Ca khúc: Tự hào người làm báo Thanh tra

Theo dõi Báo Thanh tra trên

Hoàn thiện hệ thống mốc quốc giới Việt Nam - Lào

Thứ sáu, 20/05/2016 - 08:00

(Thanh tra)- Ngày 19/5, Uỷ ban Biên giới quốc gia - Bộ Ngoại giao tổ chức hội nghị giới thiệu về dự án tăng dày và tôn tạo hệ thống mốc quốc giới Việt Nam - Lào và các văn kiện pháp lý về quản lý biên giới quốc gia Việt Nam.

Ông Thái Xuân Dũng, Vụ trưởng Vụ Biên giới phía Tây, Ủy ban Biên giới quốc gia cho biết, đường biên giới giữa Việt Nam và Lào có chiều dài tổng cộng 2.337,459 km với điểm khởi đầu là giao điểm đường biên giới ba nước Việt Nam - Lào - Trung Quốc và kết thúc ở giao điểm biên giới giữa ba nước Việt Nam - Lào - Campuchia. Đường biên giới này đi qua địa giới hành chính 10 tỉnh của Việt Nam, tiếp giáp 10 tỉnh của Lào. Hệ thống mốc quốc giới bao gồm 1.002 mốc và cọc dấu được xây dựng tại 905 vị trí.

Từ năm 2004, cơ quan biên giới Trung ương hai nước đã đồng chủ trì xây dựng dự án tăng dày và tôn tạo hệ thống mốc quốc giới Việt Nam - Lào với các nội dung chính gồm: Tăng dày hệ thống mốc quốc giới ở những vị trí cần thiết để làm rõ đường biên giới; tôn tạo các mốc hiện có và mốc tại cửa khẩu biên giới để đảm bảo kiên cố, vững chắc, khang trang; hoàn thiện hồ sơ pháp lý về đường biên giới Việt Nam - Lào.

Được khởi công từ năm 2008, dự án đã triển khai trong 6 năm, qua đó xây dựng được 834 cột mốc tại 792 vị trí mốc, cắm bổ sung 29 cọc dấu tại 27 vị trí đường biên giới. Giai đoạn 2013 - 2014, hai bên xác định và xây dựng thêm 139 cọc dấu tại 86 vị trí đường biên giới. Như vậy, trung bình cứ 2,5km sẽ có một cột mốc đánh dấu.

Bên cạnh đó, năm 2015, Việt Nam và Lào đã hoàn thành việc trao đổi, đàm phán, thống nhất Dự thảo “Hiệp định về quy chế biên giới và cửa khẩu biên giới Việt Nam - Lào”, Dự thảo “Nghị định thư về đường biên giới và mốc quốc giới Việt Nam - Lào” cùng một số phụ lục.

“Nghị định thư về đường biên giới và mốc quốc giới Việt Nam - Lào” được kỳ vọng sẽ tạo lập một văn kiện pháp lý có giá trị cao không chỉ mô tả đầy đủ, chính xác đường biên giới và vị trí các mốc quốc giới theo kết quả thực hiện dự án tăng dày tôn tạo mốc quốc giới trên thực địa, phù hợp với hệ toạ độ, độ cao trên bộ bản đồ tỉ lệ 1/50.000, ghi nhận toàn bộ thành quả giải quyết các vấn đề về biên giới giữa hai nước đã đạt được.

“Hiệp định về quy chế biên giới và cửa khẩu biên giới Việt Nam - Lào” nhằm hoàn thiện cơ sở pháp lý quan trọng cho công tác quản lý biên giới và cửa khẩu biên giới Việt Nam trong tình hình mới; bảo đảm sự bền vững ổn định của biên giới quốc gia, an ninh, trật tự và an toàn xã hội; tạo điều kiện phục vụ việc giao lưu, đi lại, sản xuất của cư dân hai bên biên giới. Hiệp định cũng sẽ đáp ứng yêu cầu hệ thống hoá và tiêu chuẩn hoá các văn kiện pháp lý quốc tế song phương giữa Việt Nam và các nước láng giềng trong lĩnh vực quản lý biên giới quốc gia - song song với việc gia tăng tính hài hoà và thống nhất giữa hai hệ thống pháp luật Việt Nam và Lào về các vấn đề biên giới, cửa khẩu biên giới nhằm tăng cường sự tương đồng, gắn kết, hướng tới hợp tác hoà bình, hữu nghị, sự phát triển bền vững giữa hai nước.

Theo kế hoạch, sau khi hoàn tất các thủ tục nội bộ của mỗi bên, hai bên sẽ tiến hành quản lý đường biên giới giữa hai nước theo các văn kiện này.

Phạm Duy

Ý kiến bình luận:

Ý kiến của bạn sẽ được xét duyệt khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.

Hiện chưa có bình luận nào, hãy trở thành người đầu tiên bình luận cho bài biết này!

Tin cùng chuyên mục

Việt Nam công bố tái ứng cử Hội đồng Nhân quyền Liên hợp quốc nhiệm kỳ 2026-2028

Việt Nam công bố tái ứng cử Hội đồng Nhân quyền Liên hợp quốc nhiệm kỳ 2026-2028

(Thanh tra) - “Nếu trúng cử vào Hội đồng Nhân quyền Liên hợp quốc nhiệm kỳ 2026-2028, Việt Nam sẽ thúc đẩy thực hiện các mục tiêu chung của Hội đồng Nhân quyền là bảo đảm ngày càng tốt hơn việc thụ hưởng quyền con người của mọi người dân trên toàn thế giới”, Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Đỗ Hùng Việt khẳng định.

T.Thanh

12:17 13/12/2024

Tin mới nhất

Xem thêm