Ngày 01/12/2023, Viện Kiểm sát nhân dân (KSND) Tối cao đã ban hành Quyết định số 10/QĐ-VKSTC-V7 về việc kháng nghị giám đốc thẩm. Theo đó, quyết định kháng nghị Bản án hình sự phúc thẩm số 929/2022/HS-PT ngày 16/12/2022 của Toà án nhân dân (TAND) Cấp cao tại TP.HCM.
Theo Viện KSND Tối cao, về tội danh, toà án cấp sơ thẩm và phúc thẩm xét xử các bị cáo là có căn cứ, đúng quy định của pháp luật. Tuy nhiên, về phần trách nhiệm dân sự và xử lý vụ án còn tồn tại một số điểm bất cập, cần được làm rõ.
Cụ thể: Hợp đồng hợp tác số 002/UPX-TDC giữa Upexim và Tradeco là trái pháp luật, xâm phạm đến quyền và lợi ích hợp pháp của Công ty TNHH MTV Quản lý kinh doanh nhà TP.HCM; chủ thể đại diện cho Upexim không có thẩm quyền ký hợp đồng; việc ký kết hợp đồng giữa Upexim và Tradeco là hợp đồng giả tạo nhằm hợp thức hoá quan hệ vay tiền của cá nhân Trương Vui; không có việc Tradeco đã chuyển 60 tỷ đồng vào tài khoản của Upexim như các bản án đã kết luận; Hợp đồng hợp tác số 002 bị vô hiệu theo Điều 132 Bộ luật Dân sự 2005.
Vì thế, Viện KSND Tối cao quyết định kháng nghị Bản án hình sự phúc thẩm số 929/2022/HS-PT ngày 16/12/2022 của TAND Cấp cao tại TP.HCM. Đồng thời, đề nghị Hội đồng Thẩm phán TAND Tối cao xét xử giám đốc thẩm hủy một phần bản án hình sự phúc thẩm và một phần bản án hình sự sơ thẩm của TAND TP.HCM về phần trách nhiệm dân sự, xử lý vật chứng và án phí dân sự liên quan đến việc buộc Upexim bồi hoàn cho bị cáo Trương Vui số tiền 72,2 tỷ đồng; buộc Trương Vui và Upexim liên đới bồi thường cho Công ty Dofico hơn 144 tỷ đồng (tỷ lệ mỗi bên 50%); tiếp tục duy trì Lệnh kê biên số 01/C46B (P10) ngày 29/08/2013 của Cơ quan CSĐT Bộ Công an đối với quyền sở hữu nhà và quyền sử dụng đất tại địa chỉ 4-6 Hồ Tùng Mậu, Quận 1, TP HCM…
Đồng thời, Viện KSND Tối cao yêu cầu tạm đình chỉ thi hành phần bản án hình sự phúc thẩm của TAND Cấp cao tại TP.HCM liên quan đến các nội dung trách nhiệm dân sự, xử lý vật chứng và án phí dân sự liên quan đến những nội dung tương tự như nêu trên.
Theo hồ sơ vụ án, Trương Vui là Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng Giám đốc Công ty Sản xuất xuất nhập khâu lâm sản và hàng tiểu thủ công nghiệp Upexim (Công ty Upexim) có trụ sở tại số 4- 6 Hồ Tùng Mậu.
Trước đó vào năm 2010, Trương Vui lấy danh nghĩa đại diện Công ty Upexim thực hiện việc ký Hợp đồng hợp tác số 002/UPX-TDC với Công ty CP Đầu tư Xây dựng Thương mại Tradeco do Tổng Giám đốc Nguyễn Tấn Hiếu làm người đại diện. Hợp đồng trị giá 120 tỷ đồng, mỗi bên góp vốn 50% - tương đương 60 tỷ đồng. Đến tháng 12/2012, Trương Vui và ông Nguyễn Tấn Hiếu tiếp tục ký kết phụ lục hợp đồng có trị giá 24 tỷ đồng, tương đương 20% giá trị khu đất 4-6 Hồ Tùng Mậu.
