Ca khúc: Tự hào người làm báo Thanh tra

Theo dõi Báo Thanh tra trên

“Dân quan tâm nhất là có thu hồi được tài sản tham nhũng không?”

Thứ hai, 10/09/2018 - 18:31

(Thanh tra)- “Người dân không cần biết ông đó bị tù bao nhiêu năm mà chỉ muốn biết là vụ án tham nhũng đó đã thu hồi được tài sản chưa và thu hồi được bao nhiêu. Tôi đi tiếp xúc cử tri, người dân đều nói như vậy. Người dân quan tâm nhất là có thu hồi được tài sản tham nhũng không?”, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân phát biểu.

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân phát biểu tại phiên họp thứ 27 của UBTVQH

Ngày 10/9, Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) cho ý kiến (lần 3) về một số vấn đề còn ý kiến khác nhau của dự án Luật Phòng, chống tham nhũng (PCTN - sửa đổi). Tại đây, câu chuyện xử lý tài sản, thu nhập tăng thêm không giải trình được hợp lý về nguồn gốc tiếp tục có nhiều ý kiến khác nhau.

Giải quyết tại tòa hay thu thuế đều có ưu, nhược điểm

Trình bày báo cáo, theo Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Lê Thị Nga, phương án 1 - thu hồi thông qua thủ tục xem xét, giải quyết tại Tòa án (TA) và phương án 2 - thu thuế thu nhập cá nhân đều có ưu điểm, nhược điểm.

Cụ thể, phương án 1 thể hiện được thái độ mạnh mẽ của Nhà nước, giải quyết được những vướng mắc trong kiểm soát tài sản, thu nhập và không mâu thuẫn với quy định của pháp luật hiện hành về trách nhiệm chứng minh.“Việc giao cho T

A xem xét, quyết định về tính hợp lý của việc giải trình bảo đảm được tính khách quan, minh bạch và quyền lợi của các bên. Đây cũng là hình thức xử lý mà nhiều nước trên thế giới đang áp dụng”, bà Nga nói.

Thủ tục giải quyết sẽ áp dụng tương tự như trình tự, thủ tục xem xét, quyết định các biện pháp xử lý hành chính và phiên họp có sự tham gia của Luật sư, người bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của các bên, bảo đảm dân chủ, thận trọng, khách quan, các bên có quyền khiếu nại quyết định giải quyết của TA. Tuy nhiên, UBTVQH phải ban hành Pháp lệnh quy định về trình tự, thủ tục giải quyết cũng như việc thi hành thì phán quyết của TA mới thi hành được.

Còn phương án 2, thể hiện thái độ rõ ràng của Nhà nước bằng công cụ kinh tế (thuế) nên thời gian xử lý ngắn hơn, hạn chế được tâm lý nặng nề đối với người có nghĩa vụ kê khai so với việc xử lý thông qua con đường TA.

Việc thu thuế cũng không loại trừ trách nhiệm hình sự, trách nhiệm hành chính và thu hồi tài sản nếu sau đó Nhà nước chứng minh được tài sản này do phạm tội, vi phạm pháp luật mà có. Trong trường hợp người có nghĩa vụ kê khai không đồng tình với quyết định thu thuế thì họ vẫn có thể khiếu nại hoặc khởi kiện ra Tòa hành chính để giải quyết.

Nhược điểm là chưa thể hiện được thái độ thật nghiêm khắc của Nhà nước trong xử lý tài sản, thu nhập có dấu hiệu không minh bạch trong PCTN, có thể dẫn đến việc trùng lặp trong thu thuế hoặc bỏ lọt hành vi phạm tội trốn thuế.

“Phương án này chưa bảo đảm đầy đủ quyền được bảo vệ tài sản, thu nhập của người có nghĩa vụ kê khai thông qua thủ tục tố tụng tư pháp có tranh tụng công khai tại TA. Theo phương án này sẽ phải sửa đổi Luật Thuế thu nhập cá nhân để bổ sung thu nhập chịu thuế và thuế suất. Quy định về thuế suất 45% như dự thảo Luật do Chính phủ trình cần được đánh giá tác động, nghiên cứu đầy đủ để đưa ra mức thuế phù hợp với thực tiễn”, bà Nga cho biết.

