Ca khúc: Tự hào người làm báo Thanh tra

Theo dõi Báo Thanh tra trên

Chủ tịch Hồ Chí Minh trong ký ức người chiến sĩ công an

Thứ ba, 01/09/2015 - 11:26

(Thanh tra)- Trong không khí tưng bừng kỷ niệm 70 năm Cách mạng Tháng 8 và Quốc khánh 2/9, chúng tôi đã tìm đến ông Lê Đình Uyển ở xóm Trung Thành, xã Phong Thịnh, huyện Thanh Chương, tỉnh Nghệ An để nghe ông kể về Bác.

Chủ tịch Hồ Chí Minh cùng Thủ tướng Phạm Văn Đồng chụp ảnh chung với cán bộ, chiến sĩ cảnh vệ (1/1/1962). Chiến sĩ Lê Đình Uyển mặc áo đen, đứng thứ 3 từ trái sang. (Ảnh do ông Uyển cung cấp)

Lật lại từng tấm hình của hơn 50 năm về trước, ông Uyển không khỏi bồi hồi, xúc động, nhớ về những ngày tháng vinh dự, tự hào là người chiến sĩ cảnh vệ, làm nhiệm vụ bên Bác. Nửa thế kỷ trôi qua, hình ảnh Bác Hồ và những lời dạy bảo của Người, vẫn còn in khắc sâu đậm trong tâm trí ông.

Sinh năm 1930 trong một gia đình nông dân nghèo, mồ côi cha từ nhỏ, ông Uyển sớm tham gia hoạt động phong trào ở địa phương: Dạy bình dân học vụ, trưởng công an xã…

Đầu năm 1955, ông nhận lệnh đi học ở Trường Công an Trung ương (nay là Học viện An ninh). Sau nửa năm học tập, ông được cấp trên điều về làm nhiệm vụ tại Phòng 1, Cục Cảnh vệ, Bộ Công an.

Ông Uyển xúc động nói: “Khi biết mình được về làm việc ở Phủ Chủ tịch, tôi rất bất ngờ, rất mừng, vì được các cấp tin tưởng và điều quan trọng hơn là được làm việc gần Bác”.

Những năm đầu, nhiệm vụ chính của ông là bảo vệ tại Phủ Chủ tịch, sau đó mới được chuyển dần vào vòng trong, trực tiếp bảo vệ Bác tại nơi ở, cơ quan và những lúc Người đi công tác. 9 năm gắn bó nhiệm vụ tại đây, ông đã quá quen với những con đường, ao cá, vườn cây… đặc biệt là tác phong ân cần, lối sống tiết kiệm, giản dị của Bác Hồ.

Ông nhớ lại, Bác luôn tích cực rèn luyện sức khoẻ, sáng nào cũng dậy sớm cùng tập thể dục với mọi người. Trước ngôi nhà sàn, có hàng râm bụt cao ngang thắt lưng, Bác bảo các chiến sĩ mỗi lần đi ngang, “các chú có thể nhảy qua để rèn luyện thân thể”.

Trong Phủ Chủ tịch, buổi tối thứ 7 thường tổ chức xem văn nghệ hoặc xem phim, Bác sẽ đến khi đội ngũ đã chỉnh tề. Điều đặc biệt là những đêm có thiếu niên, nhi đồng tham dự thì người phục vụ, hoặc anh em cảnh vệ, chắc chắn phải chuẩn bị một ít kẹo, bánh, để Bác tặng cho các em nhỏ. Bác thường tặng quà để động viên các cháu, dù đó chỉ là một cái kẹo.

Với các chiến sĩ làm việc xung quanh, Người luôn quan tâm, ân cần khuyên bảo như con em trong gia đình. Ông Uyển nhớ lại: “Mỗi lần về phép thăm nhà ra, Bác lại hỏi tôi: “Chú mới ra à? Gia đình chú có khoẻ không?”. Tôi rất xúc động, khi được Bác hỏi thăm như thế”.

Ông kể: Ngày đó, nơi Bác ở và phòng thư ký, tủ đựng quần áo, đựng tài liệu đều bằng gỗ, dùng đã nhiều năm, trông cũ kỹ, vì thế văn phòng cho thay mấy tủ sắt mới, nhưng chưa thông qua Bác. Lúc về nhà, nhìn thấy những chiếc tủ mới, Bác liền hỏi: “Ai đã thay cái này”. Cán bộ văn phòng đến báo cáo. Bác chỉ vào những chiến sĩ cảnh vệ và nói: “Đây là những cái tủ sắt”. Sau đó Bác phân tích: Tủ gỗ nhưng chưa hỏng thì vẫn còn dùng tốt, cái cơ bản là con người. Nếu các chiến sĩ ở đây, được giáo dục, rèn luyện tốt, có phẩm chất đạo đức, có lòng trung thành tuyệt đối với Đảng, với Tổ quốc thì những chiến sĩ này mới là những cái tủ sắt. Hiểu ý của Bác, văn phòng đã nhanh chóng chuyển các tủ sắt đi chỗ khác và chuyển các tủ gỗ về ngay chỗ cũ.

