Theo dõi Báo Thanh tra trên
Thứ ba, 11/09/2018 - 15:15
(Thanh tra) - Đánh giá cao tâm huyết, cố gắng của ĐBQH Trần Thị Quốc Khánh, cũng như các thành viên Ban Soạn thảo, nhưng Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) cho rằng, dự án Luật Hành chính công chưa đủ điều kiện để trình ra QH.
Phó Chủ tịch QH Uông Chu Lưu kết luận nên dừng dự án Luật Hành chính công. Ảnh: Quốc hội
Sáng ngày 11/9, tiếp tục chương trình làm việc, UBTVQH cho ý kiến dự án Luật Hành chính công - đây là dự luật do ĐBQH trình.
Dự thảo có 5 chương với 45 điều quy định thủ tục hành chính (TTHC); dịch vụ công; mối quan hệ và trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, cá nhân khi thực hiện TTHC và dịch vụ công.
Chưa bảo đảm tính cụ thể, thống nhất, khả thi
Thẩm tra sơ bộ, Thường trực Ủy ban Pháp luật kết luận, việc chuẩn bị hồ sơ dự án luật vẫn còn nhiều hạn chế cần phải được rà soát, bổ sung, hoàn thiện thì mới bảo đảm đủ điều kiện để trình QH.
Theo Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Nguyễn Khắc Định, thực tiễn lập pháp cho thấy, không thể quy định được hết mọi TTHC vào trong một văn bản luật, vì TTHC luôn gắn với luật chuyên ngành trong mỗi lĩnh vực.
Nay theo quy định của dự thảo luật thì phải quy định đầy đủ các nội dung cơ quan giải quyết, cơ quan phối hợp, nội dung thủ tục, thậm chí là cả cơ quan tiếp nhận hồ sơ, trong khi đó việc giao nhiệm vụ tiếp nhận hồ sơ còn phụ thuộc vào việc tổ chức thực hiện (ví dụ qua bộ phận một cửa).
“Quy định này của dự thảo luật chưa có tổng kết, đánh giá tác động, tính khả thi, đặc biệt là dự báo nguồn lực để triển khai thực hiện khi luật được thông qua”, Ủy ban Pháp luật nêu.
Tại điểm đ khoản 1 Điều 14 của dự thảo luật quy định, tổ chức, cá nhân có quyền yêu cầu giải quyết TTHC không phụ thuộc vào địa giới hành chính trong trường hợp cơ quan, cá nhân có thẩm quyền giải quyết TTHC có đủ thông tin, dữ liệu để thực hiện.
Thường trực Ủy ban Pháp luật cho rằng, đây là một nội dung rất mới, nếu thực hiện được thì rất lý tưởng vì tạo điều kiện thuận lợi tối đa cho tổ chức, cá nhân. Hiện nay cả hệ thống pháp luật đang quy định chỉ cơ quan được giao thẩm quyền mới có quyền giải quyết TTHC và nhiều thẩm quyền được phân định theo địa giới hành chính.
Do đó, để thực hiện được quy định nêu trên đòi hỏi phải rà soát sửa đổi rất nhiều các quy định của pháp luật có liên quan.
“Đây là việc làm Ban Soạn thảo chưa dự liệu được, hơn nữa cũng chưa có sự tổng kết, đánh giá tác động, tính khả thi của quy định này”, ông Định nói và cho biết, nếu thực hiện cũng phải có lộ trình vừa để sửa đổi pháp luật, vừa chuẩn bị cơ sở vật chất, cơ sở dữ liệu thì mới khả thi.
Liên quan đến quy định về “dịch vụ công”, theo Ủy ban Pháp luật, cũng cần cân nhắc nhằm bảo đảm tính phù hợp, khả thi tránh xung đột với nhiều quy định trong hệ thống pháp luật.
Đơn cử, dự thảo luật quy định “dịch vụ công gồm dịch vụ hành chính công, dịch vụ sự nghiệp công và dịch vụ công ích”. Trong khi, theo quy định của Luật Đấu thầu thì “sản phẩm, dịch vụ công bao gồm sản phẩm, dịch vụ công ích và dịch vụ sự nghiệp công”. Hiện nay, các văn bản quy phạm pháp luật về dịch vụ công đang theo nội hàm khái niệm “dịch vụ công” của Luật Đấu thầu.
Dù có sự khác biệt về nội hàm khái niệm, nhưng nhiều quy định của dự thảo luật lại được xây dựng từ một số điều trong nghị định của Chính phủ (theo nội hàm khái niệm “dịch vụ công” của Luật Đấu thầu).
Cũng theo cơ quan thẩm tra, cần phải rà soát kỹ các quy định về trách nhiệm, mối quan hệ của cơ quan, tổ chức, cá nhân và xử lý vi phạm trong thực hiện TTHC và dịch vụ công để bảo đảm thống nhất với quy định của Luật Cán bộ, công chức, Luật Viên chức…
“Đã làm hết sức mình”
Cho ý kiến, Phó Chủ tịch QH Phùng Quốc Hiển đặt câu hỏi: Ban hành luật này có phá vỡ hệ thống pháp luật không?