Băn khoăn tính khả thi

Sau khi cân nhắc kỹ các ưu điểm, nhược điểm của từng phương án, Ủy ban Tư pháp và Cơ quan trình dự án đề nghị lựa chọn phương án 1 vì có nhiều ưu điểm vượt trội hơn so với các phương án khác.

Bày tỏ quan điểm đồng tình với đề nghị trên, nhưng Tổng Thư ký QH Nguyễn Hạnh Phúc lại băn khoăn về tính khả thi. “Phương án 1 hay rồi, tôi tin cử tri cũng hoan nghênh. Tuy nhiên, cơ quan kiểm soát tài sản theo dự thảo luật quy định thì không biết có thực hiện được không”, ông Phúc nêu.

Theo Tổng thư ký QH, với cơ quan kiêm nhiệm thì xử lý rất khó vì trước các kỳ đại hội, bầu cử, đơn thư tố cáo (chủ yếu liên quan đến kê khai tài sản) tăng rất nhiều. Chưa kể, cấp dưới chuyển yêu cầu đưa cấp trên ra tòa TA để xử lý về tài sản là khó chứ không dễ.

“Chẳng hạn, Ban Công tác đại biểu mà kiểm soát tài sản của các đồng chí Thường trực ủy ban, các đồng chí Thường vụ Quốc hội thì có ký chuyển hồ sơ ra tòa không?”, ông Phúc  ví dụ và đề xuất, thành lập một cơ quan kiểm soát tài sản độc lập để kiểm soát tài sản của những người giữ chức vụ từ tổng cục trưởng trở lên, còn tổng cục phó trở xuống thì giao cho các cơ quan như hiện nay.

Còn theo Chủ tịch Hội đồng Dân tộc Hà Ngọc Chiến, dự thảo luật chưa quy định thế nào là hợp lý trong giải trình tài sản, thu nhập tăng thêm nên nếu kéo nhau ra tòa thì không thể giải quyết được. Ông Chiến đề nghị, phải lấy ý kiến của các cơ quan kiểm soát TA, cũng như TA xem các đơn vị này có thể thực hiện được phương án 1 hay không?

Trong khi đó, Chủ nhiệm Uỷ ban Đối ngoại Nguyễn Văn Giàu cho rằng, đây là vấn đề rất khó, vì vậy nên xin ý kiến Ban Chấp hành Trung ương Đảng, trên cơ sở đó triển khai để bảo đảm tính thống nhất cao.  “Chúng ta đưa phương án này, phương án kia, rồi tính khả thì không biết lúc nào mới xong”, ông Giàu nói và mong muốn, trở lại vấn đề gốc là kiểm soát dòng tiền và tài sản.

Trước nhiều ý kiến băn khoăn, Chủ nhiệm Lê Thị Nga lý giải, trong xử lý tài sản để PCTN, quan điểm của Đảng, Nhà nước là không phân biệt vị thế, chức vụ, quyền hạn.

“Luật đã giao cho cơ quan nào đó đứng ra khởi kiện thì phải làm. Hiện nay cũng có việc TA cấp huyện đi xử TA cấp tỉnh trong trường hợp oan sai. Đúng là tâm lý có như thế, nhưng giao thì phải làm”, bà Nga nói và đề nghị, các ủy viên TVQH cho ý kiến cụ thể để tiếp thu, thiết kế phương án, nếu không sẽ rất khó cho cơ quan thẩm tra, cơ quan chủ trì soạn thảo.

Đồng tình “quan điểm phải rõ ràng, khoản nào, điều nào, chứ không nói chung chung nữa”, Phó Chủ tịch QH Phùng Quốc Hiển cho hay, ông chọn phương án thu thuế thu nhập cá nhân.

Theo ông Hiển, nếu không giải trình hợp lý thì chuyển cho cơ quan thuế yêu cầu nộp thuế 1 lần và phạt việc trốn thuế, nộp chậm. Ông tính toán, chọn mức thuế hiện cao nhất là 35%, phạt thêm 3 lần nữa là 115%, như vậy tổng là 145% rồi cộng thêm ngày chậm nộp nữa.

