Ca khúc: Tự hào người làm báo Thanh tra

Theo dõi Báo Thanh tra trên

Cần làm rõ cơ sở quy định “cán bộ tín nhiệm thấp, không quá 10 ngày phải xin từ chức”

Hương Giang

Thứ năm, 11/05/2023 - 11:53

(Thanh tra) - Ủy ban Pháp luật của Quốc hội đề nghị lý giải rõ cơ sở xác định mốc thời hạn quy định trong dự thảo nghị quyết là 10 ngày để người “có mức tín nhiệm thấp xin từ chức” và 30 ngày để UBND có thẩm quyền xử lý với trường hợp chủ tịch UBND có mức tín nhiệm thấp.

Phó Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Nguyễn Trường Giang. Ảnh: Đ.X

Sáng 11/5, Ủy ban Thường vụ cho ý kiến Dự thảo Nghị quyết về việc lấy phiếu tín nhiệm, bỏ phiếu tín nhiệm tại Quốc hội, HĐND.

Trình bày tờ trình, Trưởng Ban Công tác đại biểu Nguyễn Thị Thanh cho biết, Nghị quyết 85 ban hành năm 2014 chỉ quy định về hệ quả với người được lấy phiếu tín nhiệm, bỏ phiếu tín nhiệm nhưng không quy định rõ về thời hạn thực hiện, dẫn đến việc tùy nghi, không đồng bộ, thống nhất trong cả nước.

Do đó, Ban Công tác đại biểu đề xuất bổ sung quy định về thời hạn và thời điểm. Cụ thể, với việc xin từ chức là không quá 10 ngày kể từ ngày công bố kết quả lấy phiếu tín nhiệm.

Việc tiến hành bỏ phiếu tín nhiệm, xem xét, quyết định việc miễn nhiệm hoặc phê chuẩn đề nghị miễn nhiệm tại kỳ họp đó hoặc kỳ họp gần nhất nhưng không quá 30 ngày kể từ ngày công bố kết quả lấy phiếu tín nhiệm.

Việc lấy phiếu tín nhiệm với chủ tịch UBND quận, thị xã, phường ở nơi không có HĐND thì kể từ thời điểm có đề nghị của HĐND quận, thị xã, chủ tịch UBND cùng cấp xem xét, quyết định trong thời gian tối đa không quá 30 ngày.

Thẩm tra sơ bộ nội dung này, Thường trực Ủy ban Pháp luật cơ bản tán thành với quy định về hệ quả đối với người được lấy phiếu tín nhiệm, bỏ phiếu tín nhiệm như trong dự thảo nghị quyết.

Các nội dung quy định về hệ quả đối với người được lấy phiếu tín nhiệm, bỏ phiếu tín nhiệm trong dự thảo nghị quyết đã bảo đảm phù hợp với yêu cầu xử lý kịp thời, nghiêm minh đối với cán bộ, công chức có mức độ tín nhiệm thấp theo tinh thần của Quy định số 96 và Quy định số 41 của Bộ Chính trị về việc miễn nhiệm, từ chức đối với cán bộ, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Nguyễn Trường Giang cho biết nhận định của cơ quan thẩm tra.

Trưởng Ban Công tác đại biểu Nguyễn Thị Thanh. Ảnh: Đ.X

Theo ông Giang, Thường trực Ủy ban Pháp luật đề nghị lý giải rõ hơn cơ sở của việc xác định mốc thời hạn quy định trong dự thảo nghị quyết là 10 ngày để người được lấy phiếu có mức tín nhiệm thấp xin từ chức và 30 ngày để UBND có thẩm quyền xử lý với trường hợp chủ tịch UBND có mức tín nhiệm thấp.

Cơ quan thẩm tra đề nghị bỏ cụm từ “nhưng không quá 30 ngày kể từ ngày công bố kết quả lấy phiếu tín nhiệm”.

