Ca khúc: Tự hào người làm báo Thanh tra

Theo dõi Báo Thanh tra trên

Bô Luật hình sự phải bảo vệ quyền con người, thúc đẩy nền kinh tế

Thứ bảy, 15/03/2014 - 16:22

(Thanh tra) - Đó là ý kiến chỉ đạo của Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc tại Hội nghị tổng kết thi hành Bộ Luật Hình sự năm 1999 do Bộ Tư pháp tổ chức ngày 15/3.

Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị. Ảnh: Thảo Nguyên

Theo đó, Bộ Luật Hình sự sửa đổi phải có tính khả thi cao, bảo vệ có hiệu quả quyền con người, quyền cơ bản công dân, đề cao hiệu quả phòng ngừa và tính hướng thiện trong việc xử lý người phạm tội; đồng thời, tạo ra hành lang pháp lý để bảo vệ và thúc đẩy nền kinh tế thị trường...

Đề cao hiệu quả phòng ngừa và tính hướng thiện 

Đánh giá cao sự chủ động, tích cực của các Bộ, ngành, địa phương trong việc chỉ đạo hoạt động tổng kết thi hành Bộ Luật Hình sự, Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh, công tác triển khai thi hành Bộ Luật Hình sự đã đạt được những kết quả rất đáng khích lệ, góp phần quan trọng vào thành tựu chung của đất nước, giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội, bảo vệ có hiệu quả các quyền con người, quyền cơ bản của công dân.  

Tuy nhiên cũng phải thẳng thắn thừa nhận rằng, những quy định của Bộ Luật Hình sự hiện hành đã bộc lộ nhiều hạn chế, bất cập. Nhiều quy định chưa có tính khả thi, lạc hậu, không còn phù hợp; một số vấn đề mới phát sinh trong nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và xu thế hội nhập quốc tế chưa được kịp thời điều chỉnh; kỹ thuật văn bản còn nhiều hạn chế... 

“Những hạn chế, bất cập này đã gây khó khăn cho các cơ quan thực thi và ảnh hưởng đến chất lượng công tác đấu tranh phòng chống tội phạm, phòng chống tham nhũng”, Phó Thủ tướng chỉ rõ. 

Theo Phó Thủ tướng, các Bộ, ngành, địa phương cần tập trung nghiên cứu để đưa ra các đề xuất, các giải pháp sửa đổi, bảo đảm Bộ Luật Hình sự sửa đổi lần này phải có tính khả thi cao, bảo vệ có hiệu quả các quyền con người, quyền cơ bản công dân, đề cao hiệu quả phòng ngừa và tính hướng thiện trong việc xử lý người phạm tội. Đồng thời, tạo ra hành lang pháp lý để bảo vệ và thúc đẩy nền kinh tế thị trường; bảo vệ quyền cạnh tranh lành mạnh và bình đẳng giữa các thành phần kinh tế.

Bộ Luật Hình sự phải tiếp tục thể chế hóa những quan điểm, chủ trương của Đảng về cải cách tư pháp theo tinh thần Nghị quyết 49 của Bộ Chính trị, đặc biệt là "Giảm bớt khung hình phạt tối đa quá cao trong một số loại tội phạm. Khắc phục tình trạng hình sự hoá quan hệ kinh tế, quan hệ dân sự và bỏ lọt tội phạm. Quy định là tội phạm đối với những hành vi nguy hiểm cho xã hội mới xuất hiện trong quá trình phát triển kinh tế - xã hội, khoa học, công nghệ và hội nhập quốc tế".  

Cùng với đó, “tham nhũng đang là vấn đề bức xúc xã hội, gây ảnh hưởng lớn đến sự phát triển của đất nước”, Bộ Luật Hình sự phải nội luật hóa cho được những quy định mang tính bắt buộc của các điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên, nhất là Công ước chống tội phạm có tổ chức xuyên quốc gia, Công ước chống tham nhũng, Nghị định thư về phòng, chống buôn bán người, đặc biệt là phụ nữ, trẻ em.

Trong bối cảnh “chủ trương xây dựng nền kinh tế độc lập, tự chủ, phát huy nội lực, hội nhập, hợp tác quốc tế, gắn kết chặt chẽ với phát triển văn hóa, thực hiện tiến bộ và công bằng xã hội, bảo vệ môi trường, thực hiện công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước”, Phó Thủ tướng tin tướng, Dự án Bộ Luật Hình sự (sửa đổi) sẽ được xây dựng với chất lượng cao nhất, tạo cơ sở pháp lý hữu hiệu để đấu tranh phòng chống tội phạm, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội, giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội; bảo vệ các quyền con người, quyền và lợi ích hợp pháp của công dân.

Tội phạm tăng cả về số lượng và độ phức tạp

Báo cáo tổng kết Bộ Luật Hình sự, thời gian qua tình hình tội phạm diễn biến hết sức phức tạp với những phương thức, thủ đoạn tinh vi, xảo quyệt. Số lượng tội phạm luôn có xu hướng gia tăng, nghiêm trọng hơn cả về quy mô và tính chất, nhất là các tội xâm phạm trật tự, an toàn xã hội có tính chất bạo lực gia tăng, thể hiện thái độ coi thường pháp luật của người phạm tội. 

Theo Thứ trưởng Bộ Tư pháp Hoàng Thế Liên, đáng chú ý là xuất hiện tình trạng trẻ hóa tội phạm, hoạt động tội phạm theo các băng nhóm tội phạm có tổ chức, hoạt động theo kiểu xã hội đen mặc dù chỉ là nhóm nhỏ nhưng hoạt động hết sức manh động và liều lĩnh. 

