Theo dõi Báo Thanh tra trên
PV
Thứ hai, 22/05/2023 - 11:09
(Thanh tra)- Chuyến công tác của Thủ tướng Phạm Minh Chính tham dự Hội nghị thượng đỉnh G7 mở rộng và làm việc tại Nhật Bản một lần nữa khẳng định và góp phần củng cố vị thế, vai trò ngày càng quan trọng của Việt Nam trên trường quốc tế.
Chuyến công tác để lại dấu ấn sâu đậm về tiếng nói và đóng góp của Việt Nam trong các vấn đề toàn cầu; đồng thời làm sâu sắc hơn quan hệ với các đối tác, đặc biệt là thúc đẩy quan hệ Đối tác chiến lược sâu rộng Việt Nam - Nhật Bản ngày càng đi vào chiều sâu, thực chất, hiệu quả hơn. Mối quan hệ Việt Nam - Nhật Bản đang ở giai đoạn tốt đẹp nhất từ trước tới nay.
Đêm ngày 21/5, Thủ tướng Phạm Minh Chính và đoàn đại biểu cấp cao Việt Nam đã về tới Hà Nội, kết thúc tốt đẹp chuyến công tác tham dự Hội nghị thượng đỉnh G7 mở rộng và làm việc tại Nhật Bản từ ngày 19 đến 21/5/2023 theo lời mời của Thủ tướng Nhật Bản Kishida Fumio.
Chuyến công tác đã thành công tốt đẹp cả trên phương diện đa phương và song phương. Trong gần ba ngày, Thủ tướng đã chủ trì, tham dự khoảng 40 hoạt động, gồm các phiên họp của Hội nghị, các cuộc tiếp xúc với lãnh đạo Nhật Bản, các giới, doanh nghiệp, bạn bè Nhật Bản và các cuộc trao đổi, gặp gỡ với lãnh đạo các nước và các tổ chức quốc tế.
Đóng góp quan trọng cho các vấn đề đa phương
Việt Nam là 1 trong 8 nước trên toàn thế giới, 1 trong 2 nước trong ASEAN (cùng với nước Chủ tịch ASEAN 2023 Indonesia) là khách mời của Hội nghị thượng đỉnh G7 mở rộng. Đây là lần thứ 3 Việt Nam tham dự Hội nghị, cho thấy sự coi trọng của Nhật Bản nói riêng và Nhóm G7 nói chung đối với vị thế, vai trò của Việt Nam trong khu vực và trên thế giới.
Thủ tướng Phạm Minh Chính đã dự và phát biểu tại ba phiên họp của Hội nghị: “Cùng hợp tác xử lý đa khủng hoảng”, “Nỗ lực chung vì một hành tinh bền vững” và “Hướng đến một thế giới hòa bình, ổn định và thịnh vượng”, đưa ra nhiều đề xuất thiết thực, phù hợp nhằm thúc đẩy hợp tác trong giải quyết các vấn đề chung của quốc tế và khu vực, đóng góp những cách tiếp cận và giải pháp quan trọng từ góc độ một nước đang phát triển, đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế sâu rộng, toàn diện.
Tại Phiên họp “Hướng tới một thế giới hòa bình, ổn định và thịnh vượng”, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã nêu bật ba thông điệp của Việt Nam về hòa bình, ổn định và phát triển.
Thứ nhất, bảo đảm môi trường hoà bình, ổn định cho hợp tác và phát triển, vừa là nền tảng thiết yếu, vừa là đích đến cuối cùng vì sự phát triển bền vững, thịnh vượng trên toàn thế giới cũng như từng quốc gia, khu vực. Hòa bình là mục tiêu tối thượng của hợp tác quốc tế, là giá trị chung của nhân loại; hòa bình bền vững, thượng tôn pháp luật và phát triển bền vững có mối quan hệ hữu cơ, gắn bó chặt chẽ. Thủ tướng nhấn mạnh Việt Nam đề cao cách tiếp cận tổng thể về các vấn đề hòa bình, an ninh và phát triển; hoà bình là nền tảng, đoàn kết, hợp tác là động lực, phát triển bền vững là mục tiêu.
