Ca khúc: Tự hào người làm báo Thanh tra

Theo dõi Báo Thanh tra trên

“Còn bừa bộn, dang dở”?

Thứ ba, 11/11/2014 - 06:38

(Thanh tra)- Thảo luận 2 Dự án (D.A) Luật Đầu tư (sửa đổi), Luật Doanh nghiệp (DN) (sửa đổi) tại hội trường hôm qua (10/11), đa số đại biểu Quốc hội (ĐBQH) đánh giá đã minh bạch hóa ở những lĩnh vực quan trọng. Tuy nhiên, cần tiếp rà soát, giảm thiểu thủ tục hành chính để tạo điều kiện thuận lợi hơn nữa cho DN, tránh tình trạng xin - cho...

ĐB Vũ Tiến Lộc (Thái Bình). Ảnh: Thảo Nguyên

Minh bạch hóa những lĩnh vực quan trọng

Theo kết quả rà soát, hiện có 51 lĩnh vực, ngành, nghề, hàng hóa, dịch vụ cấm đầu tư, kinh doanh quy định tại các văn bản quy phạm pháp luật và 386 ngành, nghề kinh doanh có điều kiện được quy định tại 391 văn bản pháp luật.

Sau khi xem xét, cân nhắc, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị thu hẹp lại còn 6 ngành, nghề cấm đầu tư kinh doanh và 272 ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện (tại danh mục ban hành kèm theo luật). Điều kiện đầu tư kinh doanh cụ thể đối với các ngành, nghề này được quy định tại các luật, pháp lệnh, nghị định và được công bố công khai trên Cổng Thông tin đăng ký DN quốc gia.

“Đánh giá cao danh mục ngành nghề kinh doanh có điều kiện rất gọn gàng, triệt để”, nhiều ĐB nhấn mạnh, đây là “điểm rất sáng một điểm tiến bộ vượt bậc”, không chỉ mang tính minh bạch, ổn định, mà khả năng bị “vô hiệu hóa” bởi những ngoại lệ từ các văn bản pháp luật chuyên ngành cũng được xử lý. Từ đó, người dân, DN sẽ chủ động chọn lựa ngành, nghề mình có lợi thế, giảm thiểu các thủ tục hành chính dẫn đến việc “xin - cho” như trước đây.

Tuy nhiên, ĐB Vũ Tiến Lộc (Thái Bình) cho rằng, nếu đã quyết tâm làm được tới mức này thì cần làm triệt để hơn nữa. Nhất là, trong danh mục có các hoạt động kinh doanh đơn lẻ không phải loại ngành nghề (ví dụ nhượng quyền thương mại), một số hoạt động thậm chí không phải kinh doanh (như trọng tài thương mại) cũng được đưa vào và rất nhiều ngành nghề chồng lấn nhau (ví dụ khảo nghiệm giống thủy sản và khảo nghiệm giống thủy sản mới).

“Hiệu lực của Danh mục thì tốt rồi, nhưng nội dung tôi thấy còn bừa bộn, dang dở lắm”, ĐB Lộc nói và cho rằng, nếu không làm rõ phạm vi các ngành nghề trong danh mục thì mục tiêu minh bạch hóa sẽ bị ”vô hiệu hóa từng phần”. Cho nên, cần tập trung rà soát kỹ và điều chỉnh ngay các bất cập của bản Danh mục ngành nghề kinh doanh có điều kiện.

ĐB Nguyễn Thị Nguyệt Hường (Hà Nội), Ủy viên Ủy ban Kinh tế của Quốc hội đề nghị bổ sung vào nội dung cấm buôn bán, kinh doanh chất phóng xạ; đồng thời Chính phủ cần sớm ban hành chi tiết việc phân bố và kiểm soát điều kiện đầu tư kinh doanh để D.A Luật sớm đi vào cuộc sống.

Có bỏ con dấu của DN?

