Ca khúc: Tự hào người làm báo Thanh tra

Theo dõi Báo Thanh tra trên

Chọn cán bộ tài đức, quyết không để lọt người tham nhũng vào Trung ương khóa mới

Hương Giang

Thứ tư, 13/03/2024 - 18:40

(Thanh tra) - "Kiên quyết không bỏ sót những người thật sự có đức, có tài, đủ tiêu chuẩn; đồng thời không để lọt vào Ban Chấp hành Trung ương khóa XIV những người có khuyết điểm như xu nịnh, chạy chọt, tham nhũng…" - theo Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng.

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng. Ảnh: TTXVN

Ngày 13/3, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, Trưởng Tiểu ban Nhân sự Đại hội XIV của Đảng đã chủ trì phiên họp đầu tiên của Tiểu ban.

Tham dự phiên họp có thành viên Tiểu ban, gồm các Ủy viên Bộ Chính trị: Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng; Thủ tướng Phạm Minh Chính; Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ; Thường trực Ban Bí thư, Trưởng ban Tổ chức Trung ương Trương Thị Mai; Bí thư Trung ương Đảng, Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Trung ương Trần Cẩm Tú.

Dự phiên họp còn có các thành viên Tổ Giúp việc của Tiểu ban Nhân sự.

Tiểu ban đã nghe Tổ Giúp việc trình bày các nội dung liên quan đến Tiểu ban Nhân sự; thành viên Tiểu ban đã thảo luận, cho ý kiến.

Ban Chấp hành Trung ương Đảng là tinh hoa của Đảng

Phát biểu kết luận phiên họp, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nhấn mạnh vị trí, ý nghĩa, tầm quan trọng của công tác chuẩn bị nhân sự Đại hội.

“Công tác cán bộ không chỉ là khâu then chốt trong công tác xây dựng Đảng, mà còn là mắt xích trọng yếu trong toàn bộ hoạt động của Đảng, nhân tố quyết định sự thành bại của cách mạng”.

Theo Tổng Bí thư, nói đến chuẩn bị nhân sự Đại hội XIV của Đảng là nói đến chuẩn bị nhân sự Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bộ Chính trị, Ban Bí thư, nhân sự lãnh đạo chủ chốt của Đảng và Nhà nước.

Ban Chấp hành Trung ương là cơ quan lãnh đạo cao nhất giữa hai kỳ Đại hội Đảng, là bộ tham mưu chiến đấu, hạt nhân lãnh đạo chính trị và là trung tâm đoàn kết, thống nhất cao của toàn Đảng, toàn dân tộc.

“Đây là đội ngũ cán bộ cấp chiến lược, là tinh hoa của Đảng, đòi hỏi phải thật sự vững vàng, có đủ bản lĩnh, phẩm chất, trí tuệ và có uy tín cao để giải quyết những công việc ở tầm chiến lược, xử lý kịp thời, đúng đắn, có hiệu quả những tình huống phức tạp có quan hệ đến sự nghiệp xây dựng, phát triển và bảo vệ đất nước, sự sống còn của chế độ”, Tổng Bí thư nêu rõ.

Tổng Bí thư nhận định Đại hội XIV diễn ra trong bối cảnh thế giới và khu vực có những diễn biến rất nhanh chóng, phức tạp, khó lường.

Trong nước, sự nghiệp cách mạng của Đảng và nhân dân ta vẫn đứng trước nhiều khó khăn, thách thức. Bốn nguy cơ (tụt hậu xa hơn về kinh tế; chệch hướng xã hội chủ nghĩa; nạn tham nhũng và tệ quan liêu; “diễn biến hoà bình”) mà Đảng ta đã chỉ ra vẫn còn hiện hữu, có mặt gay gắt hơn…

Tình hình trên cho thấy nhiệm vụ của toàn Đảng sắp tới là rất nặng nề. Để giải quyết những vấn đề trọng đại của đất nước, theo Tổng Bí thư, Bộ Chính trị, Ban Chấp hành Trung ương phải chuẩn bị thật tốt để trình Đại hội thảo luận và quyết định nhân sự Trung ương khoá XIV.

