Ca khúc: Tự hào người làm báo Thanh tra

Theo dõi Báo Thanh tra trên

Cảm nghĩ về vị Tổng Tư lệnh toàn năng

Thứ bảy, 05/10/2013 - 15:43

(Thanh tra)- Từ trước đến nay ở Việt Nam ta và trên thế giới, dưới nhiều hình thức, biết bao người ở cương vị khác nhau, đã tôn vinh Võ Đại tướng như một nhân vật huyền thoại tuyệt vời và đã ca ngợi Đại tướng hết lời! Với tôi, ba chữ “Võ Nguyên Giáp” đã để lại những ấn tượng không bao giờ phai nhạt.

Đại tướng Võ Nguyên Giáp

Lần đầu tiên, tôi được gặp Võ Đại tướng là khi được điều động ra Việt Bắc công tác tại Bộ Tổng Tư lệnh thời kỳ kháng chiến chống thực dân Pháp. Tại căn cứ địa Việt Bắc, mỗi khi được tiếp xúc với Đại tướng Tổng Tư lệnh, tôi đều nhận ở ông là một con người rất cởi mở, chân tình với cán bộ cấp dưới, đồng thời rất tỷ mỉ và sâu sắc trong công việc chỉ đạo và chỉ huy. 

Từ hồi ấy, người ta hay gọi Võ Nguyên Giáp là Võ Đại tướng hoặc Tổng Tư lệnh hoặc gọi thân mật: Anh Văn.

Ngay từ những ngày ở Việt Bắc, anh Văn đã gieo vào tâm trí tôi hình ảnh một vị Tổng Tư lệnh toàn năng. Đúng như vậy, Võ Đại tướng là người được Đảng và Bác Hồ giao nhiệm vụ trực tiếp chỉ đạo chiến lược tại Tổng Hành dinh phối hợp tác chiến với các chiến trường miền Nam, các chiến trường của quân tình nguyện Việt Nam ở Lào và Campuchia với chiến trường chính. Anh lại là người ra chiến trường trực tiếp chỉ huy các chiến dịch lớn trong kháng chiến chống Pháp (như Chiến dịch Biên giới 1950, Chiến dịch Trần Hưng Đạo ở Trung du, Chiến dịch Hoàng Hoa Thám ở Đông Bắc, Chiến dịch Quang Trung ở Hà Nam Ninh, Chiến dịch Hòa Bình, Chiến dịch giải phóng Tây Bắc, Sầm Nưa - Thượng Lào và Chiến dịch lịch sử Điện Biên Phủ năm 1954).

Là vị Tổng Tư lệnh chỉ đạo về chiến lược nhưng lại rất chú trọng về chiến thuật, về cách đánh, từ những trận đánh nhỏ (như Khai Phắt và Nà Ngần) ngày khởi đầu thành lập Đội Vũ trang Tuyên truyền Giải phóng quân, đến nhiều trận lớn (như Biên giới) hoặc trận chiến vĩ đại (Điện Biên Phủ).

Chỉ đạo tác chiến của anh Văn theo thực tiễn chiến trường: Anh Văn có nghiên cứu và hiểu sâu về lý luận dùng binh (binh pháp) nhưng anh chưa bao giờ áp dụng máy móc lý luận vào thực tiễn chiến trường. Từ thực tiễn chiến trường, anh đã cùng tập thể tướng sỹ bàn bạc và tìm ra cách đánh thích hợp. Trong không ít trường hợp, chính anh Văn tự đề xuất ra cách đánh mới sáng tạo và phù hợp thực tiễn, khác với ý kiến của số đông và thực tiễn đã dẫn đến thắng lợi trên chiến trường. Đó là sự thật đã diễn ra ở Chiến dịch Biên giới (1950), Chiến dịch Điện Biên Phủ (1954) và một số chiến dịch khác.

Đại tướng Tổng Tư lệnh còn trực tiếp chỉ đạo các chiến trường toàn quốc suốt 2 cuộc kháng chiến một cách chặt chẽ và có hiệu quả cao.

