Ca khúc: Tự hào người làm báo Thanh tra

Bộ trưởng Đào Ngọc Dung: "Chưa bao giờ tình trạng nhảy việc nhiều như bây giờ"

Hương Giang

Thứ ba, 24/09/2024 - 20:20

(Thanh tra) - Khẳng định Dự án Luật Việc làm sửa đổi là dự án rất khó, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung cũng cho biết, “chưa bao giờ tình trạng nhảy việc nhiều như bây giờ, thậm chí ngay trong một cơ sở, một tập đoàn, một đơn vị”.

Bộ trưởng Bộ Lao động Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung. Ảnh: P.Thắng

Dự án Luật Việc làm (sửa đổi) được Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến tại phiên họp thứ 37, chiều 24/9. So với Luật Việc làm hiện hành, dự thảo luật có một số nội dung sửa đổi, bổ sung lớn, theo Bộ trưởng Bộ Lao động Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung.

Mở rộng đối tượng tham gia bảo hiểm thất nghiệp

Một trong những điểm mới đáng chú ý, dự thảo luật lần này mở rộng đối tượng tham gia bảo hiểm thất nghiệp.

Cụ thể, bổ sung đối tượng tham gia bảo hiểm thất nghiệp, gồm: Người lao động có giao kết hợp đồng lao động xác định thời hạn từ 1 tháng trở lên (hiện nay từ 3 tháng trở lên); người làm việc không trọn thời gian, có tiền lương trong tháng bằng hoặc cao hơn tiền lương làm căn cứ đóng bảo hiểm xã hội (BHXH) bắt buộc thấp nhất.

Dự thảo luật linh hoạt mức đóng bảo hiểm thất nghiệp theo hướng: Người lao động đóng tối đa bằng 1% tiền lương tháng; người sử dụng lao động đóng tối đa bằng 1% quỹ tiền lương tháng của những người lao động đang tham gia bảo hiểm thất nghiệp.

Nhà nước hỗ trợ tối đa 1% quỹ tiền lương tháng đóng bảo hiểm thất nghiệp của những người lao động đang tham gia bảo hiểm thất nghiệp và do ngân sách Trung ương bảo đảm.

Dự thảo luật sửa đổi chế độ hỗ trợ tham gia đào tạo, bồi dưỡng nâng cao trình độ kỹ năng nghề cho người lao động theo hướng: Mở rộng phạm vi hỗ trợ, không chỉ hỗ trợ người lao động tham gia khóa đào tạo nghề mà cả các khóa bồi dưỡng, nâng cao trình độ kỹ năng nghề; bổ sung nội dung hỗ trợ (tiền ăn) cho người lao động trong thời gian tham gia đào tạo mà không hưởng trợ cấp thất nghiệp.

Ngoài ra, dự thảo luật bổ sung các chính sách hỗ trợ việc làm trong bối cảnh khủng hoảng, suy thoái kinh tế, thiên tai, dịch bệnh; quy định về hoạt động kinh doanh dịch vụ việc làm theo phương thức thương mại điện tử…

Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội Nguyễn Thúy Anh. Ảnh: P.Thắng

Nêu quan điểm của cơ quan thẩm tra, Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội Nguyễn Thúy Anh cho biết, Thường trực ủy ban này đề nghị bổ sung đánh giá tác động, đồng thời có giải pháp để bảo đảm tính khả thi khi mở rộng đối tượng tham gia bảo hiểm thất nghiệp.

Cạnh đó, làm rõ cơ chế xử lý tách bạch số tiền chậm đóng, trốn đóng bảo hiểm thất nghiệp.

Cơ quan thẩm tra đề nghị cơ quan chủ trì soạn thảo xác định Quỹ Bảo hiểm thất nghiệp là quỹ tài chính ngắn hạn và rà soát các quy định có liên quan để thống nhất với Luật BHXH vừa được Quốc hội thông qua tại kỳ họp 7.

Về chính sách hỗ trợ tạo việc làm, Ủy ban Xã hội đề nghị nghiên cứu bổ sung đối tượng vay vốn hỗ trợ việc làm là người đã chấp hành xong hình phạt tù trong các trại giam, cơ sở giáo dục bắt buộc và dân quân thường trực được công nhận hoàn thành thực hiện nghĩa vụ quân sự tại ngũ trong thời bình.

