Ca khúc: Tự hào người làm báo Thanh tra

Theo dõi Báo Thanh tra trên

Đại biểu Quốc hội: Đề xuất giảm ít nhất 50% lợi ích từ rút BHXH một lần

Hương Giang

Thứ năm, 02/11/2023 - 21:22

(Thanh tra) - Mức rút bảo hiểm xã hội (BHXH) không phải 50%, mà tương ứng với mức đóng của người lao động, còn khoản người sử dụng lao động đóng sẽ được giữ lại để chi trả lương hưu sau này, theo đề xuất của đại biểu Quốc hội.

Đại biểu Quốc hội Trần Thị Nhị Hà ủng hộ đề xuất giảm lợi ích từ rút BHXH một lần. Ảnh: Đ.X

Chiều ngày 2/11, thảo luận tại tổ về Dự án Luật BHXH sửa đổi, vấn đề rút BHXH một lần được các đại biểu quan tâm, tập trung cho ý kiến.

Đây là vấn đề lớn, hết sức nhạy cảm, phức tạp, Chính phủ trình Quốc hội 2 phương án.

Phương án 1 quy định hưởng BHXH một lần với hai nhóm người lao động khác nhau.

Nhóm 1 là người lao động đã tham gia BHXH trước khi Luật BHXH sửa đổi có hiệu lực (dự kiến 1/7/2025), sau 12 tháng nghỉ việc và chưa đủ 20 năm đóng BHXH, có nhu cầu thì được nhận BHXH một lần.

Nếu người lao động lựa chọn bảo lưu, không nhận BHXH một lần thì sẽ được hưởng các quyền lợi bổ sung như chỉ cần đóng BHXH đủ 15 năm và đủ tuổi nghỉ hưu thì được hưởng lương hưu; hưởng trợ cấp hàng tháng trong trường hợp có thời gian đóng BHXH mà không đủ điều kiện hưởng lương hưu và chưa đủ tuổi hưởng trợ cấp hưu trí xã hội; hưởng BHYT do ngân sách nhà nước đảm bảo trong thời gian hưởng trợ cấp hàng tháng…

Nhóm 2, đối với người lao động bắt đầu tham gia vào BHXH từ khi luật BHXH sửa đổi có hiệu lực, không được nhận BHXH một lần. Chỉ giải quyết hưởng BHXH một lần trong các trường hợp: đủ tuổi hưởng lương hưu mà chưa đủ năm đóng để hưởng lương hưu; ra nước ngoài để định cư hoặc bị mắc một trong những bệnh nguy hiểm đến tính mạng như quy định hiện hành.

Phương án 2, chỉ giải quyết một phần nhưng không quá 50% tổng thời gian đã đóng vào quỹ hưu trí, tử tuất.

Khoản doanh nghiệp đóng nên để lại để có lương hưu

Nêu ý kiến, đại biểu Trần Thị Nhị Hà, Giám đốc Sở Y tế Hà Nội nói, chế độ hưu trí là trụ cột của hệ thống an sinh. “Gia tăng số người lao động rời bỏ hệ thống sẽ tạo ra gánh nặng lớn cho Nhà nước và xã hội trong việc chăm sóc và hỗ trợ nhóm người không có nguồn thu nhập khi về già”, bà Hà lo ngại.

Nhấn mạnh phải có biện pháp để người lao động ở lại hệ thống lâu hơn và tạo điều kiện để họ có đủ điều kiện hưởng lương hưu, bà Hà ủng hộ đề xuất giảm lợi ích từ việc rút BHXH một lần theo phương án 2.

“Tuy nhiên, tôi kiến nghị mức rút BHXH không phải là 50%, mà tương ứng với mức đóng bảo hiểm của người lao động, để người lao động chỉ có thể rút khoản tiền họ đóng vào quỹ, còn khoản tiền mà người sử dụng lao động đóng sẽ được giữ lại để chi trả một phần lương hưu sau này”, bà Hà nói.

Bộ trưởng Tài chính Hồ Đức Phớc thông tin, cơ cấu đóng quỹ BHXH là 25,5%, trong đó, 8% là người lao động đóng còn 17,5% là doanh nghiệp đóng. Với 18% thì có 3% là ốm đau, thai sản, 0,5% là ốm tai nạn, 14% là chế độ hưu trí, tử tuất.