Trong kháng chiến chống thực dân Pháp, dưới sự chỉ đạo của Bộ Chính trị, Bác Hồ và Tổng Bí thư Trường Chinh, ngay trong khi trực tiếp chỉ huy trận quyết chiến, chiến lược ở Điện Biên Phủ, Tổng Tư lệnh vẫn chỉ đạo chặt chẽ các chiến trường Nam bộ, Liên khu V (Nam Trung bộ) và các chiến trường khác cùng với Chiến dịch Điện Biên Phủ, chiến dịch lớn nhất, có tính quyết định nhất ở chiến trường chính miền Bắc Việt Nam.

Trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, dưới sự chỉ đạo cao nhất của Bộ Chính trị, đứng đầu là Tổng Bí thư Lê Duẩn, ngay trong khi theo dõi và chỉ đạo giải phóng Huế - Đà Nẵng, Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã báo cáo với Bộ Chính trị vấn đề giải phóng các đảo thuộc quần đảo Trường Sa mà quân ngụy đang chiếm giữ và chuẩn bị kế hoạch chiến lược và Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử giải phóng miền Nam.

Đại tướng Võ Nguyên Giáp còn rất quan tâm chỉ đạo vấn đề làm đường, bảo vệ đường, bảo đảm giao thông vận tải thông suốt trong chiến tranh.

Đồng chí nhiều lần nhấn mạnh: “Có đường mới có lực lượng. Có đường mới có vũ khí, lương thực, thuốc men. Có đường mới thực hiện được ý định chiến dịch đánh vu hồi và sau lưng địch. Có đường mới giành thắng lợi”.

Trong những vấn đề trọng yếu của một chiến dịch do Đại tướng Võ Nguyên giáp chỉ huy hoặc chỉ đạo, bao giờ cũng có vấn đề đường xá, giao thông vận tải. Làm đường cho Điện Biên Phủ, làm đường cho Buôn Mê Thuột và Tây Trị Thiên. Đó là những điều quan tâm lớn của Tổng Tư lệnh. Chính Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã trực tiếp đôn đốc làm đường Trường Sơn thô sơ từ năm 1959 và đề xuất làm đường Trường Sơn cơ giới từ năm 1965, 1966 trở đi, bảo đảm cho các chiến dịch, chiến lược và Chiến dịch lịch sử Hồ Chí Minh toàn thắng.

Đại tướng Võ Nguyên Giáp

Tổng Tư lệnh Đại tướng Võ Nguyên Giáp thường trăn trở về tình hình các chiến trường trong cả nước về việc xử lý tình hình chiến trường ở cả 3 miền trong 2 cuộc kháng chiến. Tôi biết rõ: Có nhiều đêm đồng chí Tổng Tư lệnh ít ngủ hoặc thức trắng về tình hình ở một số chiến trường đang có những diễn biến phức tạp, diễn biến không lợi cho ta. Từ những ngày đầu chỉ đạo Thủ đô kháng chiến chống Pháp cuối năm 1946, trong tình hình “ngàn cân treo sợi tóc”, những ngày đối phó với chiến dịch tấn công vào căn cứ địa Việt Bắc của quân đội Pháp; những ngày đêm chiến đấu ở Điện Biên Phủ, những ngày theo dõi tác chiến ở Khe Sanh, đường 9 Nam Lào và trong các Chiến dịch Quảng Trị, Tây Nguyên, Bình Long - Nam bộ năm 1972…

Tổng Tư lệnh đã có nhiều đêm mất ngủ, hoặc nhiều lần chảy nước mắt khi nghe báo cáo số lượng cán bộ, chiến sỹ thương vong quá cao trong một số trận đánh. Chính những đêm đặc biệt đó đã giúp Tổng Tư lệnh vượt mọi khó khăn tìm ra những cách xử lý tình hình ở chiến trường tốt nhất, giảm thương vong cho cán bộ, chiến sỹ. Nói cách khác, một chủ nghĩa nhân văn đã thấm sâu vào tâm hồn Tổng Tư lệnh ngay trong những giờ phút khó khăn nhất của mỗi tình huống phức tạp trong chiến dịch.

Tôi muốn nhấn mạnh một điều: Võ Nguyên Giáp là một vị Tổng Tư lệnh có sự quyết đoán sáng suốt, thận trọng và kịp thời. Ở Điện Biên Phủ, anh Văn đề ra quyết tâm chuyển phương châm chiến dịch từ “đánh nhanh, thắng nhanh” sang “đánh chắc, tiến chắc”, được Bộ Chính trị và Bác Hồ đồng ý, quyết định cho Đại đoàn 308 hành quân nghi binh sang Lào đánh lạc hướng Bộ Tổng Tham mưu Quân đội viễn chinh Pháp ở Đông Dương.

