Ca khúc: Tự hào người làm báo Thanh tra

Theo dõi Báo Thanh tra trên

Chủ tịch UBND không tham gia phiên tòa, không thi hành bản án hành chính là “thờ ơ, vô cảm”

Hương Giang

Chủ nhật, 11/09/2022 - 15:27

(Thanh tra) - Theo đánh giá của đại biểu Quốc hội, Trần Văn Tuấn, UBND, chủ tịch UBND không tham gia phiên tòa, không thi hành bản án hành chính đã có hiệu lực pháp luật là trách nhiệm, thờ ơ, vô cảm và đây là điều cực kỳ đáng quan ngại.

“Chủ tịch UBND hay người đại diện - mà nhiều người có thể đã từng tham gia quá trình giải quyết khiếu nại giờ đây trở thành người bị kiện, nhưng lại không tham gia phiên tòa thì chắc chắn người dân sẽ rất bức xúc”, đại biểu Quốc hội Trần Văn Tuấn nói. Ảnh: Đ.X

Án hành chính tăng, phải ban hành 138 quyết định buộc thi hành

Theo ý kiến thẩm tra bước đầu của Ủy ban Tư pháp của Quốc hội, năm 2022, số lượng các vụ án hành chính đã thụ lý 11.433 vụ (tăng 941 vụ so với cùng kỳ năm 2021); đã giải quyết đạt 49% (tăng 4% so với cùng kỳ năm 2021).

Báo cáo của Ủy ban Tư pháp đánh giá, các tòa án đã có nhiều cố gắng trong việc giải quyết các vụ án hành chính, trong đó chú trọng thu thập tài liệu, chứng cứ và tổ chức đối thoại giữa các bên.

Do đó, tỷ lệ đối thoại thành được 249 vụ, đạt 6,7% trên tổng số các vụ án hành chính đã giải quyết theo thủ tục sơ thẩm; không có vụ án hành chính nào quá thời hạn xét xử do nguyên nhân chủ quan; đã khắc phục cơ bản việc tuyên bản án không rõ, gây khó khăn cho công tác thi hành án.

Các tòa án đã ban hành 138 quyết định buộc thi hành án (tăng 42 quyết định so với cùng kỳ năm trước).

Báo cáo cũng nhấn mạnh, tỷ lệ giải quyết vụ án hành chính mới đạt 49%, chưa đạt chỉ tiêu do Quốc hội giao (60% trở lên).

Tỷ lệ án bị hủy do nguyên nhân chủ quan là 3,08%, bị sửa do nguyên nhân chủ quan là 2,77%, chưa đạt yêu cầu của Quốc hội (không vượt quá 1,5%).

Về thi hành án hành chính, báo cáo của Chính phủ cho biết, trong năm 2022, các cơ quan Nhà nước, người có thẩm quyền thi hành xong 287/873 bản án, quyết định; còn lại đang tiếp tục thi hành, chủ yếu là các bản án, quyết định phát sinh trong năm 2021 và năm 2022.

Riêng với 32 bản án, quyết định người phải thi hành là UBND, chủ tịch UBND được giám sát năm 2018, đến nay đã thi hành xong 26 việc.

Chính phủ cũng đánh giá, số bản án, quyết định hành chính tăng mạnh trong 2 năm gần đây, nhưng hiệu quả công tác thi hành án hành chính chưa cao.

Đáng lưu ý, một số chủ tịch UBND các cấp chưa đề cao trách nhiệm, chưa gương mẫu trong việc chấp hành bản án hành chính; chưa quyết liệt trong đôn đốc, kiểm tra, xử lý trách nhiệm với người phải thi hành thuộc thẩm quyền quản lý.

“Còn trường hợp không giải quyết hoặc không thông báo kết quả giải quyết với kiến nghị về thi hành án của cơ quan có thẩm quyền”, báo cáo Chính phủ nêu.

Báo cáo của Chính phủ dẫn chứng, dù Viện KSND có 7 kiến nghị với chủ tịch UBND một số quận, huyện của TP Hà Nội đề nghị chỉ đạo các phòng, ban thực hiện bản án hành chính đã có hiệu lực pháp luật nhưng đều không nhận được công văn phúc đáp hoặc văn bản thông báo tình hình, kết quả thực hiện.

UBND, chủ tịch UBND không tham gia phiên tòa hành chính rất phổ biến

Phó Trưởng đoàn chuyên trách Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Bắc Giang Trần Văn Tuấn dẫn lại báo cáo của TAND Tối cao cho biết, tình trạng, UBND, chủ tịch UBND, người đại diện không tham gia đối thoại, không tham gia phiên tòa, chậm cung cấp chứng cứ, tài liệu theo yêu cầu của tòa án là rất phổ biến và kéo dài nhiều năm, gây khó khăn cho tòa án trong việc giải quyết vụ án hành chính, gây bức xúc cho đương sự.

“Tôi thấy đây là vấn đề hết sức đáng quan ngại. Có lẽ phải đánh giá sâu hơn nữa, xem từ nội dung trên chúng ta thấy điều gì. Có thể nói, đó chính là sự thiếu trách nhiệm, thậm chí là sự thờ ơ, vô cảm của UBND, chủ tịch UBND ở nhiều địa phương”, ông Tuấn nhấn mạnh.