Trải qua nhiều cuộc chiến tranh, nhờ có hoà bình, Việt Nam từ một nước nghèo đã vươn lên thành một quốc gia thu nhập trung bình, đặt mục tiêu trở thành nước phát triển, thu nhập cao vào năm 2045. Thủ tướng nhấn mạnh Việt Nam sẽ làm hết sức mình, cùng chung tay đóng góp cho hoà bình, ổn định và phát triển bền vững của nhân loại; mong muốn chấm dứt xung đột, không sử dụng và đe doạ sử dụng vũ khí hạt nhân, tôn trọng chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ, bảo đảm an ninh lương thực, an ninh năng lượng, an ninh con người.
Thứ hai, Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh thông điệp về tinh thần thượng tôn pháp luật, tôn trọng Hiến chương Liên hợp quốc và luật pháp quốc tế, giải quyết mọi tranh chấp bằng biện pháp hòa bình cần được đề cao và cần được thực hiện bằng những cam kết cụ thể; kêu gọi các bên liên quan trong mọi cuộc xung đột giải quyết thông qua đối thoại và đàm phán để tìm ra các giải pháp lâu dài, tính tới lợi ích chính đáng của các bên. Thủ tướng khẳng định Việt Nam không chọn bên mà chọn chính nghĩa, công bằng, công lý và lẽ phải.
Đối với khu vực, Thủ tướng mong muốn cộng đồng quốc tế và các đối tác tiếp tục ủng hộ vai trò trung tâm của ASEAN trong xây dựng khu vực hoà bình, ổn định, hợp tác và tự cường. Theo đó, các nước thực hiện nghiêm túc Tuyên bố về ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC) và tiến tới đạt Bộ quy tắc ứng xử ở Biển Đông (COC) thực chất, hiệu quả, phù hợp với luật pháp quốc tế, nhất là Công ước Liên hợp quốc về Luật biển năm 1982 (UNCLOS 1982); đề nghị các bên kiềm chế, không có các hành động làm phức tạp tình hình, vi phạm chủ quyền, quyền chủ quyền và quyền tài phán của các nước liên quan đã được UNCLOS 1982 xác lập.
Thứ ba, Thủ tướng Phạm Minh Chính khẳng định sự chân thành, lòng tin chiến lược và tinh thần trách nhiệm có ý nghĩa đặc biệt quan trọng để giải quyết các thách thức toàn cầu hiện nay. Với Việt Nam, các giá trị đó thể hiện qua việc triển khai nhất quán đường lối đối ngoại độc lập tự chủ, hòa bình, hữu nghị, hợp tác và phát triển, đa dạng hóa, đa phương hóa, là bạn tốt, là đối tác tin cậy, là thành viên tích cực, có trách nhiệm của cộng đồng quốc tế.
Tại Phiên họp “Cùng hợp tác xử lý đa khủng hoảng”, Thủ tướng chia sẻ, bối cảnh chưa có tiền lệ hiện tại đòi hỏi phải hành động vượt ra ngoài tiền lệ với cách tiếp cận toàn cầu, toàn dân và đề cao chủ nghĩa đa phương; nhấn mạnh yêu cầu cấp thiết là thúc đẩy và tạo ra những động lực mới cho phục hồi tăng trưởng và phát triển kinh tế toàn cầu theo hướng xanh hơn, sạch hơn, bền vững hơn.
Thủ tướng đề xuất cần nâng cao hiệu quả quản trị kinh tế toàn cầu, tăng cường phối hợp chính sách, nhất là về lãi suất, tài chính - tiền tệ, thương mại và đầu tư, cải cách hệ thống thương mại đa phương với vai trò trung tâm của WTO. Thủ tướng hoan nghênh sáng kiến của G7 về Đối tác cơ sở hạ tầng và đầu tư toàn cầu (PGII); đề nghị G7 tiếp tục hỗ trợ các nước đang phát triển thông qua cung cấp tài chính xanh, hợp tác phát triển hệ thống hạ tầng chiến lược, nhất là về giao thông.