Đại tướng Võ Nguyên Giáp vừa là nhà chỉ huy nổi danh về đánh du kích (chiến tranh nhân dân địa phương), vừa là nhà chỉ huy kiệt xuất về đánh chính quy (chỉ huy tác chiến binh chủng hợp thành với nhiều sư đoàn bộ binh và binh chủng).

Đồng chí Tổng Tư lệnh kết hợp tài giỏi chỉ đạo chiến tranh du kích trong địch hậu với chiến tranh của binh đoàn chủ lực ở mặt trận chính: Ví như trong Chiến dịch Hòa Bình, Đại tướng đã chỉ đạo phối hợp chiến tranh du kích vùng địch hậu với chiến tranh chính quy một cách chặt chẽ, giành thắng lợi lớn ở cả “nội ngoại tuyến”. Thời gian đó, tôi làm phái viên tác chiến được cầm thư của Tổng Tham mưu Trưởng kiêm Tham mưu Trưởng Chiến dịch Hòa Bình Hoàng Văn Thái vào địch hậu Liên khu 3 đưa tận tay Đại đoàn Trưởng Đại đoàn 320 Văn Tiến Dũng đang chỉ huy chiến đấu ở Đông Hưng, thuộc tỉnh Thái Bình. Nội dung lá thư nêu rõ yêu cầu của Bộ Tư lệnh Chiến dịch do Đại tướng Võ Nguyên Giáp làm Tư lệnh là: Các đơn vị chủ lực của Chủ đoàn 320 phải hợp đồng thật tốt với bộ đội địa phương, dân quân du kích tiếp tục đẩy mạnh tiến công trong lòng địch, phối hợp thật tốt với mặt trận chính (tức mặt trận Hòa Bình), để ta bao vây và tiêu diệt một bộ phận binh đoàn chủ lực (GM) của Pháp đang tập trung và bị bao vây tại thị xã Hòa Bình (đường 6), đồng thời lợi dụng thời cơ địch ở đồng bằng sơ hở, phát triển chiến tranh nhân dân trong địch hậu tiêu diệt các đồn bốt ngụy, phá tan ngụy quyền, mở rộng các vùng căn cứ du kích và khu du kích.

Đồng chí Tổng Tư lệnh còn chỉ đạo rất tỷ mỷ về chiến thuật cách đánh, cả trong kháng chiến chống thực dân Pháp lẫn kháng chiến chống Mỹ. 

Năm 1972 ở Quảng Trị, ta nặng về tiến công địch ở phía trước, nhẹ về phòng ngự củng cố vùng giải phóng ở phía sau. Vì vậy, khi địch tập trung lực lượng Quân khu I, ngụy tiến hành phản công có sự chi viện mạnh của không quân, pháo hạm Mỹ bắn đạn pháo lớn từ ngoài biển vào; quân ta bị đẩy lùi từ Bắc sông Mỹ Chánh Bắc thuộc sông Thạch Hãn, tỉnh Quảng Trị và đang bị lúng túng giữa tiến công và phòng ngự, lúng túng trong việc thực hiện phòng ngự như thế nào? Tôi, lúc đó là Cục phó Cục Tác chiến làm Tham mưu Phó tác chiến của Bộ Tư lệnh Chiến dịch Quảng Trị được cử ra báo cáo tình hình với Đại tướng Tổng Tư lệnh Võ Nguyên Giáp tại Tổng hành dinh ở Hà Nội. Đại tướng cho gọi Đại tá Đỗ Trình (lúc đó là Chánh Văn phòng Bộ Quốc phòng, sau này là Trung tướng Viện trưởng Viện Chiến lược Quân sự Bộ Quốc phòng) và Thượng tá Dũng Chi (sau này là Thiếu tướng Cục phó Cục Khoa học Quân sự, Bộ Tổng Tham mưu) sang Nhà khách Bộ Quốc phòng cùng với Đại tướng nghe tôi báo cáo tình hình tác chiến ở Quảng Trị. Sau đó, Đại tướng chỉ thị cho 3 chúng tôi cùng ông nghiên cứu về tổ chức phòng ngự ở Bắc sông Thạch Hãn (mặt trận Quảng Trị).

