Theo dõi Báo Thanh tra trên
Thứ ba, 19/09/2017 - 11:50
(Thanh tra)- Ủy ban Tư pháp của Quốc hội chỉ ra, phát hiện, xử lý các vụ án tham nhũng ở cấp tỉnh rất ít. Đây là vấn đề lớn, xảy ra trong nhiều năm nhưng chưa được khắc phục, có dấu hiệu bỏ lọt tham nhũng ở khu vực này…
Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Lê Thị Nga trình bày báo cáo thẩm tra về công tác phòng, chống tham nhũng năm 2017. Ảnh: TN
Ngày 19/9, Ủy ban Thường vụ Quốc hội dành một ngày cho ý kiến về các báo cáo công tác của Chánh án TAND Tối cao, Viện trưởng Viện KSND Tối cao; các báo cáo của Chính phủ về công tác phòng, chống tội phạm và vi phạm pháp luật, công tác thi hành án và công tác phòng, chống tham nhũng năm 2017.
Xử nhiều vụ án tham nhũng nghiêm trọng
Thẩm tra báo cáo về công tác phòng, chống tham nhũng, theo Ủy ban Tư pháp, Chính phủ đã phản ánh khá đầy đủ; nêu được những ưu điểm, chỉ ra tồn tại, hạn chế, nguyên nhân và đề ra giải pháp khắc phục.
“Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương đã có nhiều nỗ lực trong công tác phòng, chống tham nhũng và đạt được kết quả trên nhiều mặt, góp phần tạo chuyển biến rõ nét trong công tác phát hiện, xử lý hành vi tham nhũng”, báo cáo thẩm tra đánh giá.
Thể chế về phòng, chống tham nhũng tiếp tục được hoàn thiện. Bộ máy Nhà nước ngày càng được kiện toàn, hoạt động minh bạch, công khai hơn; cải cách hành chính có nhiều chuyển biến tích cực. Công tác thanh tra, kiểm toán, điều tra, truy tố, xét xử được tăng cường.
Đặc biệt, năm 2017, dưới sự chỉ đạo sát sao của Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, nhiều vụ án tham nhũng nghiêm trọng, phức tạp, gây thất thoát lớn vốn và tài sản Nhà nước được phát hiện và xử lý kịp thời.
Cùng với đó, qua công tác kiểm tra, giám sát, Ủy ban Kiểm tra Trung ương đã phát hiện nhiều vụ việc liên quan đến một số cá nhân vi phạm, đã thi hành kỷ luật, xử lý nghiêm, được dư luận nhân dân đồng tình, đánh giá cao.
Tuy nhiên, theo Ủy ban Tư pháp, công tác giải quyết tố giác, tin báo, khởi tố, điều tra, truy tố, xét xử còn chưa tương xứng với tình hình tham nhũng; tỷ lệ thu hồi tài sản trong các vụ án tham nhũng còn thấp; vẫn còn đối tượng phạm tội tham nhũng bỏ trốn gây khó khăn cho công tác điều tra, xử lý, gây bức xúc trong dư luận.
So với năm 2016, việc cho bị cáo hưởng án treo, cải tạo không giam giữ đối với các tội phạm về tham nhũng tăng.
Việc trả hồ sơ để điều tra bổ sung còn nhiều (số vụ án kinh tế, chức vụ, tham nhũng do cơ quan điều tra cấp Trung ương tiến hành điều tra, Viện KSND Tối cao kiểm sát điều tra bị trả hồ sơ để điều tra bổ sung là 31/36 vụ, chiếm 86,1%).
Cá biệt có địa phương năm 2017, chỉ có 3 vụ án tham nhũng thì trả hồ sơ điều tra bổ sung cả 3 vụ, thậm chí phải hoãn phiên tòa để trả hồ sơ điều tra bổ sung.
Phát hiện tham nhũng cấp tỉnh rất ít
Đáng lưu ý, kết quả khảo sát của Ủy ban Tư pháp cũng như kết quả các đoàn kiểm tra, giám sát ở địa phương của Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng thời gian qua cho thấy, hành vi tham nhũng được phát hiện và xử lý chủ yếu là các vụ án tham nhũng nhỏ ở cấp xã, cấp huyện hoặc những vụ tham nhũng đặc biệt nghiêm trọng được dư luận xã hội quan tâm do cơ quan điều tra ở Trung ương điều tra.
“Nhìn chung ở cấp tỉnh, việc phát hiện và xử lý các vụ án tham nhũng rất ít trong khi theo phản ánh của dư luận thì tình hình tham nhũng ở khu vực này vẫn còn nghiêm trọng, nhất là ở những tỉnh có nhiều dự án đầu tư công lớn, khai thác tài nguyên, khoáng sản, có nhiều chương trình mục tiêu quốc gia, thậm chí là các tỉnh nghèo, vùng sâu, vùng xa được hưởng các ưu đãi từ nguồn vốn ngân sách Nhà nước”, báo cáo thẩm tra nêu.
