Ca khúc: Tự hào người làm báo Thanh tra

"Người làm chuyển đổi số phải có trái tim nóng, bộ óc thông minh, tư duy đổi mới"

Hương Giang

Thứ bảy, 12/10/2024 - 14:19

(Thanh tra) - "Người làm chuyển đổi số cần phải có một trái tim nóng, đầy nhiệt huyết, một bộ óc thông minh, sáng tạo và tư duy luôn đổi mớ”, Thủ tướng nhấn mạnh và nêu 3 đột phá chiến lược số là đột phá về thể chế số; đột phá về hạ tầng số, đột phá về nguồn nhân lực số.

Yêu cầu người làm chuyển đối số phải có trái tim nóng, bộ óc thông minh, tư duy đổi mới được Thủ tướng Phạm Minh Chính, Chủ tịch Ủy ban Quốc gia về chuyển đổi số nêu ra khi phát biểu kết luận Chương trình chào mừng Ngày Chuyển đổi số quốc gia năm 2024.

Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh “người làm chuyển đổi số cần phải có một trái tim nóng, đầy nhiệt huyết, một bộ óc thông minh, sáng tạo và tư duy luôn đổi mới”. Ảnh: N.Bắc

Theo Thủ tướng, chuyển đổi số là sự nghiệp của toàn Đảng, toàn quân, toàn dân ta, góp phần hiện thực hóa khát vọng xây dựng đất nước hùng cường, thịnh vượng, nhân dân ấm no, hạnh phúc, không có ai bị bỏ lại phía sau.

“Công cuộc chuyển đổi số khó, nhưng không khó bằng những khó khăn, thử thách mà dân tộc ta đã vượt qua trong lịch sử”, Thủ tướng nói và đánh giá đến nay, chuyển đổi số đã “đến từng ngõ, gõ từng nhà, qua mỗi người”, nhất là với mô hình tổ công nghệ số cộng đồng.

Vui mừng khi thấy chuyển đổi số quốc gia, kinh tế số đạt được nhiều kết quả tích cực, Thủ tướng nêu rõ, đây mới chỉ là những kết quả bước đầu.

“Chúng ta tuyệt đối không được chủ quan, thỏa mãn, say sưa với những kết quả đạt được, còn nhiều việc phải làm phía trước”, Thủ tướng phát biểu.

Nâng cấp nền kinh tế số

Để chuyển đổi số thành công, theo Thủ tướng, cần phải có những chiến lược trọng tâm, phù hợp để triển khai một cách thần tốc, hiệu quả, có tính bứt phá toàn diện hơn.

“Người làm chuyển đổi số cần phải có một trái tim nóng, đầy nhiệt huyết, một bộ óc thông minh, sáng tạo và tư duy luôn đổi mới. Chuyển đổi số quốc gia phải lấy người dân, doanh nghiệp làm trung tâm, chủ thể, động lực, nguồn lực, mục tiêu của sự phát triển. Phải nói thật, làm thật, hiệu quả thật để người dân, doanh nghiệp hưởng thụ thật”, Thủ tướng nhấn mạnh.

Ông nêu rõ quan điểm phát triển kinh tế số là: Nâng cấp nền kinh tế số với những đột phá và cải cách mạnh mẽ, toàn diện, bao trùm hơn nữa để Việt Nam bắt kịp, tiến cùng và vươn lên trên các lĩnh vực.

Về công nghiệp, theo Thủ tướng, chuyển đổi và nâng cấp các ngành công nghiệp truyền thống bằng công nghệ số, đưa công nghệ số vào nền kinh tế thực. Nỗ lực số hóa lĩnh vực sản xuất và đẩy nhanh ứng dụng Internet công nghiệp quy mô lớn.

Song song là hình thành các trung tâm công nghiệp, khu công nghiệp kỹ thuật số quy mô lớn cho các ngành mới nổi có khả năng cạnh tranh trong khu vực và thế giới, đánh dấu sự vươn mình của đất nước.

Trong nông nghiệp thì hướng tới nông nghiệp công nghệ cao, nông dân số, nông thôn thông minh, gắn xây dựng nông thôn mới với phát triển làng, xã kỹ thuật số để nhân dân có cuộc sống sung túc hơn, thu thập cao hơn, an ninh, an toàn hơn và hình thành các vùng quê đáng sống…

Thủ tướng cũng nhấn mạnh chuyển đổi, nâng cấp các ngành dịch vụ bằng công nghệ số, thúc đẩy số hóa, nhất là các ngành có giá trị gia tăng như tài chính, ngân hàng, logistics, vận tải, du lịch…; thúc đẩy xuất khẩu thông qua các sàn thương mại điện tử xuyên biên giới; đưa Việt Nam trở thành trung tâm thương mại, tài chính của khu vực.