Theo Đại tướng, “phòng ngự không phải là bị động, sợ đối phó kẻ địch mạnh tấn công ta. Phòng ngự không phải đối lập với tiến công. Phòng ngự để ngăn chặn quân địch tấn công tiêu diệt tiêu hao địch, làm địch suy yếu, để rồi ta chuyển sang phản công, tiến công tiêu diệt hoàn toàn quân địch. Tiến công là tư tưởng chỉ đạo trong chiến tranh. Nhưng, trong chiến dịch và những trận chiến đấu có khi phải phòng ngự. Đã phòng ngự là phải xây dựng công sự kiên cố để kiên cường chiến đấu giữ vững trận địa. Phòng ngự phải kết hợp với tiến công vào bên sườn và sau lưng địch. Trong khi tương quan lực lượng thay đổi, ta chưa có sức mạnh để tiếp tục tiến công thì phải phòng ngự để bảo vệ địa bàn được giải phóng, chuẩn bị lực lượng, chuẩn bị điều kiện để rồi tiếp tục tiến công…”. Đây chính là sự phân tích sáng suốt của Đại tướng Tổng Tư lệnh.

Chúng tôi vẽ cách xây dựng trận địa phòng ngự lên sơ đồ cho đồng chí Dũng Chi vào báo cáo với Bộ Tư lệnh ở Bắc sông Thạch Hãn. Nhờ đó, về cơ bản không còn ai ngại khi nói đến “phòng ngự” như trước đây khi tiến hành phản công trong Chiến dịch Quảng Trị nữa.

Đại tướng Võ Nguyên Giáp là một chỉ huy quân đội có tác phong làm việc rất sâu sắc, tỉ mỉ và rất khoa học. Đồng chí đặc biệt chú trọng công tác tham mưu, luôn luôn theo sát và giúp đỡ Bộ Tổng Tham mưu. Đồng chí thường nhắc cán bộ tham mưu chúng tôi phải ghi nhớ mọi việc trong đầu óc, hạn chế việc ghi chép trong sổ tay để thực hiện nguyên tắc bảo mật của người cán bộ tham mưu chiến lược. 

Năm 1961, Đại úy Coong-le (Lào) làm đảo chính ở Lào. Khoảng 1 giờ sáng, anh Đỗ Đức Kiên (Cục trưởng Cục Tác chiến) cho gọi tôi (lúc này là Trưởng phòng Tác chiến) sang nhà “Con Rồng” (Tổng Hành dinh trong thành Hà Nội) gặp Đại tướng Võ Nguyên Giáp. Đại tướng giao cho tôi nhiệm vụ sáng sớm đi nhờ máy bay L12 chở xăng dầu của Liên Xô sang Lào (theo Hiệp định Viện trợ của Liên Xô cho Chính phủ Phurma). Máy bay trên đường tới Sân bay Viên-chăn đổ xăng dầu viện trợ cho Chính phủ Phurma hạ cánh xuống Sân bay Văng-viêng (Bắc Viên-chăn). Tôi xuống máy bay, đi vào rừng tìm bắt liên lạc với các đồng chí chuyên gia của ta (đồng chí Nguyễn Hòa và đồng chí Khanh (CP31) để truyền đạt chỉ thị của Quân ủy Trung ương giúp đỡ quân Pathet Lào và quân Coong-le giữ vững thành quả của cuộc đảo chính, phát triển tiến công về Salaphukhum và giải phóng Cánh đồng Chum - Xiêng Khoảng. Ông dặn tôi phải mặc quân phục giống như cán bộ Pathét Lào. Ông dặn tôi: Không được ghi chép gì, chỉ nhớ kỹ các vấn đề đồng chí dặn trong óc, bảo đảm tuyệt mật trong chuyến công tác này.