Là Chủ tịch Nước, bữa cơm hàng ngày của Bác cũng chỉ có rau canh, cá kho đạm bạc, nhiều khi cơm còn độn ngô. Quần áo của Bác, cũng mấy bộ quen thuộc; lúc ở nhà Bác thường mặc đồ lụa nâu, có dây rút dài làm từ dây dù; khi đi ra ngoài, Bác thường mặc bộ kaki; còn vest hay áo măng tô, chỉ khi đi nước ngoài, Bác mới dùng đến.

Bác có cái quần đùi đã bạc màu, anh em phục vụ đưa đi nhuộm cho “mới”, lúc tắm, Bác bảo: “Ai thay quần của Bác thế?”, chỉ khi chiến sĩ phục vụ thành thật: “Thưa Bác, cháu đưa đi nhuộm về đó ạ”, Bác mới chịu.

Chiếc áo kaki, Bác mặc từ những năm đầu cách mạng, dù đã sờn cũ, nhưng Người vẫn không muốn thay chiếc khác, bởi theo Bác “trong lúc nhân dân, bộ đội đang còn khó khăn, gian khổ, Bác mặc như thế này là sang rồi”. Anh em phục vụ cũng từng chỉnh sửa gấu (chân) của chiếc áo này cho dài một chút.

Đại tá Lê Đình Uyển đang ôn lại những ngày làm nhiệm vụ bên Bác

Ông Uyển cho biết: “Mỗi lần giặt, tôi thường vò kỹ gấu áo, để cho mất đường hằn, nhưng cũng không mờ hẳn”. Mãi đến sau này, trong một chuyến công tác nước ngoài (năm 1959), Người mới chấp nhận mặc bộ kaki mới, của xưởng may quân đội tặng.

Ông Uyển hồi tưởng: Bác có 2 đôi giày (1 đôi giày da, 1 đôi giày vải) nhưng ít đi, Bác thường đi đôi dép cao su có từ năm 1947, hồi ở chiến khu Việt Bắc. Mười mấy năm, dép đã mòn gót, nhưng Bác vẫn không thay dép mới. Đôi dép này, Bác thường đặt dưới chân cầu thang ở nhà sàn, để mỗi lần lên xuống, đi cho tiện. Anh em phục vụ quyết định thay cho Bác một đôi dép cao su mới, cũng để ở chỗ ấy, nhưng khi vừa nhìn thấy đôi dép đó, Bác đã nói ngay: “Dép này không phải của Bác”.

Ông Uyển nhớ mãi lời Bác dạy về cách mang mặc của cán bộ, chiến sĩ lúc đi công tác. Hôm đó, Bác và các chiến sĩ cảnh vệ, chuẩn bị rời cơ quan về thăm một địa phương, trước lúc đi, chiến sĩ Song (người Đô Lương, Nghệ An) đã diện một bộ “cánh” rất đẹp. Bác nhìn thấy và nhắc nhở liền: “Chú mặc như thế này là không phù hợp”. Bác phân tích: Về lâu, về dài thì có thể được, chứ lúc này hoàn cảnh đất nước còn khó khăn, nhân dân còn đói khổ, ăn mặc như vậy là xa lạ với dân, không gần gũi với dân thì làm sao mà làm việc được. “Từ đó anh em chúng tôi có thêm một bài học sâu sắc, mỗi lần đi đâu thực hiện nhiệm vụ, đều cẩn thận, chú ý đến cách ăn mặc của mình hơn” ông Uyển chia sẻ.

Tháng 4/1964, ông Uyển được chuyển công tác về vị trí mới, dù không còn được làm việc bên Bác, nhưng hình ảnh, lời nói và nhân cách của Người, vẫn còn sáng mãi trong ông, là kim chỉ nam, dẫn lối cho ông hoàn thành mọi nhiệm vụ được giao.

Về hưu từ năm 1990, người Đại tá CAND vẫn luôn khuyên răn mình và con cháu, hãy sống như lời Bác dạy: “Việc gì có lợi cho dân, dù nhỏ cũng cố gắng làm, việc gì có hại cho dân, dù nhỏ cũng hết sức tránh”.

Những tấm hình chụp chung với Bác, treo trang trọng trong nhà đã trở thành những kỷ vật thiêng liêng, được ông luôn gìn giữ, nâng niu, trân quý như một tài sản vô giá. Ông tâm sự: “Thời gian được sống, làm việc bên Bác Hồ, là những tháng ngày vinh dự, tự hào nhất của đời tôi”.

Hải Thư

Ý kiến bình luận:

Ý kiến của bạn sẽ được xét duyệt khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.

Hiện chưa có bình luận nào, hãy trở thành người đầu tiên bình luận cho bài biết này!

Tin cùng chuyên mục

Tin mới nhất

Xem thêm