Ca khúc: Tự hào người làm báo Thanh tra

Theo dõi Báo Thanh tra trên

Cần tiếp tục hoàn thiện Dự thảo hướng dẫn Luật Phòng, chống tham nhũng

Thứ năm, 07/03/2013 - 21:17

(Thanh tra) - Đó là ý kiến của Thứ trưởng Bộ Tư pháp Hoàng Thế Liên tại cuộc họp thẩm định Dự thảo Nghị định quy định chi tiết một số điều của Luật Phòng, chống tham nhũng sửa đổi, bổi sung, diễn ra ngày 7/3.

Thứ trưởng Bộ Tư pháp Hoàng Thế Liên. Ảnh: Hà Nguyên

Bàn chung về dự thảo, các đại biểu tham dự cho rằng phạm vi điều chỉnh tràn ra ngoài Luật Phòng, chống tham nhũng. Căn cứ ban hành ngoài Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Phòng, chống tham nhũng ngày 23/11/2012 còn có Luật Thanh tra, Luật Khiếu nại, Luật Tố cáo là chưa hợp lý.

Tập trung đóng góp ý kiến Chương III quy định trình tự, thủ tục, thời hạn tạm đình chỉ, chuyển vị trí công tác khác; việc hưởng lương, phụ cấp, quyền, lợi ích khác và việc bồi thường, khôi phục lại quyền, lợi ích hợp pháp của cán bộ, công chức,viên chức sau khi cơ quan, tổ chức có thẩm quyền kết luận không có hành vi tham nhũng, các đại biểu nhận định, đây là chương có nhiều điểm mới nhất với 14 điều, tuy nhiên có nhiều vấn đề cần được làm sáng tỏ.

Ông Nguyễn Văn Lâm, Phó Cục trưởng Cục Kiểm soát thủ tục hành chính bày tỏ e ngại với quy định tại khoản 2, Điều 15 dự thảo “căn cứ ra quyết định tạm đình chỉ công tác, tạm thời chuyển vị trí công tác khi có tố cáo, phản ánh về tham nhũng mà tố cáo, phản ánh đó có nội dung rõ ràng, bằng chứng cụ thể, có căn cứ để tiến hành xác minh, làm rõ hành vi tham nhũng”.

Theo ông Lâm, chưa tiến hành xác minh thì lấy căn cứ nào để nói rằng có bằng chứng cụ thể, rõ ràng về một người nào đó tham nhũng. Nếu chỉ dựa trên tố cáo, phản ánh dễ dẫn đến lạm dụng, trù dập… “nên bỏ khoản 2, Điều 15”, ông Lâm đề xuất.
 

Các đại biểu tham dự buổi họp thẩm định Dự thảo


Ông Bạch Quốc An, Phó Vụ trưởng Vụ Pháp luật quốc tế, cho rằng các quy định của Chương III cần cân nhắc để phù hợp với Luật Cán bộ, công chức, tránh tình trạng dự thảo nghị định khi được thông qua trái hoặc cao hơn luật.

Một vấn đề khác được ông An chỉ ra là, Dự thảo “quên” chưa quy định trường hợp đã hết thời hạn xác minh mà không có kết luận có hay không có hành vi tham nhũng thì việc hủy bỏ quyết định tạm đình chỉ, quyết định tạm thời chuyển vị trí công tác khác xử lý thế nào.

Đại diện Vụ Các vấn đề chung về xây dựng pháp luật cũng bày tỏ lo ngại về phạm vi điều chỉnh khi dự thảo của Chính phủ mà quy định cả thẩm quyền quyết định tạm đình chỉ công tác, quyết định tạm thời chuyển vị trí công tác khác của Tòa án, Viện Kiểm sát nhân dân, Kiểm toán. Ông Đỗ Đức Lương đề xuất cần phải báo cáo Chính phủ để xin ý kiến của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về vấn đề này.

Thứ trưởng Hoàng Thế Liên đặt vấn đề, hình thức tạm đình chỉ công tác khác với chuyển vị trí công tác. Tạm đình chỉ công tác nặng hơn chuyển vị trí công tác khác, cho nên căn cứ, trình tự, thủ tục, thẩm quyền ra quyết định phải khác nhau. Trường hợp ra quyết định tạm định chỉ công tác hoặc tạm thời chuyển sang vị trí công tác khác sai thì xử lý như thế nào.

