Ca khúc: Tự hào người làm báo Thanh tra

Theo dõi Báo Thanh tra trên

Thủ tướng: Việt Nam có thể đạt tăng trưởng hai con số nếu gỡ được điểm nghẽn thể chế

Hương Giang

Thứ bảy, 09/11/2024 - 15:47

(Thanh tra) - Yêu cầu phấn đấu tốc độ tăng trưởng GDP quý IV khoảng 7,4-7,6%, cả năm 2024 đạt trên 7%, Thủ tướng Phạm Minh Chính đồng thời nhấn mạnh, nếu tháo gỡ được các rào cản, điểm nghẽn về thể chế, khơi thông nguồn lực xã hội, Việt Nam có thể đạt mục tiêu tăng trưởng hai con số.

Việt Nam có thể đạt mục tiêu tăng trưởng hai con số nếu thão gỡ được điểm nghẽn thể chế, khơi thông nguồn lực được Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh khi phát biểu kết luận phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 10 ngày 9/11.

Tiếp tục ưu tiên thúc đẩy tăng trưởng

Khái quát kết quả tháng 10 và 10 tháng đầu năm, người đứng đầu Chính phủ đánh giá, tình hình kinh tế - xã hội tiếp tục xu hướng tháng sau tốt hơn tháng trước, quý sau tốt hơn quý trước, năm nay tốt hơn năm ngoái. 

Nếu tăng trưởng GDP cả năm đạt trên 7%, chúng ta sẽ đạt và vượt toàn bộ 15/15 chỉ tiêu của năm 2024, theo Thủ tướng.

Bên cạnh đó, Thủ tướng lưu ý tình hình khu vực, quốc tế còn nhiều bất định, rủi ro; áp lực điều hành kinh tế vĩ mô còn lớn, nhất là về điều hành tỷ giá, lãi suất, nguồn cung và giá cả hàng hóa, dịch vụ trong nước.

Tình hình sản xuất kinh doanh một số lĩnh vực khó khăn, nhất là chi tiêu đầu vào cho sản xuất; áp lực trả nợ trái phiếu doanh nghiệp đến hạn lớn; tiếp cận vốn tín dụng còn khó khăn; nợ xấu có xu hướng tăng. 

Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh nếu tháo gỡ được các rào cản, điểm nghẽn về thể chế, khơi thông nguồn lực xã hội, Việt Nam có thể đạt mục tiêu tăng trưởng hai con số. Ảnh: P.Thắng

Cạnh đó, quy định pháp luật còn chồng chéo; một số văn bản quy định chi tiết chậm được ban hành; thủ tục hành chính còn rườm rà.

Thực trạng kỷ cương, kỷ luật có nơi chưa nghiêm; một bộ phận cán bộ, công chức né tránh, đùn đẩy, sợ trách nhiệm; phản ứng chính sách trong một số trường hợp còn chưa kịp thời, hiệu quả… tiếp được được Thủ tướng chỉ ra tại phiên họp.

Đánh giá tình hình thời gian tới sẽ tiếp tục có khó khăn, thách thức nhiều hơn cơ hội và thuận lợi, Thủ tướng yêu cầu các cấp, các ngành, các địa phương quyết liệt thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp đề ra, phấn đấu đạt và vượt toàn bộ 15/15 chỉ tiêu chủ yếu của năm 2024, tạo đà cho năm 2025.

Thủ tướng quán triệt tiếp tục ưu tiên thúc đẩy tăng trưởng gắn với giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế với mục tiêu: Tốc độ tăng GDP quý IV khoảng 7,4-7,6%, cả năm đạt trên 7%, kiểm soát lạm phát dưới 4,5%; tăng trưởng tín dụng khoảng 15%; thu ngân sách nhà nước tăng ít nhất 15%.

Giảm thuế, đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công

Bộ Tài chính được giao tiếp tục phấn đấu tăng thu, tiết kiệm chi ngân sách nhà nước; đẩy mạnh chuyển đổi số, áp dụng hóa đơn điện tử; triệt để tiết kiệm chi thường xuyên ; triển khai hiệu quả các chính sách gia hạn, miễn, giảm thuế, phí, lệ phí .

Đồng thời, tổng kết, đánh giá hiệu quả để nghiên cứu, đề xuất ban hành các chính sách tiếp tục miễn, giảm, gia hạn thuế, phí, tiền thuê đất để triển khai ngay từ đầu năm 2025, trong đó có giảm thuế VAT để kích thích tiêu dùng, sản xuất trong nước.

