Theo dõi Báo Thanh tra trên
Thứ tư, 02/10/2013 - 10:12
(Thanh tra) - Thời gian qua đi, thấm thoắt đã 65 năm truyền thống ngành Kiểm tra của Đảng. Dịp này, tôi có cuộc chuyện với ông Ngô Văn Dụ, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Trung ương Khóa XI.
Ông Ngô Văn Dụ, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Trung ương
Thần thái, thần lực hiển hiện trên đôi mắt, khuôn mặt và thế ngồi của ông.
Sinh ra từ đất Liên Châu ven bãi sông Hồng, huyện lúa Yên Lạc, Vĩnh Phúc, nét chân tình cởi mở vẫn thấm đẫm trong giọng nói, nụ cười, cho dù công luận đó đây bảo ông là chính khách Việt Nam.
Cái lý người ta nói cũng đúng bởi ông tham gia việc dân, việc Đảng từ khi còn rất trẻ. Sinh năm 1947, nhưng giữa năm 1962, ông đã tham gia công tác thanh thiếu niên từ khi còn là học sinh nhà trường. Tuổi 22 (1969) ông được kết nạp vào Đảng. Tốt nghiệp Cử nhân kinh tế Đại học Kinh tế quốc dân, tham gia quân đội trên 10 năm và đã học cao cấp Lý luận chính trị.
Năm 1993, ông giữ chức Phó Chánh Văn phòng Trung ương Đảng.
Năm 2001, được bầu làm Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa IX, giữ chức Chánh Văn phòng Trung ương Đảng. Tái đắc cử Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa X, Đại biểu Quốc hội khoá XII, XIII. Tại Hội nghị lần thứ 9 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa X, ông được bầu bổ sung vào Ban Bí thư Trung ương Đảng.
Đại hội Đảng khóa XI tái đắc cử Ban Chấp hành Trung ương, được bầu làm Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, giữ chức Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Trung ương!
Tôi nhăm nhăm “phỏng vấn” cả lô câu hỏi, nhưng sự cởi mở của ông khiến tôi chuyển thành cuộc chuyện. Chuyện nghề Kiểm tra giữ cho Đảng ta trong sạch. Nhân mạch chuyện, tôi nhắc lại những lời ăm ắp đối nghịch của cụ Nguyễn Khắc Niêm: “Tôn tộc đại quy/ Tôn lộc đại nguy/ Tôn tài đại thịnh/ Tôn nịnh đại suy”. Đó là sự góp kế sách để phục hưng quốc gia trong cuộc triều kiến vua Thành Thái của cụ Nguyễn Khắc Niêm.
Ông bày tỏ sự tán đồng và cho rằng đó quả là những lời thâm thúy, sâu sắc biết bao cho cả chúng ta ở thời hội nhập và phát triển hôm nay. Ngẫm cho cùng, thời nào cũng vậy thôi: “Tôn trọng giống nòi ắt hòa hợp. Tôn trọng bổng lộc ắt đại nguy. Tôn trọng tài năng, ắt đại phồn thịnh. Tôn trọng siểm nịnh, ắt đại suy vong” như ai đó đã phỏng dịch. Câu nói đó vẫn có ý nghĩa trong thời đại hiện nay. Ví như việc chống xu nịnh trong các cơ quan công quyền, trong các cơ quan lãnh đạo cần phải lưu ý. Còn việc suy tôn những người có tài thì đất nước mới hưng thịnh, cái đó chính là quan điểm của Đảng ta. Từ trước tới nay, Đảng ta vẫn cố gắng thu hút nhiều hiền tài cho công cuộc xây dựng đất nước, chỉ có điều việc thực hiện thì chưa được như mong muốn! Ông nhìn. Đôi mắt đong đầy ngẫm ngợi. Tôi hỏi:
- Thành tích nổi trội suốt 65 năm qua của ngành Kiểm tra Đảng là những gì? Thưa ông!
