Theo dõi Báo Thanh tra trên
Thứ năm, 14/04/2016 - 20:01
(Thanh tra) - Tại hội nghị hiệp thương lần 3 do Ủy ban Trung ương (T.Ư) Mặt trận Tổ quốc (MTTQ) Việt Nam tổ chức hôm nay (14/4), phát huy dân chủ, trí tuệ, trách nhiệm, các đại biểu (ĐB) đã “chốt” danh sách chính thức 197 ứng viên ĐB Quốc hội (QH) khóa XIV .
Chủ tịch Nguyễn Thiện Nhân nhấn mạnh, cần phát huy dân chủ, trí tuệ và trách nhiệm của mình để lựa chọn, lập danh sách những người đủ tiêu chuẩn ứng cử ĐBQH. Ảnh: Thảo Nguyên
192/197 ứng viên được cử tri tín nhiệm 100%
Theo Chủ tịch Ủy ban T.Ư MTTQ Việt Nam Nguyễn Thiện Nhân, hội nghị hiệp thương lần 3 là một trong những nội dung rất quan trọng của quá trình chuẩn bị bầu cử ĐBQH khoá XIV. Đây là hội nghị hiệp thương lần cuối cùng.
“Các ĐB căn cứ vào tiêu chuẩn ĐBQH, kết quả lấy ý kiến cử tri nơi cư trú đối với từng người ứng cử và tờ trình của Ban Thường trực Ủy ban T.Ư MTTQ Việt Nam, phát huy dân chủ, trí tuệ và trách nhiệm của mình để lựa chọn, lập danh sách những người đủ tiêu chuẩn ứng cử ĐBQH”, ông Nguyễn Thiện Nhân nhấn mạnh.
Sau hội nghị hiệp thương lần 2, Thường trực Uỷ ban T.Ư MTTQ Việt Nam đã gửi danh sách và tiểu sử tóm tắt của 197 người được giới thiệu ứng cử ĐBQH khóa XIV thuộc các cơ quan, tổ chức, đơn vị ở T.Ư đến địa phương để lấy ý kiến nhận xét và tín nhiệm của cử tri nơi cư trú.
Bà Bùi Thị Thanh, Phó Chủ tịch Ủy ban T.Ư MTTQ Việt Nam cho biết, hội nghị cử tri nơi công tác được tiến hành dân chủ, thành phần số lượng cử tri tham dự đúng quy định.
Kết quả có 192 người được cử tri nơi công tác tín nhiệm 100%, 5 người được cử tri nơi công tác tín nhiệm 97,6% đến 99,3%; 197 người được giới thiệu ứng cử ĐBQH khóa XIV không có vấn đề, vụ việc cử tri nơi công tác nêu cần phải xác minh.
Băn khoăn 1 ứng viên
Cơ bản đồng tình, các ĐB cho rằng, chất lượng các ứng viên được giới thiệu đều được nâng cao, được cử tri tín nhiệm.
Tuy nhiên, một vài ý kiến băn khoăn về trường hợp ông Lê Thanh Vân, là Ủy viên Ban Chấp hành T.Ư Đảng, hiện công tác chuyên trách tại Ủy ban Tài chính Ngân sách của QH. Ông Lê Thanh Vân vốn được cơ cấu làm Phó Bí thư Tỉnh ủy Hải Dương nhưng tại Đại hội Đảng của tỉnh này, ông Vân đã không trúng vào Thường vụ Tỉnh ủy, không thể giữ chức Phó Bí thư Tỉnh ủy.
Theo ông Trần Văn Túy, Trưởng ban Nhân sự, khiếu nại, tố cáo của Hội đồng Bầu cử Quốc gia, ông Lê Thanh Vân không trúng Thường vụ Tỉnh ủy Hải Dương nhưng qua lấy ý kiến cử tri nơi công tác và cư trú đều được ủng hộ cao.
Chủ tịch Hội Nạn nhân chất độc da cam/doxin Việt Nam Nguyễn Văn Rinh cũng chia sẻ, ông Lê Thanh Vân trong quá trình hoạt động ở Hải Dương thể hiện ý thức tốt, việc trượt Thường vụ Tỉnh ủy là đáng tiếc. Tuy nhiên, "không vì không trúng Thường vụ, không trúng Phó Bí thư mà không đánh giá cao đồng chí đó. Khi được Ban Tổ chức T.Ư điều động về công tác ở Ủy ban Tài chính Ngân sách QH, đồng chí Vân hoạt động tốt, do đó xứng đáng được giới thiệu ứng cử ĐBQH", ông Rinh nói.
