Theo dõi Báo Thanh tra trên
Thứ năm, 11/12/2014 - 15:24
(Thanh tra) - Hôm nay (11/12), Văn phòng Chủ tịch Nước họp báo công bố 9 luật và và 5 nghị quyết vừa được thông qua tại Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XIII.
Thượng tướng, Thứ trưởng Bộ Công an Đặng Văn Hiếu cho biết, không hạ hàm Giám đốc Công an các tỉnh, TP đã được phong Tướng. Ảnh: Thảo Nguyên
Tại buổi họp báo, ông Đào Việt Trung, Chủ nhiệm Văn phòng Chủ tịch Nước công bố Lệnh của Chủ tịch Nước đã công bố Luật Tổ chức Quốc hội, Nghị quyết về việc lấy phiếu tín nhiệm, bỏ phiếu tín nhiệm đối với người giữ chức vụ do Quốc hội, HĐND bầu; Luật Sửa đổi bổ sung một số điều của Luật Sỹ quan quân đội nhân dân Việt Nam; Luật Công an nhân dân (CAND), Luật Căn cước công dân, Nghị quyết về việc phê chuẩn Công ước của Liên hợp quốc về chống tra tấn và các hình thức đối xử hoặc trừng phạt tàn bạo, vô nhân đạo hoặc hạ nhục con người; Luật Sửa đổi bổ sung một số điều của Luật Hàng không dân dụng Việt Nam và Nghị quyết về việc phê chuẩn của Liên hợp quốc về quyền của người khuyết tật…
ĐBQH thực hiện vai trò trung tâm
Luật Tổ chức Quốc hội vừa được thông qua gồm 7 chương và 102 điều, quy định về vị trí, chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Hội đồng Dân tộc và các Ủy ban của Quốc hội;…
Trên cơ sở quy định của Hiến pháp năm 2013, Luật Tổ chức Quốc hội tiếp tục khẳng định vị trí, chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của Quốc hội và mối quan hệ giữa Quốc hội với các thiết chế khác trong bộ máy Nhà nước trong việc thực hiện các quyền lập pháp, hành pháp và tư pháp.
Luật cũng đã cụ thể hóa các nhiệm vụ, quyền hạn của Quốc hội tại 16 Điều luật tương ứng với 3 chức năng lập pháp, giám sát, quyết định các vấn đề quan trọng của đất nước của Quốc hội đã được ghi nhận tại Điều 69 và Điều 70 của Hiến pháp.
Luật Tổ chức Quốc hội cũng đã có những sửa đổi, bổ sung quan trọng nhằm tạo cơ sở pháp lý cho đại biểu Quốc hội thực hiện vai trò trung tâm của mình trong tổ chức và hoạt động của Quốc hội.
Đáng chú ý, Luật cũng có những điểm mới cơ bản như: Xác định tổng số đại biểu Quốc hội (ĐBQH) không quá 500 người; quy định tỷ lệ đại biểu Quốc hội chuyên trách ít nhất là 35% tổng số ĐBQH; quy định rõ địa vị pháp lý, trách nhiệm của ĐBQH tham gia hoạt động của Quốc hội, các cơ quan của Quốc hội…
Luật này có hiệu lực thi hành từ ngày 1/1/2016.
Không hạ hàm Giám đốc Công an đã được phong Tướng
Thượng tướng, Thứ trưởng Bộ Công an Đặng Văn Hiếu cho biết: Để bảo đảm tuân thủ Hiến pháp năm 2013, đáp ứng yêu cầu của tình hình, nhiệm vụ bảo vệ an ninh quốc gia và bảo đảm trật tự an toàn xã hội, đấu tranh phòng, chống tội phạm của CAND trong giai đoạn mới, Luật CAND quy định chặt chẽ cụ thể các vị trí, chức vụ của sĩ quan CAND có cấp bậc hàm cao nhất là cấp tướng.
Ở địa phương, Luật quy định chức vụ Giám đốc Công an TP Hà Nội và TP Hồ Chí Minh có cấp bậc hàm cao nhất là Trung tướng; Giám đốc Công an các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương còn lại có cấp bậc cao nhất là Đại tá.
Thứ trưởng Hiếu cho hay: “Trong thời gian tới, chúng tôi sẽ điều động, luân chuyển để bố trí Giám đốc Công an tại các địa phương. Các đồng chí đã được phong cấp tướng rồi thì giữ nguyên cho đến khi nghỉ. Không có lý do và luật lệ nào để tước quân hàm cấp tướng. Nếu xứng đáng làm giám đốc thì vẫn phải bố trí làm giám đốc. Quan điểm của Đảng ủy Công an Trung ương là phải thực hiện nghiêm Luật đã được Quốc hội thông qua”.
Luật CAND gồm 7 Chương, 45 Điều quy định về nguyên tắc tổ chức, hoạt động; chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và chế độ, chính sách đối với CAND, có hiệu lực thi hành từ ngày 1/7/2015.
Các quy định về phong, thăng, giáng, tước cấp bậc hàm cấp tướng; bổ nhiệm, miễn nhiệm, cách chức, giáng chức các chức vụ có cấp bậc hàm cao nhất là cấp tướng có hiệu lực thi hành kể từ ngày Luật này được công bố.
Quá nửa phiếu “tín nhiệm thấp” có thể xin từ chức
Ngày 28/11/2014, Quốc hội khóa XIII đã thông qua Nghị quyết số 85/2014/QH13 về việc lấy phiếu tín nhiệm, bỏ phiếu tín nhiệm đối với người giữ chức vụ do Quốc hội, HĐND bầu hoặc phê chuẩn. Nghị quyết có hiệu lực thi hành từ ngày 1/7/2015.
