Ca khúc: Tự hào người làm báo Thanh tra

Theo dõi Báo Thanh tra trên

Cơ quan Nhà nước bắt buộc cung cấp thông tin do mình tạo ra

Thứ năm, 07/04/2016 - 10:14

(Thanh tra) - Sáng ngày 6/4, Quốc hội biểu quyết thông qua Luật Tiếp cận thông tin, Luật Dược (sửa đổi), Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Thuế giá trị gia tăng, Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt và Luật Quản lý thuế, Luật Thuế xuất khẩu, nhập khẩu (sửa đổi).

Người dân không được tiếp cận thông tin gây hại đến lợi ích của Nhà nước

Với 88,46% đại biểu biểu quyết tán thành, Quốc hội đã thông qua Luật Tiếp cận thông tin. Luật có hiệu lực thi hành từ ngày 1/7/2018.

Theo đó, công dân không được tiếp cận những thông tin thuộc bí mật Nhà nước, bao gồm những thông tin có nội dung quan trọng thuộc lĩnh vực chính trị, quốc phòng, an ninh quốc gia, đối ngoại, kinh tế, khoa học, công nghệ, các lĩnh vực khác theo quy định của Luật.

Công dân cũng không được tiếp cận những thông tin mà nếu để tiếp cận sẽ gây nguy hại đến lợi ích của Nhà nước, ảnh hưởng xấu đến quốc phòng, an ninh quốc gia, quan hệ quốc tế, trật tự, an toàn xã hội, đạo đức xã hội, sức khỏe của cộng đồng, gây nguy hại đến tính mạng, cuộc sống hoặc tài sản của người khác; thông tin thuộc bí mật công tác; thông tin về các cuộc họp nội bộ của cơ quan; các tài liệu do cơ quan soạn thảo cho công việc nội bộ.

Trong các thông tin công dân không được tiếp cận còn có “ý kiến của các chuyên gia trong quá trình hoạch định chính sách”, nhưng qua tiếp thu ý kiến ĐBQH, điểm này đã được loại bỏ.

Thông tin liên quan đến bí mật đời sống riêng tư, bí mật cá nhân được tiếp cận trong trường hợp được người đó đồng ý; thông tin liên quan đến bí mật gia đình được tiếp cận trong trường hợp được các thành viên gia đình đồng ý.

Để bảo đảm tính khả thi của Luật, tính chính xác của thông tin được cung cấp cũng như phù hợp với điều kiện thực tiễn, bảo đảm hoạt động bình thường của cơ quan Nhà nước và không tạo kẽ hở cho việc lạm dụng yêu cầu cung cấp thông tin, Luật quy định cơ quan Nhà nước có trách nhiệm (bắt buộc) cung cấp thông tin do mình tạo ra. 

Bên cạnh đó, để tạo điều kiện thuận lợi cho công dân, Luật cũng bổ sung quy định khuyến khích cơ quan Nhà nước tùy theo điều kiện, khả năng thực tế của mình có thể cung cấp thông tin khác do cơ quan mình tạo ra và nắm giữ trong quá trình thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn.

Chứng chỉ hành nghề dược được cấp 1 lần

Với 345/451 đại biểu có mặt biểu quyết thông qua (bằng 88,06%), Quốc hội cũng đã thông qua Luật Dược (sửa đổi) với 14 chương, 116 điều và có hiệu lực thi hành từ ngày 1/1/2017

Trên cơ sở thống nhất của 62,67% ĐBQH trả lời phiếu xin ý kiến, Luật quy định chứng chỉ hành nghề Dược được cấp 1 lần. Với các quy định thu hồi chứng chỉ hành nghề khi không cập nhật kiến thức chuyên môn liên tục và các biện pháp hậu kiểm khác sẽ bảo đảm tính khả thi của quy định này. 

Đối với ý kiến đề nghị cân nhắc việc cho phép bán thuốc tại siêu thị để đảm bảo an toàn cho người sử dụng, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) thấy rằng, việc quy định bán thuốc tại siêu thị là phù hợp với xu thế của thế giới và để tiện lợi cho người dân. 

Để đảm bảo an toàn cho người sử dụng, Luật đã quy định siêu thị phải có người phụ trách chuyên môn về dược và chỉ được phép bán các loại thuốc thông thường theo danh mục do Bộ trưởng Bộ Y tế quy định.

Về đề nghị bổ sung quy định hạn chế các tầng lớp trung gian trong phân phối thuốc để giảm giá thuốc. Trong trường hợp giá thuốc đấu thầu do Bộ Y tế công bố có sự chênh lệch bất hợp lý giữa các địa phương, giữa các bệnh viện thì Bộ Y tế hoặc Bộ Tài chính báo cáo Chính phủ xem xét cho phù hợp.

Giải trình vấn đề này, theo UBTVQH, việc vận hành tốt cơ chế đấu thầu thuốc sẽ làm cho các loại thuốc có cạnh tranh gay gắt về giá, tầng nấc trung gian sẽ dần tự triệt tiêu. 

Để khắc phục sự chênh lệch về giá giữa các kết quả trúng thầu khi việc đấu thầu thuốc vẫn đúng trình tự và đúng quy định của pháp luật, Chính phủ cần chỉ đạo tăng cường thanh tra, kiểm tra việc thực hiện Luật Giá và Luật Đấu thầu. 

