Ca khúc: Tự hào người làm báo Thanh tra

Theo dõi Báo Thanh tra trên

Chủ tịch Quốc hội: Giảm tiêu dùng xa xỉ, dành nguồn lực lo cho dân

Hương Giang

Thứ tư, 22/04/2020 - 16:00

(Thanh tra) - Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân đề nghị, “Chính phủ lập lại trật tự trong lĩnh vực lễ hội, kể cả việc huy động nguồn lực. Tất cả nguồn lực đó dành cho dân, lo cho cuộc sống nhân dân thì được, giảm bớt những tiêu dùng xa xỉ”.

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân Ảnh: Quochoi.vn

Sáng ngày 22/4, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về báo cáo của Chính phủ về việc thực hành tiết kiệm, chống lãng phí năm 2019.

“Nâng cấp” lên Quốc hội phê bình bộ, địa phương "quên" báo cáo

Thừa uỷ quyền của Thủ tướng, trình bày báo cáo, Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng nhấn mạnh, “tham nhũng, lãng phí từng bước được kiềm chế, có chiều hướng thuyên giảm”.

Năm 2019, ngành Thanh tra đã triển khai 6.601 cuộc thanh tra hành chính, 227.386 cuộc thanh tra, kiểm tra chuyên ngành; phát hiện vi phạm về kinh tế 173.411 tỷ đồng, 22.548 ha đất; kiến nghị thu hồi về ngân sách Nhà nước 83.968 tỷ đồng, thu hồi 897 ha đất.

Cùng với đó, đôn đốc xử lý trách nhiệm đối với 969 tập thể, 3.170 cá nhân; chuyển cơ quan chức năng điều tra, khởi tố 17 vụ, 61 đối tượng.

Nợ công được kiểm soát chặt chẽ; sử dụng tài sản công hiệu quả; cải cách hành chính công được đẩy mạnh. Nhiều bộ, ngành, địa phương thành lập và vận hành có hiệu quả bộ phận một cửa; tổ chức thi tuyển nhiều chức danh lãnh đạo, quản lý cấp vụ, cấp sở, cấp phòng.

Năm 2019, biên chế công chức được phê duyệt giảm 6,6% so với số được giao năm 2015; đã thực hiện tinh giản biên chế 10.047 người…

Song theo Bộ trưởng, vẫn còn tình trạng một số bộ, ngành, địa phương, tập đoàn chậm ban hành chương trình thực hành tiết kiệm chống lãng phí; chậm báo cáo, trong khi tổng kết đánh giá kết quả sơ sài, không có thông tin, số liệu cụ thể…

Bộ trưởng Tài chính Đinh Tiến Dũng. Ảnh: Quochoi.vn

Ở góc độ cơ quan thẩm tra, Uỷ ban Tài chính Ngân sách lưu ý, việc chấp hành quy định về lập, gửi chương trình và báo cáo kết quả thực hành tiết kiệm chống lãng phí của các bộ, UBND tỉnh, TP và tập đoàn, tổng công ty Nhà nước chưa nghiêm nên báo cáo của Chính phủ không thể đánh giá đầy đủ, toàn diện tình hình triển khai, nhất là các vi phạm, sai sót.

“Thực trạng này đã kéo dài nhiều năm”, Chủ nhiệm Uỷ ban Tài chính Ngân sách Nguyễn Đức Hải lưu ý.

Uỷ ban Tài chính Ngân sách kiến nghị kiểm điểm trách nhiệm của người đứng đầu các bộ, ngành, địa phương, đơn vị trong việc không gửi, chậm gửi chương trình, báo cáo kết quả; kiên quyết xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm Luật Thực hành tiết kiệm, chống lãng phí.

Điều hành thảo luận, Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển nêu rõ, tình trạng này, năm trước, Thường vụ Quốc hội đã “phê bình” rồi nhưng năm nay vẫn tiếp diễn.

“Tôi đề nghị đồng chí Bộ trưởng liệt kê đầy đủ các bộ, ngành, địa phương này. Báo cáo thẩm tra cũng nêu rõ và kiến nghị Quốc hội phê bình nghiêm khắc các bộ, ngành, địa phương không báo cáo”, ông Hiển nói và nhấn lạnh, lần này “nâng cấp cao hơn là Quốc hội phê bình chứ không phải Thường vụ phê bình nữa”.

"Đừng nói không dùng tiền ngân sách là tiết kiệm. Không phải đâu”

Góp ý cụ thể, theo Chủ nhiệm Uỷ ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh, cần phân tích, so sánh kỹ hơn vì “số liệu biết nói”. Ông Thanh đặt vấn đề việc rà soát tiêu chuẩn định mức sử dụng ô tô, sắp xếp xe dôi dư, khoán xe công thực hiện ra sao, kết quả cụ thể số liệu thế nào.