Trên tinh thần đó, Thủ tướng khẳng định Việt Nam đánh giá cao Tuyên bố hành động Hiroshima về an ninh lương thực tự cường toàn cầu; đề nghị G7 và đối tác đẩy mạnh mở cửa thị trường nông sản, thúc đẩy hợp tác nông nghiệp xanh, tăng cường tham gia và hỗ trợ triển khai các cơ chế hợp tác Nam - Nam và ba bên trong bảo đảm an ninh lương thực toàn cầu. Thủ tướng khẳng định Việt Nam sẵn sàng đẩy mạnh sản xuất lương thực để đóng góp vào thực hiện Tuyên bố Hiroshima.
Thủ tướng nhấn mạnh quyết tâm và hành động trên quy mô toàn cầu nhằm thực hiện các Mục tiêu phát triển bền vững (SDG) có ý nghĩa quan trọng hơn bao giờ hết. Trên tinh thần không để ai, không để quốc gia nào bị bỏ lại phía sau, Thủ tướng kêu gọi các nước G7 và các đối tác phát triển có chương trình hành động cụ thể, tăng cường hỗ trợ nguồn lực thực hiện các mục tiêu SDG, thu hẹp khoảng cách số, làm chủ công nghệ tiên tiến, bảo đảm an ninh nguồn nước xuyên biên giới, thực thi bình đẳng giới và xây dựng các cơ chế hiệu quả để ứng phó với các tình huống y tế khẩn cấp trong tương lai.
Nhân dịp này, Thủ tướng Phạm Minh Chính bày tỏ Việt Nam luôn trân trọng sự giúp đỡ thiết thực, kịp thời của các nước G7 và cộng đồng quốc tế, các doanh nghiệp trong cuộc chiến chống đại dịch COVID-19 và phục hồi, phát triển kinh tế - xã hội sau đại dịch.
Tại Phiên họp “Nỗ lực chung vì một hành tinh bền vững”, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính nhấn mạnh thông điệp phát triển bền vững, ứng phó với biến đổi khí hậu, giảm phát thải và chuyển đổi năng lượng chỉ có thể thành công thông qua cách tiếp cận toàn cầu, toàn dân, đề cao chủ nghĩa đa phương, tự lực, tự cường của mỗi quốc gia và hợp tác quốc tế sâu rộng.
Thủ tướng nêu quan điểm về bảo đảm công bằng, hợp lý, tính tới điều kiện, trình độ khác biệt giữa các nước; bảo đảm cân bằng chiến lược giữa chuyển đổi năng lượng sạch và an ninh năng lượng toàn cầu; xây dựng các lộ trình chuyển đổi năng lượng công bằng, đa dạng, có tính thực tiễn cao và phù hợp với quy luật thị trường.
Thủ tướng nhấn mạnh nguồn nhân lực, khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo là động lực trung tâm cho phát triển bền vững của mọi quốc gia, là lời giải cho bài toán vừa tăng trưởng nhanh, vừa bền vững. Thủ tướng đề nghị các nước G7 và các tổ chức quốc tế tăng cường hỗ trợ các nước đang phát triển về chuyển giao công nghệ, nâng cao năng lực về thể chế, hạ tầng, nhân lực, phương pháp quản trị, xây dựng hệ sinh thái phát triển năng lượng sạch.
Thủ tướng cho rằng việc huy động và sử dụng hiệu quả các nguồn lực là yếu tố then chốt cho phát triển bền vững. Các nước G7 cần ưu tiên triển khai kịp thời, hiệu quả các cam kết tài chính cho phát triển, đáp ứng yêu cầu cấp bách là xoá, giãn và cơ cấu lại nợ cho các nước nghèo. Thủ tướng đề xuất cần tiếp cận sáng tạo trong huy động các nguồn tài chính đa dạng, chú trọng hợp tác công tư (PPP), tài chính hỗn hợp gắn với sự tham gia của khu vực tư nhân, đầu tư nước ngoài.