Như cất sẵn trong tâm trí, ông đáp: Qua các thời kỳ cách mạng, kể cả những thời điểm gay go, ác liệt nhất, đội ngũ các thế hệ cán bộ kiểm tra luôn tuyệt đối trung thành và tin tưởng vào sự lãnh đạo của Đảng, có bản lĩnh chính trị vững vàng, đoàn kết, vượt gian khó, chấp hành nghiêm chủ trương, đường lối, chính sách, nghị quyết, chỉ thị của Đảng, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ, góp phần thiết thực vào việc nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của Đảng, xây nên truyền thống vẻ vang: "Tuyệt đối trung thành với Đảng, tận tuỵ với nhiệm vụ, đoàn kết, trung thực, kỷ cương, liêm khiết”. Đó chính là thành tựu nổi trội và bao quát nhất của ngành Kiểm tra Đảng trong 65 năm qua.
Ông phân tích thêm: Công tác kiểm tra, giám sát của Đảng đã bám sát vào mục tiêu, nhiệm vụ chính trị và yêu cầu trong từng giai đoạn cách mạng để góp phần xây dựng Đảng ta ngày càng trong sạch, vững mạnh. Đó vừa là mục tiêu vừa là nhiệm vụ chính trị quan trọng nhất của Uỷ ban Kiểm tra các cấp. Cụ thể hóa mục tiêu đó phụ thuộc vào từng thời kỳ cách mạng, nhiệm vụ chính trị của từng giai đoạn có những đặc điểm và yêu cầu khác nhau. Do đó công tác kiểm tra, giám sát phải xuất phát từ nhiệm vụ chính trị cụ thể.
Ở giai đoạn hiện nay đang nổi lên vấn đề làm sao góp phần chống suy thoái của một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên, đặc biệt là suy thoái về tư tưởng, chính trị và đạo đức lối sống mà NQTƯ 4 đã xác định. Theo tinh thần đó, công tác kiểm tra, giám sát cần chủ động phát hiện, góp phần ngăn chặn tình trạng một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên có suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức lối sống. Đương nhiên giai đoạn đầu là cảnh báo, ngăn chặn thông qua giám sát là chính, còn sau khi đã cảnh báo ngăn chặn mà vẫn còn đảng viên, tổ chức đảng vi phạm thì phải tiến hành kiểm tra khi có dấu hiệu vi phạm, trên cơ sở đó có biện pháp, hình thức xử lý nghiêm minh, khách quan, có lý, có tình. Đồng thời kiểm tra, giám sát cũng còn để phát hiện những nhân tố tích cực trong thực hiện nhiệm vụ chính trị của toàn Đảng nói chung và của từng cấp ủy, tổ chức đảng nói riêng để nhân rộng, lấy cái tích cực lấn át cái tiêu cực. Việc kiểm tra phải được tiến hành một cách khách quan, dân chủ, công khai đối với cả tổ chức đảng và cá nhân cán bộ, đảng viên không phân biệt chức vụ ! Tôi xen vào:
- Ủy ban kiểm tra các cấp, từ Trung ương tới cơ sở đều do Ban Chấp hành bầu. Làm sao Uỷ ban Kiểm tra Trung ương có thể vượt qua “vùng cấm”? Thưa ông!
Cơ chế Đại hội bầu hay Ban Chấp hành Trung ương bầu cũng là vấn đề được thảo luận, góp ý trong nhiều nhiệm kỳ Đại hội Đảng. Căn cứ tình hình thực tế Việt Nam, cho đến giờ Đại hội các nhiệm kỳ vẫn quyết định Uỷ ban Kiểm tra Trung ương do Ban Chấp hành Trung ương bầu và hoạt động theo sự lãnh đạo, chỉ đạo của Ban Chấp hành Trung ương mà trực tiếp và thường xuyên là Bộ Chính trị, Ban Bí thư.
Nhiệm vụ, quyền hạn của Uỷ ban Kiểm tra các cấp được quy định trong Điều lệ Đảng và thực hiện theo quy định của Điều lệ Đảng, không có " vùng cấm" trong Đảng, không có trường hợp ngoại lệ. Cán bộ, đảng viên có dấu hiệu vi phạm đều được xem xét, xử lý bất kể người đó là ai, giữ cương vị gì.
