Theo dõi Báo Thanh tra trên
Thanh Thanh
Thứ năm, 23/03/2023 - 21:54
(Thanh tra) - Chiều 23/3, tại họp báo thường kỳ của Bộ Ngoại giao, Phó Phát ngôn Bộ Ngoại giao Phạm Thu Hằng đã cho biết phản ứng của Việt Nam trước việc Nhóm AUKUS công bố kế hoạch trang bị tàu ngầm hạt nhân cho Australia.
Phó Phát ngôn Bộ Ngoại giao Phạm Thu Hằng phát biểu tại họp báo. Ảnh: NG
Sử dụng và phát triển năng lượng nguyên tử, hạt nhân phải bảo đảm an toàn tuyệt đối
Phó Phát ngôn Bộ Ngoại giao Phạm Thu Hằng nêu rõ, hòa bình, ổn định, hợp tác và phát triển ở khu vực và trên thế giới là mục tiêu chung của mọi quốc gia. Các nước có trách nhiệm đóng góp vào mục tiêu này.
Năng lượng nguyên tử, hạt nhân cần được sử dụng, phát triển vì mục đích hòa bình và phát triển kinh tế - xã hội của các nước. Việc sử dụng và phát triển năng lượng nguyên tử, hạt nhân phải bảo đảm an toàn tuyệt đối cho con người và môi trường.
“Chúng tôi mong rằng các quốc gia sẽ có trách nhiệm tích cực đóng góp vào mục tiêu chung này vì hòa bình, ổn định, hợp tác và phát triển ở khu vực và trên thế giới”, Phó Phát ngôn nhấn mạnh.
Về thỏa thuận tàu ngầm chạy bằng hạt nhân trong khuôn khổ AUKUS, trước đó, ngày 13/3, tại căn cứ hải quân ở San Diego, California, Tổng thống Mỹ Joe Biden cùng Thủ tướng Anh Rishi Sunak và Thủ tướng Australia Anthony Albanese công bố thỏa thuận tàu ngầm năng lượng hạt nhân trong khuôn khổ Hiệp ước An ninh ba bên Australia - Anh - Mỹ (AUKUS) “vì một Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương rộng mở và tự do”.
Ngay sau đó, nhiều nước đã lên tiếng về thỏa thuận này.
Nhật Bản, Hàn Quốc đã ủng hộ thỏa thuận; Indonesia, Malaysia mong các bên sẽ giữ đúng cam kết phi hạt nhân hóa; Campuchia hy vọng thỏa thuận không làm leo thang căng thẳng khu vực; Singapore tin tưởng AUKUS sẽ đóng góp tích cực vào hòa bình, ổn định của Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương; phía Nga khẳng định “cần có sự giám sát quốc tế”; phía Trung Quốc nêu rõ: “Tuyên bố chung đã chứng tỏ ba nước này, vì lợi ích địa chính trị của mình, hoàn toàn coi thường mối quan ngại của cộng đồng quốc tế và đang đi xa hơn trên con đường sai lầm và nguy hiểm”; Liên minh châu Âu lại nhấn mạnh yếu tố NPT trong triển khai AUKUS; còn theo Quỹ Nghiên cứu các nhà quan sát (ORF) của Ấn Độ, dù đã tỏ thái độ ủng hộ Australia, song New Delhi dường như không hào hứng với viễn cảnh tàu ngầm hạt nhân của Canberra hoạt động trong khu vực.
Việt Nam đánh giá cao những tiến triển mạnh mẽ và thực chất trong quan hệ ASEAN - Nhật Bản
Trước thông tin Nhật Bản muốn thiết lập quan hệ đối tác toàn diện với ASEAN, Phó Phát ngôn Bộ Ngoại giao Phạm Thu Hằng cho biết, Việt Nam sẽ nỗ lực thúc đẩy quan hệ ASEAN - Nhật Bản.
Theo Phó Phát ngôn, Việt Nam đánh giá cao những tiến triển mạnh mẽ và thực chất trong quan hệ ASEAN - Nhật Bản, đóng góp tích cực cho mục tiêu chung là hòa bình, an ninh, ổn định và thịnh vượng.