Luật cũng quy định rõ, quản lý giá thuốc theo cơ chế thị trường, tôn trọng quyền tự định giá, cạnh tranh về giá của tổ chức, cá nhân kinh doanh thuốc theo quy định của pháp luật; bảo đảm công khai, minh bạch giá thuốc khi lưu hành thuốc trên thị trường…

Bộ Công thương “quyết” mức thuế phòng vệ thương mại
 
Dự án Luật Thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu (sửa đổi) được Quốc hội thông qua với tỷ lệ 91,30% ý kiến tán thành. Luật này sửa đổi gồm 5 Chương, 22 Điều sẽ có hiệu lực từ 1/9/2016.

Đánh giá về bối cảnh hiện tại, ông Nguyễn Đức Hải, Chủ nhiệm Uỷ ban Tài chính ngân sách của Quốc hội cho rằng, hiện Việt Nam đã và đang hội nhập sâu rộng vào nền kinh tế quốc tế, các quy định về thuế suất thuế nhập khẩu được thực hiện phù hợp theo các hiệp định thương mại mà Việt Nam ký kết với dự kiến trong vòng 10 năm tới, mức độ tự do hóa thương mại sẽ đạt 97 - 98% số dòng thuế.

Cơ quan thường trực của Quốc hội cũng cho rằng, đối với việc áp dụng các loại thuế phòng vệ thương mại không nhằm mục đích ngăn cản hàng hóa nhập khẩu mà nhằm xử lý đối với các hành vi cạnh tranh không lành mạnh của các nhà xuất khẩu nước ngoài gây ảnh hưởng đến thị trường trong nước.

Do vậy, cơ quan thường trực xin Quốc hội cho phép giữ quy định giao thẩm quyền quyết định áp dụng các biện pháp phòng vệ thương mại cho Bộ Công thương như Dự thảo luật. 

Tuy nhiên, trong thời gian qua, khi áp dụng thuế chống bán phá giá, có một số trường hợp lợi dụng việc áp dụng các loại thuế này để đầu cơ và có các hành vi không lành mạnh làm biến động thị trường, tăng giá hàng hóa.

Vì vậy, cơ quan này đề nghị, Chính phủ căn cứ vào tình hình thực tế, chỉ đạo các bộ ngành liên quan như Bộ Công thương, Bộ Tài chính tăng cường công tác kiểm tra, thanh tra, kịp thời có các biện pháp đồng bộ, công khai, minh bạch để xử lý nghiêm các hành vi lợi dụng để làm tăng giá cả hàng hóa khi áp dụng các biện pháp phòng vệ thương mại, ảnh hưởng đến người tiêu dùng...

Chậm hoàn thuế, cơ quan thuế phải trả lãi 

Với 86,64% ĐB tham gia biểu quyết tán thành, Quốc hội cũng chính thức thông qua Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Thuế giá trị gia tăng, Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt và Luật Quản lý thuế.

Báo cáo giải trình, tiếp thu và chỉnh lý dự án luật này, Chủ nhiệm Nguyễn Đức Hải cho biết, có ý kiến cho rằng, dù Luật Quản lý thuế đã quy định tiền phạt chậm nộp đối với trường hợp người nộp thuế chậm nộp tiền thuế, nhưng chưa quy định cụ thể trách nhiệm của các cơ quan quản lý thuế trong việc chậm hoàn thuế cho người nộp thuế. Do đó, đề nghị dự án Luật sửa đổi lần này cũng phải quy định rõ nội dung cụ thể.

Theo UBTVQH, Luật Quản lý thuế hiện hành đã quy định, trong trường hợp cơ quan quản lý thuế chậm ra quyết định hoàn thuế do lỗi của cơ quan quản lý thuế thì ngoài số tiền thuế phải hoàn, cơ quan quản lý thuế còn phải trả tiền lãi theo quy định của Chính phủ.

Chính phủ cũng đã ban hành Nghị định số 83/2013/NĐ-CP quy định mức lãi suất phải trả cho người nộp thuế khi cơ quan thuế chậm hoàn thuế.

“Tuy nhiên, thực tế hiện nay, có nhiều trường hợp cơ quan thuế chậm hoàn tiền thuế cho doanh nghiệp nhưng chậm thực hiện trả tiền lãi chậm hoàn thuế cho người nộp thuế, ảnh hưởng đến quyền lợi của người nộp thuế”, Chủ nhiệm Uỷ ban Tài chính ngân sách của Quốc hội thừa nhận.

Tiếp thu ý kiến ĐBQH, UBTVQH sẽ đề nghị Chính phủ sớm sửa đổi Nghị định số 83/2013/NĐ-CP và chỉ đạo cơ quan thuế thực hiện nghiêm việc chi trả tiền chậm hoàn thuế cho người nộp thuế.

Thảo Nguyên

Ý kiến bình luận:

Ý kiến của bạn sẽ được xét duyệt khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.

Hiện chưa có bình luận nào, hãy trở thành người đầu tiên bình luận cho bài biết này!

Tin cùng chuyên mục

Bắc Kạn: Đề xuất phương án hợp nhất 10 sở, ngành

Bắc Kạn: Đề xuất phương án hợp nhất 10 sở, ngành

(Thanh tra) - Chiều 11/12, Ban Chỉ đạo về Tổng kết việc thực hiện Nghị quyết số 18-NQ/TW ngày 25/10/2027 của Ban Chấp hành (BCH) Trung ương Đảng khóa XII một số vấn đề về đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu quả.

Trung Hà

21:14 11/12/2024

Tin mới nhất

Xem thêm