Hướng tới một xã hội số phát triển thì phải tiếp tục đẩy mạnh chuyển đổi số hướng tới nâng cao chất lượng dịch vụ y tế và sức khỏe; giáo dục, đào tạo và dạy nghề, bảo đảm an sinh xã hội; phát triển và nâng cấp các dịch vụ xã hội làm phong phú thêm đời sống văn hóa và tinh thần của người dân.

Sớm đưa 5G vào thương mại tại một số TP lớn

Về nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu thời gian tới, Thủ tướng nhấn mạnh 3 đột phá chiến lược số: Đột phá về thể chế số; Đột phá về hạ tầng số; Đột phá về nguồn nhân lực số; với phương châm "thể chế thông thoáng, hạ tầng thông suốt, nhân lực thông minh".

Cụ thể, về đột phá thể chế số, theo Thủ tướng, hoàn thiện hành lang pháp lý số cho mọi vấn đề liên quan đến kinh tế, giao dịch dân sự, sản xuất, kinh doanh… gắn với cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh; cải cách thủ tục hành chính, cắt giảm chi phí tuân thủ; miễn giảm thuế, phí, lệ phí.

Thủ tướng Phạm Minh Chính trao đổi với các đại biểu tại chương trình chào mừng Ngày chuyển đổi số quốc gia. Ảnh: N.Bắc

Ông cũng lưu ý, đẩy mạnh phân cấp, phân quyền đi đôi với phân bổ nguồn lực, nâng cao năng lực thực thi và tăng cường kiểm tra, giám sát với tinh thần "địa phương quyết, địa phương làm, địa phương chịu trách nhiệm".

Về đột phá hạ tầng số, Thủ tướng yêu cầu sớm đưa 5G vào thương mại tại một số TP lớn; đẩy mạnh đầu tư, nâng cấp hạ tầng trục viễn thông quốc gia và đa dạng hoá địa bàn, phương thức kết nối, mở rộng kết nối cáp quang biển quốc tế, phát triển vệ tinh. Nâng cấp và đẩy mạnh cung cấp dịch vụ viễn thông bằng vệ tinh.

Cùng với đó, nâng cấp và phát triển hạ tầng Internet vạn vật để tăng cường khả năng kết nối, thu thập, chia sẻ dữ liệu tự động, thông minh, phục vụ cho phát triển các ngành, lĩnh vực, đô thị thông minh.

Tạo lập quỹ đất sạch để hình thành và xây dựng các trung tâm công nghiệp kỹ thuật số quy mô lớn cho các ngành mới nổi để thu hút các dự án công nghệ cao, bán dẫn, vi mạch… Thủ tướng nhấn mạnh, cần khẩn trương xây dựng và đưa Trung tâm dữ liệu quốc gia số 1 đi vào hoạt động vào cuối năm 2025.

Về đào tạo và phát triển nguồn nhân lực số, Thủ tướng yêu cầu cần huy động cả nguồn lực Nhà nước và của xã hội, của người dân và doanh nghiệp, triển khai đồng bộ các cơ chế, chính sách, giải pháp, cần có ưu tiên để phát triển nguồn nhân lực số.

Ông quán triệt yêu cầu phải triển khai có hiệu quả Đề án "Phát triển nguồn nhân lực ngành công nghiệp bán dẫn đến năm 2030, định hướng đến năm 2045".

Ngoài ra, phấn đấu đưa toàn bộ các dịch vụ công lên các nền tảng số của Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương để tạo thuận lợi, giảm chi phí tuân thủ, chi phí đi lại, giảm tham nhũng, tiêu cực, phiền hà, sách nhiễu cho người dân và doanh nghiệp.

“Chào mừng Ngày chuyển đổi số quốc gia năm 2024”, Thủ tướng tin tưởng, công cuộc chuyển đổi số quốc gia sẽ chuyển biến nhanh, bền vững. toàn diện, bao trùm, thực chất, hiệu quả.

 “Người dân biết, hiểu, muốn chuyển đổi số là thành công"

Trước đó, tham gia tọa đàm về "thúc đẩy chuyển đổi số quốc gia lấy người dân, doanh nghiệp làm trung tâm", Phó Thủ tướng Nguyễn Hòa Bình và lãnh đạo các bộ, ngành đã trả lời nhiều câu hỏi về chiến lược phát triển kinh tế số, xã hội số; hạ tầng số, nhất là ở vùng sâu, vùng xa.

