Ca khúc: Tự hào người làm báo Thanh tra

Theo dõi Báo Thanh tra trên

Chấn chỉnh tình trạng quản lý, sử dụng đất thiếu minh bạch

Thứ năm, 09/05/2013 - 22:28

(Thanh tra) - Tại buổi giao lưu trực tuyến “đóng góp ý kiến vào Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi)" do Báo Điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam tổ chức ngày 9/5, Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Nguyễn Mạnh Hiển khẳng định, việc sửa đổi Luật Đất đai kỳ này sẽ tập trung tạo sự minh bạch trong quản lý, sử dụng đất nhằm phòng chống tiêu cực, tham nhũng, lãng phí, góp phần làm giảm các khiếu kiện trong lĩnh vực đất đai.

Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Nguyễn Mạnh Hiển (ảnh giữa) tại buổi giao lưu trực tuyến. Ảnh: Thảo Nguyên

Những điểm mới

Thứ trưởng Hiển nói, Dự thảo Luật Đất đai sửa đổi đã quy định rõ ràng và cụ thể hơn quyền và trách nhiệm của Nhà nước với tư cách là đại diện chủ sở hữu toàn dân đối với đất đai, thống nhất quản lý Nhà nước đối với đất đai; quyền và nghĩa vụ của người sử dụng đất phù hợp với từng đối tượng, từng hình thức sử dụng đất.

Hoàn thiện chính sách, pháp luật đất đai đối với khu vực nông nghiệp theo hướng mở rộng thời hạn giao đất nông nghiệp trong hạn mức cho hộ gia đình, cá nhân; quy định chặt chẽ chế độ sử dụng đất trồng lúa, đất rừng nhằm bảo đảm mục tiêu an ninh lương thực quốc gia và bảo vệ môi trường.

Các quy định trong Dự thảo đã tăng cường vận hành các quan hệ đất đai theo cơ chế thị trường thông qua việc hạn chế các trường hợp được Nhà nước giao đất, chuyển cơ bản sang áp dụng hình thức thuê đất; thực hiện cơ chế đấu giá quyền sử dụng đất. “Nhà nước chủ động thu hồi đất theo kế hoạch sử dụng đất, tạo quỹ đất “sạch” để đấu giá quyền sử dụng đất chứ không chỉ giao đất trực tiếp cho các nhà đầu tư như hiện nay”, ông Hiển nhấn mạnh.

Để tạo sự minh bạch trong quản lý, sử dụng đất nhằm phòng, chống tiêu cực, tham nhũng, lãng phí, góp phần làm giảm các khiếu kiện trong lĩnh vực đất đai, Dự thảo đã bổ sung quy định về hệ thống thông tin đất đai, cơ sở dữ liệu đất đai, quyền tiếp cận thông tin đất đai; hoàn thiện các quy định để tăng cường sự tham gia của người dân trong quá trình lập, tổ chức thực hiện quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất, phương án bồi thường, hỗ trợ và tái định cư.

Bên cạnh đó, Dự thảo đã quan tâm hơn đến việc bảo đảm quyền sử dụng đất cho nhóm người dễ bị tổn thương như phụ nữ, người nghèo, đồng bào dân tộc thiểu số.

Chủ đầu tư vi phạm Luật Đất đai không được tiếp tục giao đất, cho thuê đất

Giải bài toán quy hoạch “treo”, dự án “treo” đang gây nhiều nhức nhối trong xã hội, ông Nguyễn Đắc Nhẫn, Phó Cục trưởng Cục Quy hoạch đất đai, Tổng cục Quản lý đất đai cho biết, Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) quy định diện tích đất đã được công bố phải thu hồi để thực hiện dự án, công trình hoặc phải chuyển mục đích sử dụng đất mà sau 3 năm chưa có quyết định thu hồi đất hoặc chưa được phép chuyển mục đích sử dụng đất thì cơ quan Nhà nước có thẩm quyền phê duyệt kế hoạch sử dụng đất phải điều chỉnh hoặc hủy bỏ và phải công bố việc điều chỉnh hoặc hủy bỏ việc thu hồi phần diện tích đất ghi trong kế hoạch sử dụng đất.

Theo ông Nhẫn, Dự thảo đã quy định nghiệm ngặt hơn điều kiện giao đất, cho thuê đất để thực hiện dự án đầu tư như: Chủ đầu tư phải có năng lực tài chính; ký quỹ theo quy định của pháp luật về đầu tư và không vi phạm các quy định của pháp luật đất đai đối với trường hợp đang sử dụng đất do Nhà nước giao đất, cho thuê đất để thực hiện dự án đầu tư khác.

Trường hợp chậm đưa đất vào sử dụng trong thời hạn 12 tháng liền hoặc tiến độ sử dụng đất chậm hơn 24 tháng so với tiến độ ghi trong dự án đầu tư kể từ khi nhận bàn giao đất trên thực địa mà nguyên nhân không phải do thiên tai, dịch bệnh, hỏa hoạn, khủng hoảng kinh tế, tài chính thì phải nộp thuế lũy tiến theo quy định của pháp luật.

Sau 24 tháng nộp thuế lũy tiến mà chủ đầu tư không đưa đất vào sử dụng thì Nhà nước thu hồi đất và không thanh toán tiền sử dụng đất, tiền thuê đất và chi phí đầu tư vào đất còn lại.

