Ca khúc: Tự hào người làm báo Thanh tra

Theo dõi Báo Thanh tra trên

Đầu mối quản lý nợ công: “Vẫn cũ, thậm chí thụt lùi”

Thứ tư, 13/09/2017 - 10:22

(Thanh tra) - Tại phiên họp Ủy ban Thường vụ Quốc hội chiều 12/9, cho ý kiến vào Dự án Luật Quản lý nợ công (sửa đổi), Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân nhấn mạnh: "Tôi thấy Bộ trưởng Bộ Tài chính không tiếp thu gì. Nội dung vẫn như cũ, thậm chí còn thụt lùi".

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân. Ảnh: TN

Quy định về chức năng, nhiệm vụ của các cơ quan trong quản lý nợ công là vấn đề đã được tranh luận rất nhiều, song chưa thể đi đến thống nhất tại nhiều phiên thảo luận của Ủy ban Thường vụ Quốc hội và Quốc hội.

“Không đồng ý với bản giải trình”

Theo báo cáo của Ủy ban Tài chính Ngân sách, Chính phủ đã giải trình và đề nghị quy định theo hướng: Chính phủ thống nhất quản lý về nợ công, các Bộ, cơ quan ngang Bộ thực hiện nhiệm vụ quản lý nợ công theo phân công của Chính phủ.

Thường trực Ủy ban Tài chính Ngân sách cho rằng, việc quy định thống nhất đầu mối quản lý nợ công là cần thiết nhằm đảm bảo thực hiện đúng tinh thần Nghị quyết số 07-NQ/TW về chủ trương, giải pháp cơ cấu lại ngân sách Nhà nước, quản lý nợ công để bảo đảm nền tài chính quốc gia an toàn, bền vững.

“Luật Quản lý nợ công (sửa đổi) cần quán triệt và thể chế hóa đầy đủ chủ trương của Bộ Chính trị để thống nhất quản lý vay nợ cả trong nước và nước ngoài, khắc phục tình trạng quản lý phân tán, phối hợp chưa chặt chẽ, dẫn đến công tác theo dõi, tổng hợp báo cáo, quyết toán, thống kê, đặc biệt việc xác định trách nhiệm vay, trả nợ, đánh giá hiệu quả sử dụng vốn vay còn khó khăn, chưa gắn trách nhiệm vay nợ với trách nhiệm quản lý ngân sách Nhà nước và trả nợ công”, ông Nguyễn Đức Hải, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính Ngân sách nói.

Đa số ý kiến trong Thường trực Ủy ban thẩm tra đề nghị luật cần quy định rõ, Chính phủ thống nhất quản lý Nhà nước về nợ công, giao một cơ quan làm đầu mối giúp Chính phủ thống nhất quản lý Nhà nước về nợ công theo hướng giao Bộ Tài chính làm cơ quan đầu mối và quy định cụ thể nhiệm vụ, quyền hạn, trách nhiệm của Bộ trong quản lý nợ công. Chính phủ phân công nhiệm vụ đối với các Bộ, ngành có liên quan trong việc phối hợp với Bộ Tài chính trong quản lý nợ công.

Cho ý kiến, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân đặt vấn đề, trước đây bị phê bình là “luật khung, luật ống”, không cụ thể nên khó thực hiện. Sau này rút kinh nghiệm, phải quy định ai làm gì, chịu trách nhiệm thế nào.

“Nay đọc dự thảo này, tôi thấy Bộ trưởng Bộ Tài chính không tiếp thu gì. Nội dung vẫn như cũ, thậm chí còn thụt lùi. Tôi thống nhất ý kiến của đa số Ủy ban Tài chính Ngân sách. Tôi không đồng ý bản giải trình của Chính phủ”, Chủ tịch Quốc hội nói.

Không cân đối được nợ công do “cắt khúc”

Theo Chủ nhiệm Uỷ ban Quốc phòng An ninh Võ Trọng Việt, thu gọn đầu mối quản lý nợ công là vấn đề lớn, không chỉ tác động về cơ chế, bộ máy mà còn tác động đến tâm tư tình cảm của cán bộ nên cần thận trọng.