Theo ông Phớc, nên để lại 14% mà doanh nghiệp đóng cho người lao động để giữ lâu dài, còn lại 11,5% thì người lao động muốn rút ra sẽ được rút. Như vậy, người lao động sẽ được rút khoảng gần 46%, còn 54% để lại.

“Tính theo cơ sở khoa học là như vậy, có nghĩa cho anh lấy cả ốm đau, tai nạn, thai sản... còn riêng khoản hưu trí mà doanh nghiệp đóng thì để lại sau này đóng tiếp và hưởng. Theo tôi 46% là hợp lý, còn 50% hỏi cơ sở nào thì không giải thích được”, ông Phớc phân tích.

Thêm nữa, ông Phớc cho rằng, cần quy định thời gian, nếu người lao động không đóng BHXH tiếp thì cho rút hay có phương án nào khác.

“Tức là, khi người lao động rút 46%, để lại 54% hay rút 50% để lại 50% thì sau bao nhiêu năm mà họ không tiếp tục quay trở lại đóng sẽ được rút cả, chứ không lẽ tiền đó lại để BHXH chiếm dụng?”, ông Phớc nói.

Tranh gây “sốc” về chính sách

Khẳng định hưởng BHXH một lần là quyền lợi chính đáng của người tham gia BHXH, nhưng đại biểu Võ Mạnh Sơn (đoàn Thanh Hoá) thấy xu hướng rút BHXH tăng như giai đoạn vừa qua “rất đáng lo ngại”.

Theo ông Sơn, các phương án mà Dự thảo Luật BHXH (sửa đổi) đang thể hiện cơ bản hướng đến việc hạn chế người lao động hưởng BHXH một lần. Mỗi phương án đều có những ưu điểm và nhược điểm nhất định như tờ trình của Chính phủ đã xác định.

Do đó, đoàn Thanh Hóa đề nghị cần có các nhóm giải pháp đồng bộ hơn để hỗ trợ người lao động trong giai đoạn khó khăn trước mắt để họ đảm bảo duy trì cuộc sống, như: Tín dụng ưu đãi, việc làm, dạy nghề, chuyển đổi nghề nghiệp, phát triển thị trường lao động…

Đồng thời, tăng cường các biện pháp tuyên truyền, phổ biến pháp luật, giải đáp thông tin để người lao động biết, hiểu và nâng cao nhận thức về ý nghĩa, vai trò của bảo lưu thời gian đóng BHXH để hưởng chế độ hưu trí về sau.

“Đề nghị Chính phủ nghiên cứu để có lộ trình áp dụng phù hợp để thực hiện các phương án về BHXH một lần, tránh gây “sốc” về chính sách đối với người lao động, có thể khiến người lao động ồ ạt rút BHXH một lần, tiềm ẩn nguy cơ mất ổn định xã hội”, theo lời ông đại biểu Võ Mạnh Sơn.

Theo báo cáo tổng kết Nghị quyết số 93 về việc thực hiện chính sách BHXH một lần với người lao động, trong 7 năm (từ 2016 - 2022) có gần 5 triệu lượt người hưởng BHXH một lần. Trong số này có khoảng gần 1,3 triệu người quay lại tiếp tục tham gia BHXH (chiếm tỷ lệ 26% số lượt người hưởng BHXH một lần).

Như vậy, ước khoảng 3,5 triệu người hưởng BHXH một lần và rời bỏ hoàn toàn hệ thống BHXH (đến thời điểm hiện tại), chiếm hơn 70% số lượt người hưởng BHXH một lần.

Trong số gần 5 triệu lượt người hưởng BHXH một lần, có khoảng 66% có thời gian đóng BHXH dưới 5 năm, nhóm dưới 40 tuổi chiếm 77,5%.

Lý do dẫn tới người lao động rút BHXH một lần chủ yếu do: khó khăn về kinh tế, cần tiền để lo cuộc sống gia đình hoặc để có nguồn lực phát triển kinh tế gia đình; chưa có đầy đủ thông tin nên thiếu tin tưởng vào chính sách và cho rằng, nhận trợ cấp một lần lợi hơn chờ lương hưu; lo lắng sự an toàn của quỹ BHXH… 

Ý kiến bình luận:

Ý kiến của bạn sẽ được xét duyệt khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.

Hiện chưa có bình luận nào, hãy trở thành người đầu tiên bình luận cho bài biết này!

Tin cùng chuyên mục

Tin mới nhất

Xem thêm