Ca khúc: Tự hào người làm báo Thanh tra

Theo dõi Báo Thanh tra trên

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân thăm làm việc tại tỉnh Quảng Nam

Theo Hoàng Thị Hoa/TTXVN

Chủ nhật, 20/12/2020 - 21:04

Chủ tịch Quốc hội cho rằng Quảng Nam đã có những tính toán căn cơ về chỗ ở cho nhân dân vùng hay bị thiên tai một cách lâu dài, đó là tính lại quy hoạch dân cư, giúp bà con sớm ổn định cuộc sống .

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân phát biểu tại buổi làm việc. (Ảnh: Trọng Đức/TTXVN)

Ngày 20/12, Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân và Đoàn công tác đã thăm làm việc tại tỉnh Quảng Nam.

Cùng tham dự có Đại tướng Đỗ Bá Tỵ, Phó Chủ tịch Quốc hội; Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc; Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính-Ngân sách của Quốc hội Nguyễn Đức Hải; Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch Hội đồng nhân dân tỉnh Quảng Nam Phan Việt Cường; Trung tướng Thái Đại Ngọc, Tư lệnh Quân khu 5…

Tại buổi làm việc với lãnh đạo tỉnh Quảng Nam, ông Lê Trí Thành, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh Quảng Nam đã báo cáo tình hình kinh tế-xã hội năm 2020 và nhiệm vụ năm 2021; trong đó có tình hình thiệt hại và nhu cầu khôi phục cơ sở hạ tầng sau thiên tại trên địa bàn tỉnh Quảng Nam.

Trong bối cảnh năm 2020 chịu tác động của dịch COVID-19, một số ngành, lĩnh vực sản xuất có lao động phải tạm ngừng hoặc luân phiên, chuỗi cung ứng nguyên vật liệu đầu vào bị gián đoạn gây đình trệ hoạt động sản xuất kinh doanh, làm ảnh hưởng không nhỏ đến kết quả phát triển kinh tế-xã hội và đời sống nhân dân trên địa bàn tỉnh.

Tốc độ tăng trưởng GRDP tỉnh Quảng Nam năm 2020 dự kiến bằng 93,02% so với năm 2019. Khu vực nông, lâm và thủy sản bị ảnh hưởng không nhiều nên là khu vực duy nhất có mức tăng trưởng dương, dự kiến tăng 3,48% so với năm 2019.

Lượng khách đến tham quan và lưu trú du lịch trên địa bàn giảm sâu. Tổng lượng khách năm 2020 ước đạt trên 1,46 triệu lượt, giảm 81% so với 2019...

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân đánh giá GRDP của Quảng Nam năm 2020 dự kiến bằng hơn 93% so 2019 trong bối cảnh dịch bệnh và các đợt thiên tai dồn dập là nỗ lực lớn của tỉnh. Quảng Nam cũng đã cố gắng thúc đẩy giải ngân đầu tư công trong điều kiện khó khăn nhưng đến cuối năm 2020 tỉnh đã có thêm 12 xã đạt chuẩn nông thôn mới, nâng tổng số xã đạt chuẩn nông thôn mới đến cuối năm 2020 là 116 xã, đạt tỷ lệ 58% tổng số xã, là tỉnh dẫn đầu khu vực duyên hải Nam Trung bộ có tỷ lệ số xã đạt chuẩn nông thôn mới cao.

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân cũng lưu ý tỉnh Quảng Nam cần có kế hoạch dài hơi, đầu tư hoàn thiện cơ sở hạ tầng giao thông, kết nối giao thông giữa vùng đồng bằng với miền núi và các tỉnh Tây Nguyên, nối với các tỉnh Nam Lào, Bắc Thái Lan.

Về du lịch, do ảnh hưởng bởi dịch COVID-19 nên số lượng du khách sụt giảm. Cho rằng tiềm năng du lịch của Quảng Nam rất lớn, Chủ tịch Quốc hội nhất trí với định hướng của Quảng Nam hiện nay là chọn nhà đầu tư tầm cỡ quốc tế, có thương hiệu để có thể hình thành những tổ hợp có thể phục vụ du khách dài ngày, tránh đầu tư nhỏ lẻ.

 Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân tặng quà nhân dân huyện Phước Sơn bị thiệt hại do thiên tai gây ra. (Ảnh: Trọng Đức/TTXVN)

Về tình hình thiệt hại và nhu cầu khôi phục cơ sở hạ tầng sau thiên tai, báo cáo Chủ tịch Quốc hội, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh Quảng Nam cho biết theo thống kê, các đợt thiên tai trong năm 2020 tại Quảng Nam đã làm 44 người chết, 17 người bị mất tích. Thiệt hại về các công trình trên địa bàn ước tính khoảng gần 11.000 tỷ đồng.