Về Việt Nam, Thủ tướng khẳng định quyết tâm thực hiện mục tiêu đưa phát thải ròng về 0 vào năm 2050 dù Việt Nam vẫn là nước đang phát triển, đang chuyển đổi, là nước đã trải qua nhiều cuộc chiến tranh. Đánh giá đây là thách thức rất lớn nhưng là con đường Việt Nam lựa chọn trên cơ sở phát huy nội lực là chiến lược, quyết định, cơ bản, lâu dài, ngoại lực là quan trọng, đột phá.
Thủ tướng Chính phủ nhấn mạnh ủng hộ sáng kiến “Cộng đồng phát thải ròng bằng không Châu Á” (AZEC) của Nhật Bản và đề xuất các nước G7 và đối tác tiếp tục đồng hành với Việt Nam triển khai Thỏa thuận Quan hệ Đối tác chuyển đổi năng lượng công bằng (JETP) một cách thực chất, hiệu quả; góp phần giúp Việt Nam phát huy tiềm năng, lợi thế, trở thành một trung tâm năng lượng tái tạo khu vực, tham gia sâu vào các chuỗi sản xuất công nghiệp phụ trợ về năng lượng sạch, kinh tế tuần hoàn. Khẳng định gió, mặt trời là các nguồn năng lượng không ai có thể lấy đi, Thủ tướng chia sẻ việc Việt Nam vừa công bố Quy hoạch phát triển điện lực quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn tới năm 2050 để thúc đẩy phát triển năng lượng tái tạo.
Thủ tướng mong muốn tiếp tục nhận được sự hỗ trợ và hợp tác hiệu quả trong quản lý, sử dụng bền vững nguồn nước, nâng cao năng lực ứng phó với biến đổi khí hậu và nước biển dâng, nhất là tại vùng đồng bằng sông Cửu Long của Việt Nam, cũng như ủng hộ Tiểu vùng Mê Công phát triển bền vững.
Những ý tưởng và đề xuất của Thủ tướng Chính phủ được các nhà lãnh đạo các nước và các tổ chức quốc tế đánh giá cao, góp phần xây dựng cách tiếp cận cân bằng, tổng thể nhằm giải quyết các thách thức toàn cầu. Sự tham gia thực chất, trách nhiệm của Việt Nam cũng đã đóng góp quan trọng vào các nỗ lực chung của cộng đồng quốc tế nhằm duy trì hòa bình, ổn định, thúc đẩy phục hồi, phát triển kinh tế, trên cơ sở bình đẳng, cùng có lợi, phù hợp với quan tâm, lợi ích của các nước đang phát triển.
Làm sâu sắc quan hệ với các đối tác, thúc đẩy mạnh mẽ quan hệ Đối tác chiến lược sâu rộng Việt Nam - Nhật Bản
Về song phương, chuyến công tác với nhiều hoạt động phong phú, hiệu quả, thực chất với lãnh đạo và các giới của Nhật Bản và lãnh đạo các nước, các tổ chức quốc tế, các tập đoàn lớn của thế giới đã góp phần tiếp tục làm sâu sắc quan hệ với các đối tác.
Với nước chủ nhà Nhật Bản, Thủ tướng Chính phủ đã có 13 cuộc làm việc, bao gồm Hội đàm với Thủ tướng Kishida Fumio, tiếp Thống đốc, Chủ tịch Hội đồng tỉnh Hiroshima, các nghị sĩ Quốc hội có khu vực bầu cử tại Hiroshima, các Hội hữu nghị với Việt Nam, lãnh đạo các hiệp hội, tập đoàn lớn của Nhật Bản, dự và phát biểu tại Tọa đàm kinh doanh Việt - Nhật; gặp gỡ cộng đồng người Việt tại Nhật Bản.