“Tại sao đến nay Chính phủ vẫn chỉ giữ 1 phương án, trong khi từ trước đến nay đối với vấn đề khó Chính phủ luôn trình hai phương án. Tôi thấy cần phải đánh giá tính ưu nhược của việc nhập lại một đầu mối, hay giữ nguyên như hiện nay. Tổ chức mới là cấp gì, biên chế thế nào, có hơn hiện nay không, hiệu quả thế nào?”, ông Việt đề nghị, Chính phủ nên đưa hai phương án, báo cáo Bộ Chính trị quyết.

“Không phải là lập cơ quan mới”, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân phản hồi lại và cho hay, Bộ Chính trị đã giao nhiệm vụ một việc không để nhiều Bộ làm. Có nghĩa là không thành lập cơ quan mới, tổ chức mới.

“Hai, ba chỗ đi vay, một chỗ chia tiền, một chỗ đi trả nợ. Bất hợp lý là ở đây, chúng ta cần sửa chỗ này”, Chủ tịch Quốc hội nói và nhấn mạnh thêm, “vừa qua, nợ công không cân đối được là do chúng ta cứ "cắt khúc" về quản lý nợ công, không có đầu mối quản lý. Cứ tới hạn, đụng trần, lại phải đảo nợ, đi vay để trả nợ”. 

Chung quan điểm, Tổng Thư ký Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc cho rằng hiện ba cơ quan cùng giải quyết vấn đề nợ công nên rất vướng rất khó.

“Một việc giao ba người, không hiệu quả, làm sao gọi là cải cách hành chính. Thu gọn một đầu mối quản lý nợ công có thể động chạm, có thể các cơ quan không vui vẻ, nhưng đây không phải là việc của anh, của tôi, mà phải vì lợi ích chung”, ông Phúc nhìn nhận. 

Theo quy định hiện hành, nội dung quản lý Nhà nước về nợ công bao gồm 11 nhóm nhiệm vụ được thể hiện tại Điều 4 Luật Quản lý nợ công, trách nhiệm quản lý nợ công được giao cho 3 cơ quan, cụ thể:

- Bộ Kế hoạch và Đầu tư: Chủ trì giúp Chính phủ quản lý thống nhất về vốn ODA, vay ưu đãi: xây dựng danh mục yêu cầu tài trợ từ nguồn vốn vay ODA; tổ chức vận động, điều phối nguồn, vay ưu đãi; đàm phán, ký kết điều ước quốc tế khung; thẩm định nguồn vốn vay ODA, vay ưu đãi, vốn đối ứng và khả năng cân đối; tổng hợp, phân bổ vốn đầu tư cho các chương trình, dự án sử dụng vốn vay ODA, vay ưu đãi trung hạn 5 năm và hàng năm.

- Ngân hàng Nhà nước Việt Nam: Chủ trì chuẩn bị nội dung đàm phán với các tổ chức tài chính quốc tế (Quỹ Tiền tệ Quốc tế, Ngân hàng Thế giới, Ngân hàng Phát triển Châu Á...) và là đại diện chính thức của bên vay tại các tổ chức này.

- Bộ Tài chính: Giúp Chính phủ thống nhất quản lý Nhà nước về nợ công; chủ trì huy động toàn bộ vốn vay trong nước; đàm phán, ký kết các hiệp định vay cụ thể vốn ngoài nước, trừ các hiệp định vay với các tổ chức tài chính quốc tế do Ngân hàng Nhà nước Việt Nam chủ trì đàm phán; giải ngân, kế toán, quyết toán; và cân đối nguồn vốn trả nợ.

Thảo Nguyên

Ý kiến bình luận:

Ý kiến của bạn sẽ được xét duyệt khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.

Hiện chưa có bình luận nào, hãy trở thành người đầu tiên bình luận cho bài biết này!

Tin cùng chuyên mục

Hà Giang: Tỷ lệ tinh giảm biên chế giai đoạn 2016-2021 giảm 10%

Hà Giang: Tỷ lệ tinh giảm biên chế giai đoạn 2016-2021 giảm 10%

(Thanh tra) - Chiều 13/12, Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh Hà Giang khóa XVII, nhiệm kỳ 2020 – 2025 tổ chức Hội nghị lần thứ 28 để tổng kết Nghị quyết 18-NQ/TW ngày 25/10/2017 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa VII về “Tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả”.

Bùi Bình

19:37 13/12/2024

Tin mới nhất

Xem thêm