“Về dựng lại nhà cửa cho dân, chúng tôi làm theo 2 cách, những hộ dân nào mất nhà cửa mà vị trí đó an toàn thì cho dựng lại ngay lập tức. Còn vị trí nào cần khảo sát, đánh giá kỹ về mặt bằng để đảm bảo an toàn lâu dài thì cơ quan chức năng khảo sát chọn mặt bằng trên cơ sở lấy ý kiến người dân, phải có tham vấn của cơ quan chuyên môn để thống nhất chọn mặt bằng đó. Thường vụ Tỉnh ủy cũng đã họp, chỉ đạo rất quyết liệt, thống nhất kinh phí dự kiến hỗ trợ làm nhà ở khu vực miền núi cao là 150 triệu đồng/nhà và 80 triệu đồng/nhà đối với ở vùng đồng bằng. Tỉnh phấn đấu trước Tết Nguyên đán có thể giải quyết 60% hộ dân có nhà ở,” ông Lê Trí Thành, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh Quảng Nam chia sẻ.

Phát biểu ý kiến về nội dung này, Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh, Quảng Nam là một trong các tỉnh miền Trung thường xuyên chịu ảnh hưởng của các loại hình thiên tai. Quảng Nam có dư địa phát triển tốt, tuy nhiên thiên tai năm 2020 đặt ra nhiều thách thức.

Nam Trà My và Phước Sơn là hai huyện bị thiệt hại nặng nhất. Hiện những hộ bị mất nhà đang ở cùng với họ hàng, thân nhân. Tỉnh đã đảm bảo cung cấp lương thực đủ cho bà con trước và sau Tết.

Chủ tịch Quốc hội cho rằng Quảng Nam đã có những tính toán căn cơ về chỗ ở cho nhân dân vùng hay bị thiên tai một cách lâu dài. Đó là tính lại quy hoạch dân cư, giúp bà con sớm ổn định cuộc sống cũng như sinh kế lâu dài.

Tại Khu công nghiệp Thaco Chu Lai, Chủ tịch Quốc hội bày tỏ vui mừng trong điều kiện khó khăn chung do dịch COVID-19 nhưng Tập đoàn Thaco vẫn đứng vững. Công nhân, người lao động không bị mất việc, doanh số tăng, xuất khẩu, tiêu thụ trong nước đều tăng, thu nhập người lao động vẫn đảm bảo (khoảng hơn 10 triệu đồng/người/tháng).

Tập đoàn Thaco đã có nhiều nỗ lực trong khó khăn, duy trì đóng góp ngân sách cho địa phương, thực hiện trách nhiệm doanh nghiệp với cộng đồng, xã hội bằng những đóng góp thiện nguyện, xây nhà cho người nghèo.

Thaco đã trở thành Tập đoàn công nghiệp đa ngành, trong đó cơ khí và ô tô là chủ lực, đồng thời phát triển các lĩnh vực sản xuất kinh doanh bổ trợ cho nhau, tạo ra giá trị cộng hưởng và nâng cao năng lực cạnh tranh, bao gồm Bông nghiệp; Đầu tư xây dựng; Logistics; Thương mại và Dịch vụ… Xu hướng của Thaco hiện nay là đón đầu và hội nhập khu vực, theo hướng đa ngành.

Chủ tịch Quốc hội bày tỏ tin tưởng là doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực sản xuất, lắp ráp và phân phối ôtô tại Việt Nam, Thaco tiếp tục xác định mục tiêu là giữ vững vị trí đứng đầu, đồng thời mở rộng thị trường trong khu vực ASEAN, gia tăng tỷ lệ nội địa hóa.

Doanh nghiệp đang đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp và chế biến xuất khẩu, hướng tới nền nông nghiệp sạch là hướng đi tốt; có mô hình đào tạo nguồn nhân lực cho mình, có mô hình sinh thái tích hợp...

Chủ tịch Quốc hội mong muốn doanh nghiệp phát triển, tiếp tục có những đóng góp cho địa phương cũng như thực hiện trách nhiệm xã hội, đảm bảo thu nhập cho công nhân, người lao động ngày càng tăng.

Chiều cùng ngày, Chủ tịch Quốc hội và Đoàn công tác đã đến làm việc tại huyện miền núi Phước Sơn, tỉnh Quảng Nam; gặp gỡ các hộ dân bị thiệt hại nặng nề trong đợt mưa lũ vừa qua.