Hai bên thống nhất cho rằng quan hệ Việt Nam - Nhật Bản đang ở giai đoạn tốt đẹp nhất trong lịch sử, xứng tầm quan hệ đối tác chiến lược sâu rộng trên cơ sở chân thành, tình cảm, tin cậy, vì hòa bình, hợp tác, phát triển trong khu vực, trên thế giới và vì lợi ích của nhân dân mỗi nước. Chính giới Nhật Bản gồm lãnh đạo Chính phủ, nghị sĩ Quốc hội, lãnh đạo địa phương và lãnh đạo các tập đoàn, các hội hữu nghị của Nhật Bản đều hoan nghênh sự tham gia, đóng góp tích cực và hiệu quả của đoàn Việt Nam, góp phần vào thành công Hội nghị G7 mở rộng; khẳng định Việt Nam có vị thế quan trọng hàng đầu trong việc triển khai chính sách đối ngoại của Nhật Bản tại khu vực; ủng hộ tăng cường hợp tác với Việt Nam trên cơ sở tin cậy cao về chính trị, thực chất về kinh tế và phong phú về giao lưu văn hóa nhân dân và xã hội, đáp ứng nguyện vọng và lợi ích của nhân dân hai nước.
Trong không khí trao đổi chân thành, thân tình và tin cậy, các cuộc gặp đã đạt nhiều kết quả quan trọng.
Một là, Thủ tướng Phạm Minh Chính và Thủ tướng Nhật Bản Kishida Fumio đã nhất trí tiếp tục nỗ lực đưa quan hệ Đối tác chiến lược sâu rộng Việt Nam - Nhật Bản vì hòa bình và thịnh vượng ở châu Á lên tầm cao mới, đặc biệt trong năm 2023 - dịp kỷ niệm 50 năm thiết lập quan hệ ngoại giao Việt Nam - Nhật Bản.
Hai là, hai bên đạt một số kết quả thực chất trong lĩnh vực hợp tác ODA và đầu tư với việc ký kết 3 văn kiện hợp tác ODA trị giá 61 tỷ Yên (khoảng 500 triệu USD) cho các dự án Chương trình ODA thế hệ mới giúp phục hồi và phát triển kinh - xã hội hậu COVID-19, dự án cải thiện hạ tầng giao thông công cộng tại tỉnh Bình Dương, dự án cải thiện hạ tầng phát triển nông nghiệp tại tỉnh Lâm Đồng. Lãnh đạo hai nước cũng nhất trí thúc đẩy khả năng Nhật Bản cung cấp ODA thế hệ mới với tính ưu đãi cao, thủ tục đơn giản, linh hoạt cho các dự án phát triển hạ tầng chiến lược quy mô lớn của Việt Nam.
Ba là, hai bên đã đạt nhận thức chung về việc thúc đẩy hơn nữa hợp tác trong các lĩnh vực mới nhiều tiềm năng như chuyển đổi xanh, chuyển đổi số, giảm phát thải, chuyển đổi năng lượng,…
Bốn là, hai bên nhất trí tiếp tục thúc đẩy và làm sâu sắc hơn giao lưu nhân dân, hợp tác địa phương, giáo dục-đào tạo, du lịch với hình thức phong phú, chất lượng, hiệu quả cao. Hai bên sẽ phối hợp chặt chẽ trong việc hỗ trợ và tạo điều kiện cho cộng đồng gần nửa triệu người Việt Nam sinh sống, học tập và làm việc thuận lợi tại Nhật Bản, tiếp tục là cầu nối thúc đẩy hợp tác giữa hai nước trong thời gian tới.
Năm là, hai bên nhất trí tăng cường phối hợp trong các vấn đề quốc tế và khu vực cùng quan tâm và tại các diễn đàn như Liên hợp quốc, ASEAN, APEC, ASEM, Mê Công… và vấn đề Biển Đông.
Với các đối tác khác, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã có hàng chục cuộc tiếp xúc song phương trên tinh thần cởi mở, thẳng thắn, chân thành với tất cả các nhà lãnh đạo G7, các nước khách mời, các tổ chức quốc tế để trao đổi các biện pháp cụ thể, thực chất thúc đẩy quan hệ song phương và tăng cường phối hợp trong các vấn đề cùng quan tâm.