D.A Luật DN (sửa đổi) quy định về con dấu của DN theo hướng cải cách thủ tục hành chính. Theo đó, DN có quyền tự quyết định về hình thức, số lượng và nội dung con dấu nhưng phải bảo đảm nội dung con dấu thể hiện tên, mã số DN. Mẫu con dấu được DN thông báo với cơ quan đăng ký kinh doanh để đăng tải công khai trên Cơ sở Dữ liệu quốc gia về đăng ký DN.

Con dấu của DN được sử dụng trong các trường hợp theo quy định của pháp luật hoặc các bên giao dịch có thỏa thuận về việc sử dụng dấu. Trường hợp giao dịch với các đối tác không sử dụng dấu thì DN Việt Nam cũng không bắt buộc sử dụng dấu mà các bên giao dịch xác định giá trị pháp lý văn bản căn cứ vào chữ ký của người có thẩm quyền giao dịch.

Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Quốc hội Nguyễn Văn Giàu cho biết, với tập quán, thói quen và điều kiện hạ tầng kỹ thuật ở nước ta vẫn cần giữ quy định về DN phải có con dấu riêng. “Việc thay con dấu bằng chữ ký, chữ ký điện tử sẽ được tiếp tục nghiên cứu, áp dụng khi có đủ điều kiện thích hợp”, ĐB Giàu nói.

Tuy nhiên, có ý kiến cho rằng, ở nhiều nước, việc xác định giá trị pháp lý văn bản giao dịch của DN chỉ cần căn cứ vào chữ ký của đại diện các bên giao dịch, không sử dụng con dấu. Để giảm phiền hà cho DN cần bỏ quy định về con dấu.

Một vấn đề khác, Dự thảo Luật DN lần này rút toàn bộ các quy định về quyền cơ bản của DN và chỉ giữ lại quy định rất chung là “tự chủ kinh doanh”. ĐBQH lo ngại, ở nước ta mà quyền chung chung thế này tức chả có quyền gì cả, trong khi dự thảo luật là “cái neo” để DN thực hiện các hoạt động kinh doanh, khiếu nại nếu lỡ bị vi phạm.

“DN đâu có thể bê cái quyền này đi mà kêu mà trình với ai được. Tôi đề nghị Ban Soạn thảo thiết lập lại quy định đầy đủ về các quyền kinh doanh cơ bản của DN trong Luật DN như hiện nay đang có”, ĐB Lộc nói.

Bộ trưởng Bộ Kế hoạch - Đầu tư Bùi Quang Vinh: Việt Nam lúc nào cũng áp dụng những điều thuận lợi cho DN

Liên quan đến quy định lĩnh vực, ngành, nghề, hàng hóa, dịch vụ cấm đầu tư, kinh doanh và ngành, nghề kinh doanh có điều kiện, Ban Soạn thảo cùng với 16 bộ, ngành mất rất nhiều công sức để rà soát. Tôi cho rằng, đây là vấn đề lớn nhất. Căn cứ vào các quy định này, DN trong nước cũng như các DN FDI đều biết cái gì mình được đầu tư, cái gì không được đầu tư, cái gì đầu tư có điều kiện.

Riêng DN FDI, còn được Nhà nước bảo hộ đầu tư. Có nghĩa Việt Nam cam kết bảo hộ đầu tư theo hướng trừ những lĩnh vực quốc phòng an ninh, ảnh hưởng đến an ninh trật tự, sức khỏe con người sẽ được quy định rõ, còn lại các D.A đầu tư đều được bảo hồ đầu tư nếu có sự thay đổi về chính sách. Nếu chính sách ban hành sau bất lợi hơn cho DN thì DN vẫn được hưởng các ưu đãi đã được ghi trong giấy phép đầu tư đã cấp. Nếu chính sách thay đổi sau có lợi hơn với DN thì cho phép DN áp dụng chính sách có lợi hơn. Việt Nam lúc nào cũng áp dụng những điều thuận lợi cho DN.

Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Nguyễn Văn Phúc: Không lo luật chuyên ngành “gặm nhấm” Luật Đầu tư Ảnh: Thảo Nguyên + Đối với D.A Luật Đầu tư (sửa đổi), nhiều DN bày tỏ lo ngại cho rằng, thủ tục hành chính vẫn chưa cải cách mạnh mẽ và chưa rõ ràng? - Tôi cho rằng, Dự thảo Luật lần này đã cải cách rất mạnh mẽ. Thứ nhất, đã có danh mục lĩnh vực, ngành, nghề, hàng hóa, dịch vụ cấm đầu tư, kinh doanh và ngành, nghề kinh doanh có điều kiện. Còn điều kiện kinh doanh của ngành nghề được quy định chặt chẽ trong luật chuyên ngành, pháp lệnh và nghị định. Thông tư của bộ không được quy định điều kiện kinh doanh của ngành nghề. Như vậy, điều kiện pháp lý sẽ chặt chẽ hơn. + Có ý kiến lo ngại luật chuyên ngành sẽ “gặm nhấm” Luật Đầu tư? - Tôi cho rằng, lo ngại như vậy thì hơi thái quá. Luật chuyên ngành do ai ban hành? Là do Quốc hội ban hành. Nếu luật chuyên ngành do các bộ ban hành mới lo sợ luật bị bóp méo. Quốc hội và các Ủy ban của Quốc hội sẽ có trách nhiệm thẩm tra các D.A luật để làm sao những luật chuyên ngành không chồng chéo và “đá” những quy định trong Luật Đầu tư (sửa đổi), phù hợp với Hiến pháp. + D.A Luật DN (sửa đổi) lần này đặt mục tiêu cải cách thủ tục mạnh mẽ, trong đó có đề xuất cải cách về con dấu, tuy nhiên vẫn còn nhiều ý kiến trái chiều. Quan điểm của ông vấn đề này? - Dự thảo Luật DN lần này thể hiện quan điểm cải cách con dấu phù hợp với thông lệ quốc tế và điều kiện của Viêt Nam. Tôi cho rằng, phải cải cách mạnh mẽ về con dấu của DN, vì thực tế con dấu vừa gây phiền hà, vừa tốn kém, trong khi việc làm giả rất đơn giản. + Nếu luật được thông qua thì quy định về con dấu của DN khi nào nên áp dụng? - Đây là một trong những hình thức cải cách mạnh mẽ thủ tục hành chính nên phải áp dụng ngay khi có điều kiện. Khi chúng tôi làm việc với các tổ chức quốc tế như Công ty Kiểm toán và Tư vấn Tài chính Quốc tế, họ cho rằng, nếu Việt Nam cải cách được thủ tục liên quan tới con dấu sẽ nâng được vị trí xếp hạng tín nhiệm của Việt Nam trên thế giới. + Không sử dụng con dấu của DN liệu có làm phát sinh những hệ lụy? - Trong vấn đề gì, lĩnh vực nào cũng có trường hợp lạm dụng giả mạo chứ không chỉ có con dấu của DN. Do đó, phải quản lý bằng cách khác. Ví dụ, DN phải thông báo hoặc đăng ký mẫu và công khai mẫu con dấu với cơ quan Nhà nước có thẩm quyền để tới khi có phát sinh hệ lụy thì có thể căn cứ vào đây xác minh. + Xin cám ơn ông!

Thảo Nguyên (Ghi)

Ý kiến bình luận:

Ý kiến của bạn sẽ được xét duyệt khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.

Hiện chưa có bình luận nào, hãy trở thành người đầu tiên bình luận cho bài biết này!

Tin cùng chuyên mục

Hà Giang: Tỷ lệ tinh giảm biên chế giai đoạn 2016-2021 giảm 10%

Hà Giang: Tỷ lệ tinh giảm biên chế giai đoạn 2016-2021 giảm 10%

(Thanh tra) - Chiều 13/12, Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh Hà Giang khóa XVII, nhiệm kỳ 2020 – 2025 tổ chức Hội nghị lần thứ 28 để tổng kết Nghị quyết 18-NQ/TW ngày 25/10/2017 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa VII về “Tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả”.

Bùi Bình

19:37 13/12/2024

Tin mới nhất

Xem thêm