Ca khúc: Tự hào người làm báo Thanh tra

Theo dõi Báo Thanh tra trên

Thúc đẩy quan hệ Việt Nam-Séc thực chất, hiệu quả và sâu sắc hơn

Thứ năm, 24/10/2019 - 20:52

Các lãnh đạo cấp cao của Séc đều khẳng định Cộng hòa Séc coi Việt Nam là đối tác quan trọng hàng đầu tại Đông Nam Á, mong muốn phát triển quan hệ hữu nghị và hợp tác với Việt Nam.

Ông Trần Quốc Vượng, Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư đã hội đàm với ông Jan Hamacek - Phó Thủ tướng Thứ nhất, Bộ trưởng Bộ Nội vụ Cộng hòa Séc, Chủ tịch Đảng Xã hội Dân chủ Séc (CSSD). (Ảnh: Hồng Kỳ/TTXVN)

Theo phóng viên TTXVN tại Prague, ngày 23/10, Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư Trần Quốc Vượng đã có các cuộc gặp làm việc với Phó Thủ tướng Thứ nhất kiêm Bộ trưởng Bộ Nội vụ Séc, đồng thời là Chủ tịch Đảng Dân chủ Xã hội (CSSD) Jan Hamacek; Phó Thủ tướng kiêm Bộ trưởng Bộ Công thương Karel Havlicek; hội đàm với lãnh đạo Đảng Cộng sản Séc và Morava (KSCM).

Các cuộc gặp nhằm thúc đẩy quan hệ hữu nghị truyền thống giữa Việt Nam và Cộng hòa Séc thực chất, hiệu quả và sâu sắc hơn.

Các cuộc gặp diễn ra trong khuôn khổ chuyến thăm Cộng hòa Séc theo lời mời của Phó Chủ tịch Thứ nhất Hạ viện Séc, Chủ tịch Đảng Cộng sản Séc và Morava (KSCM) Vojtech Filip từ ngày 22-24/10.

Trong các cuộc làm việc, Thường trực Ban Bí thư Trần Quốc Vượng và các lãnh đạo cấp cao của Cộng hòa Séc đều nhất trí đánh giá mối quan hệ hữu nghị và hợp tác truyền thống giữa Việt Nam và Cộng hòa Séc trong những năm gần đây không ngừng được củng cố và phát triển.

Hai nước thường xuyên duy trì, tiếp xúc đối thoại chính trị cấp cao, tạo nền tảng chính trị vững chắc để thúc đẩy toàn diện hợp tác song phương, đặc biệt trong các lĩnh vực kinh tế-thương mại, an ninh-quốc phòng.

Những người Việt Nam được đào tạo tại Séc trước đây cũng như cộng đồng người Việt Nam tại Séc hiện nay đóng vai trò quan trọng là cầu nối góp phần tăng cường mối quan hệ truyền thống hữu nghị giữa hai nước.

Thường trực Ban Bí thư Trần Quốc Vượng cảm ơn sự giúp đỡ quý báu của Cộng hòa Séc dành cho Việt Nam trong sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc trước đây cũng như trong công cuộc xây dựng, bảo vệ và phát triển đất nước hiện nay, đồng thời khẳng định Việt Nam luôn coi trọng tăng cường quan hệ hữu nghị truyền thống và hợp tác toàn diện với Séc trên cả bình diện song phương và đa phương.

Thường trực Ban Bí thư nhấn mạnh trên cơ sở mối quan hệ hữu nghị truyền thống tốt đẹp giữa hai nước, Việt Nam mong muốn tăng cường quan hệ hợp tác trên kênh đảng và giao lưu nhân dân nhằm góp phần làm sâu sắc hơn quan hệ song phương.

Ông Trần Quốc Vượng, Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư tại buổi hội đàm. (Ảnh: Hồng Kỳ/TTXVN)

Các lãnh đạo cấp cao của Séc đều khẳng định Cộng hòa Séc coi Việt Nam là đối tác quan trọng hàng đầu tại Đông Nam Á, mong muốn phát triển quan hệ hữu nghị và hợp tác với Việt Nam, đặc biệt là trong các lĩnh vực kinh tế-thương mại, an ninh-quốc phòng và nhất trí phối hợp tổ chức tốt các hoạt động nhân kỷ niệm 70 năm thiết lập quan hệ ngoại giao giữa hai nước trong năm 2020.