“Cứ luật thuế mà nộp, có khi vượt quá số tài sản mà anh không chịu kê khai”, ông Hiển nói và cho rằng, việc chuyển hồ sơ sang tòa giải quyết thì thủ tục rườm rà, phức tạp.

Một số cán bộ có tài sản rất lớn, không giải trình được nguồn gốc

Đi cùng với đó, là mặt “phòng” trong luật cần làm nổi bật hơn. “Ví dụ, thanh toán không dùng tiền mặt. Tất cả các khoản chi từ 500 nghìn đồng trở lên là phải thanh toán không dùng tiền mặt. Như vậy, nếu ông tham nhũng có tiền trong nhà cũng không tiêu nổi”, Phó Chủ tịch QH nêu.

Chủ tịch QH Nguyễn Thị Kim Ngân nhấn mạnh, với tài sản do tham nhũng mà có, theo Luật PCTN hiện hành và dự thảo luật đều quy định rõ là tịch thu. Riêng với tài sản tăng thêm mà người có nghĩa vụ kê khai không giải trình được một cách hợp lý về nguồn gốc thì đến nay pháp luật chưa có quy định để xử lý trong khi không loại trừ những tài sản này có nguồn gốc bất hợp pháp.

Theo Chủ tịch QH, thực tế xử lý các trường hợp vi phạm nghĩa vụ kê khai và giải trình nguồn gốc tài sản tăng thêm thời gian qua cho thấy, có một số cán bộ công chức, viên chức có tài sản rất lớn nhưng không giải trình được hợp lý về nguồn gốc. Nhà nước cũng chưa có cơ sở pháp lý nào để xử lý vấn đề này.

Do đó, Chủ tịch QH nêu, quy định xử lý vấn đề này trong dự luật lần này là cần thiết để nâng cao hiệu quả công tác PCTN, phù hợp với xu thế chung.

“Người dân không cần biết ông đó bị tù bao nhiêu năm mà chỉ muốn biết là vụ án tham nhũng đó đã thu hồi được tài sản chưa và thu hồi được bao nhiêu. Tôi đi tiếp xúc cử tri, người dân đều nói như vậy. Người dân quan tâm nhất là có thu hồi được tài sản tham nhũng không?”, bà Nguyễn Thị Kim Ngân nhấn mạnh.

Tuy nhiên, bà Nguyễn Thị Kim Ngân cũng cho biết, trong xã hội Việt Nam, người dân có truyền thống tích lũy tài sản từ nhiều đời nên việc xử lý vấn đề này cũng phải tính. Thu nhập của công chức thì cũng nhiều nguồn, từ làm thêm giờ, làm thêm với nhiều hình thức… trong khi Nhà nước chưa kiểm soát được thu nhập của toàn xã hội.

Với 2 phương án theo bà Nguyễn Thị Kim Ngân đều có ưu và nhược điểm. Cho nên, sau khi cân nhắc, đề nghị UBTVQH thống nhất báo cáo Bộ Chính trị cả 2 phương án này để Bộ Chính trị xem xét, quyết định. “Còn việc có đưa ra Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương để xin ý kiến không sẽ do Bộ Chính trị quyết định. Nếu Bộ Chính trị thấy đây là vấn đề phức tạp, cần xin ý kiến Trung ương thì sẽ xin ý kiến của Trung ương”, Chủ tịch QH chốt lại.

Hương Giang

Ý kiến bình luận:

Ý kiến của bạn sẽ được xét duyệt khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.

Hiện chưa có bình luận nào, hãy trở thành người đầu tiên bình luận cho bài biết này!

Tin cùng chuyên mục

Sơn La thông qua phương án hợp nhất Sở Lao động, Thương binh và Xã hội với Sở Nội vụ

Sơn La thông qua phương án hợp nhất Sở Lao động, Thương binh và Xã hội với Sở Nội vụ

(Thanh tra) - Ngày 14/12, bà Tráng Thị Xuân, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Sơn La chủ trì cuộc họp cùng lãnh đạo các Sở Lao động - Thương binh và Xã hội, Y tế, Giáo dục và Đào tạo, Nội vụ và Ban Dân tộc nhằm thống nhất phương án sắp xếp tổ chức bộ máy của một số cơ quan, đơn vị của tỉnh.

Trần Kiên

19:34 14/12/2024

Tin mới nhất

Xem thêm