Phó Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Lê Minh Thông giới thiệu những điểm mới của Nghị quyết 85. Ảnh: Thảo Nguyên
Theo Phó Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Lê Minh Thông, Nghị quyết đã sửa đổi, bổ sung quy định về thời điểm lấy phiếu tín nhiệm tại Quốc hội, HĐND. Theo đó, “Quốc hội, HĐND tổ chức lấy phiếu tín nhiệm một lần trong mỗi nhiệm kỳ vào kỳ họp thường lệ cuối năm thứ ba của nhiệm kỳ”.
Về mức độ tín nhiệm thể hiện trên phiếu lấy tín nhiệm, nghị quyết tiếp tục quy định bỏ phiếu kín với các mức độ: “tín nhiệm cao”, “tín nhiệm”, “tín nhiệm thấp”.
Điều 10 Nghị quyết quy định: Người được lấy phiếu tín nhiệm có có quá nửa tổng số ĐBQH, đại biểu HĐND đánh giá “tín nhiệm thấp” thì có thể xin từ chức. Người được lấy phiếu tín nhiệm có từ 2/3 tổng số ĐBQH, đại biểu HĐND trở lên đánh giá “tín nhiệm thấp” thì Ủy ban Thường vụ Quốc hội trình Quốc hội, Thường trực HĐND trình HĐND dân bỏ phiếu tín nhiệm.
Không phải nộp phí cấp căn cước công dân lần đầu
Luật Căn cước công dân gồm 6 chương 39 điều quy định về căn cước công dân, cơ sở dữ liệu căn cước công dân và cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư; quản lý, sử dụng thẻ Căn cước công dân; quyền, nghĩa vụ, trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan, có hiệu lực thi hành từ ngày 1/1/2016.
Thứ trưởng Bộ Công an Đặng Văn Hiếu cho hay: Về độ tuổi, Luật quy định công dân Việt Nam từ đủ 14 tuổi được cấp thẻ căn cước công dân để bảo đảm tính ổn định của các thông tin về nhân dạng của công dân đã quy định trong Luật.
Điều 20 Luật khẳng định rõ giá trị sử dụng của thẻ căn cước công dân. Theo đó, thẻ có giá trị chứng minh về căn cước công dân của người được cấp thẻ để thực hiện các giao dịch trên lãnh thổ Việt Nam. Khi công dân xuất trình thẻ căn cước công dân thì cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền không được yêu cầu công dân xuất trình thêm giấy tờ khác chứng nhận các thông tin đã có trên thẻ. `
Điểm mới đáng lưu ý là Luật quy định công dân không phải nộp lệ phí khi cấp thẻ căn cước công dân lần đầu; đổi thẻ khi đến tuổi đổi thẻ theo quy định của Luật.
Thực hiện chính sách nhân đạo
Công ước của Liên hợp quốc về chống tra tấn và các hình thức đối xử hoặc trừng phạt tàn bạo, vô nhân đạo hoặc hạ nhục đối với con người được Quốc hội thông qua là sự kiện chính trị pháp lý có ý nghĩa rất quan trọng trong việc bảo vệ nhân quyền và thực hiện chính sách nhân đạo của Đảng và Nhà nước Việt Nam, góp phần thực thi Hiến pháp 2013.
Nội dung Công ước quy định nghĩa vụ của các quốc gia thành viên trong việc phòng ngừa và ngăn chặn các hành vi tra tấn; giám sát việc thực thi công ước, trong đó trọng tâm là quy định về Ủy ban Chống tra tấn và hoạt động của Ủy ban này; hiệu lực và giải quyết tranh chấp liên quan đến Công ước…
Ngay sau khi Quốc hội thông qua, Chính phủ đã xây dựng dự thảo kế hoạch về việc triển khai Công ước Chống tra tấn. Dự thảo kế hoạch này đang được gửi xin ý kiến các bộ, ngành có liên quan, dự kiến trình Thủ tướng Chính phủ ký ban hành chậm nhất là trong tháng 1/2015.
Nội dung kế hoạch nhằm xác định nội dung, lộ trình luật hóa các quy định của Công ước chống tra tấn, góp phần hoàn thiện thế chế, nâng cao hiệu quả phòng, chống tra tấn; thúc đẩy hợp tác quốc tế trong phòng, chống tra tấn và hành vi có liên quan.
Thảo Nguyên
Ý kiến bình luận:
Hiện chưa có bình luận nào, hãy trở thành người đầu tiên bình luận cho bài biết này!
(Thanh tra) - Sáng nay (12/12), Hội đồng nhân dân (HĐND) tỉnh Thanh Hóa khóa XVIII, nhiệm kỳ 2021 - 2026 đã khai mạc Kỳ họp thứ 24.
Trần Lê
10:32 12/12/2024(Thanh tra) - Hợp nhất Bộ Thông tin và Truyền thông, Bộ Khoa học và Công nghệ để tối ưu hóa nguồn lực, tránh chồng chéo, trùng lắp nhiệm vụ… theo Phó Thủ tướng Hồ Đức Phớc.
Hương Giang
23:28 11/12/2024Hương Giang
23:23 11/12/2024Trung Hà
21:14 11/12/2024Bùi Bình
21:07 11/12/2024Trần Lê
Trần Quý
Kim Thành
Đông Hà + Thanh Hoa
Cảnh Nhật
Phương Anh
TC
TC
Kim Thành
Bùi Bình
Cao Sơn
Lâm Ánh