Lưu ý đây là công việc vô cùng quan trọng, Tổng Bí thư cho hay, “gần như đi đến đâu, ở chỗ nào, cũng thấy cán bộ, đảng viên và nhân dân tỏ ra quan tâm theo dõi và có phần băn khoăn, lo lắng, đặt câu hỏi: Đảng ta sắp tới dự định lựa chọn, bố trí đội ngũ cán bộ lãnh đạo (Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư, nhất là cán bộ chủ chốt) thế nào để đủ sức gánh vác nhiệm vụ cách mạng to lớn mà lịch sử giao phó”.

Các phần tử xấu, cơ hội, thù địch nhân dịp này cũng tìm mọi cách xuyên tạc, tung tin, tác động, chia rẽ nội bộ ta hòng phá hoại công tác nhân sự nói riêng, công tác xây dựng Đảng nói chung. “Rất thâm độc và nguy hiểm”, Tổng Bí thư nhận định.

Không bỏ sót những người thực sự có đức, có tài, đủ tiêu chuẩn

Tổng Bí thư nêu rõ, chuẩn bị nhân sự Đại hội XIV của Đảng, vấn đề quan trọng hàng đầu là phải xác định đúng yêu cầu xây dựng Ban Chấp hành Trung ương mà hạt nhân là Bộ Chính trị, Ban Bí thư, lãnh đạo chủ chốt của Đảng.

Trong đó, giới thiệu nhân sự, phải trên cơ sở quy hoạch; công khai, minh bạch, khách quan trong đánh giá, giới thiệu, lựa chọn nhân sự tham gia Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư và các chức danh lãnh đạo chủ chốt của Đảng, Nhà nước nhiệm kỳ tới.

“Chống các biểu hiện cơ hội, tham vọng quyền lực, vận động cá nhân, cục bộ, phe cánh, lợi ích nhóm”, Trưởng Tiểu ban Nhân sự Đại hội XIV quán triệt.

Tổng Bí thư nhấn mạnh Ủy viên Trung ương khóa XIV phải thật sự là những người tiêu biểu của Đảng về bản lĩnh chính trị, phẩm chất đạo đức và năng lực công tác; dám nghĩ, dám nói, dám làm, dám chịu trách nhiệm; quyết liệt trong hành động.

Ủy viên Trung ương khóa mới cũng cần có phẩm chất đạo đức và lối sống trong sáng, bản thân không tham nhũng, quan liêu, cơ hội, vụ lợi, tham vọng quyền lực và không để vợ, chồng, con, người thân lợi dụng chức quyền để trục lợi.

Những cán bộ này phải là người có trí tuệ, tầm nhìn, tư duy chiến lược và kiến thức tương đối toàn diện để tham gia hoạch định đường lối, chính sách và sự lãnh đạo tập thể của Ban Chấp hành Trung ương.

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, Trưởng Tiểu ban Nhân sự Đại hội XIV của Đảng đã chủ trì phiên họp đầu tiên của Tiểu ban. Ảnh: TTXVN

Khái quát lại, theo Tổng Bí thư, cán bộ lãnh đạo khóa mới phải vừa có đức, vừa có tài, trong đó đức là gốc.

"Kiên quyết không bỏ sót những người thật sự có đức, có tài, đủ tiêu chuẩn; đồng thời không để lọt vào Ban Chấp hành Trung ương khóa XIV những người có khuyết điểm", Tổng Bí thư nêu rõ.

Ông chỉ ra những khuyết điểm như bản lĩnh chính trị không vững vàng; có biểu hiện cơ hội chính trị, tham vọng quyền lực, xu nịnh, chạy chọt, tham nhũng, quan liêu, cục bộ, vận động cho cá nhân, phe cánh, lợi ích nhóm; thiếu chính kiến, thấy đúng không bảo vệ, thấy sai không đấu tranh.

Cán bộ kê khai tài sản không trung thực, có biểu hiện giàu nhanh, nhiều nhà, nhiều đất, nhiều tài sản khác mà không giải trình rõ được nguồn gốc; bản thân hoặc vợ, chồng, con có lối sống thiếu gương mẫu, lợi dụng chức quyền để thu lợi bất chính… cũng thuộc diện "kiên quyết không để lọt vào Trung ương", theo yêu cầu của Tổng Bí thư.

Trong cơ cấu của Ban Chấp hành Trung ương khoá XIV thì chú ý bảo đảm tỷ lệ hợp lý đối với cán bộ trẻ, cán bộ nữ, cán bộ người dân tộc thiểu số; một số nhà khoa học, văn nghệ sĩ, lãnh đạo một số tập đoàn, tổng công ty lớn của Nhà nước đủ tiêu chuẩn, điều kiện.

