Ca khúc: Tự hào người làm báo Thanh tra

Theo dõi Báo Thanh tra trên

Bảo đảm sự minh bạch, hiệu quả đồng vốn đầu tư công

Thứ sáu, 21/06/2013 - 13:54

(Thanh tra) - Trong phiên làm việc sáng ngày 20/6, Quốc hội tiếp tục thảo luận tại hội trường về Luật Đấu thầu.

Đại biểu Quốc hội tỉnh Cao Bằng Đinh Thị Mai Lan phát biểu ý kiến Luật Đấu thầu. Nguồn: QH

Đa số ý kiến của các đại biểu tán thành sự cần thiết phải sửa đổi Luật Đấu thầu. Tuy nhiên có một số ý kiến băn khoăn cho rằng, Dự thảo Luật Đấu thầu (sửa đổi) lần này vẫn chưa khắc phục được những hạn chế, bất cập và chưa đáp ứng được những yêu cầu đặt ra trong thực tiễn.

Nhiều nội dung của Dự thảo Luật Đấu thầu đã được các đại biểu tập trung làm rõ như trách nhiệm quản lý Nhà nước; vấn đề chỉ định thầu; phương pháp đánh giá hồ sơ dự thầu; về hợp đồng với nhà thầu, với nhà đầu tư; đấu thầu qua mạng và giải quyết kiến nghị trong đấu thầu.

Các đại biểu Lê Quang Hiệp, Nguyễn Hữu Quang (Thanh Hoá) cho rằng: Mục tiêu của sửa đổi Luật Đấu thầu lần này ngoài việc khắc phục cho được những tồn tại hiện hữu, phải bảo đảm được các quy định luật có tính cụ thể, minh bạch, công khai, làm cơ sở lựa chọn được các nhà thầu có năng lực nhất, có giá thành hợp lý nhất, bảo đảm chất lượng và tiến độ thời gian theo quy định, trên cơ sở đó, sẽ giảm được hiện tượng tiêu cực trong đấu thầu. Tuy nhiên, Dự thảo Luật sửa đổi lần này mới chủ yếu bổ sung về quy trình đấu thầu và quản lý các nhà thầu, nhưng chưa đưa ra được trách nhiệm của các cơ quan quản lý và đặc biệt là trách nhiệm của chủ đầu tư, đơn vị tư vấn, chủ quản đầu tư. Chính vì vậy sẽ không giải quyết được vấn đề thông thầu, tiến độ thi công và chất lượng công trình. Đặc biệt là trong thời gian vừa qua, hình thức chỉ định thầu qua giám sát thấy có một số công trình, dự án cấp dưới trình lên cấp trên về chỉ định thầu nhưng cấp trên không sâu sát nên đồng ý với quyết định của cấp dưới, gây kẽ hở và thất thoát, lãng phí. Do đó, đề nghị bổ sung trách nhiệm quản lý của nhà nước trong công tác đấu thầu của các cơ quan có thẩm quyền như Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, các bộ, các cơ quan ngang bộ và Uỷ ban nhân dân các cấp.

Liên quan vấn đề chỉ định thầu, đa số ý kiến đại biểu cho rằng Dự án Luật đã quy định cụ thể hơn trách nhiệm của người có thẩm quyền ra quyết định áp dụng chỉ định thầu, do vậy sẽ hạn chế được tình trạng lợi dụng để chỉ định thầu tràn lan, trốn tránh trách nhiệm trong quá trình chỉ định thầu. Song cần có các quy định chi tiết, cụ thể về tiêu chuẩn đủ năng lực và kinh nghiệm đáp ứng yêu cầu của gói thầu để bảo đảm tính chặt chẽ.

Nhìn góc độ về việc lượng hóa trong hồ sơ chỉ định thầu, đại biểu Trịnh Ngọc Phương (Tây Ninh) nhận định đây là vấn đề bất cập trong thời gian qua, gây không ít khó khăn đối với công trình chỉ định thầu vì cơ sở, phương pháp, cách tính không có hướng dẫn, việc này chủ yếu định tính. Do đó, nguy cơ nhũng nhiễu, gây khó dễ và tham nhũng rất cao vì không có quy định cụ thể, cho nên khi trình phê duyệt để được chỉ định thầu hay không được chỉ định thầu là ở vấn đề nhạy cảm khác, không phải ở việc giải trình sẽ mang lại lợi ích gì cho xã hội và tiết kiệm được bao nhiêu cho chủ đầu tư. Đa số các công trình chỉ định thầu chủ yếu là các công trình an sinh xã hội và quốc phòng. Do đó, đại biểu Phương đề nghị phải hướng dẫn cụ thể về vấn đề này.

Về hình thức đấu thầu qua mạng, nhiều đại biểu đã bày tỏ sự đồng tình. Đại biểu Hà Sỹ Đồng (Quảng Trị) cho rằng đấu thầu qua mạng sẽ có nhiều ưu điểm vượt trội so với đấu thầu truyền thống như hiện nay, góp phần giảm thiểu tham nhũng, lãng phí, "quân xanh, quân đỏ". Tuy nhiên, đại biểu Đồng băn khoăn về tính bảo mật thông tin, cơ sở hạ tầng công nghệ thông tin của ta hiện nay đã đáp ứng được hay chưa? Do đó, đại biểu Đồng đề nghị cần xem xét, cân nhắc quy định lộ trình áp dụng đấu thầu qua mạng một cách hợp lý và khoa học.