ĐBQH Trần Thị Quốc Khánh, Trưởng Ban Soạn thảo dự án luật. Ảnh Quốc hội
“Chúng tôi đã rà soát, quy định trong luật này sẽ không phá vỡ hệ thống pháp luật mà chọn vấn đề nào pháp luật hiện hành chưa quy định, như vấn đề nguyên tắc chung, chuẩn chung”, ĐBQH Trần Thị Quốc Khánh, Trưởng Ban Soạn thảo trả lời.
Đánh giá rất cao sự tâm huyết, công phu, dám nghĩ, dám làm của ĐB và Ban Soạn thảo, nhưng Phó Chủ tịch QH Phùng Quốc Hiển cho rằng, điều ông băn khoăn là có căn cứ vì tính thống nhất, tính cụ thể và tính khả thi của dự án luật đều chưa đạt.
Phó Chủ tịch QH Đỗ Bá Tỵ nhấn mạnh, ai cũng phải công nhận sự nỗ lực, cố gắng của Ban Soạn thảo. Mục đích, ý tưởng tốt nhưng thời điểm này chưa phù hợp, chưa khả thi để trình ra QH.
Theo ông Tỵ, có thể dừng lại ở công trình khoa học, ghi dấu ấn của Ban Soạn thảo, khi có điều kiện thì lại tiếp tục thực hiện.
Ông Trần Tiến Dũng, Thứ trưởng Bộ Tư pháp cũng bày tỏ sự trân trọng và đánh giá cao nỗ lực của cá nhân ĐB Trần Thị Khánh cũng như Ban Soạn thảo trong thời gian 2 năm làm được rất nhiều việc. Tuy vậy, ông cũng cho rằng, nhiều nội dung còn thiếu sự đồng bộ, còn chồng chéo với nhiều luật khác.
Phát biểu tại phiên thảo luận, Chủ tịch QH Nguyễn Thị Kim Ngân cho biết, bản thân bà rất ủng hộ sáng kiến lập pháp của ĐB Khánh. UBTVQH rất trân trọng và tạo điều kiện từ thành lập Ban Soạn thảo, phân công Uỷ ban hỗ trợ tối đa. Chính phủ cũng ủng hộ, các bộ ngành, chuyên gia, nhà khoa học đã tham gia.
Dự án luật được đưa vào chương trình xây dựng luật, pháp lệnh và ban soạn thảo nhiều lần tiếp thu ý kiến để hoàn thiện.
Tuy nhiên, theo bà Ngân, hành chính công là vấn đề rất rộng, phức tạp, nội dung cụ thể đang được điều chỉnh trong nhiều đạo luật hiện hành. Trong khi đó, tính quy phạm và tính cụ thể của dự thảo chưa đạt yêu cầu, nhiều điều khoản còn chung chung.
Do đó, Chủ tịch QH đề nghị coi đây là công trình nghiên cứu để tham khảo, làm cơ sở khi xây dựng các quy định liên quan hành chính công ở các luật.
Tiếp thu các ý kiến, ĐB Trần Thị Quốc Khánh một lần nữa nhấn mạnh mục đích đề xuất xây dựng luật này xuất phát từ mong muốn của người dân về xây dựng một nền hành chính công đổi mới, phục vụ. “Nếu có dừng xây dựng dự án luật, tôi cũng không suy nghĩ gì vì đã làm hết sức mình”, nữ ĐB chia sẻ.
Theo Phó Chủ tịch QH Uông Chu Lưu, Ban Soạn thảo đã hoạt động tích cực, nỗ lực trong chuẩn bị hồ sơ dự án luật. Tuy vậy, tính thống nhất, tính đồng bộ, tính khả thi và tính quy phạm chưa bảo đảm; nhiều chính sách chưa đánh giá kỹ tác động.
Trên cơ sở các ý kiến của UBTVQH, Phó Chủ tịch QH Uông Chu Lưu kết luận nên dừng dự án Luật Hành chính công. Ủy ban Pháp luật vẫn tiếp tục có báo cáo thẩm tra để báo cáo với QH trên tinh thần xin rút dự án luật này ra khỏi chương trình.
Thảo Nguyên
Ý kiến bình luận:
Hiện chưa có bình luận nào, hãy trở thành người đầu tiên bình luận cho bài biết này!
(Thanh tra) - Ngày 13/12/2024, UBND tỉnh Cao Bằng tổ chức hội nghị tổng kết công tác quốc phòng địa phương, giáo dục quốc phòng và an ninh năm 2024, triển khai nhiệm vụ năm 2025.
Trung Hà
16:40 13/12/2024(Thanh tra) - Các cấp ủy trực thuộc làm tốt công tác chính trị, tư tưởng, tăng cường công tác tuyên truyền; từ đó, tin tưởng tuyệt đối vào sự lãnh đạo của Đảng trong việc sắp xếp tinh gọn bộ máy, theo Phó Bí thư Thường trực Đảng ủy Khối Lại Xuân Lâm.
T.Thanh
16:36 13/12/2024PV
16:33 13/12/2024Thu Huyền
16:03 13/12/2024Chính Bình
15:56 13/12/2024Trung Hà
15:51 13/12/2024Trung Hà
Ngọc Tuấn
Chính Bình
Nam Dũng
Trung Hà
T.Thanh
Thái Hải
PV
Lâm Ánh
Thanh Giang
P. B
Thu Huyền