Ca khúc: Tự hào người làm báo Thanh tra

Theo dõi Báo Thanh tra trên

Bảo đảm đất ở, đất sản xuất nông nghiệp cho đồng bào dân tộc thiểu số

Thứ sáu, 25/01/2013 - 12:42

(Thanh tra) - Hôm nay (25/1), Hội đồng Dân tộc của Quốc hội, Ủy ban Dân tộc và Các Cơ quan Liên hợp quốc tại Việt Nàm đồng phối hợp tổ chức Diễn đàn Chính sách thực trạng và giải pháp quản lý, sử dụng đất đai vùng dân tộc miền núi.

Ảnh: Thanh Nhung

Tại diễn đàn, các nhà hoạch định chính sách và các bên liên quan đã thảo luận các vấn đề liên quan đến tình hình quản lý, sử dụng đất vùng dân tộc, miền núi, cũng như phân tích tác động của chính sách đất đai liên quan đến kinh kế của đồng bào. Trên cơ sở đó, đề xuất, khuyến nghị chính sách, Dự thảo Sửa đổi Luật Đất đai nhằm bảo đảm sự công bằng, bình đẳng và khả năng sử dụng có hiệu quả các chính sách hỗ trợ của Nhà nước phù hợp với đặc điểm kinh tế - xã hội, văn hóa của các vùng, các nhóm dân tộc thiểu số.

Ông Danh Út - Phó Chủ tịch Hội đồng Dân tộc cho biết, từ năm 2010 - 2011, có 558.485 hộ đồng bào dân tộc thiểu số nghèo cần được hỗ trợ đất ở, đất sản xuất. Ngoài ra, còn một số lượng không nhỏ hộ đồng bào dân tộc thiểu số bị thu hồi đất ở, đất sản xuất tại các dự án quy hoạch, các công trình thủy lợi, thủy điện, hạ tầng giao thông và 590 hộ thuộc đối tượng dự án hỗ trợ, phát triển 5 dân tộc rất ít người (SiLa, Brâu, Rơ Năm, Ơ Đu, Pu Péo).

Kết quả giám sát đất ở, đất sản xuất và chính sách đất đai cho đồng bào dân tộc thiểu số của Ủy ban Thường vụ Quốc hội thực hiện năm 2012 cho thấy, công tác chỉ đạo, hướng dẫn lập quy hoạch, điều chỉnh quy hoạch sử dụng đất còn hạn chế. Công tác khai hoang, phục hóa, định canh, định cư, tái định cư còn gặp nhiều khó khăn, bất cập. Mục tiêu thu hồi đất từ các nông, lâm trường, giải pháp để tạo quỹ đất, giao đất cho các hộ dân tộc thiểu số nghèo thiếu đất, không có đất sản xuất, đã triển khai trong thời gian khá dài nhưng kết quả rất hạn chế.

Mục tiêu giải quyết đất sản xuất theo Quyết định 134 không đạt kế hoạch, mới giải quyết được 38% tổng số diện tích và 35% tổng số hộ. Những hộ được hỗ trợ đất sản xuất, cuộc sống trước mắt vẫn chưa hết khó khăn, bởi hiệu quả sử dụng đất sản xuất còn hạn chế. Đến năm 2012, cả nước còn 19.891 hộ (94.126 nhân khẩu) còn du canh, du cư, nhiều khả năng di cư tự do.

Đáng lo ngại, tại một số tỉnh khu vực Tây Nguyên và đồng bằng sông Cửu Long đang có hiện tượng các hộ giàu mua gom ruộng đất của các hộ dân tộc thiểu số nghèo gặp hoàn cảnh khó khăn. Việc này diễn ra không chính thức, nhưng khá phổ biến. Một số hộ đã gom được hàng chục, thậm chí hàng trăm ha.  

Ông Danh Út cho rằng, khi xem xét, sửa đổi Luật Đất đai năm 2003, cần sửa đổi, bổ sung Điều 10 với các nội dung, quy định có tính nguyên tắc về bảo vệ quyền, lợi ích chính đáng của đồng bào các dân tộc thiểu số trong lĩnh vực đất đai. Cụ thể, Nhà nước có chính sách bảo đảm đất ở, đất sản xuất nông nghiệp cho đồng bào dân tộc thiểu số trực tiếp sản xuất nông nghiệp mà không có hoặc thiếu đất sản xuất. Nghiêm cấm việc đầu cơ, mua bán, bao chiếm đất đai trong vùng dân tộc thiểu số, vùng biên giới.

“Từ tình hình, thực trạng sử dụng đất và những đặc điểm về cư trú, bản sắc văn hóa, không gian sinh tồn của đồng bào các dân tộc thiểu số, cần nghiên cứu, luật hóa bằng các quy định về quản lý, sử dụng đất cộng đồng gắn với vùng cư trú của đồng bào dân tộc thiểu số”, ông Danh Út đề nghị.

Bà Pratibha Mehta, Điều phối viên Thường trú Liên hợp quốc tại Việt Nam cho rằng, vấn đề chen chốt cần xem xét khi sửa đổi chính sách đất đai là tạo điều kiện cho dân tộc thiểu số được tiếp cận nhiều hơn với đất đai màu mỡ để canh tác; chú trọng tập quán truyền thống, tri thức bản địa trong quản lý, sử dụng và giải quyết mâu thuẫn đất đai. Bên cạnh đó, cần cho phép các cộng đồng địa phương được quản lý rừng một cách bền vững; bảo đảm cho đồng bào dân tộc thiểu số tham gia tích cực vào quá trình sửa đổi Luật Đất đai và xây dựng các chính sách đất đai liên quan.


Nguyễn Thanh

Ý kiến bình luận:

Ý kiến của bạn sẽ được xét duyệt khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.

Hiện chưa có bình luận nào, hãy trở thành người đầu tiên bình luận cho bài biết này!

Tin cùng chuyên mục

Địa chỉ đỏ tri ân hàng nghìn liệt sĩ

Địa chỉ đỏ tri ân hàng nghìn liệt sĩ

(Thanh tra) - Bảo tàng Chiến sĩ cách mạng bị địch bắt tù đày (huyện Phú Xuyên, Hà Nội) do ông Lâm Văn Bảng làm Giám đốc, hiện đang lưu giữ hàng nghìn hiện vật trong giai đoạn kháng chiến chống đế quốc Mỹ. Đồng thời, nơi đây còn là địa điểm thiêng liêng dành để tưởng niệm và ghi nhớ công lao của những Anh hùng Liệt sĩ đã hy sinh vì dân tộc.

Hoàng Hiệp

10:54 11/12/2024

Tin mới nhất

Xem thêm