Việt Nam hoan nghênh và sẵn sàng cùng các nước ASEAN và Nhật Bản thúc đẩy quan hệ hai bên phát triển lên tầm cao mới, hướng tới kỷ niệm 50 năm quan hệ ASEAN - Nhật Bản trong 2023.
Trước đó, ngày 20/3, trong khuôn khổ chuyến thăm Ấn Độ, Thủ tướng Nhật Bản Kishida Fumio đã bày tỏ ý định mời lãnh đạo 8 nước không thuộc Nhóm Các nước công nghiệp phát triển hàng đầu thế giới (G7) gồm: Australia, Brazil, Quốc đảo Comoros, Quần đảo Cook, Ấn Độ, Indonesia, Hàn Quốc và Việt Nam dự Hội nghị Thượng đỉnh của Nhóm G7 vào tháng 5 tại thành phố Hiroshima, Nhật Bản.
Về thông tin chính thức Thủ tướng Nhật Bản Kishida Fumio ngày 20/3 muốn mời lãnh đạo Việt Nam và 7 nước khác dự Hội nghị Thượng đỉnh Nhóm G7 tháng 5 tại Hiroshima sẽ thông tin sau, Phó Phát ngôn cho biết.
Bảo vệ và thúc đẩy quyền con người là chính sách nhất quán của Nhà nước Việt Nam
Trước những nhận định thiếu khách quan trong Báo cáo Nhân quyền thường niên năm 2022 của Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ, Phó Phát ngôn Bộ Ngoại giao Phạm Thu Hằng cho rằng: “Việt Nam lấy làm tiếc”.
Tại họp báo, Phó Phát ngôn đã khẳng định, bảo vệ và thúc đẩy quyền con người là chính sách nhất quán của Nhà nước Việt Nam.
Việt Nam luôn xem con người là trung tâm, là động lực của quá trình đổi mới và công cuộc phát triển đất nước, và luôn nỗ lực vì mục tiêu nâng cao đời sống, quyền thụ hưởng của người dân, không để ai bị bỏ lại phía sau.
Các quyền và tự do cơ bản của con người được ghi nhận trong Hiến pháp Việt Nam, được bảo vệ và thúc đẩy bởi các văn bản pháp luật cụ thể và được triển khai trong thực tiễn.
Việt Nam lấy làm tiếc vì Báo cáo Nhân quyền thường niên năm 2022 của Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ đã đưa ra một số nhận định thiếu khách quan dựa trên những thông tin không chính xác về tình hình thực tế tại Việt Nam.
Việt Nam luôn sẵn sàng trao đổi thẳng thắn, cởi mở và trên tinh thần xây dựng với Hoa Kỳ về những vấn đề còn có sự khác biệt để tăng cường hiểu biết và đóng góp vào sự phát triển của quan hệ đối tác toàn diện giữa hai nước, Phó Phát ngôn nhấn mạnh.
Ý kiến bình luận:
Hiện chưa có bình luận nào, hãy trở thành người đầu tiên bình luận cho bài biết này!
(Thanh tra) - “Nếu trúng cử vào Hội đồng Nhân quyền Liên hợp quốc nhiệm kỳ 2026-2028, Việt Nam sẽ thúc đẩy thực hiện các mục tiêu chung của Hội đồng Nhân quyền là bảo đảm ngày càng tốt hơn việc thụ hưởng quyền con người của mọi người dân trên toàn thế giới”, Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Đỗ Hùng Việt khẳng định.
T.Thanh
12:17 13/12/2024(Thanh tra) - Hôm nay (11/12), tại Hà Nội, Cục Đường sắt Việt Nam (ĐSVN) - Bộ Giao thông vận tải (GTVT) đã tổ chức Hội nghị Đường sắt biên giới Việt - Trung lần thứ 44.
Trần Quý
17:45 11/12/2024T.Thanh
15:02 10/12/2024Hoàng Nam
21:46 05/12/2024T.Lương
21:25 05/12/2024Thu Huyền
Đông Hà
Nhật Minh
Kim Thành
Vũ Linh
Trần Kiên
Hương Trà
Hương Trà
Lê Phương
Trung Hà
Thu Huyền