Ca khúc: Tự hào người làm báo Thanh tra

Theo dõi Báo Thanh tra trên

Chưa thấy vai trò giám sát của HĐND trong phát hiện sai phạm mua sắm thiết bị y tế

Hương Giang

Thứ hai, 21/02/2022 - 18:05

(Thanh tra) - Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ băn khoăn khi những sai phạm trong mua sắm, đấu thầu thuốc, thiết bị, vật tư y tế phát hiện là qua công tác điều tra, chứ chưa thấy vai trò giám sát của HĐND các tỉnh, thành.

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ. Ảnh: Đ.X

Sáng 21/2, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ và các Phó Chủ tịch Quốc hội chủ trì hội nghị tổng kết công tác HĐND năm 2021 và triển khai kế hoạch công tác năm 2022 của các tỉnh, TP khu vực phía Bắc (gồm 25 tỉnh, TP).

Đổi mới hoạt động, giải quyết kiến nghị của cử tri đạt cao

Phát biểu tại hội nghị, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ khái quát nhiều kết quả đã đạt được của HĐND tỉnh, TP trong năm 2021, tạo tiền đề, điều kiện cho việc thực hiện nhiệm vụ của nhiệm kỳ, giai đoạn 2021-2026.

Theo ông, dù tình hình dịch COVID-19 diễn biến phức tạp, nhất là tại Hà Nội, Bắc Ninh, Bắc Giang, Hải Dương, Hà Nam... nhưng HĐND tỉnh, TP đã tổ chức thành công kỳ họp thứ nhất, kiện toàn tổ chức bộ máy HĐND, đồng thời xem xét, quyết định một số giải pháp cấp bách phòng chống dịch COVID-19 và duy trì phát triển kinh tế, đảm bảo an sinh xã hội…

HĐND các tỉnh, thành cũng thực hiện tốt hoạt động giám sát; đổi mới, nâng cao chất lượng chất vấn và trả lời chất vấn, tổ chức nhiều hoạt động giám sát chuyên đề…

Ông Vương Đình Huệ cho biết, Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) đã huy động sự vào cuộc hầu như tất cả HĐND và đoàn đại biểu Quốc hội cấp tỉnh, thành để thực hiện 4 chuyên đề giám sát thực hiện chính sách, pháp luật về: Công tác quy hoạch; thực hành tiết kiệm, chống lãng phí; tiếp công dân và giải quyết khiếu nại, tố cáo; sắp xếp các đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã.

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ tham dự hội nghị tổng kết công tác HĐND năm 2021 và triển khai kế hoạch công tác năm 2022 của các tỉnh, TP khu vực phía Bắc. Ảnh: Đ.X

“Phạm vi giám sát rộng, nhưng UBTVQH quyết định mỗi một chuyên đề giám sát đi giám sát trực tiếp không quá 5 địa phương, chứ không nhất thiết phải dàn hàng ngang đi địa phương, bộ, ngành”, Chủ tịch Quốc hội nói.

Công tác tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo, giải quyết các kiến nghị của nhân dân và cử tri, tỷ lệ giải quyết các kiến nghị của cử tri đạt cao, trên 85%. Theo ông Vương Đình Huệ, “đây là điều rất tích cực”.

Tại sao HĐND không biết sai phạm trong mua sắm thiết bị y tế?

Bên cạnh kết quả đạt được, Chủ tịch Quốc hội cũng chỉ ra những tồn tại, hạn chế. Trong đó, chất lượng kỳ họp của HĐND, hoạt động của thường trực HĐND, các ban của HĐND, các tổ đại biểu HĐND và đại biểu HĐND có lúc, có nơi còn bất cập, chưa đáp ứng yêu cầu và kỳ vọng của nhân dân, cử tri.

Hiệu quả của công tác giám sát nhìn chung còn hạn chế; hoạt động giám sát chuyên đề, tái giám sát còn ít. Hoạt động giải trình tại phiên họp của thường trực HĐND có nơi, có lúc còn hình thức, chất lượng thấp.

Đáng lưu ý, còn để xảy ra sai phạm trong quản lý, sử dụng ngân sách Nhà nước, tài sản công, đầu tư công, nhất là lĩnh vực đất đai, quản lý tài nguyên, môi trường; trong việc huy động, quản lý và phân bổ các nguồn lực cho công tác phòng chống dịch COVID -19, trong việc mua sắm, đấu thầu thuốc, thiết bị, vật tư y tế (điển hình là sai phạm có liên quan đến vụ án tại Công ty Việt Á).