Theo Ủy ban Tư pháp, đây là vấn đề lớn, xảy ra trong nhiều năm nhưng chưa được khắc phục, có dấu hiệu bỏ lọt tham nhũng ở khu vực này, trong đó có nguyên nhân từ việc “khép kín” trong nội bộ, thiếu kiên quyết, còn nể nang, né tránh của nhiều tỉnh trong việc tự xây dựng chương trình, kế hoạch triển khai công tác thanh tra, kiểm tra về phòng, chống tham nhũng.
Ở một số tỉnh phát hiện được tham nhũng thì chủ yếu là do có đơn tố cáo hoặc do mâu thuẫn nội bộ.
Ủy ban Tư pháp đề nghị Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, Thanh tra Chính phủ, Kiểm toán Nhà nước khi xây dựng chương trình công tác hàng năm cần chú ý đến việc phát hiện, xử lý và phòng ngừa tham nhũng tại các khu vực này.
Hối lộ bằng tặng quà diễn ra rất phức tạp
Liên quan đến việc nghiêm cấm tặng quà, nhận quà dưới mọi hình thức, Ủy ban Tư pháp đánh giá cao sự chỉ đạo quyết liệt của Chính phủ, Thủ tướng.
Tuy nhiên, theo Ủy ban Tư pháp, thực tế việc tặng quà để giải quyết công việc, hối lộ bằng hình thức tặng quà vẫn còn diễn ra rất phức tạp, dưới nhiều hình thức, nhất là việc lạm dụng phong tục truyền thống của dân tộc trong thăm hỏi, tặng quà nhân dịp lễ, tết, hiếu, hỉ…
Việc nộp lại quà tặng hầu như chỉ được thực hiện sau khi có phát hiện sai phạm.
Qua một số vụ án xét xử gần đây, dư luận rất bức xúc trước việc tặng quà của Ngân hàng Oceanbank và chi hoa hồng cho bác sỹ của Công ty Cổ phần VN Pharma… Ủy ban Tư pháp cho rằng, đây là vấn đề lớn, liên quan đến đạo đức nghề nghiệp, đạo đức công vụ và phòng, chống tham nhũng cần được Chính phủ đánh giá, nghiên cứu để có quy định ngăn chặn tình trạng này.
Ủy ban Tư pháp cũng chỉ ra, một số trường hợp việc chuyển đổi vị trí công tác, tuyển chọn, quy hoạch, đào tạo, bổ nhiệm cán bộ còn thiếu minh bạch, có biểu hiện tiêu cực, “chạy chức, chạy quyền”; có trường hợp điều động, bổ nhiệm cán bộ không đủ điều kiện, tiêu chuẩn, phẩm chất, năng lực, chưa thật sự tiêu biểu, thiếu kinh nghiệm thực tế, là người thân trong gia đình; có trường hợp bổ nhiệm cả cán bộ có trách nhiệm trong việc làm thua lỗ, thất thoát lớn vốn, tài sản nhà nước.
Ngược lại, cũng có trường hợp lợi dụng việc điều động, điều chuyển công tác để trù dập cán bộ… Thực tế này đang gây bức xúc, bất bình trong dư luận, làm giảm sút lòng tin của người dân về công tác chống tham nhũng.
Thảo Nguyên
Ý kiến bình luận:
Hiện chưa có bình luận nào, hãy trở thành người đầu tiên bình luận cho bài biết này!
(Thanh tra) - Chiều 13/12, Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh Hà Giang khóa XVII, nhiệm kỳ 2020 – 2025 tổ chức Hội nghị lần thứ 28 để tổng kết Nghị quyết 18-NQ/TW ngày 25/10/2017 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa VII về “Tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả”.
Bùi Bình
19:37 13/12/2024(Thanh tra) - Ngày 13/12/2024, UBND tỉnh Cao Bằng tổ chức hội nghị tổng kết công tác quốc phòng địa phương, giáo dục quốc phòng và an ninh năm 2024, triển khai nhiệm vụ năm 2025.
Trung Hà
16:40 13/12/2024T.Thanh
16:36 13/12/2024PV
16:33 13/12/2024Thu Huyền
16:03 13/12/2024Chính Bình
15:56 13/12/2024Nhóm PV
Văn Thanh
Ngọc Tuấn
Nhật Minh
Cao Sơn
Hương Trà
Lâm Ánh
Thu Huyền
Trần Quý
Trần Quý
Trần Kiên
Bùi Bình