Ca khúc: Tự hào người làm báo Thanh tra

Theo dõi Báo Thanh tra trên

Các chỉ tiêu kinh tế quan trọng năm 2018 đều đạt và vượt kế hoạch

Thứ năm, 07/02/2019 - 06:34

(Thanh tra)- “Chính phủ luôn quan tâm bảo đảm và ngày càng nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của các tầng lớp nhân dân, người lao động trong toàn xã hội, trong đó có đội ngũ cán bộ công chức, những người hoạch định chính sách và quản trị quốc gia có vai trò rất quan trọng", Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Chính phủ Vương Đình Huệ chia sẻ với báo chí nhân dịp đầu Xuân mới Kỷ Hợi 2019. Báo Thanh tra xin trân trọng giới thiệu cùng bạn đọc.

Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Chính phủ Vương Đình Huệ. Ảnh: Vũ Thành Chung

+ Năm 2018 vừa đi qua với nhiều thành tựu vượt bậc. Với Phó Thủ tướng, ông thấy đâu là những điểm nhấn đáng chú ý nhất về kinh tế, thưa ông?

- Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ: Lĩnh vực kinh tế đạt được nhiều kết quả nổi bật trong năm 2018. Tăng trưởng GDP cả năm đạt 7,08%, vượt chỉ tiêu Quốc hội đề ra, gấp đôi chỉ số tăng giá tiêu dùng, càng làm cho tăng trưởng thêm ý nghĩa. Tăng trưởng kinh tế toàn diện cả ở hai mặt “cung - cầu”. “Cung” toàn diện ở cả 3 lĩnh vực nông nghiệp, công nghiệp, xây dựng dịch vụ. Còn ở phía “cầu”, sức mua thị trường trong nước tăng trưởng trên 2 con số (hơn 11%), mức mà nhiều năm trước ta khó đạt được.

Bên cạnh động lực chính cho tăng trưởng vẫn là công nghiệp chế biến chế tạo và dịch vụ, nhưng có một điều ít người nói đến là nhân tố chính làm cho tăng trưởng 2018 cao hơn 2017 chính là mức giảm chậm lại của công nghiệp khai khoáng 3,11% so với mức giảm 7,16% của năm 2017 và mức tăng trưởng kỷ lục 3,76% của ngành nông nghiệp trong 7 năm trở lại đây.

Không chỉ là một trong những nền kinh tế tăng trưởng nhanh nhất thế giới mà năng suất chất lượng hiệu quả, sức cạnh tranh của nền kinh tế còn tiếp tục được nâng lên. Nổi bật là nhân tố năng suất tổng hợp (TFP) đóng góp vào tăng trưởng khoảng 40,23%, trong khi cả giai đoạn 2011-2015 chỉ đạt 33,58% và mục tiêu kế hoạch 5 năm là 30-35%.

Bên cạnh đó, chỉ số tăng trưởng tín dụng thấp khoảng 14% (kế hoạch là 16% - PV) cũng chứng minh nền kinh tế nước ta còn phụ thuộc nhiều vào vốn. Nếu như 2016, để có 1% tăng trưởng GDP thì chúng ta cần 2,94% tăng trưởng tín dụng. Năm 2017, chỉ số này là 2,68% và năm 2018 chỉ còn 2,1%. Mặt khác, giải ngân vốn đầu tư công đến 31/12/2018 chỉ đạt 60-70% kế hoạch. Nếu tính cả thời gian chỉnh lý quyết toán đến hết tháng 1/2019, ước giải ngân vốn đầu tư công khoảng 92%. Nếu giải ngân vốn đầu tư công đạt 100% kế hoạch thì tăng trưởng kinh tế còn cao hơn.

Như vậy, vốn đầu tư công giải ngân chậm, tín dụng tăng ít, ngành công nghiệp khai khoáng tiếp tục giảm mà tăng trưởng GDP vẫn cao, điều này bắt nguồn từ những động lực tăng trưởng bền vững của đất nước là công nghiệp chế biến chế tạo, nông nghiệp, xuất khẩu hàng hoá, dịch vụ và sức mua của thị trường trong nước như tôi đã nói ở trên. Ngoài ra, còn nhờ năng suất lao động cũng có sự cải thiện đáng kể theo hướng tăng đều qua các năm và với mức tăng gần 6% trong năm 2018, Việt Nam là quốc gia có tốc độ tăng năng suất lao động cao nhất trong khu vực ASEAN.