Ông Vương Đình Huệ cho biết, Nghị quyết 30 của Quốc hội và Chính phủ cũng đã ban hành nghị quyết rất cụ thể về việc mua sắm công, nhất là trong lĩnh vực thuốc, test kit, trang thiết bị y tế. Nhưng, bên cạnh một số địa phương làm tốt thì một số địa phương không mua sắm được, không dám mua; một số địa phương mua thì có sai phạm.

“Sai phạm phát hiện qua điều tra và công tác của các cơ quan chức năng, chứ chưa thấy vai trò giám sát tại chỗ của HĐND. Qua chỗ này cũng phải rà soát lại, rút kinh nghiệm cụ thể. Những việc như vậy tại sao chúng ta không biết được. Mình là cơ quan dân cử, giám sát thường xuyên ở dưới. Đấy là vấn đề chúng ta cần phải suy nghĩ”, Chủ tịch Quốc hội lưu ý.

Trăn trở nghiên cứu, quy định thêm cơ chế, chính sách đặc thù

Về phương hướng nhiệm vụ trong năm 2022, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đề nghị tiếp tục đổi mới, nâng cao chất lượng kỳ họp HĐND, chất lượng hoạt động của thường trực HĐND, các ban HĐND, các tổ đại biểu HĐND và đại biểu HĐND để thực hiện tốt nhất nhiệm vụ, quyền hạn của HĐND tỉnh, TP cả về tổ chức và đảm bảo thi hành Hiến pháp và pháp luật; xây dựng chính quyền (công tác nhân sự, lấy phiếu tín nhiệm, bỏ phiếu tín nhiệm); quyết định các vấn đề quan trọng trong các lĩnh vực và giám sát.

Toàn cảnh hội nghị tổng kết công tác HĐND năm 2021 và triển khai kế hoạch công tác năm 2022 của các tỉnh, TP khu vực phía Bắc. Ảnh: Đ.X

Cùng với đó, kịp thời ban hành các nghị quyết để tổ chức thực hiện và giám sát việc tổ chức thực hiện các nghị quyết của Quốc hội, Chính phủ về phát triển kinh tế - xã hội, tài chính - ngân sách, đầu tư công năm 2022, các chương trình mục tiêu quốc gia, nhất là Chương trình Phòng, chống dịch COVID -19 và Chương trình Phục hồi và Phát triển kinh tế - xã hội…

Theo Chủ tịch Quốc hội, gói 350 nghìn tỷ đồng để hỗ trợ phục hồi, phát triển kinh tế trong 2 năm (2022-2023), Trung ương hướng dẫn, địa phương phải thực hiện. “Ngoài phân bổ chung của Trung ương, nhiều địa phương cũng đang trăn trở nghiên cứu, quy định thêm về cơ chế, chính sách đặc thù trên cơ sở nguồn lực của địa phương”, ông cho hay.

Chủ tịch Quốc hội cũng đề nghị, tăng cường sự lãnh đạo của cấp ủy, thường trực cấp ủy đối với tổ chức hoạt động của HĐND; chủ động tham mưu với cấp ủy trong việc kiện toàn các chức danh còn thiếu so với quy định và công tác quy hoạch đại biểu HĐND hoạt động chuyên trách nhiệm kỳ 2026-2031.

Sau hội nghị này, UBTVQH sẽ tổ chức 2 hội nghị tiếp theo trong tháng 3/2022 đối với các tỉnh, TP trực thuộc Trung ương tại khu vực miền Trung (TP Đà Nẵng vào 7/3) và khu vực miền Nam (TP HCM vào 21/3).

22 chủ tịch HĐND là ủy viên Trung ương, bí thư tỉnh ủy

Báo cáo tại hội nghị, theo Trưởng Ban Công tác đại biểu Nguyễn Thị Thanh, sau cuộc bầu cử ĐBQH khóa XV và đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2021-2026, các tỉnh, thành đã tổ chức thành công kỳ họp thứ nhất, đảm bảo đúng quy định của pháp luật.