Đồng thời, trong Quy chế làm việc của Uỷ ban Kiểm tra Trung ương vẫn có điều quy định trong những trường hợp khi Uỷ ban Kiểm tra Trung ương có ý kiến khác với ý kiến của cơ quan lãnh đạo, khác với Bộ Chính trị, Ban Bí thư thì được trình Ban Chấp hành Trung ương cả 2 ý kiến khác nhau đó để Ban Chấp hành Trung ương xem xét, quyết định. Mặt khác,
Uỷ ban Kiểm tra Trung ương cũng được giao thẩm quyền quyết định kỷ luật khiển trách hoặc cảnh cáo đối với một số trường hợp cán bộ thuộc diện Bộ Chính trị, Ban Bí thư quản lý nhưng không phải là Ủy viên Trung ương Đảng, để đảm bảo thẩm quyền và trách nhiệm, tính độc lập tương đối của Uỷ ban Kiểm tra Trung ương!
- Nói là vậy. Nhưng thiên hạ cho rằng, kiểm tra vẫn có “vùng cấm”. Ông nghĩ sao?
Đây là vấn đề thuộc quy định của Đảng, của Đại hội. Mọi tổ chức Đảng và đảng viên đều chịu sự kiểm tra, giám sát và kỷ luật Đảng, không có ngoại lệ, càng không có “vùng cấm”.
Quá trình kiểm tra đòi hỏi phải vận dụng thật tốt mối quan hệ giữa tự giác và bắt buộc, lấy tự giác, tự phê bình làm chính; kết hợp với thẩm tra, xác minh làm rõ chứng cứ vi phạm, kết luận khách quan, chính xác, buộc đảng viên và tổ chức đảng phải chấp hành kết luận của tổ chức đảng có thẩm quyền.
Bên cạnh đó, Uỷ ban Kiểm tra cũng coi trọng công tác giáo dục tư tưởng trong công tác kiểm tra, giám sát; khi đối tượng kiểm tra tự phê bình và phê bình yếu, chủ thể kiểm tra phải chủ động làm tốt công tác tư tưởng, vừa động viên thuyết phục, vừa kiên quyết đấu tranh bằng nhiều phương pháp để đối tượng kiểm tra nhận rõ khuyết điểm, vi phạm và tự giác chấp hành. Trong tổ chức thực hiện, lấy hiệu quả kiểm tra, giám sát làm thước đo kết quả hoạt động…Những điều ấy luôn luôn gắn quyện trong tâm thức mỗi cán bộ ngành kiểm tra của chúng tôi.
Tuy nhiên đây đó, bệnh cậy quyền, cậy chức vẫn còn ngự trị trong số ít những người lãnh đạo, nhưng biểu hiện ra lại khá tinh vi, kín đáo. Trong khi đó, những người làm kiểm tra, giám sát cũng có khi còn cả nể, thậm chí cơ hội, chưa dám quyết liệt thực hiện bổn phận và trọng trách mà Đảng tin cậy giao phó cho mình!
- Kỷ niệm 65 năm truyền thống, Uỷ ban Kiểm tra Trung ương sẽ rút ra điều gì sâu sắc nhất và có ý nghĩa nhất để tiếp tục vào trận mới?
Có nhiều vấn đề nhưng tôi nghĩ trước hết là phải tiếp tục nâng cao nhận thức của các cấp ủy, tổ chức đảng về công tác kiểm tra, giám sát của Đảng. Từ tổng kết thực tiễn, Đảng ta khẳng định: “Lãnh đạo mà không kiểm tra thì coi như không có lãnh đạo”! Trên cơ sở nhận thức như vậy phải biến thành hành động cụ thể, tự giác của các cấp ủy và tổ chức đảng từ Trung ương trở xuống, thông qua việc xác định, xây dựng và tổ chức thực hiện các chương trình kiểm tra, giám sát việc thực hiện Cương lĩnh, Điều lệ và nghị quyết của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước từ Trung ương tới cơ sở. Các chương trình kiểm tra, giám sát cần thiết thực, vừa đảm bảo tính toàn diện, đồng thời tập trung vào một số vấn đề then chốt, đặc biệt những vấn đề xã hội quan tâm, nói tắt đi là những vấn đề bức xúc của xã hội tại địa phương, cơ quan, đơn vị.
