Ca khúc: Tự hào người làm báo Thanh tra

“Biết Nhà nước khó khăn, doanh nghiệp không xin tiền, chỉ xin cơ chế”

Hương Giang

Thứ bảy, 09/05/2020 - 14:40

(Thanh tra) - Bộ trưởng Kế hoạch & Đầu tư cho hay, các kiến nghị của doanh nghiệp không chỉ về tiền mà còn là "cơ chế" để cải cách thủ tục hành chính. Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cũng cho hay, “biết Nhà nước khó khăn, doanh nghiệp không xin tiền, chỉ xin cơ chế”.

Toàn cảnh hội nghị. Ảnh: Quang Hiếu

Sáng 9/5, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chủ trì Hội nghị với doanh nghiệp “Cùng nỗ lực, vượt thách thức, đón thời cơ, phục hồi nền kinh tế” theo hình thức truyền hình trực tuyến và truyền hình trực tiếp.

"Việt Nam, doanh nghiệp Việt Nam cần đóng góp vào phát triển kinh tế, sau dịch phải hình chữ V, chứ không phải chữ U, càng không phải chữ W", Thủ tướng đặt vấn đề.

Các nhà kinh tế học chọn chữ cái La Mã để dự đoán khả năng phục hồi của kinh tế với Covid-19. Mô hình chữ V hàm ý sự phục hồi nhanh tương đương với đà sụt giảm. Mô hình chữ U cho thấy kinh tế sẽ ở đáy lâu hơn trước khi phục hồi. Mô hình chữ W hàm ý về khả năng đi lên rồi có thể suy thoái trở lại trước khi phục hồi hoàn toàn.

Tạo kỳ tích trong những lúc gian nguy nhất

Theo dự báo của các tổ chức uy tín quốc tế, đại dịch Covid-19 sẽ khiến cho kinh tế thế giới năm 2020 tăng trưởng âm khoảng 3%; đẩy thêm nửa tỷ người trên thế giới bị lâm vào cảnh đói nghèo.

Việt Nam đã nỗ lực đạt được “trạng thái tích cực” với tăng trưởng GDP quý 1 năm 2020 đạt 3,82%, xuất siêu thương mại 3 tỷ USD…

Tuy nhiên, theo Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng, Việt Nam không thể nằm ngoài vùng xoáy ảnh hưởng tiêu cực của đại dịch nói trên. Các doanh nghiệp phải đối mặt với “khó khăn kép” như thiếu hụt nguyên liệu đầu vào và bị giảm mạnh đầu ra.

"Phía trước vẫn còn tiềm ẩn nhiều nguy cơ và thách thức như: Tình trạng đứt gãy chuỗi cung ứng, chuỗi giá trị vẫn chưa thể khắc phục, mua bán, sáp nhập doanh nghiệp có thể diễn ra mạnh, nguy cơ các doanh nghiệp tiềm năng của Việt Nam bị thâu tóm với giá rẻ", Tư lệnh ngành Kế hoạch và Đầu tư cho biết.

Thực tiễn này đã đặt ra câu hỏi lớn cho tất cả chúng ta: Cần phải làm gì? hành động gì để biến nguy thành cơ?

"Lịch sử dân tộc đã chứng minh, Việt Nam luôn tìm được hướng đi đúng và thường tạo nên kỳ tích trong những lúc khó khăn, gian nguy nhất", Bộ trưởng Dũng nói.

Theo ông Dũng, uy tín và vị thế của Việt Nam qua việc phòng chống đại dịch Covid-19 đang được cộng đồng quốc tế đánh giá rất cao. Đây là cơ hội để thế giới biết tới Việt Nam với lợi thế đặc biệt về “sự tin cậy chiến lược”, là điểm đến đầu tư an toàn.

Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng. Ảnh: Quang Hiếu

Bên cạnh đó, vận hội mới đang mở ra cho đất nước thông qua việc tham gia sâu vào các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới song và đa phương như CPTPP, EVFTA…

Bộ trưởng nói, "ngay lúc này cần phải có những hành động nhanh và mạnh hơn để hỗ trợ doanh nghiệp chớp lấy thời cơ “vàng”, nhằm phục hồi và phát triển bứt phá, kích thích tăng trưởng”.

Miễn, giảm thuế, loại bỏ tình trạng nhũng nhiễu

Với quan điểm đó, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã gợi mở 6 định hướng, đề xuất gửi Chính phủ, bộ ngành và doanh nghiệp bàn luận để vượt qua khó khăn trước mắt.

Trong đó, cần ưu tiên phục hồi chuỗi cung ứng, chuỗi giá trị bị đứt gẫy, xây dựng và phát triển chuỗi giá trị mới; thực hiện các giải pháp kích cầu thị trường nội địa.

Bộ trưởng Dũng cho rằng, cần có chính sách tài khóa như miễn, giảm thuế VAT cho các sản phẩm, dịch vụ để giúp doanh nghiệp giảm giá thành sản phẩm, kích cầu tiêu dùng trong nước.