Tuy nhiên, Dự thảo chưa làm rõ căn cứ nào để ra quyết định tạm đình chỉ công tác, căn cứ nào để ra quyết định chuyển vị trí công tác khác. Nhất là chưa quy định trình tự, thủ tục tạm đình chỉ công tác hoặc tạm thời chuyển sang vị trí công tác khác đối với cán bộ, công chức, viên chức để xác minh, làm rõ hành vi tham nhũng, trong khi đây là vấn đề quan trọng Quốc hội giao cho Chính phủ quy định tại Điều 53a Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Phòng, chống tham nhũng năm 2012.

Theo Thứ trưởng Hoàng Thế Liên, Dự thảo cần bám sát quy định chi tiết Điều 53a trên nguyên tắc hành chính dân chủ. “Dấu hiệu chỉ là dấu hiệu, buộc tội phải chứng minh, kết luận đúng sai phải thuyết phục. Chúng ta đã tuyên bố xây dựng Nhà nước pháp quyền thì phải bảo vệ tối đa quyền con người”, ông Hoàng Thế Liên nói. 


Điều 53a Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Phòng, chống tham nhũng năm 2012

Trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan, tổ chức, đơn vị trong việc tạm đình chỉ công tác, tạm thời chuyển sang vị trí công tác khác đối với cán bộ, công chức, viên chức.

1. Khi có căn cứ cho rằng cán bộ, công chức, viên chức có hành vi vi phạm pháp luật liên quan đến tham nhũng, người đứng đầu cơ quan, tổ chức, đơn vị theo thẩm quyền hoặc đề nghị người có thẩm quyền quản lý cán bộ, công chức, viên chức tạm đình chỉ công tác hoặc tạm thời chuyển sang vị trí công tác khác đối với cán bộ, công chức, viên chức để xác minh, làm rõ hành vi tham nhũng nếu xét thấy người đó tiếp tục làm việc có thể gây khó khăn cho việc xem xét, xử lý.

2. Người đứng đầu cơ quan, tổ chức, đơn vị hoặc người có thẩm quyền quản lý cán bộ, công chức, viên chức phải xem xét việc tạm đình chỉ công tác hoặc tạm thời chuyển sang vị trí công tác khác đối với cán bộ, công chức, viên chức khi nhận được yêu cầu của cơ quan thanh tra, Kiểm toán Nhà nước, cơ quan điều tra, Viện Kiểm sát nếu trong quá trình thanh tra, kiểm toán, điều tra, kiểm sát phát hiện có căn cứ cho rằng người đó có hành vi tham nhũng để xác minh, làm rõ hành vi tham nhũng.
 
3. Người đứng đầu cơ quan, tổ chức, đơn vị hoặc người có thẩm quyền quản lý cán bộ, công chức, viên chức phải hủy bỏ quyết định và thông báo công khai với toàn thể cán bộ, công chức, viên chức về việc hủy bỏ quyết định tạm đình chỉ công tác hoặc tạm thời chuyển sang vị trí công tác khác và khôi phục lại quyền, lợi ích hợp pháp của cán bộ, công chức, viên chức sau khi cơ quan có thẩm quyền kết luận người đó không có hành vi tham nhũng.

4. Chính phủ quy định chi tiết về trình tự, thủ tục, thời hạn tạm đình chỉ, chuyển vị trí công tác khác; việc hưởng lương, phụ cấp, quyền, lợi ích khác và việc bồi thường, khôi phục lại quyền, lợi ích hợp pháp của cán bộ, công chức, viên chức sau khi cơ quan, tổ chức có thẩm quyền kết luận người đó không có hành vi tham nhũng.


Hà Nguyên

Ý kiến bình luận:

Ý kiến của bạn sẽ được xét duyệt khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.

Hiện chưa có bình luận nào, hãy trở thành người đầu tiên bình luận cho bài biết này!

Tin cùng chuyên mục

Sơn La thông qua phương án hợp nhất Sở Lao động, Thương binh và Xã hội với Sở Nội vụ

Sơn La thông qua phương án hợp nhất Sở Lao động, Thương binh và Xã hội với Sở Nội vụ

(Thanh tra) - Ngày 14/12, bà Tráng Thị Xuân, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Sơn La chủ trì cuộc họp cùng lãnh đạo các Sở Lao động - Thương binh và Xã hội, Y tế, Giáo dục và Đào tạo, Nội vụ và Ban Dân tộc nhằm thống nhất phương án sắp xếp tổ chức bộ máy của một số cơ quan, đơn vị của tỉnh.

Trần Kiên

19:34 14/12/2024

Tin mới nhất

Xem thêm