GS.TS Trần Ngọc Đường, nguyên Phó Chủ nhiệm Văn phòng QH nhấn mạnh, trúng Ban Chấp hành T.Ư mà không trúng Thường vụ Tỉnh ủy Hải Dương cũng là chuyện bình thường, đó là rủi ro chính trị phải chấp nhận. “Đồng chí Lê Thanh Vân là ĐB có năng lực, đã thể hiện qua một nhiệm kỳ vừa rồi, là TS Luật học, am hiểu và có nhiều đóng góp, lại được cử tri nơi cư trú đồng ý, vậy không có lý gì mà bác việc giới thiệu đồng chí Lê Thanh Vân ứng cử", ông Đường bày tỏ quan điểm.
Sau khi thảo luận, hội nghị đã biểu quyết 100% thống nhất với danh sách 196 người do T.Ư giới thiệu ứng cử ĐBQH khóa XIV.
Hội nghị cũng đã biểu quyết với tỉ lệ 57/62 đồng ý đưa ông Lê Thanh Vân vào danh sách giới thiệu bầu cử.
Sau khi thảo luận, hội nghị đã biểu quyết chốt với danh sách 197 người do T.Ư giới thiệu ứng cử ĐBQH khóa XIV. Ảnh: Thảo Nguyên
Theo báo cáo của Hội đồng Bầu cử Quốc gia, tổng số người được lập danh sách sơ bộ ở cả T.Ư và địa phương là 1.146 người. Trong đó, ở T.Ư là 197 người, địa phương là 949 người, trong đó có 154 người tự ứng cử, đạt tỷ lệ 2,29 người ứng cử trên 1 ĐB được bầu.
Cơ cấu kết hợp chung của người ứng cử trên cả nước như sau: Phụ nữ là 420 người, tỉ lệ 36,65%; người dân tộc thiểu số là 240 người, tỉ lệ 20,94%; người ngoài Đảng là 226 người, tỉ lệ 19,72%; ĐBQH khóa XIII tái cử là 187 người, tỉ lệ 16,32%; người trẻ tuổi (dưới 40 tuổi) là 428 người, tỉ lệ 37,35%.
Trong 12 người được Cơ quan Đảng giới thiệu có: Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, Thường trực Ban Bí thư Đinh Thế Huynh, Trưởng ban Tổ chức T.Ư Phạm Minh Chính, Trưởng ban Kinh tế T.Ư Nguyễn Văn Bình, Trưởng ban Nội chính T.Ư Phan Đình Trạc, Trưởng ban Dân vận T.Ư Trương Thị Mai...
Chủ tịch nước Trần Đại Quang và Phó Chủ tịch nước Đặng Thị Ngọc Thịnh được Cơ quan Chủ tịch nước giới thiệu.
Cơ quan QH giới thiệu Chủ tịch QH Nguyễn Thị Kim Ngân, các Phó Chủ tịch QH (Tòng Thị Phóng, Phùng Quốc Hiển, Uông Chu Lưu, Đỗ Bá Tỵ), Tổng Thư ký QH Nguyễn Hạnh Phúc, các cán bộ đang đương nhiệm tại các Ủy ban của QH, Phó Tổng Thanh tra Lê Thị Thủy…
Cơ quan Chính phủ giới thiệu Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, các Phó Thủ tướng (Trương Hòa Bình, Vương Đình Huệ, Phạm Bình Minh) và 11 Bộ trưởng khác.
Chánh án TAND Tối cao Nguyễn Hòa Bình, Viện trưởng Viện KSND Tối cao Lê Minh Trí và Tổng Kiểm toán Nhà nước Hồ Đức Phớc đều được giới thiệu ứng cử.
Kết thúc hội nghị hiệp thương lần 3, những người trong danh sách sẽ tiến hành vận động bầu theo quy định của pháp luật tại các địa phương ứng cử. Các hoạt động vận động bầu cử do MTTQ các địa phương tổ chức.
Chủ tịch QH, Chủ tịch Hội đồng Bầu cử Quốc gia Nguyễn Thị Kim Ngân nhấn mạnh, những người ứng cử thuộc diện T.Ư giới thiệu về các địa phương nên đăng ký ở những vùng khó khăn nhất, “xa xôi thì đến với dân”, không nên tập trung đăng ký ở những nơi thuận lợi. Sau khi có danh sách chính thức những người ứng cử, việc tuyên truyền, vận động bầu cử của người ứng cử ĐBQH, ĐBHĐND cũng phải bảo đảm bình đẳng giữa những người ứng cử, đúng quy định của pháp luật.
