Ca khúc: Tự hào người làm báo Thanh tra

Theo dõi Báo Thanh tra trên

“Năm 2025, không tăng lương hưu và trợ cấp ưu đãi người có công thì niềm vui sẽ giảm”

Hương GIang

Thứ bảy, 26/10/2024 - 19:27

(Thanh tra) - Cho rằng năm 2025 là năm của các sự kiện lớn, những ngày lễ lớn của dân tộc, Đại biểu Quốc hội cho rằng, năm 2025 không tăng lương hưu và trợ cấp ưu đãi người có công thì niềm vui sẽ giảm.

Tiếp tục chương trình nghị sự kỳ họp 8, ngày 26/10, Quốc hội thảo luận tại tổ về tình hình kinh tế, xã hội. Vấn đề tiền lương nhận được sự quan tâm của nhiều đại biểu. Theo đại biểu Trần Hoàng Ngân, năm 2025 có thể chưa tăng lương khu vực công nhưng phải tăng lương hưu.

Chưa tăng lương khu vực công nhưng phải tăng lương hưu

Nhắc lại đề xuất của Chính phủ năm 2025 không tăng lương khu vực công và lương hưu, trợ cấp ưu đãi người có công, đại biểu Trần Hoàng Ngân (TP Hồ Chí Minh) cho biết, ông “chỉ ủng hộ một phần thôi”.

“Năm nay mình đã điều chỉnh tiền lương, thấy khá hơn một chút rồi, cũng tốt rồi nhưng cần lưu ý đến tiền lương khu vực giáo dục, đặc biệt ở các vùng sâu, vùng xa và lương, phụ cấp của đội ngũ y, bác sỹ. Quan trọng hơn là lương hưu thấp lắm”, ông Ngân nói.

Đại biểu Quốc hội Trần Hoàng Ngân cho rằng, năm 2025 không tăng lương hưu và trợ cấp ưu đãi người có công thì niềm vui sẽ giảm. Ảnh: Q.Phúc

Vì vậy, ông Ngân đề nghị Chính phủ xem xét, có thể chưa tăng lương khu vực công nhưng phải tăng lương hưu. Cạnh đó cần tăng trợ giúp an sinh xã hội, trợ cấp ưu đãi người có công.

“Năm 2025 nếu không tăng cái này thì thấy có cái gì đó ngượng ngượng, vì năm 2025 là năm của các sự kiện, những ngày lễ lớn của dân tộc, nhiều sự kiện lớn lắm. Do đó, không tăng lương lưu và trợ cấp ưu đãi người có công thì niềm vui sẽ giảm”, đại biểu Trần Hoàng Ngân bày tỏ.

Đại biểu Quốc hội Trần Hoàng Ngân cũng đề cập đến thuế thu nhập cá nhân.

“Tiền khấu trừ của người nộp thuế là 11 triệu, khấu trừ người phụ thuộc 4,4 triệu, hai mức này đối với các đô thị lớn là không đảm bảo. Phải tăng mức khấu trừ, cải thiện được cái đó thì thu nhập còn lại mới tăng được tiêu dùng, khi đó sẽ hỗ trợ cho tăng trưởng”, ông Ngân phân tích.

Nếu để tự lo thì “giáo dục ăn trên học sinh, y tế ăn trên người bệnh”

Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Tri Thức thì đề xuất điều chỉnh phụ cấp đối với nhân viên y tế.

“Cái gì cũng phải có chính sách thỏa đáng với công sức lao động của kỹ sư, thầy giáo hay nhân viên y tế… đã bỏ ra”, ông Thức nói và cho hay các khoản phụ cấp cho nhân viên y tế vẫn thực hiện theo Quyết định 73 năm 2011, đến nay đã 13 năm nên rất lạc hậu.

Ông Thức dẫn chứng mức phụ cấp trực 24/24h là 115.000 đồng/người, hỗ trợ tiền ăn 15.000 đồng/người đối với bệnh viện hạng 1, hạng đặc biệt; nhất là mức phụ cấp cho một ca mổ hạng đặc biệt kéo dài từ 6-8 tiếng chỉ là 1.480.000 đồng.

“Ca ghép thận hay phẫu thuật tim đòi hỏi kỹ thuật rất cao, bác sỹ phẫu thuật chính, bác sỹ gây mê chính được bồi dưỡng 280.000 đồng; hai bác sỹ phụ mổ, kỹ thuật viên gây mê 200.000 đồng; điều dưỡng giúp việc 120.000 đồng”, ông Thức cho hay.

