Ca khúc: Tự hào người làm báo Thanh tra

Theo dõi Báo Thanh tra trên

Đầu tư công chưa hiệu quả: Bộ trưởng phân trần do “nể nang”

Thứ tư, 14/06/2017 - 22:45

(Thanh tra) - Chiều 14/6, đăng đàn trả lời chất vấn, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng nhận trách nhiệm chưa nghiêm túc, còn nể nang, chia sẻ với khó khăn của các bộ, ngành nhiều hơn nên đầu tư công chưa hiệu quả…

Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng

50 ĐBQH đăng ký chất vấn Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng

Là người đầu tiên chất vấn, đại biểu (ĐB) Phạm Đình Cúc (Bà Rịa - Vũng Tàu) nêu, nhiều dự án được đầu tư từ ngân sách chưa hiệu quả. Việc giao kế hoạch đầu tư vốn thường chậm dẫn đến giải ngân chậm, làm giảm hiệu quả sử dụng vốn.

“Nguyên nhân chậm giải ngân vốn từ đâu? Trách nhiệm của Bộ Kế hoạch Đầu tư và cần có giải pháp gì?”, ĐB Cúc hỏi.

Cách trả lời rất giống Bộ trưởng Bộ Kế hoạch Đầu tư cách đây 3 nhiệm kỳ?
ĐBQH Nguyễn Thị Kim Thúy (TP Đà Nẵng) đặt vấn đề, trong báo cáo “nội dung trả lời chất vấn tại Kỳ họp thứ 3”, Bộ Kế hoạch Đầu tư có nêu trách nhiệm của các bộ, ngành, địa phương trong việc thực hiện các dự án đầu tư dài 7 trang, riêng trách nhiệm của Bộ có 1 trang nhưng chủ yếu trích dẫn văn bản quy phạm pháp luật.
“Những văn bản này ĐBQH hoàn toàn có thể tra cứu được. Vấn đề ĐB đặt ra là trách nhiệm của các bộ, ngành, địa phương thế nào thì Bộ trưởng không nêu. Tôi thấy cách trả lời của Bộ trưởng rất giống cách trả lời của Bộ trưởng Bộ Kế hoạch Đầu tư cách đây 3 nhiệm kỳ. Khi đó, ĐBQH khóa XI Nguyễn Ngọc Trân đã phải nhận xét trước hội trường là “Bộ trưởng đã đưa ra cả một rừng luật nhưng không thấy trách nhiệm của Bộ trưởng ở đâu”. Tôi đề nghị Bộ trưởng khẳng định trách nhiệm của Bộ mình trong việc thực hiện các dự án trọng điểm quốc gia thế nào và có cam kết gì để khắc phục hạn chế”, ĐB Thúy chất vấn.
Nội dung này, sẽ được Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng trả lời trong phiên họp sáng ngày 15/6.

Quan tâm đến việc thu hút vốn đầu tư nước ngoài, ĐB Trần Hoàng Ngân (TP Hồ Chí Minh) nêu, khu vực có vốn đầu tư nước ngoài có đóng góp nhất định với sự phát triển kinh tế, cụ thể là đóng góp 18% GDP, 23% tổng vốn đầu tư xã hội, 50% giá trị sản xuất công nghiệp… Tuy nhiên, lĩnh vực này còn nhiều tồn tại như ô nhiễm môi trường, trốn thuế, chuyển giá, chuyển giao công nghệ còn khiêm tốn, chủ yếu là gia công…

“Chính phủ có giải pháp đồng bộ như thế nào để khắc phục những tồn tại như trên nhưng vẫn thu hút được nhà đầu tư nước ngoài với công nghệ tiên tiến, hiện đại, thân thiện với môi trường?”, ĐB Ngân hỏi.

Duyệt dự án vượt quá khả năng thu xếp vốn rất lớn

Trả lời chất vấn, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng thừa nhận, thời gian trước đây do hệ thống pháp luật của ta chưa chặt chẽ nên hiệu quả quản lý và sử dụng vốn đầu tư công chưa được đảm bảo.

“Từ đó, dẫn đến đầu tư dàn trải, nợ đọng xây dựng cơ bản lớn, các dự án chúng ta phê duyệt vượt quá khả năng thu xếp vốn rất lớn, thường gấp 3 lần khả năng thu xếp vốn. Thực tế này diễn ra trong thời gian dài vừa qua”, Bộ trưởng nói.

Để khắc phục tình trạng này, Luật Đầu tư công đã được ban hành để giảm đầu tư dàn trải với các quy trình từ lựa chọn dự án, phê duyệt đến thẩm định dự án chặt chẽ hơn để kiếm soát các dự án, tránh dàn trải và nợ đọng xây dựng cơ bản.

