Ca khúc: Tự hào người làm báo Thanh tra

Theo dõi Báo Thanh tra trên

6 tháng đã chuyển đổi vị trí công tác hơn 4.400 cán bộ, công chức, viên chức

Thứ năm, 18/07/2019 - 09:42

(Thanh tra) – Theo Thanh tra Chính phủ, 6 tháng đầu năm 2019, các bộ, ngành, địa phương tiến hành chuyển đổi vị trí công tác 4.410 cán bộ, công chức, viên chức; qua kiểm tra nội bộ đã phát hiện 3 vụ, 3 đối tượng tham nhũng và liên quan đến tham nhũng…

Tổng Thanh tra Chính phủ Lê Minh Khái phát biểu khai mạc hội nghị. Ảnh: TN

Sáng ngày 18/7, Thanh tra Chính phủ tổ chức hội nghị trực tuyến sơ kết công tác 6 tháng đầu năm, triển khai nhiệm vụ công tác 6 tháng cuối năm 2019 của ngành Thanh tra. Phó Thủ tướng Thường trực Trương Hoà Bình dự và phát biểu chỉ đạo tại hội nghị.

Phát biểu khai mạc, Tổng Thanh tra Lê Minh Khái nhấn mạnh, 6 tháng đầu năm 2019, ngành Thanh tra đã khẩn trương cụ thể hoá các quy định, nghị quyết của Trung ương, Quốc hội, Chính phủ, chỉ đạo của Thủ tướng, Phó Thủ tướng, thủ trưởng cơ quan quản lý Nhà nước bằng các kế hoạch, chương trình cụ thể và triển khai, thực hiện nghiêm túc, hoàn thành khối lượng công việc rất lớn được giao.

“Hoạt động của ngành Thanh tra đang có bước chuyển biến tích cực và đạt được những kết quả nhất định”, ông Lê Minh Khái nói.

Bên cạnh những kết quả đạt được, hoạt động của ngành Thanh tra vẫn còn những tồn tại, hạn chế, bất cập cần phải khắc phục trong thời gian tới.

Vì vậy, Tổng Thanh tra đề nghị, tập trung phân tích, thảo luận công tác quản lý Nhà nước về thanh tra; xử lý chồng chéo trong hoạt động thanh tra; đôn đốc, thực hiện xử lý sau thanh tra; việc thực hiện các quy định của pháp luật về công tác tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo; các biện pháp phòng ngừa tham nhũng, tình trạng tham nhũng “vặt”; năng lực chuyên môn, đạo đức công vụ của cán bộ thanh tra…

Kiểm tra nội bộ phát hiện 3 vụ tham nhũng

Báo cáo tại hội nghị cho thấy, trên các mặt công tác thanh tra, tiếp dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo, phòng, chống tham nhũng… đều đạt kết quả đáng ghi nhận.

Trong đó, ngành Thanh tra tiếp tục hướng dẫn, đôn đốc các ngành, các cấp đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật về phòng, chống tham nhũng, lãng phí; thực hiện các giải pháp phòng ngừa tham nhũng.

Theo Phó Tổng Thanh tra Trần Ngọc Liêm, các bộ, ngành, địa phương đã kiểm tra tại 2.252 cơ quan, tổ chức, đơn vị về công khai, minh bạch, phát hiện 77 đơn vị vi phạm; tiến hành 1.036 cuộc kiểm tra việc thực hiện các chế độ, định mức, tiêu chuẩn, phát hiện 183 vụ việc vi phạm, 129 người vi phạm, kiến nghị thu hồi và bồi thường gần 21 tỷ đồng.

Các bộ, ngành, địa phương cũng tiến hành chuyển đổi vị trí công tác 4.410 cán bộ, công chức, viên chức.

“Qua kiểm tra nội bộ đã phát hiện 3 vụ, 3 đối tượng; qua hoạt động thanh tra đã phát hiện 20 vụ, 10 đối tượng; qua giải quyết khiếu nại, tố cáo phát hiện 5 vụ, 4 đối tượng tham nhũng và liên quan đến tham nhũng”, Phó Tổng Thanh tra Trần Ngọc Liêm trình bày báo cáo.