Từ đó, ông mong Chính phủ có chỉ đạo để ngành Y tế trình dự thảo nghị định điều chỉnh mức phụ cấp nói trên cho nhân viên y tế.

Cho rằng ngành Y tế, giáo dục có đặc thù, đại biểu Phạm Khánh Phong Lan (đoàn TP Hồ Chí Minh) nói, với 2 ngành này nếu để tự lo thì “giáo dục sẽ ăn trên học sinh và y tế ăn trên người bệnh”.

Đại biểu Quốc hội Phạm Khánh Phong Lan.Ảnh: P.Thắng

“Nói thẳng là như vậy nên chúng ta không thể để tự lo một cách vô tổ chức được và đã diễn ra những hệ lụy như thời gian qua báo chí phản ánh. Rất đau xót”, bà Lan nhấn mạnh.

Đại biểu Phạm Khánh Phong Lan cho biết, không đồng ý với ý kiến cho rằng với đãi ngộ hiện nay “thầy cô giáo đã giàu lắm rồi, đi xe hơi vào trường”. Bởi, đi ô tô không đánh giá được giàu hay nghèo và đó chỉ là thiểu số.

“Cái chúng tôi cần là phải sống được bằng lương, đặc biệt là với những cán bộ y tế, giáo dục trẻ mới ra trường. Sau bao nhiêu năm làm việc, cống hiến, bậc lương tăng còn đỡ hơn, nhưng một người trẻ vừa ra trường, đầy nhiệt huyết, là lúc họ có những quyết định để bắt đầu cho cả cuộc đời sau này”, bà Lan nói.

Tuyển sinh viên giỏi vào khu vực công, các cháu hỏi ngay lương được bao nhiêu?

Ông Hoàng Minh Hiếu, Ủy viên Thường trực Ủy ban Pháp luật lưu ý, việc thu hút nhân tài vào khu vực công đang có những khó khăn nhất định. Bởi theo báo cáo của một số tỉnh, TP, dù đã có chính sách thu hút nhân tài nhưng trong 5 năm không thu hút được một nhân tài nào.

Ủy viên Thường trực Ủy ban Pháp luật Hoàng Minh Hiếu. Ảnh: P.Thắng

“Khi đặt vấn đề để sinh viên có chất lượng cao vào thì các em, các cháu hỏi ngay mức lương được bao nhiêu. Như bây giờ, mức lương khởi điểm rõ ràng không đủ để thuê nhà ở các TP lớn. Thậm chí có những em còn bảo lương một tháng khoảng hơn 5 triệu không mua được một cặp vé xem ca nhạc chứ đừng có nói đến chuyện thưởng thức văn hóa nghệ thuật...

Với mức lương như thế thì rõ ràng không thể nào thu hút được nguồn nhân lực chất lượng cao vào khu vực nhà nước”, ông Hiếu nói.

Trước quan điểm cho rằng "nếu là một người giỏi làm ở khu vực cộng với khu vực tư thì đều là đóng góp cho xã hội", ông Hiếu cho rằng, đúng nhưng nếu không coi trọng, chăm sóc khu vực công thì sẽ ảnh hưởng rất lớn đến kinh tế xã hội.

“Chúng ta xác xác định thể chế vẫn là “điểm nghẽn”, nếu không có những người có năng lực hoạch định chính sách hoặc hoạch định chưa phù hợp thì sẽ ảnh hưởng đến toàn bộ xã hội”, ông Hiếu nêu quan điểm.

Ý kiến bình luận:

Ý kiến của bạn sẽ được xét duyệt khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.

Hiện chưa có bình luận nào, hãy trở thành người đầu tiên bình luận cho bài biết này!

Tin cùng chuyên mục

Quốc hội “chốt” được bán thuốc online từ 1/7/2025

Quốc hội “chốt” được bán thuốc online từ 1/7/2025

(Thanh tra) - Từ 1/7/2025, cơ sở kinh doanh dược được bán thuốc theo phương thức thương mại điện tử với thuốc không kê đơn, trừ thuốc phải kiểm soát đặc biệt, thuốc hạn chế bán lẻ, theo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Dược được Quốc hội thông qua.

Hương Giang

15:59 21/11/2024

Tin mới nhất

Xem thêm