Phó Thủ tướng Thường trực Nguyễn Hòa Bình. Ảnh: N.Bắc

Trả lời câu hỏi về sứ mệnh dẫn dắt chuyển đổi số của Chính phủ, các nhiệm vụ, giải pháp thời gian tới, Phó Thủ tướng Thường trực Nguyễn Hòa Bình nêu rõ, chuyển đổi số làm biến đổi thế giới, mang lại nhiều tiện ích, là lựa chọn của nhiều quốc gia.

Để thúc đẩy mạnh mẽ chuyển đổi số, Chính phủ có vai trò kiến tạo, nâng đỡ. Trong đó, theo Phó Thủ tướng Thường trực, Chính phủ hoạch định chiến lược phát triển chuyển đổi số quốc gia, với yêu cầu đuổi kịp, tiến cùng và vượt lên, trong đó "tiến cùng và vượt lên về tư duy phải đi đầu”.

Cạnh đó, Chính phủ phải hoàn thiện cơ sở pháp lý vận hành xã hội số; quan tâm đầu tư về hạ tầng chuyển đổi số như điện, sóng, dữ liệu, nếu không có hạ tầng thì không chuyển đổi số được.

Việc nữa là đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao; đẩy mạnh giáo dục, tuyên truyền, nâng cao dân trí để thực hiện chuyển đổi số. “Mục đích cuối cùng của chuyển đổi số là phục vụ người dân”, Phó Thủ tướng nói.

Ông cũng trả lời câu hỏi liên quan chính sách đặc thù với người nghèo, người khuyết tật, người cao tuổi khó tiếp cận, khó sử dụng công nghệ và các dịch vụ công trực tuyến.

Chỉ ra một số giải pháp, theo ông, bên cạnh đưa các dịch vụ công lên các nền tảng số càng nhiều càng tốt; đầu tư hạ tầng điện, sóng thì cần vận động, hướng dẫn để người dân thành thạo kỹ năng chuyển đổi số.

Phó Thủ tướng ví dụ trong chuyến công tác gần đây tại Quảng Nam, ông được biết tỉnh này có chỉ số chuyển đổi số cao nhưng nhiều người dân lúc đầu không biết cả bấm điện thoại. Lúc đó, các tổ công nghệ số, cán bộ cấp ủy, chính quyền, bộ đội biên phòng, công an… cầm tay hướng dẫn.

“Người dân biết, hiểu, muốn chuyển đổi số thì chúng ta thành công”, Phó Thủ tướng nói.

Việt Nam tiến mạnh mẽ trong xếp hạng về chuyển đổi số quốc tế

Theo báo cáo, chỉ số phát triển Chính phủ điện tử năm 2024 tăng 15 bậc, xếp hạng 71/193; Chỉ số đổi mới sáng tạo toàn cầu năm 2024 tăng 2 bậc, xếp hạng 44/133; Chỉ số an toàn, an ninh mạng toàn cầu năm 2024 tăng 8 bậc, xếp hạng 17/194.

Doanh thu công nghiệp công nghệ số trong 9 tháng ước đạt 118 tỷ USD, tăng 17,8%; doanh thu từ hoạt động phần mềm và dịch vụ số là 6,64 tỷ USD, tăng 9,9%.

Xuất khẩu các sản phẩm công nghệ số 9 tháng ước đạt 100,8 tỷ USD, tăng 18,3%. Nhiều dự án đầu tư mới, mở rộng sản xuất, lắp ráp với giá trị hàng tỷ USD của Samsung, Qualcomm, Infineon, Amkor… Đồng thời, hàng chục dự án quy mô lớn đang được thương thảo.

Số hóa các ngành kinh tế đạt nhiều kết quả tích cực. Nhiều doanh nghiệp đã đẩy mạnh chuyển đổi số trong quản lý, đầu tư, xây dựng, sản xuất và ứng dụng nhiều công nghệ hiện đại như trí tuệ nhân tạo (AI), điện toán đám mây, internet vạn vật…

Thương mại điện tử tiếp tục có bước phát triển nhanh. Việt Nam thuộc nhóm 10 nước có tốc độ tăng trưởng thương mại điện tử hàng đầu thế giới (doanh thu năm 2023 đạt 20,5 tỷ USD, tăng 23%; dự kiến năm 2024 đạt 27,7-28 tỷ USD, tăng 36% -cao nhất 10 năm qua).

Ý kiến bình luận:

Ý kiến của bạn sẽ được xét duyệt khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.

Hiện chưa có bình luận nào, hãy trở thành người đầu tiên bình luận cho bài biết này!

Tin cùng chuyên mục

Tin mới nhất

Xem thêm
//