Hơn nữa tình trạng vỡ “bong bóng bất động sản” và những hệ lụy của nó đã làm gia tăng tội phạm hoạt động dưới dạng băng nhóm bảo kê, siết nợ, đòi nợ thuê, bắt giữ người trái pháp luật; tính chất đan xen, liên kết giữa tội phạm xâm phạm trật tự xã hội và tội phạm kinh tế, tham nhũng, ma túy ngày càng chặt chẽ. 

Tội phạm trong lĩnh vực tài chính, ngân hàng, quản lý dự án, đất đai, bất động sản, đầu tư xây dựng cơ bản; tội phạm buôn lậu, buôn bán hàng giả, hàng cấm, trốn thuế diễn biến phức tạp, có sự tham gia, tiếp tay của một số cán bộ nhà nước thoái hóa. Tội phạm về ma túy diễn ra trên tuyến Tây Bắc, Đông Bắc, Bắc miền Trung và Tây Nam nghiêm trọng hơn với thủ đoạn tinh vi, xảo quyệt, số lượng rất lớn, có trang bị vũ khí….

Trong khi đó, một số điều Bộ Luật Hình sự còn quy định chung chung; dấu hiệu của một số cấu thành tội phạm chưa phù hợp với thực tế; quy định về khung hình phạt của một số điều luật trong Bộ Luật Hình sự chưa thực sự hợp lý, dẫn tới việc áp dụng hình phạt chưa đảm bảo tính chính xác, khách quan… Các văn bản hướng dẫn thi hành chưa được ban hành kịp thời hoặc chưa cụ thể. Trường hợp đã có hướng dẫn thì lại nằm rải rác tại nhiều văn bản mà chưa được tập hợp, hệ thống hoá; nhiều trường hợp thi hành luật mới nhưng phải vận dụng văn bản hướng dẫn cũ...

Hơn nữa, một số hành vi có tính chất nguy hiểm cho xã hội nhưng chưa được quy định trong Bộ Luật Hình sự. Điển hình có thể kể tới hành vi buôn bán người với mục đích bóc lột lao động; lạm dụng lao động trẻ em, đối xử tàn tệ để bóc lột sức lao động trẻ em; dùng vũ lực, dùng vũ lực để đe dọa người mang thai phải loại bỏ thai nhi vì lý do lựa chọn giới tính; bảo kê, đòi nợ thuê theo kiểu xã hội đen …

Bộ Luật Hình sự hiện hành cũng chỉ quy định trách nhiệm hình sự đối với cá nhân, không quy định trách nhiệm hình sự đối với pháp nhân, trong khi nhiều tổ chức, doanh nghiệp (pháp nhân) vì chạy theo lợi nhuận đã bất chấp sự an toàn, tính mạng, sức khỏe của cộng đồng thực hiện nhiều hành vi vi phạm pháp luật nghiêm trọng, đặc biệt là trong lĩnh vực kinh tế như đầu cơ, trốn thuế, kinh doanh trái phép, buôn lậu hoặc vi phạm các quy định về hoạt động ngân hàng, chứng khoán, bảo vệ môi trường, bảo hộ lao động.

Từ đó thực hiện thực thi Bộ Luật Hình sự, các chuyên gia, các nhà khoa học cho rằng, Bộ Luật Hình sự cần sửa đổi theo hướng, thể chế hóa về mặt hình sự chính sách của Đảng và Nhà nước trong việc bảo vệ, thúc đẩy sự phát triển nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa; đề cao hiệu quả phòng ngừa và tính hướng thiện trong việc xử lý người phạm tội, tôn trọng và bảo đảm thực thi đầy đủ các quyền con người, quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân được ghi nhận trong Hiến pháp; sửa đổi các quy định của Bộ Luật Hình sự liên quan đến các tội phạm tham nhũng nhằm đáp ứng yêu cầu đấu tranh phòng chống tham nhũng và yêu cầu thực thi Công ước của Liên hợp quốc về chống tham nhũng...

 Theo số liệu thống kê của Viện Kiểm sát nhân dân Tối cao, tổng số vụ điều tra, truy tố trên phạm vi toàn quốc từ năm 2000 đến năm 2012 tăng, giảm không đều qua các năm nhưng nhìn chung có xu hướng tăng. Năm 2000, điều tra là 57.872 vụ, truy tố 41.481 vụ; năm 2006 điều tra 79.186 vụ, truy tố 56.553 vụ và đến năm 2012 điều tra 93.621 vụ, truy tố 66.842 vụ.

Thống kê của Tòa án nhân dân Tối cao cũng thể hiện, tình hình xét xử tội phạm trên phạm vi toàn quốc từ năm 2001 đến 2012  luôn có xu hướng tăng. Các hành vi phạm tội chủ yếu tập trung vào một số nhóm tội như: Các tội xâm phạm tính mạng, sức khỏe, nhân phẩm, danh dự của con người; các tội xâm phạm sở hữu… 

Thảo Nguyên

Ý kiến bình luận:

Ý kiến của bạn sẽ được xét duyệt khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.

Hiện chưa có bình luận nào, hãy trở thành người đầu tiên bình luận cho bài biết này!

Tin cùng chuyên mục

Hà Giang: Tỷ lệ tinh giảm biên chế giai đoạn 2016-2021 giảm 10%

Hà Giang: Tỷ lệ tinh giảm biên chế giai đoạn 2016-2021 giảm 10%

(Thanh tra) - Chiều 13/12, Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh Hà Giang khóa XVII, nhiệm kỳ 2020 – 2025 tổ chức Hội nghị lần thứ 28 để tổng kết Nghị quyết 18-NQ/TW ngày 25/10/2017 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa VII về “Tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả”.

Bùi Bình

19:37 13/12/2024

Tin mới nhất

Xem thêm