Theo dõi Báo Thanh tra trên
Thứ tư, 21/06/2017 - 13:35
(Thanh tra) - Sáng 21/6, Quốc hội (QH) biểu quyết thông qua Luật Quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước (sửa đổi); Nghị quyết về thí điểm xử lý nợ xấu của các tổ chức tín dụng.
ĐBQH bấm nút biểu quyết thông qua luật
Xử nợ xấu hình thành trước ngày 15/8/2017
Với 86,35% tổng số ĐB tán thành, theo Nghị quyết, tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài, tổ chức mua bán, xử lý nợ xấu bán nợ xấu, tài sản bảo đảm của khoản nợ xấu công khai, minh bạch, theo quy định của pháp luật; giá bán phù hợp với giá thị trường, có thể cao hơn hoặc thấp hơn dư nợ gốc của khoản nợ.
Không sử dụng ngân sách Nhà nước để xử lý nợ xấu. Cơ quan, tổ chức, cá nhân có hành vi vi phạm pháp luật để xảy ra nợ xấu và trong quá trình xử lý nợ xấu phải chịu trách nhiệm theo quy định của pháp luật.
Về nợ xấu, trước khi QH biểu quyết thông qua, nhiều ý kiến nhất trí với phạm vi nợ xấu cần xử lý là các khoản nợ xấu phát sinh trong thời hiệu của Nghị quyết để thống nhất các biện pháp xử lý nợ xấu, tạo điều kiện cho các tổ chức tín dụng xử lý tối đa nợ xấu.
Một số ý kiến đề nghị Nghị quyết chỉ xử lý đối với khoản nợ xấu tính đến 31/12/2016 để nâng cao trách nhiệm của tổ chức tín dụng trong quan hệ tín dụng. Có ý kiến đề xuất Nghị quyết áp dụng đối với khoản nợ xấu đến thời điểm ngày 31/12/2017.
Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh cho biết, do có nhiều ý kiến khác nhau, Ủy ban Thường vụ QH đã chỉ đạo gửi phiếu xin ý kiến các vị ĐBQH về 2 phương án quy định phạm vi nợ xấu cần xử lý.
”Kết quả lấy phiếu của hai phương án không có sự chênh lệch lớn (phương án 1: 203 phiếu/phương án 2: 193 phiếu), không quá bán so với số ĐBQH”, ông Thanh báo cáo trước QH.
Sau khi cân nhắc, theo Ủy ban Thường vụ QH, đây là Nghị quyết thí điểm mang tính đặc thù giải quyết khoản nợ xấu phát sinh bất thường trong thời gian vừa qua, cho nên cần có chính sách phù hợp để xử lý nợ xấu phát sinh do nghiệp vụ tín dụng thực hiện trước thời điểm Nghị quyết có hiệu lực được xác định là ngày 15/8/2017.
Sau thời điểm này, Ngân hàng Nhà nước cần tăng cường chỉ đạo cơ cấu lại hệ thống các tổ chức tín dụng, ban hành và áp dụng các chuẩn mực quản trị ngân hàng, quản lý rủi ro cao hơn, hợp lý theo thông lệ quốc tế để giảm thiểu phát sinh nợ xấu mới.
Chính phủ tiến hành tổng kết, đánh giá và đề xuất sửa đổi hệ thống pháp luật có liên quan để xử lý các khoản nợ xấu phát sinh mang tính thường xuyên, thuộc rủi ro trong hoạt động kinh doanh tiền tệ của hệ thống ngân hàng.
Ủy ban Thường vụ QH cho rằng, việc quy định phạm vi nợ xấu cần xử lý theo phương án nêu trên sẽ bảo đảm nguồn lực để tập trung xử lý các khoản tín dụng xấu đang gây cản trở hoạt động của hệ thống ngân hàng, tránh việc các tổ chức tín dụng có thể lạm dụng các quy định của Nghị quyết để xử lý nợ xấu của các khoản nợ phát sinh sau ngày 15/8/2017.
Theo đó, QH thống nhất quyết, nợ xấu quy định tại Nghị quyết này là khoản nợ hình thành trước ngày 15/8/2017 được xác định theo quy định tại Phụ lục ban hành kèm theo nghị quyết.
Trường hợp cần thiết, Ủy ban Thường vụ QH xem xét, sửa đổi Phụ lục theo đề nghị của Chính phủ và báo cáo QH tại kỳ họp gần nhất.
Không được bán lại biển số xe đẹp trúng đấu giá
Với 93,69% tổng số ĐB tán thành, Dự thảo Luật quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước (sửa đổi) gồm 134 điều đã được QH thông qua.
Luật này có hiệu lực thi hành từ ngày 1/1/ 2018.