Tiếp đó, Trương Vui ký hợp đồng chuyển nhượng khu đất nói trên cho Công ty Kim Cương Xanh; với giá ghi trên hợp đồng chỉ là 290 tỷ đồng, phần tiền trả ngoài hợp đồng cho Trương Vui là 40 tỷ đồng.
Công ty Kim Cương Xanh đã chuyển 120 tỷ đồng, trong đó Vui nhận tiền mặt 59 tỷ đồng, nộp vào quỹ của Upexim 11,2 tỷ đồng tiền mặt, còn sử dụng cá nhân 47,8 tỷ đồng. Giữa Upexim và Kim Cương Xanh sau đó tiếp tục bàn bạc và thỏa thuận thế chấp khu đất để vay 110 tỷ đồng tại ngân hàng Agribank. Vay được tiền, Trương Vui chuyển lại cho Kim Cương Xanh 41,5 tỷ đồng, còn lại là của Upexim.
Ngoài ra, Trương Vui cùng với Tống Thị Bích Loan (cựu Giám đốc Công ty CP Xuất nhập khẩu Biên Hòa - Bihimex) và Châu Thị Khoa (cựu Phó Giám đốc kiêm Kế toán trưởng Bihimex) đã lập 173 hợp đồng mua bán hàng hóa khống giữa Bihimex và Upexim, nhằm rút tiền từ Bihimex cho Upexim vay. Từ tháng 12/2012 đến tháng 3/2013, Bihimex đã thực hiện 20 hợp đồng mua bán khống trị giá gần 169 tỷ đồng.
Ngay sau khi Bản án hình sự sơ thẩm số 300/2022/HS-ST được tuyên vào ngày 02/07/2022, các bị cáo đã kháng cáo xin giảm nhẹ hình phạt. Về dân sự, các bên liên quan cũng có kháng cáo. Trong đó, nhóm cổ đông của Upexim cho rằng, tòa án cấp sơ thẩm nhận định, đánh giá tài liệu chứng cứ không khách quan.
Từ đó dẫn đến việc giải quyết và xử lý vụ án trái quy định pháp luật gây thiệt hại nghiêm trọng đến quyền lợi cổ đông Upexim mà Trương Vui đã dùng thủ đoạn để qua mặt, nhằm lừa đảo và chiếm đoạt luôn tài sản của những cổ đông còn lại.
Theo nội dung bản án sơ thẩm, ngoài trách nhiệm hình sự, hội đồng xét xử (HĐXX) đề cập rõ đến việc xử lý khắc phục hậu quả. Cụ thể, HĐXX buộc Upexim trả Tradeco khoản tiền tương đương 50% giá trị căn nhà 4 - 6 Hồ Tùng Mậu. Bởi lẽ, hợp đồng hợp tác giữa Upexim và Tradeco hoàn toàn tự nguyện, đúng pháp luật, hợp pháp.
Bên cạnh đó, HĐXX cũng tuyên buộc Công ty Upexim phải bồi hoàn số tiền khoảng 100 tỷ đồng cho Trương Vui. Buộc Công ty Upexim cùng Trương Vui phải liên đới bồi thường cho Công ty Dofico số tiền hơn 144 tỷ đồng.
Về xử lý vật chứng, HĐXX quyết định tiếp tục kê biên nhà đất tại số 4 - 6 Hồ Tùng Mậu để đảm bảo nghĩa vụ thi hành án của của các bên liên quan. Nếu các bên không thực hiện nghĩa vụ thì cơ quan thi hành án sẽ tổ chức bán đấu giá và giao 50% giá trị bán được cho Tradeco, 50% còn lại sẽ được đảm bảo cho nghĩa vụ thanh toán khoản vay của Upexim đối với Agribank.
Đến ngày 16/12/2022, TAND Cấp cao tại TP. HCM đã tuyên án phúc thẩm vụ án liên quan bị cáo Trương Vui cùng các đồng phạm. Tại Bản án hình sự phúc thẩm số 929/2022/HS-PT, HĐXX tuyên bác tất cả kháng cáo của bị cáo, người bị hại, người có quyền lợi liên quan trong vụ án, giữ nguyên nội dung bản án sơ thẩm của TAND TP.HCM.
