Theo dõi Báo Thanh tra trên
Hương Giang
Thứ sáu, 01/01/2021 - 06:00
(Thanh tra) - “Khi thực hiện nhiệm vụ, Văn phòng Chính phủ không chịu tác động từ bất cứ bộ nào, mà chỉ duy nhất từ Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ”.
Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng nhấn mạnh, "đã là đổi mới thì phải có sự phản đối. Nếu vẫn dựa trên những tiền lệ cũ và những rào cản, lợi ích nhóm không bị cắt bỏ thì không phải là đổi mới". Ảnh: TN
Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng nhấn mạnh như vậy khi trao đổi với báo chí trước thềm năm mới 2021.
Quyết liệt ứng phó với “biến cố” đại dịch COVID -19
+ Năm 2020 được xem là năm có nhiều “biến cố” lớn tác động xấu đến nền kinh tế và đời sống người dân. Là người phát ngôn của Chính phủ, theo ông, Chính phủ đã để lại dấu ấn quan trọng gì trong năm này?
- Bộ trưởng Mai Tiến Dũng: Đúng là năm 2020 vô cùng khó khăn! Chúng ta gặp đại dịch COVID -19 - lịch sử cả trăm năm chưa từng có. Thêm vào đó, thiên tai, hạn hán, bão lũ, sạt lở đất... liên tiếp xảy ra.
Thế nhưng, với sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, đặc biệt là vai trò điều hành của Chính phủ, trong khi nhiều nước trong khu vực và trên thế giới rơi vào suy thoái, Việt Nam là quốc gia hiếm hoi duy trì được tăng trưởng dương, đạt 2,91%.
Thu ngân sách cả năm đạt 2020 đạt 1.472 nghìn tỷ đồng, đạt 98,3% dự toán, cao hơn 148-150 nghìn tỷ đồng so với số đã đánh giá tháng 8-9 để báo cáo Quốc hội.
Các chỉ số lạm phát, bội chi ngân sách Nhà nước và nợ công được kiểm soát trong giới hạn an toàn và giảm so với giai đoạn trước. Tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu năm 2020 ước đạt 543,9 tỷ USD, xuất siêu 5 năm liên tiếp (năm 2020 ước đạt 19,1 tỷ USD).
Tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công đạt cao nhất trong giai đoạn 2011-2020. Tỷ giá, thị trường ngoại hối khá ổn định; lãi suất có xu hướng giảm dần; cán cân thanh toán thặng dư; hệ số tín nhiệm quốc gia được cải thiện. Đặc biệt, đời sống của người dân tiếp tục được cải thiện….
Đúng như lời Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng từng nói: "Đất nước ta chưa bao giờ có được cơ đồ, tiềm lực, vị thế và uy tín quốc tế như ngày nay."
+ Trước “biến cố” lớn như đại dịch COVID -19, Chính phủ đã đối mặt với những áp lực thế nào, thưa Bộ trưởng?
- Bộ trưởng Mai Tiến Dũng: Năm 2020, đại dịch COVID -19 xuất hiện ở Vũ Hán (Trung Quốc). Ở thời điểm trước khi nghỉ Tết Âm lịch, Tổ chức Y tế thế giới (WHO) khuyến cáo là COVID -19 không lây từ người sang người. Tuy nhiên, Văn phòng Chính phủ phản biện ngay, đồng thời báo cáo, đề xuất các biện pháp ứng phó với Thủ tướng.
Chúng tôi cho rằng, nếu không nguy hiểm thì sao Bộ Chính trị Trung Quốc phải họp vào mùng 1 Tết. Nếu không nguy hiểm thì việc gì Vũ Hán phải phong toả?
Vì vậy, Chỉ thị 05 đầu tiên của Thủ tướng hoàn toàn khác khuyến cáo của WHO. Thủ tướng cũng đưa ra các lệnh chưa từng có như “chống dịch như chống giặc”, đóng cửa đường mòn, lối mở; tạm dừng các chuyến bay tới Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc, Châu Âu…
Tiếp đó, với Chỉ thị 15, Thủ tướng yêu cầu giãn cách xã hội… Đây đều là những vấn đề không đơn giản và có thể nói là chưa từng có tiền lệ.
Giờ nhìn lại, chúng ta thấy được sự chỉ đạo rất thông minh, quyết liệt, sáng suốt của các lãnh đạo Đảng, Nhà nước trong từng vấn đề cụ thể. Nếu cứ du di, làm đúng theo khuyến cáo ban đầu của WHO thì có lẽ bây giờ chúng ta không thể lường hết được điều gì sẽ xảy ra.