Bí thư Huyện ủy Phước Sơn Đoàn Văn Thông báo cáo về thiệt hại do cơn bão số 9 gây ra trên địa bàn.

 Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân thăm các phân xưởng sản xuất và lắp ráp xe của Thaco Chu Lai. (Ảnh: Trọng Đức/TTXVN)

Cụ thể, huyện đã có 13 người bị chết và mất tích; 306 nhà bị hư hại; nhiều trạm y tế, trường học bị sập, các tuyến đường giao thông huyết mạch lên các xã vùng cao của huyện bị hư hại, một số tuyến đường chưa được thông tuyến; 23 công trình thủy lợi bị trôi hoàn toàn; diện tích lúa bị vùi lấp là 116ha, đất nương rẫy bị sạt lở 103ha. Ước tính thiệt hại do bão số 9 gây ra trên địa bàn huyện trên 750 tỷ đồng.

Phát biểu tại Phước Sơn, Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh, là huyện miền núi phía Tây Quảng Nam, Phước Sơn còn tới 23% hộ nghèo, hơn 60% đồng bào dân tộc thiểu số. Đời sống nhân dân còn khó khăn nhưng thiên tai vừa qua đã gây nhiều thiệt hại về người và tài sản, cơ sở hạ tầng, sản xuất…

Nhiều bà con bị mất nhà đang phải đi ở tạm. Trong tình hình đó, Quảng Nam đã khẩn cấp thực hiện “4 tại chỗ,” cả hệ thống chính trị đã vào cuộc để khắc phục nhanh nhất thiệt hại và dần ổn định đời sống nhân dân.

Nhân dịp này, Chủ tịch Quốc hội đã chia sẻ với những mất mát của những gia đình có người thân bị chết, bị mất tích, những địa phương có cán bộ hy sinh trong cứu hộ, cứu nạn. Chủ tịch Quốc hội mong đồng bào huyện Phước Sơn sớm ổn định cuộc sống, khôi phục sản xuất, tiếp tục phát triển đi lên.

Ghi nhận những đề nghị của huyện, Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh, về khôi phục cơ sở vật chất, tỉnh Quảng Nam cần tiếp tục tổng hợp cụ thể. Nêu rõ quan điểm của Đảng, Nhà nước không để người dân nào bị đói, do đó huyện Phước Sơn phải nắm rõ tình hình, mức độ của các hộ dân bị ảnh hưởng, cần cứu trợ lương thực sau thiên tai để Nhà nước hỗ trợ đảm bảo công bằng, hợp lý.

Về xây dựng khu tái định cư cho dân, theo Chủ tịch Quốc hội, đối với huyện miền núi hay xảy ra sạt lở phải luôn luôn trong tư thế dự phòng mọi tình huống. Tỉnh Quảng Nam cần xây dựng kế hoạch, giải pháp, dự án khu tái định cư, cách tổ chức như thế nào… để báo cáo, nếu vượt thẩm quyền thì báo cáo lên cấp trên để tìm giải pháp khả thi nhất.

Nhân dịp này, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân đã tặng 121 phần quà và tiền mặt cho 121 hộ ở một số xã trong huyện Phước Sơn có người thân bị chết, mất tích, bị thiệt hại nặng nề trong đợt mưa lũ vừa qua.

Ông Phạm Đức Ấn - Chủ tịch Hội đồng thành viên Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (Agribank) trao 5 tỷ đồng cho huyện Phước Sơn để xây dựng Trạm y tế xã Phước Thành.

Cũng trong chiều 20/12, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân đã đến thăm, tặng quà gia đình ông Hồ Văn Điều - người Bhnong (thuộc dân tộc Giẻ-triêng) ở Phước Sơn, là gia đình cách mạng tiêu biểu, có công trong cộng đồng./.

Ý kiến bình luận:

Ý kiến của bạn sẽ được xét duyệt khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.

Hiện chưa có bình luận nào, hãy trở thành người đầu tiên bình luận cho bài biết này!

Tin cùng chuyên mục

Thành lập thanh tra chuyên ngành di sản văn hóa

Thành lập thanh tra chuyên ngành di sản văn hóa

(Thanh tra) - Chiều 23/11, với 413/422 đại biểu có mặt tán thành, Quốc hội đã thông qua Luật Di sản văn hóa sửa đổi, trong đó có quy định về thành lập thanh tra chuyên ngành di sản văn hóa.

Hương Giang

16:19 23/11/2024

Tin mới nhất

Xem thêm