“Rút kinh nghiệm từ các khoá trước, việc xác định số lượng Uỷ viên Ban Chấp hành Trung ương khoá XIV cần căn cứ chủ yếu vào yêu cầu, nhiệm vụ và đòi hỏi của tình hình, căn cứ vào yêu cầu lãnh đạo toàn diện đối với các địa bàn, lĩnh vực công tác, đặc biệt là phải bảo đảm chất lượng, tiêu chuẩn, không thuần tuý chạy theo số lượng”, Tổng Bí thư quán triệt.

Phải “có con mắt tinh đời” trong giới thiệu, lựa chọn cán bộ

Ông đặc biệt nêu rõ, công tác nhân sự Đại hội phải được tiến hành theo quy trình chặt chẽ, khoa học và nhất quán, bảo đảm thật sự công tâm, thật sự trong sáng, khách quan.

“Phải “có con mắt tinh đời” trong việc đánh giá, giới thiệu, lựa chọn; lấy tiêu chuẩn về phẩm chất chính trị, đạo đức, lối sống và hiệu quả công tác, uy tín của bản thân và gia đình làm thước đo chủ yếu”.

Phải trên cơ sở xác định rõ tiêu chuẩn, tiêu chí để đánh giá đúng cán bộ, lựa chọn đúng người, sắp xếp đúng việc, bố trí đúng chỗ, tạo ra một ê kíp, một tập thể thật sự "ăn ý", đoàn kết, thống nhất, có sức mạnh.

Muốn thế, theo Tổng Bí thư, phải thật sự phát huy dân chủ trong việc phát hiện, giới thiệu nhân sự, đi đôi với xác định rõ thẩm quyền, trách nhiệm của tập thể, cá nhân liên quan. Chống tư tưởng cục bộ, địa phương, thân quen, "cánh hẩu", "lợi ích nhóm"; tránh cách làm giản đơn, tuỳ tiện, vô nguyên tắc.

Ông cũng yêu cầu thường xuyên kiểm tra, giám sát, đôn đốc. Cách làm phải thận trọng, làm dứt điểm từng khâu, từng công đoạn, theo một quy trình chặt chẽ; làm đến đâu chắc đến đó, làm nhân sự Ban Chấp hành Trung ương trước, sau đó mới đến nhân sự Bộ Chính trị, Ban Bí thư, cuối cùng mới đến nhân sự lãnh đạo chủ chốt.

“Nếu có những công đoạn cần làm đồng thời, cũng phải xem xét một cách chặt chẽ, chắc chắn, bảo đảm sự đồng bộ, khoa học. Phải chuẩn bị rất kỹ, rất chu đáo, cẩn thận, tránh tối đa những sai sót”.

Tổng Bí thư nói thêm rằng, quá trình lựa chọn, bố trí, sắp xếp nhân sự cụ thể, cần thống nhất quan điểm là không quá cầu toàn, không quá tuyệt đối hoá.

Điều quan trọng là phải đánh giá chính xác bản chất, mức độ các điểm mạnh, điểm yếu để không chọn nhầm người và phải có cách bố trí, sắp xếp nhân sự sao cho phù hợp để phát huy mặt mạnh, hạn chế mặt yếu của mỗi thành viên, bổ sung cho nhau, tạo ra một tập thể lãnh đạo tương đối hoàn chỉnh, không gây tổn thương cho lợi ích của Đảng, của quốc gia, của tập thể, theo Tổng Bí thư.

Ý kiến bình luận:

Ý kiến của bạn sẽ được xét duyệt khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.

Hiện chưa có bình luận nào, hãy trở thành người đầu tiên bình luận cho bài biết này!

Tin cùng chuyên mục

Đầu tháng 1/2025, Hà Nội hoàn thành sắp xếp bộ máy

Đầu tháng 1/2025, Hà Nội hoàn thành sắp xếp bộ máy

(Thanh tra) - Với quyết tâm chính trị cao nhất, Hà Nội phải hoàn thành việc tổng kết sắp xếp bộ máy theo đúng tinh thần chỉ đạo của Trung ương và Tổng Bí thư Tô Lâm vào đầu tháng 1/2025.

Hải Hà

17:54 12/12/2024

Tin mới nhất

Xem thêm