Kết quả cho thấy, HĐND cấp tỉnh của cả nước đã bầu được 177 nhân sự giữ chức danh chủ tịch, phó chủ tịch HĐND (gồm 63 chủ tịch, 114 phó chủ tịch); thành lập 227 ban.

Trong 63 chủ tịch HĐND có 22 nhân sự là ủy viên Trung ương, bí thư tỉnh ủy gồm chủ tịch HĐND các tỉnh, TP: Bà Rịa - Vũng Tàu, Bạc Liêu, Bình Định, Cà Mau, Gia Lai, Hà Nam, Hà Tĩnh, Hải Dương, Kon Tum, Lai Châu, Lâm Đồng, Long An, Nghệ An, Phú Thọ, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Quảng Ninh, Tây Ninh, Thanh Hóa, Thừa Thiên - Huế, Vĩnh Long, Vĩnh Phúc.

“Ngay sau kỳ họp thứ nhất, thường trực HĐND cấp tỉnh đã hoàn thiện các biên bản, nghị quyết, báo cáo và hồ sơ kỳ họp thứ nhất HĐND nhiệm kỳ 2021-2026 trình UBTVQH xem xét, phê chuẩn đối với các chức danh chủ tịch, phó chủ tịch HĐND”, bà Thanh cho biết. 

Kiến nghị tăng số lượng đại biểu HĐND chuyên trách

Tham luận tại hội nghị, Phó Chủ tịch Thường trực HĐND TP Hà Nội Phùng Thị Hồng Hà nhấn mạnh việc nâng cao chất lượng hoạt động giám sát.

Để hoạt động này phát huy hiệu quả hơn nữa, bà Hà đề nghị, UBTVQH chỉ đạo ban hành các quy định về chế tài sau giám sát, trách nhiệm của người đứng đầu đơn vị trong thực hiện các kết luận giám sát.

Phó Chủ tịch Thường trực HĐND TP Hà Nội còn đề nghị, tăng số lượng đại biểu chuyên trách HĐND theo quy định. “Thực tế chỉ ra, việc tăng thêm đại biểu chuyên trách giúp cho hoạt động của HĐND các cấp được sâu hơn, rộng hơn và chất lượng được nâng cao hơn”, bà Hà nhấn mạnh.

Còn Phó Chủ tịch Thường trực HĐND tỉnh Bắc Giang Lâm Thị Hương Thành thì chia sẻ kinh nghiệm về hoạt động giải trình. Theo bà, thông qua hoạt động này nhiều vấn đề nổi cộm, bức xúc ở địa phương đã được giải quyết, đáp ứng tâm tư, nguyện vọng của cử tri; đồng thời, tăng cường hiệu lực, hiệu quả giám sát của HĐND.

“Lựa chọn và xác định nội dung giải trình là yếu tố quan trọng hàng đầu”, bà Thành nhấn mạnh, Vì vậy, bà Thành cho biết, thời gian tới, HĐND tỉnh giao nhiệm vụ, khuyến khích khả năng phát hiện vấn đề qua giám sát, khảo sát, tiếp xúc cử tri… để có nhiều nội dung đưa vào chất vấn, giải trình tại phiên họp Thường trực hằng tháng.

Ngoài ra, HĐND tỉnh Bắc Giang khuyến khích, nâng cao tinh thần, trách nhiệm của đại biểu HĐND, người giải trình; tăng cường kiểm tra, đôn đốc, giám sát việc thực hiện kết luận phiên giải trình…

Ý kiến bình luận:

Ý kiến của bạn sẽ được xét duyệt khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.

Hiện chưa có bình luận nào, hãy trở thành người đầu tiên bình luận cho bài biết này!

Tin cùng chuyên mục

Sơn La thông qua phương án hợp nhất Sở Lao động, Thương binh và Xã hội với Sở Nội vụ

Sơn La thông qua phương án hợp nhất Sở Lao động, Thương binh và Xã hội với Sở Nội vụ

(Thanh tra) - Ngày 14/12, bà Tráng Thị Xuân, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Sơn La chủ trì cuộc họp cùng lãnh đạo các Sở Lao động - Thương binh và Xã hội, Y tế, Giáo dục và Đào tạo, Nội vụ và Ban Dân tộc nhằm thống nhất phương án sắp xếp tổ chức bộ máy của một số cơ quan, đơn vị của tỉnh.

Trần Kiên

19:34 14/12/2024

Tin mới nhất

Xem thêm