“Nếu quy định việc bỏ phiếu tín nhiệm hoặc miễn nhiệm đối với người có mức độ tín nhiệm thấp sẽ được thực hiện tại kỳ họp đó hoặc kỳ họp gần nhất “nhưng không quá 30 ngày kể từ ngày công bố kết quả lấy phiếu tín nhiệm” thì sẽ không thể hiện sự uyển chuyển, tính linh hoạt trong quá trình tổ chức thực hiện”, Thường trực Ủy ban Pháp luật lý giải.

Cơ quan thẩm tra cũng đề nghị quy định rõ trong dự thảo trường hợp người giữ nhiều chức vụ do Quốc hội, HĐND bầu hoặc phê chuẩn mà không còn được Quốc hội, HĐND tín nhiệm thì xin từ chức hoặc bị miễn nhiệm đối với tất cả các chức vụ đang giữ thì Quốc hội, HĐND thực hiện lấy phiếu một lần đối với các chức vụ mà người đó đảm nhiệm.

Kết luận nội dung này, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định đề nghị cơ quan chủ trì soạn thảo tiếp thu các ý kiến trong phiên họp, nhất là ý kiến về làm rõ phạm vi, đối tượng, hệ quả của lấy phiếu, bỏ phiếu tín nhiệm; căn cứ và tính khả thi về thời hạn xin từ chức, miễn nhiệm với người có tín nhiệm thấp, thiết kế các phương án để báo cáo Quốc hội.

Dự thảo nghị quyết này sẽ được đưa Quốc hội xem xét quyết định tại kỳ họp thứ 5 khai mạc vào ngày 22/5 tới đây.

Theo dự kiến, tại kỳ họp thứ 6, Quốc hội sẽ tiến hành lấy phiếu tín nhiệm đối với các chức danh do Quốc hội bầu và phê chuẩn.

Đây sẽ là lần thứ 4, Quốc hội thực hiện quyền giám sát qua việc bỏ phiếu tín nhiệm. Trước đó, tại kỳ họp thứ 6 Quốc hội khóa XIV và tháng 10/2018, các đại biểu Quốc hội đã lấy phiếu tín nhiệm 48 chức danh; năm 2013, Quốc hội lấy phiếu tín nhiệm 47 người, năm 2014 là 50 người.

Quốc hội bầu các chức danh:

- Chủ tịch nước, Phó Chủ tịch nước

- Thủ tướng Chính phủ

- Chủ tịch Quốc hội, các phó chủ tịch Quốc hội, Chủ tịch Hội đồng Dân tộc, chủ nhiệm các ủy ban của Quốc hội, các ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội.

- Chủ tịch Hội đồng Bầu cử quốc gia, Tổng Kiểm toán Nhà nước, Tổng Thư ký Quốc hội

- Chánh án TAND Tối cao, Viện trưởng Viện KSND Tối cao

Quốc hội phê chuẩn các chức danh:

- Các phó thủ tướng Chính phủ, bộ trưởng và các thành viên khác của Chính phủ

- Thẩm phán TAND Tối cao

- Thành viên Hội đồng Quốc phòng và An ninh

- Thành viên Hội đồng Bầu cử quốc gia

Ý kiến bình luận:

Ý kiến của bạn sẽ được xét duyệt khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.

Hiện chưa có bình luận nào, hãy trở thành người đầu tiên bình luận cho bài biết này!

Tin cùng chuyên mục

Hà Giang: Tỷ lệ tinh giảm biên chế giai đoạn 2016-2021 giảm 10%

Hà Giang: Tỷ lệ tinh giảm biên chế giai đoạn 2016-2021 giảm 10%

(Thanh tra) - Chiều 13/12, Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh Hà Giang khóa XVII, nhiệm kỳ 2020 – 2025 tổ chức Hội nghị lần thứ 28 để tổng kết Nghị quyết 18-NQ/TW ngày 25/10/2017 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa VII về “Tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả”.

Bùi Bình

19:37 13/12/2024

Tin mới nhất

Xem thêm