Theo nhóm cổ đông Upexim, Hợp đồng hợp tác kinh doanh số 002/UPX-TDC ngày 26/07/2010 giữa Công ty Upexim và Công ty Tradeco có nhiều nội dung phi pháp.
Tại thời điểm Trương Vui kí kết với Tradeco thì nhà, đất 4-6 Hồ Tùng Mậu đang là tài sản của Nhà nước cho Upexim thuê sử dụng làm văn phòng theo Hợp đồng thuê nhà số 255/HĐTN-KD ngày 01/10/2010. Ngày 25/10/2017, Công ty TNHH MTV Quản lý kinh doanh nhà TP.HCM có Văn bản trả lời số 2273/QLKDN-KD việc hợp tác giữa Upexim và Tradeco theo hợp đồng hợp tác ngày 26/07/2010 là trái quy định pháp luật.
Công ty Upexim là doanh nghiệp Nhà nước được cổ phần hóa, là chủ thể trực tiếp thuê và sử dụng nhà, đất 4-6 Hồ Tùng Mậu. Theo Quyết định 09/2007/QĐ-TTg ngày 19/01/2007 của Thủ tướng Chính phủ thì Công ty Upexim là đơn vị duy nhất được mua chỉ định nhà, đất nêu trên. Trường hợp Upexim không đủ điều kiện mua chỉ định thì nhà, đất này được đưa ra bán đấu giá theo quy định pháp luật. Vì vậy, việc kêu gọi Tradeco góp vốn cùng mua là vi phạm pháp luật.
Qua đối chiếu hồ sơ vụ án và tài khoản của Công ty Upexim, nhóm cổ đông Upexim cho rằng, Công ty Tradeco chỉ chuyển khoản cho Upexim 7,5 tỷ đồng và Upexim đã chuyển trả cho Tradeco số tiền 7,5 tỷ này với nội dung “hoàn tiền hợp tác kinh doanh”; số tiền 52,5 tỷ đồng tiền mặt còn lại được xác nhận khống bằng giấy viết tay của ông Lâm Bá Bửu, ông Võ Quốc Minh - không có tiền thật.
Tại thời điểm lập biên nhận, ông Bửu không có giấy ủy quyền để kí nhận số tiền này và ông Minh cũng không phải là nhân viên của Công ty Upexim. Tại đại hội đồng cổ đông không có bất kì văn bản nào thông qua nội dung hợp tác góp vốn vào nhà số 4-6 Hồ Tùng Mậu với Công ty Tradeco.
Cũng theo nhóm cổ đông Upexim, tại phiên tòa sơ thẩm đầu tiên mở năm 2017, chính bị cáo Trương Vui đã xác định hợp đồng hợp tác với Công ty Tradeco không được thông qua đại hội đồng cổ đông của công ty. Phiếu lấy ý kiến đề năm 2011 chỉ là thông báo của Trương Vui đến các cổ đông Công ty Upexim về việc tìm kiếm đối tác.
Từ đó có thể nhận thấy rằng, Trương Vui đã tự ý kí Hợp đồng hợp tác kinh doanh số 002/UPX-TDC ngày 26/7/2010 với Công ty Tradeco nhằm chiếm đoạt và lừa đảo tiền của nhóm cổ đông Upexim. Ngoài ra, việc bản án tiếp tục duy trì lệnh kê biên, ngăn chặn đối với nhiều tài sản khác của Công ty Upexim (kể cả những tài sản không liên quan đến vụ án) là không thoả đáng.
Liên quan đến vụ án này, qua nhiều lần xét xử, nhiều lần kiến nghị của các bên liên quan, vào ngày 20/8/2023, TAND Tối cao đã ra Quyết định "không có căn cứ kháng nghị giám đốc thẩm bản án hình sự phúc thẩm ngày 16/12/2022, của TAND Cấp cao tại TP. HCM" đã tuyên bị cáo Trương Vui (nguyên Chủ tịch HĐQT Công ty Upexim) tù chung thân... với số tiền thiệt hại hơn 144 tỷ đồng.