Tại cuộc làm việc với Phó Thủ tướng Thứ nhất Jan Hamacek, kiêm Bộ trưởng Bộ Nội vụ Séc, đồng thời là Chủ tịch Đảng Dân chủ Xã hội Séc (CSSD), hai bên trao đổi nhằm tăng cường hợp tác giữa hai nước, nhất là trên lĩnh vực phòng chống tội phạm và bảo hộ công dân.

Thường trực Ban Bí thư Trần Quốc Vượng bày tỏ vui mừng trước những bước tích cực phát triển quan hệ hợp tác giữa hai nước trong khuôn khổ song phương cũng như trên các diễn đàn đa phương.

Thường trực Ban Bí thư cảm ơn Chính phủ Séc quan tâm, tạo điều kiện cho cộng đồng người Việt tại Séc trong quá trình hội nhập xã hội sở tại, đồng thời đề nghị tạo điều kiện thuận lợi cho việc đi lại của công dân hai nước nhằm thúc đẩy phát triển du lịch, giao lưu nhân dân cũng như trao đổi thương mại giữa hai nước.

Thường trực Ban Bí thư cũng cảm ơn Séc đã ủng hộ Việt Nam ứng cử vị trí Ủy viên không thường trực Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc nhiệm kỳ 2020-2021 và ủng hộ thúc đẩy ký kết Hiệp định Thương mại tự do giữa EU-Việt Nam (EVFTA) và Hiệp định Bảo hộ đầu tư giữa EU-Việt Nam (EVIPA).

Về phần mình, Phó Thủ tướng Jan Hamacek cho biết ông vừa có chuyến thăm thành công tới Việt Nam và thông báo tóm tắt kết quả chuyến thăm và chương trình hợp tác giữa Bộ Nội vụ Séc và Bộ Công an Việt Nam, đặc biệt là trong lĩnh vực đấu tranh phòng chống tội phạm và hoàn thiện vấn đề an ninh chuẩn bị cho đường bay thẳng giữa hai nước.

Thời gian tới, Chính phủ Séc sẽ có chính sách thông thoáng hơn trong việc cấp thị thực cho khách du lịch nước ngoài, trong đó Việt Nam.

Liên quan vấn đề Biển Đông, Thường trực Ban Bí thư cảm ơn phía Công hòa Séc đã khách quan, đứng về phía chính nghĩa, bảo vệ công lý, ủng hộ lập trường của Việt Nam giải quyết các tranh chấp trên Biển Đông bằng biện pháp hòa bình trên cơ sở luật pháp quốc tế, đặc biệt là Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển (UNCLOS) năm 1982, bảo đảm an ninh, an toàn, tự do hàng hải và hàng không trên Biển Đông.

Phó Thủ tướng Thứ nhất, Bộ trưởng Bộ Nội vụ Cộng hòa Séc Jan Hamacek tại buổi hội đàm. (Ảnh: Hồng Kỳ/TTXVN)

Phó Thủ tướng Séc khẳng định lại lập trường như đã đề cập trong cuộc gặp với Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc tại Hà Nội trong chuyến thăm Việt Nam mới đây, rằng Séc ủng hộ Việt Nam việc giải quyết tranh chấp trên biển bằng giải pháp đàm phán, hòa bình, trên cơ sở luật pháp quốc tế.

Tại cuộc làm việc với Phó Thủ tướng kiêm Bộ trưởng Bộ Công thương Karel Havlicek, hai bên trao đổi nhằm tăng cường hợp tác giữa hai nước trên các lĩnh vực kinh tế-thương mại, đào tạo và mua sắm trang thiết bị quốc phòng.

Thường trực Ban Bí thư Trần Quốc Vượng bày tỏ vui mừng trước sự phát triển tốt đẹp của mối quan hệ hợp tác giữa hai nước trong thời gian qua, trong đó hợp tác kinh tế-thương mại đã có bước phát triển tích cực với kim ngạch thương mại hai chiều đến nay đạt gần 1,2 tỷ USD.

Tuy nhiên, hợp tác kinh tế-thương mại vẫn chưa tương xứng với tiềm năng và thế mạnh của mỗi nước.

Thường trực Ban Bí thư cảm ơn Cộng hòa Séc đã ủng hộ thúc đẩy ký kết EVFTA và EVIPA, đồng thời mong muốn Séc, với tư cách là thành viên tích cực của EU, tiếp tục ủng hộ việc phê chuẩn hai hiệp định này nhằm góp phần thúc đẩy hợp tác kinh tế-thương mại giữa Việt Nam và EU.