Đi cùng với đó là,  đẩy mạnh hoạt động quảng bá du lịch, đầu tư… Ông Dũng đề nghị Chính phủ “kiên quyết xử lý nghiêm và kịp thời các trường hợp gây nhũng nhiễu, thao túng, chi phối khi thực thi công vụ, vi phạm quy định của pháp luật, làm chậm thời gian, tiến độ thực hiện các nhiệm vụ được giao. Thay thế những cán bộ, công chức, viên chức yếu kém về năng lực, trình độ, không đáp ứng được yêu cầu”.

Chuyển lời cảm ơn của cộng đồng doanh nghiệp đến Chính phủ, Thủ tướng, Chủ tịch VCCI Vũ Tiến Lộc cho hay, tình hình doanh nghiệp đã được cải thiện nhưng vẫn còn rất gian nan.

“Điều mong muốn của cộng đồng doanh nghiệp doanh nghiệp là đề nghị Chính phủ, Quốc hội xem xét, bổ sung thêm các sắc thuế; phí cần miễn, giảm; kéo dài thời hạn hoãn các khoản phải nộp, phải trả của doanh nghiệp; nới room - tăng trần hạn mức tăng trưởng tín dụng cho vay...”, ông Lộc nói.

Theo Chủ tịch VCCI, điều quan trọng nhất, doanh nghiệp kiến nghị là các cơ quan và tổ chức có liên quan thúc đẩy thực thi thật nhanh, hiệu quả, minh bạch và công tâm các gói hỗ trợ đã được ban hành.

“Một miếng khi đói bằng một gói khi no. Nhanh một ngày thì doanh nghiệp sống, chậm một ngày doanh nghiệp có thể sẽ không còn, thì lúc đó các biện pháp hà hơi, tiếp sức sẽ ko có tác dụng”, ông Lộc nhấn mạnh.

Minh bạch là “cứu cánh” bền vng cho doanh nghiệp

Điểm đáng lưu ý trong các kiến nghị của doanh nghiệp là, Chính phủ cần thực hiện triệt để việc đơn giản hóa các thủ tục hành chính, đảm bảo tính minh bạch, rõ ràng, nhất quán trong các quy định, chính sách; thái độ phục vụ và tính công minh, sát cánh cùng doanh nghiệp của đội ngũ cán bộ cấp thực thi.

“Đây là điều doanh nghiệp mong mỏi nhất từ phía các cơ quan chính quyền hơn là các hỗ trợ bằng tiền”, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cho biết.

Ông Vũ Tiến Lộc. Ảnh: TN

Chủ tịch VCCI cũng nói, “khi tôi hỏi nhiều doanh nhân lớn, ngay cả trong lúc đang khó khăn nhất của đại dịch, xem họ cần gì, họ đã thẳng thắn và chân tình chia sẻ: Biết Nhà nước khó khăn, doanh nghiệp không xin tiền, chỉ xin cơ chế. Tâm thế đó của doanh nghiệp là tâm thế của người chiến thắng”.

Theo ông Chủ tịch VCCI, chính sự minh bạch hóa, đơn giản hóa để rút ngắn tối đa thời gian và chi phí thực hiện các thủ tục hành chính mới là giải pháp cứu cánh bền vững cho doanh nghiệp.

Ông nêu thực tế, chỉ riêng khoản đầu tư công cho các dự án cơ sở hạ tầng đã có trong kế hoạch với số “tiền tươi, thóc thật” đang nằm ở “trong túi” của các bộ, ngành và địa phương đã là trên 30 tỷ đô la Mỹ.

Nếu tháo gỡ được thủ tục, giải ngân nhanh được trong năm nay thì ta đã có thể tạo ra một “cú hích” quan trọng cho nền kinh tế. Phát huy vai trò của thể chế, bảo đảm huy động được tổng lực các nguồn vốn xã hội theo cách này, thì không có lí do gì, chúng ta không thể đạt được tốc độ tăng trưởng GDP trên 5% trong năm nay, như quyết tâm của người đứng đầu Chính phủ.

“Thúc đẩy đầu tư công, để nguồn vốn này cộng hưởng với đầu tư tư nhân, đầu tư FDI, nếu làm được thì không có lí gì không đạt được GDP tăng trưởng trên 5% như chỉ đạo của Thủ tướng”, Chủ tịch VCCI nhấn mạnh.

Để nâng cao năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp Việt, nhất là các doanh nghiệp nhỏ và vừa, ông Lộc đề nghị, xây dựng và thực hiện chiến lược phát triển công nghiệp hỗ trợ và chương trình quốc gia nâng cao năng lực quản trị của cộng đồng doanh nghiệp, giúp các doanh nghiệp đầu tư nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, giúp triển khai thực hiện các yêu cầu quốc tế hoá và số hoá, thực hiện các mô hình kinh doanh bền vững, sáng tạo và có trách nhiệm.

“Nhà nước kiến tạo song hành với cộng đồng doanh nghiệp sáng tạo và có trách nhiệm xã hội sẽ là đôi cánh để nền kinh tế Việt Nam có thể bay lên”, Chủ tịch VCCI phát biểu.

Ý kiến bình luận:

Ý kiến của bạn sẽ được xét duyệt khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.

Hiện chưa có bình luận nào, hãy trở thành người đầu tiên bình luận cho bài biết này!

Tin cùng chuyên mục

Tin mới nhất

Xem thêm