Mặt khác, để hoàn thành nhiệm vụ được giao, cần tiếp tục xây dựng cho được đội ngũ những người làm công tác kiểm tra, giám sát thực sự có bản lĩnh, có năng lực, trí tuệ, vừa tôn trọng tối đa nguyên tắc tập trung, dân chủ của Đảng; đồng thời sẵn sàng đương đầu với những khó khăn, thách thức, tham gia giải quyết những vấn đề bức xúc của xã hội mặc dù những vấn đề đó trong những trường hợp cụ thể không phải là vấn đề đơn giản vì nó động chạm đến người có chức có quyền.
Nhiệm vụ cách mạng của đất nước chúng ta ngày càng phát triển thì càng có nhiều vấn đề khó và phức tạp, để giải quyết những vấn đề đó, góp phần nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của Đảng, khắc phục sự suy thoái của một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên trong Đảng thì cần có đội ngũ cán bộ tương xứng mới đáp ứng được yêu cầu. Cần coi đây là nhiệm vụ của chính cấp ủy, tổ chức đảng các cấp, trong đó, Uỷ ban Kiểm tra có trách nhiệm trực tiếp. Đó là vấn đề có tính xuyên suốt rất cần được coi trọng!
Không chỉ kiểm tra mà còn phải giám sát. Không chỉ tham mưu giúp việc cho Bộ Chính trị, Ban Bí thư và Ban Chấp hành Trung ương Đảng mà theo quy định, nhiều việc ngành Kiểm tra Đảng phải làm, phải chịu trách nhiệm. Nói cho đúng là phải dám làm, dám chịu trách nhiệm. Việc của ngành nào, bộ nào cũng vậy cả thôi: khó nhiều, dễ ít, lúc nào cũng phải vượt lên.
Cũng như thế, ngành Kiểm tra đâu phải dễ dàng, nó đụng chạm tới con người, vì con người và cho con người. Mà con người ở đây lại là đảng viên, là tổ chức “ở trọng trách quyết định ”, là những cá nhân có chức vị, thậm chí “quyền cao chức trọng”, khi có vấn đề phải kiểm tra, giám sát làm sao không đụng chạm, làm sao không khó khăn. Cho nên bắt buộc cán bộ kiểm tra phải dám làm, dám chịu trách nhiệm.
Công tác kiểm tra, giám sát của Đảng có nội dung và phạm vi rất rộng. Kiểm tra, giám sát là một trong những chức năng lãnh đạo của Đảng, một bộ phận quan trọng trong toàn bộ công tác xây dựng Đảng, là một khâu quan trọng của tổ chức thực hiện, là liều thuốc đặc dụng để chữa trị các căn bệnh đang diễn ra khá nguy hiểm như tham ô, tham nhũng, quan liêu, cửa quyền, chạy chức, chạy tuổi, chạy bằng cấp, bon chen, kèn cựa,…suy thoái phẩm chất đạo đức…mà Nghị quyết T.Ư 4, khóa XI đã đề cập. Cho nên trách nhiệm tối thượng của ngành Kiểm tra Đảng là phải bám thật chắc, thật sát nhiệm vụ chính trị và công tác xây dựng Đảng trong các nhiệm kỳ Đại hội Đảng, phải phát huy được sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị, trong đó có các cơ quan báo chí, sự tham gia ủng hộ của nhân dân trong thực hiện nhiệm vụ.
- “ Nhóm lợi ích” là có thật. Ủy ban Kiểm tra đã làm, đã chỉ danh chỉ diện là những ai và ở đâu chưa?
Nghị quyết T.Ư 4 khóa XI đã đề cập vấn đề này. Lần đầu tiên Đảng ta công khai, thừa nhận có “nhóm lợi ích“. Uỷ ban Kiểm tra Trung ương đã xây dựng đề tài khoa học “Nghiên cứu mối quan hệ không bình thường giữa một bộ phận cán bộ, đảng viên có chức, quyền với doanh nghiệp để trục lợi: Thực trạng và giải pháp phòng, chống thông qua công tác kiểm tra, giám sát của Đảng”.