“Văn phòng Chính phủ không chịu tác động từ bất cứ bộ nào"
+ Văn phòng Chính phủ - cơ quan được dư luận đánh giá là “siêu bộ”, sau 4 năm, với tinh thần “dám vứt bỏ quyền lợi” thì có điều gì thay đổi không, thưa ông?
- Bộ trưởng Mai Tiến Dũng: 4 năm trước, tôi nhận được câu hỏi là đánh giá thế nào khi nhậm chức tại Văn phòng Chính phủ - một “siêu bộ”. Khi đó, tôi khẳng định ngay Văn phòng Chính phủ không phải “siêu bộ”.
Từ “siêu bộ” người ta dùng để đánh giá Văn phòng Chính phủ rất quyền lực, rào cản lớn. Còn pháp luật từ đó đến nay vẫn quy định Văn phòng Chính phủ là cơ quan tham mưu, giúp việc, tổng hợp cho Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ.
Có thể nói, Thủ tướng đã truyền cảm hứng về tinh thần cải cách, về một Chính phủ kiến tạo đến chúng tôi. Nên thời gian qua, Văn phòng Chính phủ là cơ quan rất gương mẫu, đi đầu trong cải cách. Chất lượng cán bộ, công chức, viên chức đã thay đổi rất nhiều.
Biên chế của Văn phòng Chính phủ cũng giảm nhiều khi đến năm 2021 đã giảm 11,9% số cán bộ. Nhưng với ứng dụng công nghệ thông tin, chúng tôi vẫn hoàn thành nhiệm vụ, công khai, minh bạch và không có chuyện “quyền anh, quyền tôi”.
Tôi nghĩ, người ta có quý mới gọi điện trao đổi, chứ không đã nói “sau lưng” thì đau đớn, day dứt, tâm tư hơn nhiều. Cho nên, khi bí thư, chủ tịch các địa phương chủ động liên hệ, dù văn bản chưa đến chúng tôi vẫn làm ngay vì với vai trò của mình, Văn phòng Chính phủ phải chia sẻ với các bộ, ngành, địa phương.
Còn những rào cản, khó khăn, vướng mắc từ các bộ, địa phương đưa lên, có những việc tôi gọi điện trực tiếp yêu cầu báo cáo, giải trình. Đến giờ, bật màn hình lên thấy nơi nào báo “đèn đỏ” thì yêu cầu giải trình ngay.
Giai đoạn trước khi bắt đầu Chính phủ điện tử cũng có những việc, những cơ quan dùng “thủ thuật” như hồ sơ quá hạn thì đảo lại thời gian để báo cáo mới trình nhưng chúng tôi phát hiện ra hết. Dùng kỹ xảo, kỹ thuật để đánh lừa việc kiểm soát thì không thể qua mắt được Văn phòng Chính phủ.
+ Giữ mình trong sạch, giữ cho chính sách hợp lý, khả thi sẽ có va chạm khi kiên quyết loại bỏ cơ chế xin - cho, lợi ích nhóm. Ông có chịu nhiều áp lực từ các bộ, ngành?
- Bộ trưởng Mai Tiến Dũng: Áp lực là chuyện bình thường! Đã là đổi mới thì phải có sự phản đối. Nếu vẫn dựa trên những tiền lệ cũ và những rào cản, lợi ích nhóm không bị cắt bỏ thì không phải là đổi mới.
So với ban đầu, sức ép bây giờ giảm nhiều vì chúng ta đã có làn sóng cải cách. Tất nhiên, dù có sức ép cũng phải thực hiện cho được mục tiêu hàng đầu là cải cách.
Cũng phải nói rằng, khi thực hiện nhiệm vụ, Văn phòng Chính phủ không chịu tác động từ bất cứ bộ nào, mà chỉ duy nhất từ Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ.
Là cơ quan tham mưu, giúp việc cho Chính phủ và Thủ tướng, chúng tôi phải luôn trung thành, tận tụy, trung thực. Khi nhìn nhận có gì phát sinh không ổn, có rào cản, chúng tôi phải phản biện, báo cáo độc lập tại cuộc họp của Chính phủ.
Nếu Văn phòng Chính phủ không làm được như vậy thì có lỗi rất lớn và phải chịu trách nhiệm trước Thủ tướng. Cho nên, từng vấn đề trong Văn phòng Chính phủ thảo luận rất kỹ, cũng như lắng nghe báo chí, các hiệp hội…
Tôi nghĩ, tất cả vì một đất nước hùng cường thì tư tưởng cục bộ cá nhân, vun vén cho nhóm lợi ích này, kia dần dần sẽ hạn chế. Hơn nữa, với sự giám sát của các cơ quan báo chí, người dân thì tư tưởng co kéo lợi ích sẽ dần bị loại bỏ, nếu có cũng nhẹ hơn rất nhiều.