Nhiều biện pháp phòng ngừa tham nhũng được thực hiện có hiệu quả tích cực như cải cách hành chính; công khai, minh bạch trong hoạt động của cơ quan, tổ chức, đơn vị; xây dựng, thực hiện các chế độ, định mức, tiêu chuẩn và quy tắc ứng xử, quy tắc đạo đức nghề nghiệp...

Công tác thanh tra, kiểm tra được tăng cường nhằm phát hiện hành vi tham nhũng. Việc công khai các kết luận kiểm tra, thanh tra đã nhận được sự đồng tình, ủng hộ của cán bộ, đảng viên, nhân dân...

Quan hệ phối hợp công tác giữa cơ quan kiểm tra, thanh tra, kiểm toán với các cơ quan chức năng trong công tác phòng, chống tham nhũng ngày càng chặt chẽ, hiệu quả.

Cũng theo Phó Tổng Thanh tra Trần Ngọc Liêm, Thanh tra Chính phủ đã tăng cường phối hợp chặt chẽ với Cơ quan điều tra Bộ Công an, Viện Kiểm sát nhân dân Tối cao để xử lý kịp thời các vụ việc có dấu hiệu tội phạm; phối hợp với Ủy ban Kiểm tra Trung ương để xem xét, xử lý theo thẩm quyền đối với các cán bộ diện Trung ương quản lý có sai phạm nêu tại kết luận thanh tra...

Còn xảy ra tham nhũng trong cơ quan bảo vệ pháp luật

Tuy có được kết quả tích cực nhưng trong công tác phòng, chống tham nhũng vẫn còn một sốhạn chế như: các biện pháp phòng ngừa tham nhũng chưa phát huy toàn diện; một số biện pháp hiệu quả thấp.

“Tình trạng “tham nhũng vặt", nhũng nhiễu, gây phiền hà cho người dân, doanh nghiệp trong giải quyết công việc chưa được ngăn chặn hiệu quả.Vẫn còn xảy ra sai phạm, tham nhũng trong các cơ quan bảo vệ pháp luật, gây dư luận và bất bình trong quần chúng, nhân dân”, Phó Tổng Thanh tra nói.

Công tác tự kiểm tra, phát hiện tham nhũng trong nội bộ cơ quan, tổ chức, đơn vị còn nhiều hạn chế, yếu kém, rất ít vụ việc, vụ án được phát hiện qua tự kiểm tra trong nội bộ.

Số vụ việc chuyển cơ quan điều tra xử lý có tăng so với cùng kỳ năm trước nhưng số vụ việc tham nhũng phát hiện còn ít trong tương quan so với số sai phạm kinh tế phát hiện qua thanh tra, kiểm toán.

Dự kiến 6 tháng cuối năm, ngành Thanh tra, sẽ tiếp tục tăng cường tuyên truyền, phổ biến, giáo dục về phòng, chống tham nhũng nhất là Luật Phòng, chống tham nhũng năm 2018 và các văn bản hướng dẫn thi hành.

Tập trung thanh tra các lĩnh vực nhạy cảm, có nhiều dư luận về tham nhũng; đẩy nhanh tiến độ thanh tra, kết luận thanh tra các vụ việc thuộc diện Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng theo dõi, chỉ đạo.

Cùng với đó, phối hợp chặt chẽ giữa các cơ quan thanh tra, kiểm tra, kiểm toán với các cơ quan tố tụng để xử lý kịp thời các vụ việc có dấu hiệu tội phạm tham nhũng được phát hiện trong quá trình thanh tra, kiểm tra, kiểm toán.

Theo dõi, hướng dẫn, đôn đốc, kiểm tra việc thực hiện Chỉ thị số 10 của Thủ tướng Chính phủ về xử lý, ngăn chặn có hiệu quả tình trạng nhũng nhiễu, gây phiền hà cho người dân, doanh nghiệp trong giải quyết công việc …

Hương Giang

Ý kiến bình luận:

Ý kiến của bạn sẽ được xét duyệt khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.

Hiện chưa có bình luận nào, hãy trở thành người đầu tiên bình luận cho bài biết này!

Tin cùng chuyên mục

Tin mới nhất

Xem thêm