Xây dựng giá đất theo cơ chế thị trường


Trả lời câu hỏi về việc xác định giá đất theo giá thị trường quy định tại Điều 107 Dự thảo, Cục trưởng Cục Kinh tế và Phát triển quỹ đất, Tổng cục Quản lý đất đai Bùi Ngọc Tuân cho biết, giá đất được hình thành từ kết quả của những giao dịch thực tế đã hoàn thành mang tính phổ biến giữa bên chuyển nhượng và bên nhận chuyển nhượng trong điều kiện thương mại bình thường, không chịu tác động của các yếu tố gây tăng hoặc giảm giá đột biến không hợp lý, như: Đầu cơ, thiên tai, địch họa, khủng hoảng kinh tế, tài chính, thay đổi quy hoạch…

Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) lần này sẽ tập trung xây dựng giá đất theo cơ chế thị trường dựa trên mục đích sử dụng đất và quy hoạch bồi thường đất. Tuy nhiên, việc ban hành khung giá các loại đất là một vấn đề phức tạp và nhạy cảm.

Ông Tuân nêu rõ, Dự thảo hiện đề xuất 2 phương án để xin ý kiến nhân dân. Phương án 1, Chính phủ quy định giá đất và bảng giá với ưu điểm là chỉ có một giá. Nhưng trong nhiều trường hợp mức giá đó thường chậm hơn so với giá thị trường, gây thất thoát ngân sách Nhà nước hoặc gây thiệt hại cho người dân bị thu hồi đất.

Với những hạn chế trên, Dự thảo xây dựng phương án 2, theo đó khung giá là căn cứ để UBND cấp tỉnh xây dựng, ban hành bảng giá đất.

Giá đất trong bảng giá đất sẽ là căn cứ để tính tiền sử dụng đất khi Nhà nước công nhận quyền sử dụng đất đối với hộ gia đình, cá nhân; tiền thuê đất đối với trường hợp Nhà nước cho thuê đất thu tiền thuê đất hàng năm không thông qua hình thức đấu giá quyền sử dụng đất thuê; các khoản thuế liên quan đến đất đai; phí và lệ phí trong quản lý, sử dụng đất đai; tiền xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực đất đai và tiền bồi thường cho Nhà nước khi gây thiệt hại trong quản lý và sử dụng đất đai.

Dự thảo quy định rõ 4 trường hợp phải thuê tổ chức định giá đất độc lập định giá, Nhà nước chỉ thẩm định trước khi quyết định giá như tính tiền bồi thường khi Nhà nước thu hồi đất; tính tiền sử dụng đất khi Nhà nước giao đất có thu tiền sử dụng đất không thông qua hình thức đấu giá quyền sử dụng đất…

Cũng tại buổi giao lưu trực tuyến, lãnh đạo các cục, vụ của Bộ Tài nguyên và Môi trường đã trả lời các câu hỏi của độc giả về việc đền bù khi thu hồi đất; quản lý đất công; quy định về bảng giá đất; chính sách, pháp luật đất đai đối với khu vực nông nghiệp; việc đăng ký xin cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất; giao đất, cho thuê đất, chuyển mục đích sử dụng đất; quyền của Nhà nước và trách nhiệm quản lý của Nhà nước đối với đất đai....

Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Nguyễn Mạnh Hiển cho biết, đến nay cơ quan soạn thảo đã nhận được 6.958.848 lượt ý kiến góp ý của tổ chức, cá nhân góp ý cho toàn bộ các chương, điều của Dự thảo Luật đất đai (sửa đổi).

Các ý kiến đóng góp đại diện tương đối đa dạng các thành phần, tập trung chủ yếu vào các vấn đề như: Thu hồi đất, bồi thường, hỗ trợ và tái định cư (1.991.176 lượt ý kiến, chiếm gần 30%,); giao đất, cho thuê đất, chuyển mục đích sử dụng đất (1.407.554 lượt ý kiến); quyền của Nhà nước và trách nhiệm quản lý của Nhà nước đối với đất đai (798.496 lượt ý kiến); tài chính đất đai và giá đất (743.309 lượt ý kiến); quyền và nghĩa vụ của người sử dụng đất (738.879 lượt ý kiến). Nhất là, đã lấy được ý kiến trực tiếp của người dân, đặc biệt là nhân dân ở các khu vực: Tây Bắc, Tây Nguyên, Tây Nam Bộ …

Cơ quan soạn thảo hiện vẫn đang tích cực tiếp thu, trên cơ sở đó sẽ sớm hoàn tất Dự thảo để trình Quốc hội.


Thảo Nguyên

Ý kiến bình luận:

Ý kiến của bạn sẽ được xét duyệt khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.

Hiện chưa có bình luận nào, hãy trở thành người đầu tiên bình luận cho bài biết này!

Tin cùng chuyên mục

Hà Giang: Tỷ lệ tinh giảm biên chế giai đoạn 2016-2021 giảm 10%

Hà Giang: Tỷ lệ tinh giảm biên chế giai đoạn 2016-2021 giảm 10%

(Thanh tra) - Chiều 13/12, Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh Hà Giang khóa XVII, nhiệm kỳ 2020 – 2025 tổ chức Hội nghị lần thứ 28 để tổng kết Nghị quyết 18-NQ/TW ngày 25/10/2017 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa VII về “Tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả”.

Bùi Bình

19:37 13/12/2024

Tin mới nhất

Xem thêm