Nhưng thực tế thực hiện luật này, vẫn còn những dự án bố trí không được tập trung.  

Theo Bộ trưởng, là do nhu cầu về đầu tư phát triển của từng ngành, từng địa phương trong 5 năm rất lớn, trong khi khả năng thu xếp vốn của ta thấp hơn nên việc bố trí, phân bổ của các bộ, ngành, địa phương chưa được tập trung.

Cho nên, cần có giải pháp khắc phục.

Người đứng đầu ngành Kế hoạch Đầu tư kiến nghị, tiếp tục triển khai đồng bộ chủ trương tái cơ cấu đầu tư. Các cấp, các ngành thực hiện nghiêm túc các quy định của pháp luật đầu tư công.

“Từ khâu lựa chọn, thẩm định, phê duyệt dự án, đến các thủ tục trình tự thực hiện nghiêm túc; triển khai đồng bộ các quy định này và hoàn thiện về các tiêu chuẩn định mức về xây dựng”, ông Dũng cho biết, hiện việc xây dựng tổng mức đầu tư dự án có chưa sát thực tế nên hiệu quả chưa cao.

“Hứa” thực hiện nghiêm Luật Đầu tư công

Về vấn đề giao vốn hàng năm chậm, Bộ trưởng cho biết, đây là năm đầu tiên thực hiện Luật Đầu tư công với mục tiêu là kiểm soát chặt chẽ các dự án, các quy trình nhiều hơn, chặt chẽ hơn, các cơ quan tham gia lồng ghép nhiều hơn nên các bộ ngành, địa phương còn lúng túng.

Trong khi việc hướng dẫn của các bộ, ngành, trong đó có Bộ Kế hoạch Đầu tư chưa kịp thời, còn có cách hiểu khác nhau.

Bộ trưởng nói tiếp, cũng chính từ nhu cầu lớn, khả năng cân đối vốn hạn chế, nên phải “co kéo”, điều chỉnh các phương án khác nhau dẫn đến giao vốn chậm, giải ngân chậm, ảnh hưởng đến hiệu quả dự án.

“Chúng tôi xin nhận trách nhiệm chưa nghiêm túc, còn nể nang, chia sẻ với khó khăn của các bộ ngành nhiều hơn”, ông Nguyễn Chí Dũng hứa với Quốc hội làm sao vẫn phải thực hiện nghiêm túc Luật Đầu tư công, vẫn tạo điều kiện cho các địa phương thực hiện nhiệm vụ.

Trả lời chất vấn của ĐB Ngân, theo Bộ trưởng, việc thu hút đầu tư nước ngoài đúng như ĐB nói còn những hạn chế.

“Tuy nhiên, không phải vì vậy mà không thu hút đầu tư. Vì trong tổng đầu tư toàn xã hội tới đây, đầu tư của Nhà nước còn khó khăn, hạn hẹp, nên chúng ta phải dựa vào đầu tư của nước ngoài, tư nhân”, Bộ trưởng nhấn mạnh.

Theo ông, chính sách, định hướng tới đây vẫn phải tiếp tục thu hút đầu tư nước ngoài, nhưng hướng đến công nghệ cao, công nghệ mới, ít sử dụng tài nguyên, ít sử dụng năng lượng.

“Chúng ta không vì thu hút đầu tư nước ngoài mà lãng phí tài nguyên, làm ảnh hưởng đến môi trường”, Bộ trưởng cho biết, sẽ có chính sách chống chuyển giá, thúc đẩy ứng dụng công nghệ cao….      

Thảo Nguyên

Ý kiến bình luận:

Ý kiến của bạn sẽ được xét duyệt khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.

Hiện chưa có bình luận nào, hãy trở thành người đầu tiên bình luận cho bài biết này!

Tin cùng chuyên mục

Sơn La thông qua phương án hợp nhất Sở Lao động, Thương binh và Xã hội với Sở Nội vụ

Sơn La thông qua phương án hợp nhất Sở Lao động, Thương binh và Xã hội với Sở Nội vụ

(Thanh tra) - Ngày 14/12, bà Tráng Thị Xuân, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Sơn La chủ trì cuộc họp cùng lãnh đạo các Sở Lao động - Thương binh và Xã hội, Y tế, Giáo dục và Đào tạo, Nội vụ và Ban Dân tộc nhằm thống nhất phương án sắp xếp tổ chức bộ máy của một số cơ quan, đơn vị của tỉnh.

Trần Kiên

19:34 14/12/2024

Tin mới nhất

Xem thêm