Về phần mình, Phó Thủ tướng kiêm Bộ trưởng Bộ Công thương Séc Karel Havlicek cho biết các cuộc tiếp xúc và chuyến thăm giữa lãnh đạo cấp cao hai nước trong thời gian qua cho thấy hai bên thể hiện thiện chí để mở rộng và thúc đẩy hợp tác song phương, đặc biệt là trong lĩnh vực kinh tế-thương mại.

Thời gian tới, Séc mong muốn ký thỏa thuận hợp tác với Việt Nam trong lĩnh vực thăm dò địa chất, khai thác khoáng sản; nghiên cứu khoa học, đào tạo; sản xuất, chuyển giao công nghệ cao, an ninh-quốc phòng.

Tại các cuộc tiếp xúc và trao đổi với Chủ tịch Đảng Cộng sản Séc-Morava (KSCM) Vojtech Filip cũng như hội đàm với lãnh đạo đảng KSCM - Phó Chủ tịch thứ nhất Petr Simunek, Phó Chủ tịch Vaclav Ort, hai bên đã thảo luận các biện pháp cụ thể nhằm tăng cường quan hệ giữa hai nước, trong đó có hợp tác hiệu quả hơn trên kênh đảng.

Thường trực Ban Bí thư Trần Quốc Vượng đánh giá quan hệ hai nước trong những năm gần đây đã phát triển lên tầm cao và sâu sắc hơn, đặc biệt là thông qua các cuộc tiếp xúc và chuyến thăm của lãnh đạo cấp cao hai nước.

Chuyến thăm làm việc tại Séc lần này của Đoàn đại biểu cấp cao Đảng Cộng sản Việt Nam khẳng định Việt Nam luôn coi trọng và mong muốn làm sâu sắc hơn quan hệ hữu nghị truyền thống với Cộng hòa Séc, đặc biệt trong lĩnh vực kinh tế-thương mại, an ninh-quốc phòng.

Trên các diễn đàn quốc tế, hai nước cũng thể hiện tương đồng về quan điểm và ủng hộ lập trường của nhau.

Nhân dịp này, Việt Nam cảm ơn Chính phủ Séc quan tâm, tạo điều kiện cho cộng đồng người Việt tại Séc trong quá trình hội nhập vào xã hội sở tại cũng như ủng hộ Việt Nam ứng cử vị trí Ủy viên không thường trực Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc nhiệm kỳ 2020-2021.

Về hợp tác kênh Đảng giữa hai nước, Thường trực Ban Bí thư đánh giá cao vai trò của KSCM, đặc biệt là cá nhân Chủ tịch KSCM Vojtech Filip đối với quan hệ hai Đảng, cũng như hai nước, khẳng định Việt Nam luôn coi trọng và mong muốn tăng cường quan hệ hữu nghị truyền thống với Cộng hòa Séc trên kênh đảng, nhất là với Đảng KSCM đồng thời mong muốn xây dựng quan hệ hợp tác với các đảng trong liên minh cầm quyền và các đảng khác có vai trò quan trọng trên chính trường Séc nhằm tạo cơ sở chính trị vững chắc để thúc đẩy toàn diện quan hệ hợp tác song phương.

Thường trực Ban Bí thư cũng trao đổi với lãnh đạo KSCM về diễn biến căng thẳng tình hình Biển Đông gần đây do sự gia tăng các hành động đơn phương, vi phạm nghiêm trọng luật pháp quốc tế, quyền chủ quyền và quyền tài phán của Việt Nam, đe dọa hòa bình, an ninh và an toàn tự do hàng hải và hàng không ở Biển Đông.

Việt Nam chủ trương giải quyết các tranh chấp bằng biện pháp hòa bình trên cơ sở luật pháp quốc tế, nhất là UNCLOS 1982.

Trên cơ sở mối quan hệ truyền thống hữu nghị và hợp tác tin cậy giữa hai nước và hai đảng, Thường trực Ban bí thư đề nghị Cộng hòa Séc có tiếng nói khách quan, bảo vệ công lý, bảo vệ chính nghĩa và kêu gọi tôn trọng luật pháp quốc tế.

Lãnh đạo KSCM nhất trí với ý kiến của Thường trực Ban Bí thư về quan hệ giữa hai Đảng và hai nước, cho rằng cộng đồng người Việt Nam tại Séc là một cộng đồng ổn định, chăm chỉ, có nhiều đóng góp vào đời sống kinh tế-xã hội Séc và là cầu nối quan trọng góp phần thúc đẩy quan hệ giữa hai nước.