Trong trao đổi, các đối tác đều đề cao vai trò, vị thế của Việt Nam và bày tỏ sẵn sàng tăng cường hợp tác nhiều mặt với Việt Nam, trọng tâm là hợp tác kinh tế-thương mại, giải quyết các vấn đề đang nổi lên như an ninh lương thực, an ninh năng lượng, ứng phó với biến đổi khí hậu, kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn, đổi mới sáng tạo.
Tại Hội nghị và các cuộc tiếp xúc song phương, lãnh đạo các nước đều nhấn mạnh tầm quan trọng của việc bảo đảm an ninh, an toàn hàng hải, hàng không, giải quyết mọi tranh chấp, bất đồng bằng các biện pháp hòa bình trên cơ sở luật pháp quốc tế, đặc biệt là Công ước Liên hợp quốc về Luật biển (UNCLOS) 1982; thực hiện đầy đủ Tuyên bố về ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC), sớm hoàn tất Bộ quy tắc ứng xử ở Biển Đông (COC) hiệu quả, thực chất.
Thúc đẩy làn sóng đầu tư mới của Nhật Bản vào Việt Nam
Một điểm nhấn quan trọng trong chuyến công tác của Thủ tướng Chính phủ là các cuộc gặp gỡ với các hiệp hội, lãnh đạo các tập đoàn, doanh nghiệp hàng đầu của Nhật Bản, từ đó thúc đẩy làn sóng đầu tư mới của Nhật Bản vào Việt Nam trên tinh thần lợi ích hài hòa, rủi ro chia sẻ.
Có thể nói, hợp tác ODA thế hệ mới, đặc biệt trong lĩnh vực hạ tầng chiến lược và thúc đẩy hợp tác kinh tế, thương mại sẽ là những định hướng trọng tâm của quan hệ Đối tác chiến lược sâu rộng Việt Nam - Nhật Bản trong giai đoạn mới.
Các nhà đầu tư Nhật Bản đánh giá Việt Nam là nền kinh tế năng động hàng đầu khu vực, đang phát triển nhanh với đội ngũ nhân lực dồi dào và có trình độ ngày càng được nâng cao, môi trường đầu tư kinh doanh của Việt Nam ngày càng được cải thiện, Chính phủ, các bộ, ngành và địa phương của Việt Nam luôn đồng hành, hỗ trợ các nhà đầu tư; Việt Nam trở thành cơ sở quan trọng nhất của nhiều doanh nghiệp Nhật Bản. Trên cơ sở hai nước có nhiều điểm tương đồng, gần gũi về lịch sử - văn hóa, quan hệ hai nước đang ở giai đoạn tốt đẹp, đại diện các doanh nghiệp trình bày các ý tưởng kinh doanh với cam kết thúc đẩy đầu tư trên các lĩnh vực như đề xuất của Thủ tướng Phạm Minh Chính.
Thủ tướng đề nghị phía Nhật Bản tăng cường hợp tác, đầu tư với Việt Nam trong các lĩnh vực công nghiệp công nghệ cao, công nghiệp phụ trợ, linh kiện điện tử, ô tô điện...; khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo, nghiên cứu và phát triển; kinh tế xanh, kinh tế số, kinh tế tuần hoàn, kinh tế tri thức; sản xuất chất bán dẫn, năng lượng mới (như hydrogen), năng lượng tái tạo; khu công nghiệp sinh thái gắn với đô thị thông minh; đây là những ngành, lĩnh vực mà Nhật Bản có kinh nghiệm và thế mạnh, Việt Nam có nhu cầu và tiềm năng.
Cùng với đó, hỗ trợ Việt Nam gia tăng chuỗi giá trị sản phẩm nông nghiệp thông qua chuyển giao công nghệ, nâng cao năng lực trong lĩnh vực phân phối, chế biến; thúc đẩy thủ tục và phối hợp thời điểm sớm công bố quả nho Nhật Bản vào Việt Nam và quả bưởi da xanh Việt Nam vào Nhật Bản.