Biểu hiện của “Nhóm lợi ích” đa dạng trên nhiều lĩnh vực, nghĩa là làm gì, nghĩ gì, quyết sách gì, xuất phát trước tiên cũng vì họ trước đã. Tuy nhiên, dễ cảm nhận, dễ thấy nhất vẫn là trong lĩnh vực kinh tế. Chúng ta ai cũng mong muốn, cá nhân người lãnh đạo, rộng hơn là chính quyền cơ sở gắn bó mật thiết với các doanh nghiệp và ngược lại để thúc đẩy nhanh và bền vững quá trình phát triển kinh tế-xã hội. Nhưng, chúng ta cũng kiên quyết đấu tranh để ngăn chặn và xử lý nghiêm minh đối với những trường hợp sử dụng mối quan hệ này để trục lợi, gây tổn thất nặng nề cho xã hội, cho quốc gia, làm mất lòng tin của nhân dân với Đảng và chính quyền trong công tác lãnh đạo và quản lý doanh nghiệp. Thực chất, đó là tệ nạn“cánh hẩu” gắn bện với nhau, là mảng tối của xã hội, dẫn đến “lợi ích nhóm”. Tác hại của mối quan hệ này làm cản trở quá trình phát triển kinh tế nhanh và bền vững vì nó tạo ra môi trường kinh doanh thiếu lành mạnh, không bình đẳng. Mối quan hệ này sẽ bóp méo các chính sách của Nhà nước. Thay vì ban hành chính sách để phục vụ đại bộ phận nhân dân thì nó lại quay hướng để phục vụ cho một số ít người trong nhóm.
Để khắc phục mặt tiêu cực của "lợi ích nhóm", cùng với việc tiếp tục coi trọng công tác giáo dục và rèn luyện đạo đức của cán bộ, đảng viên cần thực hiện đồng bộ một số giải pháp: hoàn thiện cơ chế, chính sách pháp luật của Nhà nước theo hướng tiến bộ, nhất là phòng, chống tham nhũng thông qua "lợi ích nhóm". Thực hiện các biện pháp ngăn ngừa sự tha hóa quyền lực của một bộ phận cán bộ lãnh đạo, quản lý là yêu cầu cấp bách hiện nay, làm cho họ không có cơ hội câu kết, hình thành "Nhóm lợi ích" tiêu cực. Tăng cường vai trò lãnh đạo của Đảng và chức năng quản lý Nhà nước trong mọi hoạt động kinh tế-xã hội. Cần làm rõ đại diện chủ sở hữu Nhà nước với chức năng quản lý Nhà nước trong doanh nghiệp nhà nước để quản lý có hiệu quả...
- Kiểm tra “đang vào trận”mạnh mẽ hơn khi gắn với Nghị quyết T.Ư 4? Ấy là dư luận. Thực tế thì sao? Thưa ông!
Nghị quyết T.Ư 4 vừa rồi là một trong những nghị quyết được cán bộ, đảng viên và nhân dân đồng tình ủng hộ vì nó nắm bắt trúng vấn đề. Và cũng là nghị quyết được Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư và các cấp triển khai một cách rất kiên quyết, bài bản và trong một chừng mực nào đó cũng là Nghị quyết được triển khai một cách thường xuyên gắn với thực hiện các nhiệm vụ chính trị khác của Đảng.
Có nhiều giải pháp để thực hiện Nghị quyết T.Ư 4. Giải pháp tập trung triển khai trong năm đầu tiên là tổ chức phê bình và tự phê bình trong các tổ chức đảng từ trên Trung ương trở xuống. Đó là giải pháp mang tính khởi đầu đồng thời là giải pháp mang tính chất đột phá được tiến hành tập trung trong một năm vừa qua, nhưng không phải là giải pháp duy nhất như trong Nghị quyết đã chỉ rõ. Qua đợt phê bình và tự phê bình vừa rồi đã có tác dụng răn đe, cảnh báo đòi hỏi mọi cán bộ, đảng viên, cán bộ lãnh đạo, tự soi rọi mình và có điều chỉnh cần thiết để làm sao khắc phục các vi phạm, khuyết điểm.