Đồng tình với quan điểm trên, đại biểu Đinh Thị Mai Lan (Cao Bằng) cho rằng hoạt động đấu thầu qua mạng khả thi và đề nghị Ban soạn thảo cần nghiên cứu kỹ hơn việc quy định ràng buộc trách nhiệm các bên tham gia, ngoài việc các bên tham gia phải đóng tiền bảo đảm, bảo lãnh đúng quy định, hoàn chỉnh các văn bản kèm theo hồ sơ thì người có thẩm quyền nhà đầu tư cũng cần phải biết rõ tư cách cá nhân của người có chữ ký. Bên cạnh đó, Chính phủ cũng cần xây dựng hệ thống công nghệ thông tin đạt chuẩn, có cơ chế hoạt động chuyên nghiệp và bảo đảm công khai.

Nhiều ý kiến khác cho rằng Quốc hội cần xem xét sửa đổi Luật Đấu thầu theo hướng luật chỉ quy định những nguyên tắc cơ bản, kèm theo đó là mở rộng thẩm quyền, tăng trách nhiệm cho chủ đầu tư, tăng cường công tác hậu kiểm và xử lý thật nặng những hành vi vi phạm Luật Đấu thầu, làm thất thoát tài sản Nhà nước. Chủ đầu tư được quyền chủ động quyết định hình thức lựa chọn nhà thầu, chỉ với điều kiện nhà thầu đó được đánh giá là tối ưu nhất tại thời điểm lựa chọn.

Một số ý kiến đề nghị Dự thảo Luật cần làm rõ người có thẩm quyền hủy thầu là ai? Thời điểm hủy thầu khi nào? Biện pháp nào bảo vệ nhà thầu khi chủ đầu tư cố tình làm sai hồ sơ để được hủy thầu. Trường hợp vi phạm Luật Đấu thầu không do lỗi cố ý nhưng nhà thầu trúng thầu đáp ứng được yêu cầu thì có hủy không?

Về giải quyết kiến nghị trong đấu thầu, theo đại biểu Phan Văn Quý (Nghệ An), để thực hiện giải quyết kiến nghị đạt hiệu quả, tăng cường kiểm tra, giám sát công tác đấu thầu nên giao cho một cơ quan hành chính độc lập tham gia vào giải quyết kiến nghị, vì như vậy sẽ mang tính răn đe các chủ đầu tư không được cố ý làm sai, ràng buộc trách nhiệm của các cơ quan quản lý về đấu thầu. Điều này phù hợp với thông lệ quốc tế hiện nay.

Đại biểu Lê Công Đỉnh (Long An) nhận định Dự thảo Luật quy định trình tự và phân cấp giải quyết các kiến nghị trong đấu thầu khá rõ ràng. Tuy nhiên, dự thảo nghị định quy định Chủ tịch Hội đồng tư vấn tại địa phương là Sở Kế hoạch và Đầu tư. Vậy đối với dự án do Ủy ban nhân dân huyện, xã làm cấp quyết định đầu tư thì Hội đồng tư vấn này sẽ như thế nào, do đó cần quy định rõ hơn về vấn đề này.

Ngoài ra, nhiều ý kiến khác cho rằng để bảo đảm cạnh tranh cho đấu thầu quy định tại Điều 13, Luật Đấu thầu hiện hành chưa đề cập đến mối quan hệ giữa nhà thầu với nhà thầu cá nhân thuộc nhà thầu và cá nhân thuộc chủ đầu tư và bên mời thầu. Vì vậy cần thiết bổ sung quy định về bảo đảm cạnh tranh tại điều này. Tuy nhiên, đề nghị quy định cụ thể ngay trong luật để bảo đảm cạnh tranh giữa nhà thầu với chủ đầu tư là nội dung mới. Trong các trường hợp nhà thầu là doanh nghiệp, thực hiện theo Luật Doanh nghiệp. Nhà thầu là các tổ chức sự nghiệp và nhà thầu là doanh nghiệp nhà nước thuộc lĩnh vực đặc thù. Có như vậy mới minh bạch hóa được sự cạnh tranh giữa 2 chủ thể này.

Bên cạnh đó, quy định về tỷ lệ 30% vốn nhà nước trong tổng mức đầu tư cũng được các đại biểu đề nghị làm rõ, bởi có thể có nhiều cách hiểu khác nhau. Chẳng hạn, trường hợp doanh nghiệp nhà nước góp vốn vào một doanh nghiệp và khi doanh nghiệp này đầu tư dự án thì tỷ lệ vốn Nhà nước được xác định cụ thể ra sao?

Ánh Tuyết

Ý kiến bình luận:

Ý kiến của bạn sẽ được xét duyệt khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.

Hiện chưa có bình luận nào, hãy trở thành người đầu tiên bình luận cho bài biết này!

Tin cùng chuyên mục

Hà Giang: Tỷ lệ tinh giảm biên chế giai đoạn 2016-2021 giảm 10%

Hà Giang: Tỷ lệ tinh giảm biên chế giai đoạn 2016-2021 giảm 10%

(Thanh tra) - Chiều 13/12, Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh Hà Giang khóa XVII, nhiệm kỳ 2020 – 2025 tổ chức Hội nghị lần thứ 28 để tổng kết Nghị quyết 18-NQ/TW ngày 25/10/2017 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa VII về “Tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả”.

Bùi Bình

19:37 13/12/2024

Tin mới nhất

Xem thêm