Theo ông Thanh, cử tri băn khoăn định mức xe hơn 1,1 tỷ đồng nhưng thấy nhiều xe biển xanh giá thị trường 8-10 tỷ đồng, dù là xe chuyên dùng nhưng so với định mức sao giá trị cao thế, có tiết kiệm chống lãng phí hay không?

Với các công trình trọng điểm, ông Thanh chỉ rõ trường hợp cao tốc Bắc - Nam, sân bay Long Thành hiện tiến độ chậm. Như Long Thành, đến nay mới giải phóng mặt bằng được 70%, còn lại 30% nhưng diện khó khăn, phức tạp, ảnh hưởng đến tiến độ chung, tác động đến kết quả tiết kiệm, chống lãng phí.

Còn theo Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân, nói đến đến tiết kiệm, chống lãng phí không phải chỉ tiết kiệm tiền bạc mà còn là tiết kiệm thời gian, sức lao động, tài nguyên…

Dẫn ví dụ vụ xuất khẩu gạo, Chủ tịch Quốc hội đánh giá là thực hiện lúng túng và hôm qua (21/4), Uỷ ban Kinh tế đã có cáo báo cụ thể. “Lúng túng, vội vàng gây lãng phí cho doanh nghiệp, ảnh hưởng đến người trồng lúa”, bà Ngân nói.

Toàn cảnh phiên họp. Ảnh: Quochoi.vn

Ví dụ khác là nhiều dự án đầu tư đang vướng thủ tục hành chính tại các TP lớn khiến nhà đầu tư “chết lên, chết xuống”. “Người ta nói nếu không giải quyết thì họ phá sản, mỗi ngày dừng tốn bạc tỷ nhưng không ai dám giải quyết. Thế có lãng phí không?”, Chủ tịch Quốc hội nói tiếp.

Cho nên, theo bà Ngân, cần rõ trách nhiệm của bộ máy công vụ trong giải quyết thủ tục hành chính cho người dân, doanh nghiệp mới thực sự là tiết kiệm trong hoạt động sản xuất kinh doanh.

Chủ tịch Quốc hội cũng cho rằng, hiện tổ chức lễ hội quá nhiều, bắn pháo hoa quá nhiều, dù không phải dùng từ nguồn tiền ngân sách nhưng vẫn là lãng phí nguồn lực của xã hội.

“Đừng nói tổ chức không dùng tiền ngân sách là tiết kiệm. Không phải đâu”, bà Ngân nêu quan điểm, nguồn lực huy động từ các nhà tài trợ, doanh nghiệp có thể giúp dân xoá đói giảm nghèo, ứng phó biến đổi khí hậu.

Chủ tịch Quốc hội đề nghị, “Chính phủ lập lại trật tự trong lĩnh vực lễ hội, kể cả việc huy động nguồn lực. Tất cả nguồn lực dành cho dân, lo cho cuộc sống nhân dân thì được, giảm bớt những tiêu dùng xa xỉ”.

Kết luận, Phó Chủ tịch Quốc hội đề nghị, cần thực hiện thực hành tiết kiệm, chống lãng phí quyết tâm hơn nữa; giải quyết tốt những tồn tại, yếu kém. Trong đó, có tính đến yếu tố dịch Covid -19.

“Đặc biệt phải chú ý đến công tác hỗ trợ của Nhà nước với lượng tiền lớn. Chúng ta phải công khai, minh bạch, chặt chẽ, hiệu quả và tiền hỗ trợ phải đến tay người dân”, ông Hiển lưu ý.

Ý kiến bình luận:

Ý kiến của bạn sẽ được xét duyệt khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.

Hiện chưa có bình luận nào, hãy trở thành người đầu tiên bình luận cho bài biết này!

Tin cùng chuyên mục

Hà Giang: Tỷ lệ tinh giảm biên chế giai đoạn 2016-2021 giảm 10%

Hà Giang: Tỷ lệ tinh giảm biên chế giai đoạn 2016-2021 giảm 10%

(Thanh tra) - Chiều 13/12, Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh Hà Giang khóa XVII, nhiệm kỳ 2020 – 2025 tổ chức Hội nghị lần thứ 28 để tổng kết Nghị quyết 18-NQ/TW ngày 25/10/2017 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa VII về “Tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả”.

Bùi Bình

19:37 13/12/2024

Tin mới nhất

Xem thêm