Tuy nhiên, những kết quả của đợt phê bình và tự phê bình vừa rồi cũng có một số mặt chưa đạt được như mong muốn. Việc thực hiện Nghị quyết T.Ư 4 trong hơn một năm qua được đánh giá là cơ bản đạt yêu cầu nhưng cũng còn nhiều mặt hạn chế. Uỷ ban Kiểm tra Trung ương đã chủ động và tích cực đóng góp vào những kết quả đạt được, đồng thời cũng có trách nhiệm về những mặt hạn chế đó.
Để tiếp tục thúc đẩy việc thực hiện Nghị quyết T.Ư 4, vừa qua, Uỷ ban Kiểm tra Trung ương đã tham mưu để Bộ Chính trị ra quyết định thành lập 18 đoàn kiểm tra của Bộ Chính trị, Ban Bí thư, tập trung kiểm tra việc thực hiện kế hoạch, biện pháp khắc phục những vấn đề đã kết luận, thiếu sót của tập thể, cá nhân các cấp ủy, tổ chức đảng sau đợt tự phê bình và tự phê bình theo tinh thần Nghị quyết T.Ư 4.
Tôi nêu ý này để muốn nói rằng trong thời gian từ nay đến cuối nhiệm kỳ Đại hội XI, Nghị quyết T.Ư 4 sẽ tiếp tục được triển khai một cách đồng bộ, liên tục và quyết liệt, gắn với thực hiện các nhiệm vụ chính trị trước mắt cũng như lâu dài của đất nước để đạt được các mục tiêu, yêu cầu đã xác định, không để tình trạng "đầu voi, đuôi chuột".
Theo tinh thần chỉ đạo đó của Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư và từ trách nhiệm của ngành Kiểm tra Đảng chúng tôi tự thấy mình phải cùng với các cơ quan, cấp ủy và tổ chức đảng quyết liệt vào cuộc tìm đúng, chỉ đúng bản chất của vụ việc, vừa làm vừa rút kinh nghiệm. Cán bộ làm công tác kiểm tra, giám sát của Đảng từ lãnh đạo đến nhân viên đều phải thường xuyên học thêm, tu dưỡng thêm để sâu sát hơn, sắc sảo hơn, bản lĩnh hơn, nhân văn hơn trong công việc.
Kinh nghiệm và truyền thống suốt 65 năm qua của ngành Kiểm tra Đảng sẽ là hành trang quý báu để tiếp sức cho chúng tôi tiếp tục thực hiện tốt nhiệm vụ của mình.
- Xin trân trọng cảm ơn ông về cuộc chuyện thiết thực này!
Nguyễn Uyển (Thực hiện)
Ý kiến bình luận:
Hiện chưa có bình luận nào, hãy trở thành người đầu tiên bình luận cho bài biết này!
(Thanh tra) - Chiều 13/12, Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh Hà Giang khóa XVII, nhiệm kỳ 2020 – 2025 tổ chức Hội nghị lần thứ 28 để tổng kết Nghị quyết 18-NQ/TW ngày 25/10/2017 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa VII về “Tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả”.
Bùi Bình
19:37 13/12/2024(Thanh tra) - Ngày 13/12/2024, UBND tỉnh Cao Bằng tổ chức hội nghị tổng kết công tác quốc phòng địa phương, giáo dục quốc phòng và an ninh năm 2024, triển khai nhiệm vụ năm 2025.
Trung Hà
16:40 13/12/2024T.Thanh
16:36 13/12/2024PV
16:33 13/12/2024Thu Huyền
16:03 13/12/2024Chính Bình
15:56 13/12/2024Lê Hữu Chính
TC
Liên Hương
Nhóm PV
Văn Thanh
Ngọc Tuấn
Nhật Minh
Cao Sơn
Hương Trà
Lâm Ánh
Thu Huyền