KSCM mong muốn hai đảng thường xuyên trao đổi thông tin về hai Đảng, hai nước và tình hình chính trị thế giới để góp phần thúc đẩy hợp tác giữa hai Đảng, hai nước trên cơ sở mối quan hệ hiểu biết và tin cậy lẫn nhau.

Cũng trong ngày 23/11, Thường trực Ban Bí thư Trần Quốc Vượng đã thăm và nói chuyện thân mật với tập thể cán bộ, nhân viên Đại sứ quán Việt Nam tại Séc.

Thường trực Ban Bí thư đã cập nhật thông tin về tình hình trong nước để cán bộ trong Đại sứ quán cũng như bà con kiều bào hiểu rõ hơn và tin tưởng vào vai trò lãnh đạo của Đảng, trong đó nhấn mạnh 4 thành tựu quan trọng của Việt Nam trong thời gian gần đây trong các lĩnh vực ngoại giao, kinh tế-xã hội, công tác chỉnh đốn và xây dựng Đảng, an ninh-quốc phòng, sự đoàn kết của hệ thống chính trị.

Thường trực Ban Bí thư đánh giá cao vai trò của Đại sứ quán đối với quá trình phát triển của cộng đồng người Việt tại Séc, đặc biệt là góp phần thúc đẩy Chính phủ Séc công nhận người Séc gốc Việt là dân tộc thiểu số và mong muốn Đại sứ quán tiếp tục thực hiện tốt nhiệm vụ đối ngoại nhằm thúc đẩy quan hệ giữa hai nước.

Trước đó, ngày 22/10, Thường trực Ban Bí thư Trần Quốc Vượng đã dự lễ kỷ niệm 20 năm thành lập Hội người Việt Nam tại Séc tại Trung tâm thương mại SAPA.

Thường trực Ban Bí thư đánh giá cộng đồng người Việt tại Séc là cộng đồng đoàn kết, có trình độ văn hóa cao, biết tổ chức, cần cù làm ăn.

Thường trực Ban Bí thư biểu dương lãnh đạo Hội và các hội thành viên đã tập hợp đoàn kết, động viên bà con người Việt ở Séc giúp đỡ, tương trợ lẫn nhau trong cuộc sống và làm việc, hội nhập tốt vào xã hội sở tại và có nhiều hoạt động hướng về quê hương, đất nước.

Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư Trần Quốc Vượng đến dự Lễ kỷ niệm 20 năm Ngày thành lập Hội người Việt Nam tại Cộng hòa Séc. (Ảnh: Hồng Kỳ/TTXVN)

Nhân dịp này, Thường trực Ban Bí thư đã thay mặt lãnh đạo Đảng, Nhà nước Việt Nam trao Huân chương Lao động hạng Nhì cho Hội người Việt Nam tại Séc và cá nhân ông Hoàng Đình Thắng, Chủ tịch danh dự của Hội về những đóng góp to lớn cho cộng đồng người Việt tại Séc.

Chuyến thăm làm việc tại Cộng hòa Séc của Đoàn đại biểu cấp cao Việt Nam do Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư dẫn đầu đã góp phần làm sâu sắc và thúc đẩy mối quan hệ hữu nghị truyền thống giữa Việt Nam và Cộng hòa Séc thực chất, hiệu quả hơn, trong bối cảnh hai nước đang tích cực chuẩn bị các hoạt động kỷ niệm 70 năm thiết lập quan hệ ngoại giao (2/1950-2/2020).

Theo Hồng Kỳ-Trần Hiếu-Công Thuận (TTXVN/Vietnam+)

Ý kiến bình luận:

Ý kiến của bạn sẽ được xét duyệt khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.

Hiện chưa có bình luận nào, hãy trở thành người đầu tiên bình luận cho bài biết này!

Tin cùng chuyên mục

Việt Nam công bố tái ứng cử Hội đồng Nhân quyền Liên hợp quốc nhiệm kỳ 2026-2028

Việt Nam công bố tái ứng cử Hội đồng Nhân quyền Liên hợp quốc nhiệm kỳ 2026-2028

(Thanh tra) - “Nếu trúng cử vào Hội đồng Nhân quyền Liên hợp quốc nhiệm kỳ 2026-2028, Việt Nam sẽ thúc đẩy thực hiện các mục tiêu chung của Hội đồng Nhân quyền là bảo đảm ngày càng tốt hơn việc thụ hưởng quyền con người của mọi người dân trên toàn thế giới”, Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Đỗ Hùng Việt khẳng định.

T.Thanh

12:17 13/12/2024

Tin mới nhất

Xem thêm