Để mọi việc được tiến hành theo đúng quy định của pháp luật, Chủ tịch QH yêu cầu triển khai ngay kế hoạch kiểm tra, giám sát theo kế hoạch phân công. Ngoài hoạt động kiểm tra, giám sát theo kế hoạch, từng thành viên cũng cần kết hợp các hoạt động giám sát, kiểm tra kết hợp khi chỉ đạo, giải quyết công việc theo chức năng; kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc mà các địa phương gặp phải trong quá trình chuẩn bị bầu cử.
“Tất cả, từ lấy ý kiến cử tri, tiếp xúc cử tri, gặp gỡ, vận động bầu cử phải theo đúng pháp luật, tuyên truyền cũng phải theo đúng luật. Rút kinh nghiệm những khóa trước, lần này phải tập trung vào những khâu chưa tốt, những mặt hạn chế để chúng ta làm cho cuộc bầu cử này thực sự là ngày hội của toàn dân”, Chủ tịch Nguyễn Thị Kim Ngân chốt lại vấn đề.
Thêm 8 đoàn giám sát, kiểm tra công tác bầu cử
Theo báo cáo tình hình triển khai công tác chuẩn bị bầu cử ĐBQH khóa XIV và ĐB HĐND các cấp nhiệm kỳ 2016 - 2021 từ sau phiên họp lần thứ ba của Hội đồng Bầu cử Quốc gia đến nay, đã có 6 đoàn giám sát, kiểm tra công tác bầu cử đến làm việc tại 16 tỉnh, TP trực thuộc Trung ương.
Dự kiến, đợt 2 sẽ thành lập 8 đoàn giám sát của Ủy ban Thường vụ QH và Hội đồng Bầu cử Quốc gia để giám sát, kiểm tra công tác bầu cử ở 23 tỉnh, TP trong khoảng thời gian từ 15/4 đến 23/4.
Nội dung kiểm tra, giám sát tập trung chủ yếu vào việc thành lập tổ bầu cử để thực hiện công tác bầu cử ĐBQH và ĐB HĐND các cấp; việc giải quyết các ý kiến của cử tri nơi cư trú về những người ứng cử ĐBQH đã được hội nghị hiệp thương lần thứ 2 lập danh sách sơ bộ; việc tổ chức hội nghị hiệp thương lần thứ ba và lập danh sách chính thức những người ứng cử ĐBQH, ĐB HĐND.
Đoàn cũng giám sát, kiểm tra việc lập và niêm yết danh sách cử tri; việc chia khu vực bỏ phiếu; việc giải quyết khiếu nại, tố cáo của công dân về công tác bầu cử, về những người ứng cử; việc chuẩn bị các điều kiện bảo đảm, cơ sở vật chất, kỹ thuật chuẩn bị cho cuộc bầu cử; công tác thông tin, tuyên truyền trong cuộc bầu cử; công tác bảo đảm an ninh, trật tự, an toàn xã hội trong cuộc bầu cử; những vấn đề nổi lên và ý kiến, kiến nghị của địa phương…
Tính đến thời điểm hiện nay, trên 63 tỉnh,TP của cả nước đã có tổng số 184 ban bầu cử ĐBQH; 1.096 ban bầu cử ĐB HĐND cấp tỉnh; 6.721 ban bầu cử ĐB HĐND cấp huyện; 79.988 ban bầu cử ĐB HĐND cấp xã; 91.221 tổ bầu cử.
Thảo Nguyên
Ý kiến bình luận:
Hiện chưa có bình luận nào, hãy trở thành người đầu tiên bình luận cho bài biết này!
(Thanh tra) - Chiều 13/12, Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh Hà Giang khóa XVII, nhiệm kỳ 2020 – 2025 tổ chức Hội nghị lần thứ 28 để tổng kết Nghị quyết 18-NQ/TW ngày 25/10/2017 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa VII về “Tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả”.
Bùi Bình
19:37 13/12/2024(Thanh tra) - Ngày 13/12/2024, UBND tỉnh Cao Bằng tổ chức hội nghị tổng kết công tác quốc phòng địa phương, giáo dục quốc phòng và an ninh năm 2024, triển khai nhiệm vụ năm 2025.
Trung Hà
16:40 13/12/2024T.Thanh
16:36 13/12/2024PV
16:33 13/12/2024Thu Huyền
16:03 13/12/2024Chính Bình
15:56 13/12/2024Lê Hữu Chính
TC
Liên Hương
Nhóm PV
Văn Thanh
Ngọc Tuấn
Nhật Minh
Cao Sơn
Hương Trà
Lâm Ánh
Thu Huyền