“Tận tuỵ để hướng tới một Chính phủ phục vụ”
+ Gần hết nhiệm kỳ, nhìn lại, còn điều gì khiến Bộ trưởng vẫn còn trăn trở?
- Bộ trưởng Mai Tiến Dũng: Ngay từ đầu nhiệm kỳ, quyết tâm của chúng tôi là xây dựng Văn phòng Chính phủ thành đơn vị chuyên nghiệp, hiện đại, quản trị thông minh.
Nhìn lại thấy, sự cố gắng của anh em vô cùng lớn, đến giờ khác rất nhiều so với thời điểm đầu nhiệm kỳ. Đánh giá, đào tạo, tuyển dụng, quy hoạch, bổ nhiệm cán bộ, chúng tôi làm rất công khai, minh bạch.
Chúng tôi cũng có phần mềm đánh giá công việc từng chuyên viên; đồng thời phân công việc theo năng lực chứ không bổ đầu mỗi anh phụ trách 1 mảng.
Ở Văn phòng Chính phủ khi việc chưa xong việc thì chưa về chứ không có định nghĩa làm đúng 8h/ngày. Chúng tôi nguyện vọng sẽ tiếp tục cải cách, đổi mới để đáp ứng yêu cầu, chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng và mong muốn của người dân.
+ Với những việc đã làm được, ông mong muốn người dân nhớ về mình với hình ảnh là một Bộ trưởng gần dân, Bộ trưởng hành động, cải cách hay là một tên gọi nào khác?
- Bộ trưởng Mai Tiến Dũng: Chúng tôi là người giúp việc, phục vụ cho Chính phủ, Thủ tướng, tinh thần là luật giao nhiệm vụ gì sẽ làm hết. Tóm lại, chúng tôi núp dưới bóng cây tùng, cây đa, cây đề chứ không có hình ảnh gì cả.
Chúng tôi trung thành với Tổ quốc, đất nước, tận tuỵ phục vụ để hướng tới một Chính phủ phục vụ người dân, doanh nghiệp. Nếu người dân, doanh nghiệp hài lòng, chúng tôi rất phấn khởi, hài lòng với những gì mình đã đóng góp cho đất nước, đóng góp cho Chính phủ.
Cũng xin nói thêm rằng, khi được giao nhiệm vụ là người phát ngôn của Chính phủ thì từ đầu nhiệm kỳ đến nay, tôi chưa vắng buổi họp báo nào. Tôi rất chú tâm lắng nghe ý kiến của các nhà báo bởi các bạn đã và đang phản ánh ý kiến người dân, doanh nghiệp trên cả nước.
Tôi mong báo chí sẽ tiếp tục đồng hành cùng Chính phủ, Thủ tướng và Văn phòng Chính phủ để chúng ta tạo ra những kết nối, thông tin 2 chiều hài hoà. Những điều Chính phủ, Thủ tướng làm được, chúng tôi nói để thông qua báo chí cũng truyền tải tư tưởng đến người dân.
+ Xin trân trọng cảm ơn Bộ trưởng!
Ý kiến bình luận:
Hiện chưa có bình luận nào, hãy trở thành người đầu tiên bình luận cho bài biết này!
(Thanh tra) - Ngày 22/11, Đại hội Đại biểu các dân tộc thiểu số lần thứ IV năm 2024 lấy chủ đề “Các dân tộc tỉnh Ninh Thuận đoàn kết, đổi mới sáng tạo, phát huy lợi thế, tiềm năng, hội nhập và phát triển bền vững” đã diễn ra thành công tốt đẹp, với sự tham gia của 250 đại biểu đại diện cho gần 170.000 đồng bào các dân tộc thiểu số (DTTS) trên địa bàn tỉnh Ninh Thuận.
Hoàng Nam
22:10 22/11/2024(Thanh tra) - Theo Quyết định của Thủ tướng Chính phủ, ông Hà Sỹ Đồng, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Quảng Trị được giao Quyền Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Trị từ ngày 22/11 cho đến khi kiện toàn chức danh Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Trị nhiệm kỳ 2021 – 2026.
Minh Tân
17:29 22/11/2024Hải Hà
17:28 22/11/2024Hương Giang
17:27 22/11/2024Vũ Linh
14:58 22/11/2024Bùi Bình
Uyên Uyên
Minh Huyền
Thái Hải
Trần Quý
Hoàng Nam
Hoàng Nam
Văn Thanh
Phương Anh
Phương Anh
Lê Phương