Ca khúc: Tự hào người làm báo Thanh tra

“Đài “phát thanh” gia đình nửa đêm cũng phát thanh, có phải bạo lực gia đình không?”

Hương Giang

Thứ ba, 14/06/2022 - 17:36

(Thanh tra) - Theo đại biểu Quốc hội Phạm Văn Hòa, quy định về các hành vi bạo lực gia đình cần tiếp tục rà soát, nghiên cứu để tránh “thừa, nhưng cũng thiếu”.

Đại biểu Quốc hội Phạm Văn Hòa. Ảnh: Đ.X

Chiều ngày 14/6, Quốc hội thảo luận ở hội trường về Dự án Luật Phòng, chống bạo lực gia đình (sửa đổi).

Hành vi bạo lực gia đình quy định “có thừa, có thiếu”

Nêu ý kiến, đại biểu Phạm Văn Hòa (đoàn Đồng Tháp) đề cập đến quy định về hành vi bạo lực gia đình. Theo đại biểu, dự thảo quy định “có thừa nhưng cũng có thiếu”.

Ông dẫn chứng, trường hợp vợ chồng đã ly hôn nhưng bắt buộc phải chăm sóc cha, mẹ, anh, chị, em ruột của người đã ly hôn là “không hợp lý và không thể thực hiện được”.

Từ đó, đại biểu đoàn Đồng Tháp đề nghị rà soát điều này. “Đài phát thanh thì họ phát thanh có giờ, có giấc. Nhưng đài “phát thanh” gia đình thì phát thanh không giờ, không giấc, thậm chí nửa đêm cũng phát thanh. Tôi nghĩ hành vi như vậy có phải bạo lực gia đình về mặt tinh thần hay không?”, ông Hòa đề nghị ban soạn thảo nghiên cứu”.

Đại biểu Nguyễn Thị Hà (Bắc Ninh) đề nghị bổ sung hành vi bạo lực trên không gian mạng vì hiện nay có những câu chuyện bôi xấu nhau trên mạng khi không vừa lòng nhau. Theo bà Hà, đây cũng là hành vi bạo lực và bạo lực này còn khủng khiếp hơn nội hàm bên trong nội bộ gia đình.

Đại biểu Quốc hội Cao Mạnh Linh (đoàn Thanh Hóa)

Liên quan đến hành vi bạo lực gia đình, đại biểu Cao Mạnh Linh (đoàn Thanh Hóa) thấy có thể chia thành 4 nhóm: Bạo lực về thể chất, bạo lực về tinh thần, bạo lực về kinh tế, bạo lực tình dục.

Theo đại biểu, các nhóm này có tính chất, phương thức thực hiện, mức độ nhận diện hậu quả xảy ra “rất khác nhau”.

“Về nguyên tắc để phòng chống có hiệu quả, bảo đảm tính răn đe thì cần phải có cách thức xử lý, áp dụng các biện pháp phù hợp với từng nhóm hành vi cũng như mức độ nghiêm trọng của từng hành vi”, ông Linh nêu.

Qua nghiên cứu, ông Linh thấy đa số các biện pháp xử lý cơ bản chỉ phù hợp với việc phòng chống các hành vi bạo lực về thể chất chưa thật phù hợp để xử lý các hành vi bạo lực về kinh tế, tinh thần như biện pháp cấm tiếp xúc, bố trí nơi tạm lánh, chăm sóc người bị bạo lực.

Do đó, đại biểu đề nghị cơ quan soạn thảo tiếp tục nghiên cứu, đánh giá để hoàn thiện thêm quy định về các hành vi bạo lực về cơ chế, cách thức xử lý và các biện pháp xử lý cụ thể cho phù hợp với từng loại hành vi mức độ của hành vi.

“Xây dựng gia đình hạnh phúc thì bạo lực gia đình sẽ không tồn tại”

Ở góc độ khác, đại biểu Nguyễn Văn Cảnh (đoàn Bình Định) cho rằng, xã hội mong muốn nhiều hơn là làm sao để xây dựng các gia đình mới hạnh phúc, duy trì hạnh phúc gia đình đang có, hàn gắn các rạn nứt trong hôn nhân và cuối cùng mới là chữa lành các vết thương về thể xác, tinh thần của các thành viên trong gia đình đang có bạo lực.

Từ đó, đại biểu đề nghị Luật Phòng, chống bạo lực gia đình được mở rộng phạm vi và khi được mở rộng thì luật có tên “xây dựng và bảo vệ hạnh phúc gia đình”.

Đại biểu Quốc hội Nguyễn Văn Cảnh (đoàn Bình Định)

Giải thích rõ về đề xuất của mình, theo đại biểu, nhiều người mong có được kinh tế như hiện nay nhưng văn hóa được như xưa.

“Dù không phải ai cũng đang có kinh tế ổn định, đặc biệt là những người lao động phổ thông, nhưng mong mong muốn đó cho thấy phần nào văn hóa thời gian qua có chuyển biến theo hướng tiêu cực, trong đó có văn hóa gia đình”, ông nói.

Ông cũng nhấn mạnh rằng, văn hóa gia đình phải giữ gìn truyền thống tốt đẹp, tiếp thu có chọn lọc văn hóa tốt đẹp của thế giới và áp dụng lối sống văn minh.

Trong đó, giữ gìn truyền thống tốt đẹp thì tổ ấm phải có bàn tay phụ nữ. Bình đẳng không phải là cố gắng để ngang tài ngang sức mà đảm bảo vai trò, cơ hội phát triển và được thụ hưởng như nhau về thành quả.

“Phụ nữ có lúc quên mất sức mạnh lớn nhất và theo mình cả đời đó là sự dịu dàng; đôi khi họ cố gắng thật nhiều để có các năng lực khác nhưng không bù lại được kết quả mà sự dịu dàng mang lại cho gia đình”, đại biểu đoàn Bình Định nêu.

Với văn minh thế giới thì cần bỏ suy nghĩ trọng nam khinh nữ, phải có con trai nối dõi. Văn hóa tốt đẹp của các gia đình trên thế giới thì vợ chồng cần kính trọng lẫn nhau, nói với nhau lời yêu thương, tặng quà trong các dịp quan trọng…

“Cha mẹ nào cũng thương con nhưng người chồng tế nhị sẽ biết quan tâm vợ trước khi quan tâm con để tránh đôi lúc người vợ nghĩ chồng cưới mình về chỉ để sinh con, hay người vợ quan tâm chồng trước khi quan tâm con để người chồng nghĩ nhiều hơn về trách nhiệm của mình đối với gia đình”, ông Cảnh bày tỏ.

Đại biểu đoàn Bình Định nói: Luật mở rộng sẽ quy định cụ thể hơn các biện pháp, làm rõ hơn trách nhiệm của các tổ chức, cá nhân trong việc phát huy quyền bình đẳng giới; nam, nữ được tham gia các lớp tiền hôn nhân về trách nhiệm của vợ, chồng để xây dựng một gia đình hạnh phúc…

“Xây dựng gia đình hạnh phúc thì bạo lực gia đình sẽ không tồn tại”, ông Cảnh nhấn mạnh.

Ý kiến bình luận:

Ý kiến của bạn sẽ được xét duyệt khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.

Hiện chưa có bình luận nào, hãy trở thành người đầu tiên bình luận cho bài biết này!

Tin cùng chuyên mục

Tin mới nhất

Xem thêm