Một lần khác, năm 1972, tôi ở mặt trận Quảng Trị ra Tổng hành dinh (trong thành Hà Nội) để báo cáo ý kiến của Thượng tướng Văn Tiến Dũng và Bộ Tư lệnh Chiến dịch Quảng Trị. Tôi được lệnh sang gặp Đại tướng Võ Nguyên Giáp ở nhà riêng. Tại đây, anh Văn gọi tôi ra vườn hoa phong lan trong khu nhà anh, vừa đi lại trong vườn để nghe tôi báo cáo. Đại tướng cầm lấy cuốn sổ trên tay tôi rồi nhét vào xắc-cốt của tôi rồi nói: “Cán bộ tác chiến các cậu hễ báo cáo là phải giở sách ra. Khi khép sách lại không nhớ gì cả à? Cán bộ tham mưu tác chiến là phải dùng cái đầu Mọi việc phải ghi nhớ trong đầu, không phải chỉ trong sách vở”. Sau đó, vừa đi lại trong vườn, đồng chí bảo tôi nắm được tình hình chiến sự như thế nào, báo cáo như thế ấy. Các anh trong mặt trận có ý kiến đề nghị phương án như thế nào thì báo cáo rõ ràng, đúng đắn như thế ấy. 

Đại tướng Võ Nguyên Giáp đạt tới một kỷ luật rất cao về cường độ lao động. Bộ óc của Tổng Tư lệnh luôn suy nghĩ, không ngừng suy nghĩ. Ngay cả những khi đau yếu, Đại tướng vẫn gọi cán bộ tác chiến vào Bệnh việ 108 đến bên giường bệnh báo cáo tình hình chiến trường. Đã nhiều lần Đại tướng sửa đi, sửa lại trong các bức điện hoặc các bản mệnh lệnh chỉ thị chiến đấu gửi các tư lệnh chiến trường do anh em tác chiến chuẩn bị, sao cho gọn nhất, rõ ràng nhất, dễ hiểu nhất, bày vẽ cho chúng tôi nâng cao trình độ công tác tham mưu.

Có khi Đại tướng tự tay viết điện vào sổ điện cơ yếu và ký tên. Ví dụ như trong ngày 7/4/1975, đồng chí tự tay viết điện gửi các đơn vị: “Thần tốc, thần tốc hơn nữa. Táo bạo, táo bạo hơn nữa, tranh thủ từng giờ phút, xốc tới mặt trận giải phóng miền Nam. Quyết chiến và toàn thắng…”. Vừa là một mệnh lệnh chiến đấu ngắn gọn, súc tích, vừa là lời “hịch” hào hùng cổ vũ động viên cán bộ chiến sỹ không quản mệt nhọc khó khăn, gian khổ ngày đêm xông tới tiền tuyến chiến đấu giải phóng miền Nam…

Để kết luận tôi muốn khẳng định: Trong cả 2 cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ, dưới sự lãnh đạo của Bộ Chính trị đứng đầu là Bác Hồ và Tổng Bí thư Trường Chinh (thời kỳ chống Pháp); dưới sự chỉ đạo của Bộ Chính trị và Tổng Bí thư Lê Duẩn (thời kỳ chống Mỹ), Đại tướng Võ Nguyên Giáp, trong cương vị Bí thư Tổng Quân ủy (sau này là Quân ủy Trung ương) và cương vị Tổng Tư lệnh đã chỉ đạo chỉ huy toàn quân thực hiện hoàn toàn thắng lợi các nhiệm vụ mà Đảng và nhân dân giao phó.

Đại tướng Võ Nguyên Giáp có công lao rất to lớn trong cả cuộc kháng chiến thần thánh của dân tộc chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ xâm lược.

Đại tướng Võ Nguyên Giáp là một con người toàn diện, tài đức vẹn toàn. Trong vai trò cao nhất về chính trị và quân sự của toàn quân, Đại tướng đã chỉ đạo các chiến trường toàn quốc và chỉ huy các chiến dịch lớn giành thắng lợi rực rỡ.

Tôi rất tự hào là có một thời được phục vụ bên vị Đại tướng toàn năng của nhân dân ta - Đại tướng Tổng Tư lệnh Võ Nguyên Giáp.

Trung tướng, PGS.TS Hoàng Nghĩa Khánh

(Nguyên Cục trưởng Cục Tác chiến, Bộ Tổng Tham mưu, QĐND Việt Nam)

Trà Vân (Ghi)

Ý kiến bình luận:

Ý kiến của bạn sẽ được xét duyệt khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.

Hiện chưa có bình luận nào, hãy trở thành người đầu tiên bình luận cho bài biết này!

Tin cùng chuyên mục

Tin mới nhất

Xem thêm