Thủ tướng mong muốn phía Nhật Bản, các nhà đầu tư tích cực hợp tác, hỗ trợ Việt Nam trên cả 5 khía cạnh (thể chế, vốn, công nghệ, nhân lực, quản trị), hỗ trợ doanh nghiệp Việt Nam tham gia sâu hơn chuỗi cung ứng, chuỗi giá trị khu vực và toàn cầu, theo xu hướng xanh hóa, giảm phát thải.
Đặc biệt, các cuộc gặp của Thủ tướng Phạm Minh Chính với lãnh đạo các doanh nghiệp Nhật Bản đã tăng cường, củng cố niềm tin của các nhà đầu tư, giải quyết được nhiều khó khăn, vướng mắc cụ thể trong các dự án.
Thủ tướng Phạm Minh Chính cũng đề nghị doanh nghiệp hai nước tích cực trao đổi, tháo gỡ các khó khăn của dự án Nhà máy lọc dầu Nghi Sơn. Hai bên cũng sẽ thúc đẩy tiến độ một số dự án hợp tác ODA như Bệnh viện Chợ Rẫy 2, dự án xây dựng tuyến đường sắt đô thị số 1 Bến Thành - Suối Tiên tại TP HCM…
Chuyến công tác của Thủ tướng Chính phủ tham dự Hội nghị thượng đỉnh G7 mở rộng và làm việc tại Nhật Bản đã để lại dấu ấn sâu đậm về vai trò, đóng góp và uy tín quốc tế của Việt Nam, truyền tải thông điệp về một Việt Nam phát triển năng động, đổi mới, xây dựng nền kinh tế độc lập, tự chủ gắn với hội nhập quốc tế sâu rộng, thực chất, hiệu quả, là một thành viên chủ động, tích cực, có trách nhiệm của cộng đồng quốc tế và tích cực đóng góp vào các nỗ lực giải quyết các thách thức chung trên toàn cầu, vì phát triển bền vững, phồn vinh của nhân loại, vì hạnh phúc của người dân.
Chuyến công tác tiếp tục khẳng định đường lối đối ngoại đúng đắn của Đảng và Nhà nước ta, góp phần triển khai mạnh mẽ đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ, hòa bình, hợp tác và phát triển, đa dạng hóa, đa phương hóa theo Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, Chỉ thị 25 của Ban Bí thư về đẩy mạnh và nâng tầm đối ngoại đa phương đến năm 2030, Chỉ thị 15 của Ban Bí thư về công tác ngoại giao kinh tế phục vụ phát triển đất nước đến năm 2030.
Ý kiến bình luận:
Hiện chưa có bình luận nào, hãy trở thành người đầu tiên bình luận cho bài biết này!
(Thanh tra) - Hôm nay (11/12), tại Hà Nội, Cục Đường sắt Việt Nam (ĐSVN) - Bộ Giao thông vận tải (GTVT) đã tổ chức Hội nghị Đường sắt biên giới Việt - Trung lần thứ 44.
Trần Quý
17:45 11/12/2024(Thanh tra) - Hôm nay (10/12), trong khuôn khổ chuyến thăm Trung Quốc, đồng chủ trì Phiên họp lần thứ 16 Ủy ban chỉ đạo hợp tác song phương Việt Nam - Trung Quốc, Phó Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Bùi Thanh Sơn đã hội kiến Phó Chủ tịch nước Trung Quốc Hàn Chính.
T.Thanh
15:02 10/12/2024Hoàng Nam
21:46 05/12/2024T.Lương
21:25 05/12/2024T.Thanh
18:49 05/12/2024Bùi Bình
Hải Hà
Phương Anh
Lê Phương
Văn Thanh
Chính Bình
Theo VietinBank
Theo EVNNPC
Theo VietinBank
Thu Hương
Theo EVNNPC
Theo EVNNPC