Theo ông Tuấn, người dân khiếu nại các quyết định hành chính vì không đồng tình với các quyết định này. Và khi thấy kết quả giải quyết không như mong muốn, nhiều người sẽ khởi kiện ra tòa.

“Chủ tịch UBND hay người đại diện - mà nhiều người có thể đã từng tham gia quá trình giải quyết khiếu nại giờ đây trở thành người bị kiện, nhưng lại không tham gia phiên tòa thì chắc chắn người dân sẽ rất bức xúc”, ông Tuấn phân tích.

Ông Tuấn còn lưu ý, sau khi các quyết định của tòa đã có hiệu lực, rồi quyết định buộc thi hành bản án mà nhiều trong số đó vẫn không được các UBND, chủ tịch UBND thực hiện thì “cực kỳ đáng quan ngại”.

Từ đó, ông đề nghị báo cáo của TAND Tối cao, Chính phủ phải đánh giá nghiêm túc vấn đề này; chỉ rõ tình trạng nà chủ yếu ở địa phương nào.

“Những trường hợp không có quyết định buộc thi hành bản án thì thế nào? Ngay cả 138 quyết định buộc thi hành án thì đến nay được thi hành bao nhiêu? Số không thi hành được nguyên nhân khách quan, chủ quan là gì? Cần phải đánh giá kỹ hơn”, ông Tuấn nói.

Về vấn đề này, Phó Chánh án TAND Tối cao Phạm Quốc Hưng cho hay, theo số liệu từ các địa phương khi xây dựng báo cáo phục vụ giám sát của Ủy ban Tư pháp về giải quyết án hành chính thì 57/63 tòa án các tỉnh cho biết việc cung cấp chứng cứ của UBND cho tòa khó khăn.

Cạnh đó, 60/63 báo cáo đề cập việc người bị kiện, chủ tịch UBND không tích cực tham gia quá trình giải quyết án hành chính của tòa án.

Với 138 quyết định buộc thi hành bản án hành chính, ông Hưng nói, đưa vào báo cáo chỉ để minh chứng cho ý thức chấp hành pháp luật của các UBND, chủ tịch UBND có liên quan.

“Theo quy định thì khi bản án của tòa có hiệu lực thì các tổ chức cá nhân phải thi hành, tuy nhiên đây là cơ quan nhà nước nhưng không tích cực chấp hành quyết định này. Chúng tôi muốn chứng cho nội dung như vậy”, ông Hưng nói.

Đại biểu Trần Văn Tuấn đề nghị sửa Luật Tố tụng hành chính để khắc phục mâu thuẫn khi tại Điều 60 quy định, chủ tịch UBND, người đại diện phải tham gia quá trình giải quyết toàn bộ vụ án, nhưng các điều sau đó lại cho phép người bị khởi kiện có quyền làm đơn vắng mặt tại phiên tòa.

Theo ông Tuấn, dù luật quy định người bị khởi kiện là UBND, chủ tịch UBND có thể vắng mặt, song về trách nhiệm của cơ quan hành chính trong việc giải quyết khiếu nại của người dân thì “điều này rất khó chấp nhận”.

Ông cũng đề nghị sửa đổi pháp luật về giải quyết khiếu nại. Hiện Luật Khiếu nại quy định phải qua 2 cấp giải quyết khiếu nại, sau đó nếu không đồng tình người dân mới được khởi kiện ra tòa hành chính. Ông Tuấn đề nghị, sửa đổi theo hướng, sau giải quyết lần 1 thì người dân có thể khởi kiện ra tòa.

Theo ông, việc này sẽ khiến công việc của tòa nhiều lên nhưng giải quyết được nhiều vấn đề phức tạp, bức xúc hiện nay. Cạnh đó, sẽ nâng cao ý thức, trách nhiệm của chủ tịch UBND trước khi ban hành quyết định hành chính nào đó vì nếu không đúng sẽ phải đối mặt với tòa. 

Ý kiến bình luận:

Ý kiến của bạn sẽ được xét duyệt khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.

Hiện chưa có bình luận nào, hãy trở thành người đầu tiên bình luận cho bài biết này!

Tin cùng chuyên mục

HĐND tỉnh Hà Giang hoàn thành Kỳ họp thứ 20 với nhiều nghị quyết quan trọng

HĐND tỉnh Hà Giang hoàn thành Kỳ họp thứ 20 với nhiều nghị quyết quan trọng

(Thanh tra) - Sáng 12/12, Kỳ họp thứ 20, HĐND tỉnh Hà Giang khóa XVIII đã hoàn thành toàn bộ nội dung chương trình. Trong khuôn khổ kỳ họp, các đại biểu đã thực hiện giám sát chuyên đề “Thực hiện chính sách pháp luật về đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021 - 2025” và thông qua nhiều nghị quyết quan trọng.

Bùi Bình

13:17 12/12/2024

Tin mới nhất

Xem thêm