Thủ tướng Phạm Minh Chính phát biểu kết luận phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 10. Ảnh: P.Thắng

Kiên quyết bảo đảm cung ứng đủ điện, xăng dầu, đáp ứng yêu cầu sản xuất và tiêu dùng; đồng thời xây dựng, triển khai kế hoạch bảo đảm cung ứng điện trong dài hạn cũng là nhiệm vụ Thủ tướng đặt ra.

Bên cạnh đó, ông yêu cầu làm mới các động lực tăng trưởng truyền thống và thúc đẩy mạnh mẽ các động lực tăng trưởng mới; đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công, 3 chương trình mục tiêu quốc gia. 

Bộ Giao thông Vận tải, Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp, các doanh nghiệp được giao triển khai nhanh, quyết liệt các nhiệm vụ để khởi công dự án tuyến đường sắt Lào Cai – Hà Nội – Hải Phòng trong năm 2025 và sau đó tiếp tục khởi công tuyến Lạng Sơn – Hà Nội.

Sớm xử lý 2 bệnh viện và SCB

Với quan điểm xác định thể chế là “đột phá của đột phá”, Thủ tướng yêu cầu đẩy mạnh hoàn thiện thể chế, pháp luật, cải cách thủ tục hành chính; quyết liệt tháo gỡ các vướng mắc pháp lý, đẩy mạnh phân cấp, phân quyền, cương quyết xóa bỏ cơ chế - xin cho, theo tinh thần địa phương quyết, địa phương làm, địa phương chịu trách nhiệm.

Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Thị Hồng phát biểu tại phiên họp. Ảnh; P.Thắng

"Chúng ta không thể đạt được các mục tiêu phát triển tới năm 2030 và năm 2045 nếu không đạt tăng trưởng ở mức hai con số mỗi năm trong những thập kỷ tới”, Thủ tướng nói và cho rằng, mục tiêu này có thể đạt được nếu tháo gỡ được các rào cản, điểm nghẽn về thể chế, khơi thông nguồn lực toàn xã hội. 

Nhiệm vụ nữa, theo yêu cầu của Thủ tướng là, tiếp tục tập trung xử lý dứt điểm các vấn đề tồn đọng, kéo dài.

Thủ tướng chỉ đạo Ngân hàng Nhà nước khẩn trương trình phương án chuyển giao bắt buộc các ngân hàng kiểm soát đặc biệt còn lại; hoàn thiện phương án xử lý đối với SCB. 

Bộ Y tế khẩn trương xử lý dứt điểm vướng mắc liên quan Dự án đầu tư xây dựng cơ sở 2 của bệnh viện Bạch Mai và Việt Đức (ở Hà Nam).

Bộ Công Thương chủ trì, phối hợp với Thanh tra Chính phủ và các cơ quan liên quan khẩn trương hoàn thiện hồ sơ về các giải pháp tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho các dự án điện năng lượng tái tạo.

Ngoài ra, Thủ tướng yêu cầu, đảm bảo các chính sách về an sinh xã hội; đẩy mạnh phòng chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực; nâng cao hiệu quả công tác đối ngoại, hội nhập quốc tế.

Việt Nam có thể tăng trưởng cao nhất ASEAN+3

Nhiều tổ chức, chuyên gia quốc tế tiếp tục đánh giá cao kết quả và triển vọng của kinh tế Việt Nam. 

Tăng trưởng GDP năm 2024 của Việt Nam được Standard Chartered nâng dự báo từ tăng 6% lên tăng 6,8%, HSBC nâng dự báo từ tăng 6,5% lên tăng 7%.

Văn phòng Nghiên cứu kinh tế vĩ mô ASEAN+3 (AMRO) dự báo năm 2024 và 2025, Việt Nam có thể tăng trưởng cao nhất ASEAN+3.

Ý kiến bình luận:

Ý kiến của bạn sẽ được xét duyệt khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.

Hiện chưa có bình luận nào, hãy trở thành người đầu tiên bình luận cho bài biết này!

Tin cùng chuyên mục

Quốc hội “chốt” được bán thuốc online từ 1/7/2025

Quốc hội “chốt” được bán thuốc online từ 1/7/2025

(Thanh tra) - Từ 1/7/2025, cơ sở kinh doanh dược được bán thuốc theo phương thức thương mại điện tử với thuốc không kê đơn, trừ thuốc phải kiểm soát đặc biệt, thuốc hạn chế bán lẻ, theo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Dược được Quốc hội thông qua.

Hương Giang

15:59 21/11/2024

Tin mới nhất

Xem thêm