Ca khúc: Tự hào người làm báo Thanh tra

Theo dõi Báo Thanh tra trên

Cần thống nhất phương án giải quyết

Thứ năm, 05/07/2012 - 00:31

(Thanh tra)- Đó là chỉ đạo của Tổng Thanh tra Huỳnh Phong Tranh tại buổi làm việc với Cục II - Thanh tra Chính phủ (TTCP) về tình hình kiểm tra, rà soát, giải quyết các vụ việc khiếu nại (KN) phức tạp trên địa bàn miền Trung - Tây Nguyên sáng 4/7. Cùng dự có Phó Tổng Thanh tra Nguyễn Đức Hạnh và Phó Tổng Thanh tra Nguyễn Văn Thanh.

Theo ông Bùi Ngọc Lam, Cục trưởng Cục II, thực hiện Kế hoạch số 1130 của TTCP, Cục II được giao tiến hành kiểm tra, rà soát giải quyết KN, tố cáo (TC) tồn đọng, kéo dài, phức tạp tại 11 tỉnh, TP khu vực miền Trung - Tây Nguyên. Qua tổng hợp, 5 tỉnh không còn vụ việc KN,TC tồn đọng, kéo dài gồm: Nghệ An, Quảng Nam, Phú Yên, Quảng Trị và Bình Định. 12 tỉnh, TP còn 107 vụ việc. Trong đó, 36 vụ Thủ tướng Chính phủ đã có ý kiến kết luận chỉ đạo; 6 vụ TTCP kiểm tra, báo cáo hiện chờ ý kiến kết luận của Thủ tướng Chính phủ; 4 vụ các bộ, ngành Trung ương đã có văn bản giải quyết; 24 vụ đông người, phức tạp tại Đắk Lắk, Đắk Nông và Kon Tum thuộc thẩm quyền giải quyết của cấp tỉnh, cấp huyện nhưng phải quan tâm, tập trung chỉ đạo, phối hợp xử lý, giải quyết.

Qua rà soát nhận thấy, phần lớn các vụ việc tồn đọng, kéo dài trong khu vực đều rất phức tạp, chủ yếu liên quan đến việc thu hồi đất đai, bồi thường, hỗ trợ… đã được địa phương, các cơ quan Trung ương kiểm tra, xác minh, kết luận; nhiều vụ việc đã được Thủ tướng Chính phủ có ý kiến chỉ đạo giải quyết nhưng người dân không đồng ý; nhiều vụ việc KN đã được xem xét, giải quyết thấu tình đạt lý, người dân vẫn không thực hiện, tiếp tục gửi đơn nhiều nơi để gây áp lực; một số địa phương có biểu hiện né tránh, đùn đẩy trách nhiệm giải quyết lên các cơ quan Trung ương, từ chối, chậm thụ lý giải quyết; báo cáo chưa chính xác.

Bên cạnh đó, việc kiểm tra xem xét một số vụ việc của các cơ quan chức năng còn chồng chéo. Có trường hợp TTCP có kết luận, sau đó giao Bộ Xây dựng, Bộ Tài nguyên & Môi trường kiểm tra, nay lại giao cho TTCP xem xét, làm cho vụ việc kéo dài. Có trường hợp quan điểm giải quyết giữa các cơ quan, giữa các lần giải quyết một số trường hợp không nhất quán, không thống nhất với địa phương, do đó khó tổ chức thực hiện, hiệu quả Kế hoạch 1130 không cao. 

Ông Lam cho biết, trong thời gian tới, Cục II sẽ tiếp tục triển khai thực hiện quyết liệt theo đúng chỉ đạo của Tổng Thanh tra tại Kế hoạch 1130 và Văn bản số 1164/TTCP-VP của Tổng Thanh tra. Đồng thời, trình Tổng Thanh tra thành lập tổ công tác kiểm tra, rà soát tại các tỉnh Đắk Lắk, Khánh Hòa và Gia Lai.

Tại buổi làm việc, Phó Tổng Thanh tra Nguyễn Đức Hạnh và Phó Tổng Thanh tra Nguyễn Văn Thanh đã trao đổi rõ nội dung các vụ việc KN,TC kéo dài, tồn đọng, phức tạp tại các địa phương với Cục II. Đồng thời, đưa ra những ý kiến về cách tổng hợp và xử lý các vụ việc. 

Phát biểu chỉ đạo, Tổng Thanh tra Huỳnh Phong Tranh đánh giá cao kết quả rà soát của Cục II và nhấn mạnh: Báo cáo đã thể hiện đầy đủ, bài bản và sát với tình hình thực tế, rút ra được những khó khăn, vướng mắc và đề ra được kế hoạch triển khai trong thời gian tới.

Về phương pháp xử lý, Tổng Thanh tra Huỳnh Phong Tranh đề nghị Phó Tổng Thanh tra Nguyễn Đức Hạnh tiếp tục chỉ đạo Cục II xem xét những vụ việc Thủ tướng Chính phủ có ý kiến chỉ đạo. Những vụ việc thuộc thẩm quyền của bộ, ngành hữu quan, TTCP sẽ chuyển danh sách để giải quyết. Những vụ việc thuộc thẩm quyền của địa phương, TTCP chỉ phối hợp xem xét, tham mưu, tư vấn khi địa phương có đề nghị, yêu cầu về những vụ việc phức tạp. Cục II cần tiếp tục quan tâm tới các địa phương có báo cáo không còn vụ việc KN,TC kéo dài, phức tạp. Thống nhất với địa phương, bộ, ngành về tiêu chí, phương án giải quyết. Quá trình giải quyết, cần tập trung thực hiện đúng theo quy định của pháp luật. Bên cạnh đó, tổ chức vận động, thuyết phục người dân, đặc biệt, tìm mọi biện pháp quan tâm xem xét, giải quyết hỗ trợ cho các hộ dân có khó khăn.

Tổng Thanh tra cũng yêu cầu, ngày 25 hàng tháng có báo cáo sơ kết, đánh giá tiêu chí và hướng giải quyết. Ngày 25/7, phải có con số cụ thể số vụ việc tồn đọng, kéo dài, phức tạp để tháng 10 báo cáo Quốc hội.

Phương Hiếu

Ý kiến bình luận:

Ý kiến của bạn sẽ được xét duyệt khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.

Hiện chưa có bình luận nào, hãy trở thành người đầu tiên bình luận cho bài biết này!

Tin cùng chuyên mục

Tin mới nhất

Xem thêm