Ca khúc: Tự hào người làm báo Thanh tra

Theo dõi Báo Thanh tra trên

Có bỏ lọt tội bằng biện pháp xử lý hành chính?

Thứ ba, 16/09/2014 - 13:44

(Thanh tra) - Các hành vi buôn lậu, gian lận thương mại... thuộc trách nhiệm điều tra của cơ quan hải quan, bộ đội biên phòng có xu hướng gia tăng, bị phát hiện nhiều, song khởi tố điều tra rất ít. Điều này khiến dư luận đặt nghi ngờ có tình trạng “bỏ lọt tội phạm qua xử lý hành chính hay không”.

Ông Nguyễn Hải Phong, Phó Viện trưởng Viện KSND Tối cao cho biết, “vướng nhất của Bộ đội Biên phòng là biết có tội nhưng không làm gì được, vì chỉ được khởi tố điều tra 21 tội danh”. Ảnh: Thảo Nguyên

Chiều ngày 15/9, Ủy ban Tư pháp của Quốc hội họp thảo luận kết quả giám sát “việc chấp hành pháp luật tố tụng hình sự của các cơ quan được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra”.
 
Theo kết quả giám sát, trong số 35.598 vụ/60.933 đối tượng bị Bộ đội Biên phòng phát hiện, bắt giữ, xử lý thì chỉ khởi tố, điều tra ban đầu và chuyển cơ quan điều tra chuyên trách là 2.158 vụ. Hay trong 65.874 vụ do lực lượng Hải quan phát hiện, bắt giữ thì chỉ khởi tố 615 vụ vi phạm về tội buôn lậu và vận chuyển hàng hóa trái phép qua biên giới, lực lượng hải quan trực tiếp khởi tố 91 vụ. 

Số liệu này khiến dư luận không yên tâm, đặt nghi ngờ có tình trạng “bỏ lọt tội bằng biện pháp xử lý hành chính”. 

Theo Điều 104 và 111 Bộ luật Tố tụng Hình sự, cơ quan Hải quan được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra nhưng không qui định rõ chủ thể thuộc cơ quan Hải quan có thẩm quyền này. Điều 20 Pháp lệnh Tổ chức điều tra hình sự qui định một số chủ thể là cấp trưởng và cấp phó được phân công hoặc ủy quyền mới được tiến hành hoạt động điều tra theo tố tụng hình sự. Quy định như vậy hạn chế hoạt động điều tra của cơ quan hải quan vì các chủ thể không thể đảm nhiệm hết các nhiệm vụ chuyên môn khi tiến hành điều tra....


Ông Dương Ngọc Ngưu, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp cho biết, qua khảo sát cũng thấy, ở một số địa phương, số vụ án được phát hiện, khởi tố, điều tra ít so với tình hình tội phạm đang diễn ra trên địa bàn. Các cơ quan được giao tiến hành một số hoạt động điều tra chủ yếu xử lý bằng biện pháp xử phạt vi phạm hành chính, ít khởi tố hình sự, dẫn đến bỏ lọt tội phạm trong một số trường hợp.

Tuy nhiên, theo ông Dương Ngọc Ngưu, trong một số trường hợp nên kiến nghị “cần kiểm tra toàn bộ hồ sơ xử lý hành chính, đánh giá, phân loại chính xác các vi phạm mới biết có bỏ lọt tội phạm hay không, tránh tình trạng hành chính hóa các vi phạm pháp luật hình sự”. 

Một vấn đề khác, các qui định của pháp luật tố tụng hình sự hiện hành chưa phù hợp với thực tế đấu tranh phòng, chống tội phạm tại khu vực biên giới, hải đảo. Nhất là việc hạn chế thẩm quyền điều tra của bộ đội biên phòng và cảnh sát biển. 

Ông Nguyễn Hải Phong, Phó Viện trưởng Viện KSND Tối cao cho biết, vướng nhất của Bộ đội Biên phòng là tội phạm chuẩn bị vượt biên rồi, biết có tội nhưng không làm gì được vì chỉ được khởi tố điều tra 21 tội danh.


Từ đó, có ý kiến đề nghị, bên cạnh giữ nguyên các cơ quan có chức năng điều tra ban đầu như hiện nay thì bổ sung, trao thẩm quyền được tiến hành điều tra ban đầu cho một số cơ quan khác như thuế, kiểm toán, kiểm ngư. Nhưng quy định cụ thể, tránh tình trạng như quy định về thẩm quyền điều tra của cơ quan hải quan hiện nay. 

Bày tỏ băn khoăn, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Lê Thị Nga nhấn mạnh, điều tra liên quan đến quyền cơ bản của công dân nên phải hết sức thận trọng khi đề xuất mở rộng thẩm quyền điều tra, không thể có tình trạng “người người làm điều tra” được. Chỉ những lực lượng đặc thù, ở xa đất liền không có cơ quan điều tra chuyên trách mới được mở rộng quyền điều tra, chứ ở những nơi có cơ quan điều tra chuyên trách thì không nên giao quyền này. 

"Để bảo đảm hoạt động điều tra được tiến hành đúng pháp luật tố tụng hình sự, bảo đảm quyền công dân, nếu lực lượng nào được mở rộng thẩm quyền điều tra do đặc thù thì cũng phải có điều tra viên chuyên trách”, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp kiến nghị.

Thảo Nguyên

 

Ý kiến bình luận:

Ý kiến của bạn sẽ được xét duyệt khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.

Hiện chưa có bình luận nào, hãy trở thành người đầu tiên bình luận cho bài biết này!

Tin cùng chuyên mục

Hà Giang: Tỷ lệ tinh giảm biên chế giai đoạn 2016-2021 giảm 10%

Hà Giang: Tỷ lệ tinh giảm biên chế giai đoạn 2016-2021 giảm 10%

(Thanh tra) - Chiều 13/12, Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh Hà Giang khóa XVII, nhiệm kỳ 2020 – 2025 tổ chức Hội nghị lần thứ 28 để tổng kết Nghị quyết 18-NQ/TW ngày 25/10/2017 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa VII về “Tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả”.

Bùi Bình

19:37 13/12/2024

Tin mới nhất

Xem thêm