+ Nhưng thẳng thắn nhìn nhận, nền kinh tế nước ta vẫn còn nhiều hạn chế, khó khăn, theo Phó Thủ tướng, đâu là những điểm chưa hài lòng, cần khắc phục?

- Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ: Về cơ bản các chỉ tiêu kinh tế quan trọng năm 2018 đều đạt và vượt kế hoạch. Tuy nhiên, cần thẳng thắn nhìn nhận còn có những hạn chế cần tiếp tục khắc phục. Đó là sức ép lạm phát và ổn định kinh tế vĩ mô còn lớn. Tính tự chủ của nền kinh tế từng bước được nâng lên nhưng chưa đáp ứng yêu cầu.

Bên cạnh đó, giải ngân vốn đầu tư công, cổ phần hóa doanh nghiệp Nhà nước (DNNN), thoái vốn ở nhiều bộ ngành, địa phương còn chậm. Sự gắn kết với khu vực FDI và năng lực, hiệu quả hoạt động của khu vực doanh nghiệp trong nước, nhất là doanh nghiệp nhỏ và vừa còn hạn chế. Một số công trình, dự án chậm tiến độ, chất lượng kém. Còn những bất cập trong cơ chế, chính sách; điều kiện kinh doanh, thủ tục hành chính trong một số lĩnh vực còn gây khó khăn cho người dân, doanh nghiệp.

Tuy nhiều tổ chức quốc tế nâng hạng của nước ta trên nhiều lĩnh vực, nhất là môi trường kinh doanh, nhưng Diễn đàn Kinh tế Thế giới (WEF) xếp hạng năng lực cạnh tranh toàn cầu năm 2018 của Việt Nam giảm 3 bậc so với năm 2017 (77/140 so với 74/135 quốc gia, vùng lãnh thổ). Sự tụt hạng có phần do thay đổi cơ bản trong phương pháp đánh giá, nhưng qua đó cũng thể hiện năng lực đổi mới sáng tạo, nghiên cứu phát triển của doanh nghiệp, ứng dụng công nghệ cao, kỹ năng… còn thấp và chúng ta cần phải nỗ lực hơn nữa để khắc phục.

Cơ cấu lại ngành, lĩnh vực ở một số nơi còn lúng túng, chưa đồng bộ, chưa gắn với thị trường. Năng suất lao động, năng lực cạnh tranh; tỷ lệ nội địa hóa của nhiều ngành, lĩnh vực còn thấp. Hoạt động buôn lậu, gian lận thương mại, vận chuyển trái phép hàng hóa qua biên giới vẫn diễn biến phức tạp…

+ Phó Thủ tướng chia sẻ gì về phương châm "Bứt phá" mà Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đặt ra cho năm 2019? 

- Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ: Nghị quyết số 01/NQ-CP năm 2019 của Chính phủ đã xác định phương châm hành động 2019 là “Kỷ cương, liêm chính, hành động, sáng tạo, bứt phá, hiệu quả”. Nhiều người hỏi vì sao năm 2019 phải “bứt phá” và “bứt phá” như thế nào? Theo tôi, nếu năm 2018 là năm “bản lề” thì năm 2019 phải “bứt phá” để về đích, để có thể hoàn thành nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội của cả giai đoạn 2016-2020. Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng cũng đã giao nhiệm vụ cho Chính phủ, các bộ, ngành Trung ương và chính quyền các địa phương là năm 2019 phải khá hơn năm 2018 về mọi phương diện.

Đường hướng đã rất rõ ràng, mục tiêu đã rất cụ thể. Vấn đề quan trọng nhất là cần phải có nỗ lực vượt bậc, ý chí quyết tâm, tinh thần “bứt phá”, nhất là trong tổ chức thực hiện ở mọi ngành mọi cấp, trong từng cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp, phải tạo động lực và áp lực trách nhiệm lên từng cá nhân, nhất là người đứng đầu trong việc thực hiện các nhiệm vụ phát triển kinh tế, xã hội, tài chính, ngân sách năm 2019.

+ Nhân nói đến vai trò của cán bộ công chức trong quản trị quốc gia để cùng với các giới, ngành trong xã hội hoàn thành các nhiệm vụ phát triển kinh tế-xã hội, Phó Thủ tướng có thể cho biết, Chính phủ đang thực hiện cải cách tiền lương trong lực lượng này đến đâu?

- Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ: Chính phủ luôn quan tâm bảo đảm và ngày càng nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của các tầng lớp nhân dân, người lao động trong toàn xã hội, trong đó có đội ngũ cán bộ công chức, những người hoạch định chính sách và quản trị quốc gia có vai trò rất quan trọng.

Nghị quyết 27 của Hội nghị Trung ương 7 mới đây về cải cách chính sách tiền lương có nhấn mạnh quan điểm: “Tiền lương phải thực sự là nguồn thu nhập chính bảo đảm đời sống của cán bộ, công viên chức”. Và có xác định từ nay đến năm 2020, chúng ta tiếp tục tăng tiền lương cơ sở mỗi năm 7% theo Nghị quyết của Quốc hội, để đến 2021 bắt đầu cải cách căn bản chế độ tiền lương, theo nguyên tắc trả lương theo vị trí việc làm, chức vụ và chức danh của cán bộ, công chức.

Do vậy, có mấy việc rất quan trọng cần làm ngay trong năm 2019 là xây dựng, phê duyệt Đề án vị trí việc làm. Nghị quyết Trung ương cũng nhấn mạnh phải đảm bảo tinh giản biên chế khi xây dựng và phê duyệt các Đề án vị trí việc làm. Trước đây có tình trạng một số cơ quan, đơn vị phê duyệt đề án vị trí việc làm nhưng sau khi phê duyệt, tổng số người làm việc trong cơ quan, đơn vị lại cao hơn số hiện có, như vậy là không đúng mục tiêu.

Đồng thời, phải tổ chức thực hiện tốt Nghị quyết 18 và 19-NQ/TƯ của Hội nghị Trung ương 6 Khoá XII về tăng cường sắp xếp bộ máy, tinh giản biên chế và sắp xếp lại các đơn vị sự nghiệp công lập, nâng cao hiệu quả hoạt động các đơn vị sự nghiệp công. Mục tiêu tinh giản biên chế mỗi năm bình quân là 2,5%. Trước đây rất khó làm nhưng mấy năm gần đây ta làm rất quyết liệt và đạt được kết quả khả quan cả trong khu vực hành chính và đơn vị sự nghiệp công lập.

Năm 2019, Chính phủ sẽ giao chỉ tiêu chi ngân sách Nhà nước trên cơ sở chỉ tiêu biên chế và tinh giản biên chế mà Bộ Nội vụ công bố, tạo áp lực cho các địa phương phải nghiêm túc thực hiện tinh giản biên chế… Việc sắp xếp, tổ chức lại bộ máy, tinh giản biên chế cho phép chúng ta tiết kiệm được chi quản lý hành chính, giảm được số lượng người hưởng lương từ ngân sách Nhà nước. Nghị quyết của Trung ương cũng xác định các nhiệm vụ, giải pháp đột phá về nguồn lực tài chính như tiếp tục tiết kiệm 10% chi ngân sách Nhà nước, giành 70% tăng thu ngân sách địa phương và ít nhiều 40% tăng thu ngân sách Trung ương để cải cách tiền lương. Với nhiều giải pháp đột phá như vậy thì có thể hy vọng và tin tưởng cải cách tiền lương, bảo hiểm xã hội sẽ thành công.

+ Xin trân trọng cảm ơn Phó Thủ tướng!

Chu Thủy (Thực hiện)

Ý kiến bình luận:

Ý kiến của bạn sẽ được xét duyệt khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.

Hiện chưa có bình luận nào, hãy trở thành người đầu tiên bình luận cho bài biết này!

Tin cùng chuyên mục

Sơn La thông qua phương án hợp nhất Sở Lao động, Thương binh và Xã hội với Sở Nội vụ

Sơn La thông qua phương án hợp nhất Sở Lao động, Thương binh và Xã hội với Sở Nội vụ

(Thanh tra) - Ngày 14/12, bà Tráng Thị Xuân, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Sơn La chủ trì cuộc họp cùng lãnh đạo các Sở Lao động - Thương binh và Xã hội, Y tế, Giáo dục và Đào tạo, Nội vụ và Ban Dân tộc nhằm thống nhất phương án sắp xếp tổ chức bộ máy của một số cơ quan, đơn vị của tỉnh.

Trần Kiên

19:34 14/12/2024

Tin mới nhất

Xem thêm