Theo dõi Báo Thanh tra trên
Hương Giang
Thứ năm, 13/02/2025 - 10:52
(Thanh tra) - Nhấn mạnh hiện nay không thể bỏ HĐND cấp xã, Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn rõ lý do khi phát biểu tại tổ cho ý kiến Dự thảo Luật Tổ chức Chính phủ (sửa đổi); Dự thảo Luật Tổ chức chính quyền địa phương (sửa đổi), sáng 13/2.
Dự thảo Luật Tổ chức chính quyền địa phương (sửa đổi) trình Quốc hội quy định theo hướng giữ nguyên mô hình tổ chức chính quyền địa phương như luật hiện hành. Tức là bỏ đề xuất không tổ chức HĐND tại các xã ở trong đô thị, xã ở thị xã, xã ở TP thuộc TP.
Theo đó, tại tất cả các đơn vị hành chính các cấp tổ chức cấp chính quyền địa phương gồm có HĐND và UBND, trừ trường hợp cụ thể Quốc hội quy định không phải là cấp chính quyền địa phương.
Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn. Ảnh: P.Thắng
Việc chỉnh lý này thực hiện ý kiến chỉ đạo của Bộ Chính trị và thông báo kết luận của Ủy ban Thường vụ Quốc hội. Quy định này cũng để bảo đảm việc tiếp tục thực hiện tổ chức chính quyền đô thị tại một số TP trực thuộc Trung ương theo Luật Thủ đô và các Nghị quyết của Quốc hội.
Theo dự luật trình phiên họp 42 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chính phủ đề xuất không tổ chức HĐND tại các xã ở trong đô thị, xã ở thị xã, xã ở TP thuộc TP. Đây là nội dung mới và khác hoàn toàn với các quy định hiện nay và chưa có chủ trương nên Ủy ban Thường vụ Quốc hội yêu cầu phải báo cáo Bộ Chính trị cho chủ trương.
Muốn bỏ HĐND cấp xã trên cả nước phải sửa Hiến pháp
“Hiện nay không thể bỏ HĐND cấp xã”, Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn nhấn mạnh khi phát biểu tại tổ. Theo ông, những nơi có chủ trương thí điểm không tổ chức HĐND ở quận, huyện, phường như TP Hồ Chí Minh, Đà Nẵng, Hải Phòng thì tiếp tục thực hiện. Sau đó, chúng ta sẽ tổng kết để xem có nhân rộng ra được hay không.
“Muốn nhân rộng ra cũng phải sửa Hiến pháp”, Chủ tịch Quốc hội nói.
Ông nêu rõ, ở địa phương là dân biết, dân bàn, dân kiểm tra, dân thực hiện. “Thực hiện quyền làm chủ của Nhân dân ở đâu? Chính là ở HĐND. Bỏ HĐND thì Nhân dân làm chủ ở chỗ nào? Ngoài mặt trận tổ quốc và các đoàn thể thì Nhân dân phát huy quyền làm chủ ở đâu?”, Chủ tịch Quốc hội nêu lý do vì sao không thể bỏ HĐND cấp xã.
Theo ông Trần Thanh Mẫn, Nhân dân là sức mạnh thực hiện các đường lối, chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước ở cơ sở, địa phương. Thông qua tổ chức HĐND là để Nhân dân thể hiện quyền làm chủ của mình, Nhân dân giám sát hoạt động của HĐND, UBND.
Trước ý kiến đề xuất UBND theo chế độ thủ trưởng, Chủ tịch Quốc hội nói “chưa thể được”. Vì quy định UBND do HĐND bầu, thực hiện theo chế độ tập thể, chủ tịch UBND quyết các vấn đề trên cơ sở của tập thể.
“Đương nhiên giao quyền cho chủ tịch UBND tăng để quyết định về kinh tế, xã hội, đảm bảo an ninh trật tự ở địa phương”, theo lời Chủ tịch Quốc hội.
“Không vì quy trình cứng nhắc mà làm chậm sự phát triển của đất nước”
Chủ tịch Trần Thanh Mẫn nhiều lần nêu quan điểm lần này sửa đổi Luật Tổ chức Chính phủ thì làm sao phân cấp, phân quyền mạnh hơn cho Chính phủ để Chính phủ chủ động giải quyết các vấn đề, nhất là giải quyết những “điểm nghẽn, rào cản” để khơi thông nguồn lực phát triển.
