Ca khúc: Tự hào người làm báo Thanh tra

Theo dõi Báo Thanh tra trên

Chủ tịch UBND không tham gia đối thoại phiên tòa hành chính “ngày càng tăng”

Hương Giang

Thứ năm, 08/10/2020 - 15:11

(Thanh tra) - Tỷ lệ chủ tịch UBND và người đại diện của UBND không tham gia đối thoại, không tham gia phiên tòa còn cao và có xu hướng ngày càng tăng qua các năm.

Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long thừa uỷ quyền của Thủ tướng vừa ký báo cáo gửi Quốc hội về việc thực hiện các nghị quyết của Quốc hội. Ảnh: TN

Đó là thông tin được đề cập trong báo cáo thực hiện các nghị quyết của Quốc hội mới đây của Chính phủ do Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long thừa uỷ quyền của Thủ tướng ký ban hành.

Có địa phương, chủ tịch chưa tham gia bất kỳ phiên đối thoại nào

Một trong những yêu cầu của việc ban hành Luật Tố tụng hành chính năm 2015 là tăng cường hơn nữa trách nhiệm của chính quyền các cấp trong việc tham gia tố tụng, giải quyết khiếu kiện của người dân đối với quyết định hành chính, hành vi hành chính.

Theo báo cáo của Chính phủ, Thủ tướng đã yêu cầu thủ trưởng các cơ quan hành chính, công chức khi có quyết định hành chính, hành vi hành chính bị khởi kiện phải thực hiện nghiêm túc Luật Tố tụng hành chính, tham gia phiên tòa, tranh tụng, đối thoại, thi hành các bản án hành chính đã có hiệu lực pháp luật theo đúng quy định.

Phó Thủ tướng Thường trực Trương Hòa Bình cũng có nhiều văn bản chỉ đạo; Bộ Tư pháp ban hành công văn; nhiều địa phương cũng có chỉ thị, công văn chỉ đạo thực hiện nghiêm pháp luật tố tụng hành chính và thi hành hành chính….

Tuy nhiên, “tỷ lệ chủ tịch UBND và người đại diện của UBND không tham gia đối thoại, không tham gia phiên tòa còn cao và có xu hướng ngày càng tăng qua các năm”.

Chính phủ cho biết, có những địa phương sau khi Luật Tố tụng hành chính năm 2015 có hiệu lực thi hành (từ 1/7/2016), chủ tịch UBND làm văn bản ủy quyền thường xuyên cho phó chủ tịch tham gia tố tụng, sau đó phó chủ tịch cũng chưa tham gia bất kỳ phiên đối thoại hoặc phiên tòa nào.

Cũng có những địa phương, sau khi nhận được thông báo thụ lý vụ án của tòa án, chủ tịch UBND hoặc phó chủ tịch UBND được ủy quyền có văn bản gửi tòa án đề nghị được vắng mặt trong tất cả các hoạt động tố tụng mà tòa án triệu tập.

Tại một số địa phương, với phạm vi quản lý, điều hành lớn (như TP Hà Nội, TP Hồ Chí Minh), lãnh đạo UBND các cấp rất khó sắp xếp lịch làm việc theo giấy triệu tập của tòa án để tham gia tất cả các giai đoạn của các vụ án hành chính.

Chưa ai bị xử lý trách nhiệm do chậm thi hành án hành chính

Không chỉ thế, số lượng bản án, quyết định của tòa án về vụ án hành chính đã có hiệu lực nhưng chưa được thi hành xong còn nhiều.

Báo cáo của Chính phủ cho biết, trong 3 năm từ 2017 - 2019, cả nước có 1.052 bản án, quyết định của toà án về vụ án hành chính có nội dung theo dõi.

Đến nay, đã có 713 bản án được UBND, Chủ tịch UBND các cấp thi hành, chỉ đạo thi hành xong, chiếm 68%. Số bản án chưa được thi hành là 339 bản án, chiếm 32%. Trong số này có tới 316 bản án mà người thi hành là chủ tịch UBND và UBND các cấp.

“Chưa có trường hợp nào người phải thi hành án hành chính bị xem xét, xử lý trách nhiệm do vi phạm nghĩa vụ thi hành án hành chính, trong khi tòa án có thẩm quyền đã ban hành 240 quyết định buộc thi hành án hành chính”, báo cáo nêu rõ.

Cánh đó, trong 10 tháng đầu năm 2020, có 377 bản án, quyết định mà người phải thi hành án là cơ quan hành chính Nhà nước. Cộng cả án tồn đọng từ kỳ trước chuyển sang là 339 vụ thì tổng số việc mà cơ quan hành chính Nhà nước phải thi hành là 716 việc.

Tuy nhiên, kết quả tới thời điểm báo cáo chỉ mới thi hành xong 244/716 việc, đạt tỷ lệ 34%. Số còn lại vẫn đang tiếp tục được thi hành.

Sẽ kiểm tra địa phương có số vụ thi hành án hành chính lớn, kéo dài

Theo đánh giá của Chính phủ, còn có tình trạng một số UBND chưa chủ động thi hành án hành chính, trong khi cơ quan thi hành án dân sự đã thực hiện đầy đủ trách nhiệm đôn đốc, theo dõi, kiến nghị thi hành án hành chính, thủ trưởng cấp trên đã có văn bản chỉ đạo yêu cầu tổ chức thi hành án nhưng cơ quan phải thi hành án vẫn chậm tổ chức thi hành.

Ngoài ra, một số chủ tịch UBND và UBND chưa thực sự quan tâm, chưa xác định rõ trách nhiệm của người đứng đầu đối với công tác thi hành án hành chính; thậm chí có những UBND cấp tỉnh coi công tác thi hành án hành chính là công việc của cơ quan Thi hành án dân sự nên ủy quyền cho cơ quan Thi hành án dân sự thực hiện các nhiệm vụ thuộc trách nhiệm thực hiện của UBND.

Từ đó, Chính phủ cho biết, thời gian tới, sẽ tập trung và nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác kiểm tra tình hình thi hành án hành chính tại các cơ quan, địa phương có số lượng vụ việc thi hành án hành chính lớn, phức tạp, kéo dài.

“Với các trường hợp, qua kiểm tra xác định rõ có hành vi chậm thi hành án hành chính sẽ có giải pháp kiểm điểm xử lý nghiêm theo quy định”, báo cáo nêu.

Ý kiến bình luận:

Ý kiến của bạn sẽ được xét duyệt khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.

Hiện chưa có bình luận nào, hãy trở thành người đầu tiên bình luận cho bài biết này!

Tin cùng chuyên mục

Sơn La thông qua phương án hợp nhất Sở Lao động, Thương binh và Xã hội với Sở Nội vụ

Sơn La thông qua phương án hợp nhất Sở Lao động, Thương binh và Xã hội với Sở Nội vụ

(Thanh tra) - Ngày 14/12, bà Tráng Thị Xuân, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Sơn La chủ trì cuộc họp cùng lãnh đạo các Sở Lao động - Thương binh và Xã hội, Y tế, Giáo dục và Đào tạo, Nội vụ và Ban Dân tộc nhằm thống nhất phương án sắp xếp tổ chức bộ máy của một số cơ quan, đơn vị của tỉnh.

Trần Kiên

19:34 14/12/2024

Tin mới nhất

Xem thêm