Liên quan phân loại tài sản công, Chủ nhiệm Uỷ ban Tài chính Ngân sách Nguyễn Đức Hải cho biết, một số ý kiến cho rằng, nếu quy định biển số xe được phép đấu giá thì cần thiết phải bãi bỏ khoản 22 Điều 8 của Luật Giao thông đường bộ quy định về cấm mua bán biển số xe.
Ý kiến khác cho rằng, nếu cho phép đấu giá biển số xe thì biển số xe sẽ là tài sản của cá nhân, khi đó cá nhân có quyền đem bán biển số này khi không sử dụng hay không? Việc quản lý Nhà nước về số xe sẽ thực hiện như thế nào? Có ý kiến đề nghị cần quy định trong Luật này nguyên tắc về quản lý, sử dụng các kho số do Nhà nước quản lý.
Về vấn đề trên, Uỷ ban Thường vụ QH giải trình cho rằng, kho số của Nhà nước gồm nhiều loại khác nhau và được khai thác bằng các hình thức khác nhau để phù hợp với tính chất, đặc điểm, yêu cầu quản lý của từng loại kho số (số xe, tàu, thuyền, máy bay, căn cước công dân, hộ chiếu...) và bảo đảm phù hợp với chính sách của Đảng và Nhà nước trong từng thời kỳ.
Mặt khác, kho số phục vụ quản lý Nhà nước là một loại tài nguyên, việc quản lý, sử dụng phải đảm bảo phù hợp với nguyên tắc chung quy định tại Điều 6 và quy định về quản lý, sử dụng, khai thác nguồn lực tài chính từ tài nguyên tại Mục 2 Chương VII của Dự thảo Luật.
Vì vậy, Uỷ ban Thường vụ QH xin QH giao Chính phủ quy định chi tiết việc khai thác từng loại kho số phục vụ quản lý Nhà nước để đảm bảo các yêu cầu nêu trên.
”Riêng đối với biển số xe, việc đấu giá (nếu có) không được làm ảnh hưởng tới việc quản lý Nhà nước đối với phương tiện giao thông vì mỗi biển số được cấp gắn với một phương tiện giao thông; người trúng đấu giá không được quyền bán lại biển số xe đã cấp. Do vậy, không mâu thuẫn với khoản 22 Điều 8 của Luật Giao thông đường bộ”, ông Nguyễn Đức Hải cho biết.
Ngoài ra, Luật cũng quy định cụ thể các hành vi bị nghiêm cấm trong quản lý, sử dụng tài sản công. Một trong những điểm đáng chú ý là cấm sử dụng xe ô tô và các tài sản công khác do các tổ chức, cá nhân tặng cho không đúng mục đích, chế độ, vượt tiêu chuẩn, định mức.
Cũng trong sáng 21/6, QH biểu quyết thông qua Nghị quyết về đẩy mạnh việc thực hiện chính sách, pháp luật về an toàn thực phẩm giai đoạn 2016 - 2020; Nghị quyết về chất vấn và trả lời chất vấn tại kỳ họp thứ 3; Nghị quyết thành lập đoàn giám sát “việc thực hiện chính sách, pháp luật về quản lý, sử dụng vốn, tài sản Nhà nước tại doanh nghiệp và cổ phần hóa doanh nghiệp Nhà nước, giai đoạn 2011 - 2016”.
Thảo Nguyên
Ý kiến bình luận:
Hiện chưa có bình luận nào, hãy trở thành người đầu tiên bình luận cho bài biết này!
(Thanh tra) - Chiều ngày 12/12, Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh Hà Nam đã tổ chức hội nghị thảo luận và cho ý kiến về dự thảo Đề án sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tỉnh Hà Nam. Đây là một trong những nội dung quan trọng nhằm tinh gọn, nâng cao hiệu lực và hiệu quả hoạt động của các cơ quan trong hệ thống chính trị, theo chỉ đạo của Ban Chỉ đạo Trung ương về tổng kết Nghị quyết 18-NQ/TW.
Chính Bình
21:26 12/12/2024(Thanh tra) - Chiều 12/12, tại buổi làm việc với Bộ Ngoại giao, Chủ tịch nước Lương Cường đã yêu cầu ngành Ngoại giao làm tốt hơn nữa công tác tổ chức, sắp xếp bộ máy, đào tạo, đánh giá cán bộ theo tinh thần của Nghị quyết số 18 về “một số vấn đề về tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả”.
T.T
21:06 12/12/2024Hương Giang
20:49 12/12/2024Thu Huyền
20:30 12/12/2024Trọng Tài
20:27 12/12/2024Trần Kiên
19:26 12/12/2024Bùi Bình
Hải Hà
Phương Anh
Lê Phương
Văn Thanh
Chính Bình
Theo VietinBank
Theo EVNNPC
Theo VietinBank
Thu Hương
Theo EVNNPC
Theo EVNNPC