Quốc hội thảo luận tại tổ về Dự thảo Luật Tổ chức Chính phủ (sửa đổi); Dự thảo Luật Tổ chức chính quyền địa phương (sửa đổi). Ảnh: P.Thắng
“Những vấn đề đã chín, đã rõ được thực tiễn kiểm nghiệm, chứng minh thì giải quyết ngay, không vì những quy trình cứng nhắc mà làm chậm sự phát triển của đất nước. Đây là quan điểm chỉ đạo của cấp thẩm quyền mà Tổng Bí thư Tô Lâm nhiều lần nhắc”, Chủ tịch Quốc hội nói.
Tương tự, sửa đổi Luật Tổ chức chính quyền địa phương thì phân cấp mạnh hơn cho chính quyền địa phương theo phương châm “địa phương quyết, địa phương làm, địa phương chịu trách nhiệm”. Trung ương kiến tạo, Quốc hội giám sát, Chính phủ chỉ đạo, điều hành trực tiếp.
Ông Trần Thanh Mẫn cũng cho hay, hiện để công việc nhanh, vừa qua Quốc hội đã đổi mới tư duy làm luật. Theo đó, Quốc hội giao quyền mạnh hơn cho Thường vụ Quốc hội vì Thường vụ Quốc hội một tháng có thể họp mấy phiên để giải quyết công việc, rồi Thường vụ Quốc hội ủy quyền lại cho Chính phủ.
Với Quốc hội, theo ông Trần Thanh Mẫn, thời gian tới cũng không quản lý danh mục đầu tư, ngay Chính phủ cũng không quản lý danh mục đầu tư, mà phân quyền mạnh cho bộ, ngành, địa phương.
Cùng với đó, hạn chế tối đa xin - cho. “Chính từ xin - cho dẫn xảy ra một số vụ việc tiêu cực, phải xử lý nhiều cán bộ”, Chủ tịch Quốc hội nhận định.
Nhấn mạnh tính chủ động, sáng tạo của địa phương, Chủ tịch Quốc hội nêu thực tế, cùng một luật, nghị định, thông tư, có những địa phương thực hiện tốt, không than khó với Trung ương, nhưng có những địa phương không làm được “đổ” lỗi cho luật, nghị định, thông tư.
“Nhiều địa phương chủ động, sáng tạo, căn cứ vào luật, nghị định, thông tư triển khai rất tốt, ngược lại có những địa phương chưa làm đã than khó”, theo lời Chủ tịch Quốc hội.
Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng cơ bản tán thành việc tiếp tục duy trì mô hình tổ chức chính quyền địa phương như quy định của luật hiện hành và các luật, nghị quyết về tổ chức chính quyền đô thị.
"Việc trước mắt vẫn giữ ổn định mô hình tổ chức chính quyền địa phương sẽ tạo điều kiện cho các cơ quan có thời gian “tiếp tục tập trung nghiên cứu, hoàn thiện mô hình tổng thể tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị đáp ứng yêu cầu phát triển trong kỷ nguyên mới” trước khi thực hiện đổi mới một cách đồng bộ, tổng thể bộ máy của hệ thống chính trị, xây dựng mô hình tổ chức chính quyền địa phương thực sự tinh gọn, phù hợp vào thời điểm thích hợp ", ông Tùng nêu.
Cơ quan thẩm tra đề nghị Chính phủ tiếp tục tổng kết, đánh giá một cách toàn diện về việc tổ chức mô hình chính quyền đô thị tại các địa phương, trên cơ sở đó đề xuất mô hình tổ chức chính quyền địa phương phù hợp để thực hiện một cách tổng thể, đồng bộ, thống nhất trên phạm vi cả nước.
Ý kiến bình luận:
Hiện chưa có bình luận nào, hãy trở thành người đầu tiên bình luận cho bài biết này!
(Thanh tra) - Ngày 11/4/2025, UBND tỉnh Cao Bằng tổ chức hội nghị tổng kết công tác thi đua, khen thưởng (TĐKT) năm 2024, triển khai nhiệm vụ năm 2025.
Trung Hà
(Thanh tra) - Ngày làm việc thứ hai, Trung ương thảo luận nhiều nội dung quan trọng, trong đó có phương hướng công tác nhân sự Đại hội XIV của Đảng; Đề án phương hướng bầu cử đại biểu Quốc hội khoá XVI và đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2026 - 2031.
Hương Giang
Hải Hà
Trung Hà
Hương Giang
Minh Tân
Trần Quý
Hương Trà
Đan Quế
Thái Hải
Hải Hà
Trà Vân
Trung Hà
Hà Anh
Nam Dũng
Ngọc Diễm
Hương Trà
T.Vân