nhân vật ấy và căn cứ vào tiêu chuẩn, kể cả sự tín nhiệm mà chúng ta cảm nhận được trong xã hội, trong quá trình những vị ấy hoạt động.

Tuy nhiên, lần này có thể nói là lần đầu tiên nhiều gương mặt mới được đặt vào vị trí mới, làm cho mọi người hy vọng.

Chúng ta đã trải qua công tác tổng kết, kể cả trách nhiệm cá nhân lẫn bộ máy tổ chức trong bộ máy Nhà nước. Từ đó, đã để lại nhiều bài học, nhiều di sản, kể cả tích cực lẫn không tích cực, đòi hỏi người kế nhiệm phải gánh vác nó.

Tôi nghĩ đây chính là cơ hội để các vị đặt vào vị trí mới thể hiện năng lực của mình. Năng lực ấy có cả yếu tố đổi mới, khác trước.

+ Khi thảo luận các báo cáo nhiệm kỳ, có ý kiến cho rằng, Quốc hội còn nhiều món nợ với dân?

- Đương nhiên, nói món nợ của Quốc hội với dân là thể hiện trách nhiệm, đòi hỏi không những người lãnh đạo Quốc hội mà còn cá nhân mỗi ĐBQH phải phấn đấu hơn nữa. Nhưng cũng phải có cơ chế và môi trường hoạt động.

Ví dụ từ 1 ĐBQH không chuyên trách như tôi không nằm ở địa bàn mình bầu ra, nhiều khi xấu hổ thật, mỗi năm chỉ tiếp xúc cử tri theo lịch 4 lần, xuân thu nhị kỳ, cố gắng lắm thì cũng chỉ 6 lần/năm.

14 năm tôi làm ĐBQH cũng chưa tiếp xúc hết với những cử tri đã bầu ra mình, là điều hạn chế, thể hiện tính cần dân, gần dân thu thập ý kiến của dân.

Phải từng bước làm thay đổi yếu tố, trong đó phải hướng tới thông lệ quốc tế, đừng coi trọng quá tính đặc thù vì cơ chế dân chủ đương nhiên có văn hóa, lịch sử nhưng cũng có tính cơ chế đảm bảo cho nền dân chủ minh bạch, phát huy hiệu quả.

+ Theo ông, nhiệm kỳ mới cần làm gì để đáp ứng kỳ vọng của người dân?

- Có 2 yếu tố: Cơ chế và con người. Cơ chế nào cũng thông con người thực hiện. Đối với tồn tại thì cần khắc phục!

Nếu ta phân tích đến cùng tất cả tồn tại có nguyên nhân gì, thì thấy một trong những nguyên nhân căn bản là tính trách nhiệm cá nhân chưa được thể hiện rõ kể cả trong cơ chế và con người.

Mong nhiệm kỳ tới sẽ hoàn thiện hơn cơ chế về mặt pháp lý, trách nhiệm cá nhân. Mỗi vị cán bộ ở cương vị của mình, đặc biệt cương vị cao cấp thể hiện trách nhiệm cá nhân. Trách nhiệm ấy thể hiện anh thực hiện hết quyền năng của mình được Luật quy định như cách chức người không xứng đáng.

Hiện nay tình trạng luật pháp không đi vào đời sống bởi vì cơ quan hành pháp, thực thi pháp luật không làm hết trách nhiệm của mình, không bị xử lý. Bản thân các vị quan chức các cấp cũng phải nghĩ đến văn hóa từ chức nếu mình không thực thi được.

Ngay việc hiện nay một số vị từ nhiệm trước nhiệm kỳ, thể hiện văn hóa của mình, tự rời chức vụ vì trách nhiệm chung. Đó là thứ từ chức, được người dân chia sẻ, tôn vinh. Từ chức không thuần túy là hành vi tiêu cực.

Tôi nghĩ, đây chính là cơ hội làm cho nhận thức xã hội cho đến xây dựng cơ chế chính trị và quan trọng nhất là trong ý thức người gánh vác trách nhiệm cũng thay đổi theo sự phát triển.

+ Xin trân trọng cảm ơn ông!

Thảo Nguyên

Ý kiến bình luận:

Ý kiến của bạn sẽ được xét duyệt khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.

Hiện chưa có bình luận nào, hãy trở thành người đầu tiên bình luận cho bài biết này!

Tin cùng chuyên mục

Tin mới nhất

Xem thêm