Nhấn mạnh tầm quan trọng của Luật Việc làm, Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn đề nghị rà soát để xây dựng dự thảo luật gọn và rõ hơn, theo nguyên tắc những nội dung thuộc thẩm quyền Quốc hội quyết thì đưa vào luật, còn những gì thuộc về thông tư, nghị định thì tách ra để Chính phủ và bộ ngành quy định.

Chính sách hỗ trợ của bảo hiểm thất nghiệp cho người lao động rất ít

Khẳng định đây là dự án luật “rất khó”, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung khẳng định cơ quan soạn thảo sẽ rà soát và tiếp thu các ý kiến theo tinh thần “gọn nhất có thể”.

Theo ông Dung, có 4 vấn đề quan trọng khi sửa đổi Luật Việc làm. Đầu tiên về đối tượng, làm sao để bao quát được cả hai nhóm: Người có quan hệ lao động và người không có quan hệ lao động.

“Vấn đề này rất khó vì chúng ta chưa thiết kế được chính sách với người chưa có quan hệ lao động”, Bộ trưởng Bộ Lao động Thương binh và Xã hội nói và cho hay, vấn đề việc làm hiện nay rất khác, khác hoàn toàn so với trước đây, khi một người có thể ký hợp đồng, có quan hệ lao động với nhiều tổ chức, nhiều đối tượng khác nhau.

Toàn cảnh phiên họp Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về Dự án Luật Việc làm sửa đổi. Ảnh: P.Thắng

Bộ trưởng cũng cho rằng tính chất việc làm hiện nay khác. Bởi, trước đây có thể làm bền vững, suốt đời ở một cơ quan, còn bây giờ có thể tháng này người ta ký hợp đồng với một đơn vị, nhưng có khi chỉ vì chuyện gì đó, họ nhảy sang việc khác.

“Nói cách khác, chưa bao giờ tình trạng nhảy việc nhiều như bây giờ, thậm chí ngay trong một cơ sở, một tập đoàn, một đơn vị. Do đó, chúng tôi đang suy nghĩ để thiết kế lại nội dung này”, Bộ trưởng chia sẻ.

Vấn đề thứ hai liên quan bảo hiểm thất nghiệp, ông Dung nhắc lại bài học từ giai đoạn Covid-19, khi Quốc hội cho phép sử dụng 41.000 tỷ đồng từ bảo hiểm thất nghiệp chi cho người lao động.

Ông nhấn mạnh bảo hiểm thất nghiệp là ngắn hạn, thông thường các nước chỉ dùng 10% kết dư, còn lại 90% hỗ trợ cho người lao động rất nhanh, rất kịp thời.

Nhưng qua tổng kết, các chính sách hỗ trợ của bảo hiểm thất nghiệp cho người lao động ở Việt Nam rất ít, gần như chỉ chi cho mỗi việc thất nghiệp, còn duy trì việc đào tạo, bồi dưỡng, chuyển đổi tay nghề gần như không có.

“Vừa rồi có nhưng rất thấp, toàn bộ đào tạo nghề chỉ có 3-4 triệu đồng thì đào tạo làm sao được”, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung nói thêm.

Bộ trưởng Lao động Thương binh và Xã hội cũng nhắc đến các vấn đề cần quan tâm liên quan tư vấn, giao dịch việc làm đang bất cập, và quy định hỗ trợ của Nhà nước với việc chuyển đổi, đào tạo, bồi dưỡng việc làm.

Theo ông Dung, trước đây chúng ta đưa vào Quỹ Quốc gia hỗ trợ việc làm nhưng thực ra không phát huy được. “Chúng tôi đã bàn vấn đề này, có thể thiết kế chính sách nhiều hơn, kinh phí nhiều hơn và các cấp được tiến hành thay vì chỉ Trung ương được làm như hiện nay”, theo lời Bộ trưởng Đào Ngọc Dung.

Dự thảo Luật Việc làm (sửa đổi) gồm 9 chương và 130 điều, tăng 2 chương và 68 điều so với Luật hiện hành. Dự thảo luật dự kiến được trình Quốc hội cho ý kiến lần đầu tại kỳ họp thứ 8 (dự kiến khai mạc cuối tháng 10 tới) và trình Quốc hội thông qua tại kỳ họp thứ 9 (tháng 5/2025).

Ý kiến bình luận:

Ý kiến của bạn sẽ được xét duyệt khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.

Hiện chưa có bình luận nào, hãy trở thành người đầu tiên bình luận cho bài biết này!

Tin cùng chuyên mục

Tin mới nhất

Xem thêm