Theo dõi Báo Thanh tra trên
Lê Phương
Thứ ba, 01/10/2024 - 17:02
(Thanh tra) - Từ năm 2019 đến nay, Báo Thanh tra có nhiều bài viết phản ánh việc người lao động bị Công ty Apromaco Thái Bình đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động, còn các cơ quan chức năng thì “vô cảm” trước lời kêu cứu của người lao động. Mới đây, Chánh án TAND Cấp cao tại Hà Nội đã ban hành quyết định kháng nghị giám đốc thẩm đối với Bản án lao động phúc thẩm số 01/2022/LĐ-PT ngày 24/8/2022 của TAND tỉnh Thái Bình.
Bà Chu Thị Diệp (người ngồi đeo khẩu trang) nhiều năm qua phải đến gõ cửa các cơ quan chức năng kêu cứu vì bị Cty Apromaco sa thải khi đang mắc bệnh hiểm nghèo. Ảnh: LP
Tạm đình chỉ thi hành bản án phúc thẩm của TAND tỉnh Thái Bình
Sau khi nghiên cứu hồ sơ vụ án “Yêu cầu hủy quyết định chấm dứt hợp đồng lao động” giữa nguyên đơn là ông Vũ Khắc Căn, bà Chu Thị Diệp, trú tại xã Vũ Chính, huyện Đông Hưng, tỉnh Thái Bình và bị đơn là Công ty Cổ phần Vật tư Apromaco Thái Bình (Cty Apromaco Thái Bình), trụ sở tại số 196 đường Lý Thường Kiệt, phường Kỳ Bá, TP Thái Bình, tỉnh Thái Bình, người đại diện là ông Hà Tuấn Linh, Giám đốc Cty; TAND Cấp cao tại Hà Nội quyết định kháng nghị đối với Bản án lao động phúc thẩm số 01/2022/LĐ-PT ngày 24/8/2022 của TAND tỉnh Thái Bình về vụ án “Yêu cầu hủy quyết định chấm dứt hợp đồng lao động” giữa nguyên đơn ông Vũ Khắc Căn, bà Chu Thị Diệp với bị đơn Cty Apromaco Thái Bình.
TAND Cấp cao tại Hà Nội đề nghị Ủy ban Thẩm phán TAND Cấp cao tại Hà Nội xét xử giám đốc thẩm hủy Bản án lao động phúc thẩm số 01/2022/LĐ-PT ngày 24/8/2022 của TAND tỉnh Thái Bình và Bản án lao động sơ thẩm số 01/2020/LĐ-ST ngày 26/2/2020 của TAND TP Thái Bình, tỉnh Thái Bình; giao hồ sơ vụ án cho TAND TP Thái Bình để xét xử sơ thẩm lại theo đúng quy định của pháp luật.
Đồng thời, tạm đình chỉ thi hành Bản án lao động phúc thẩm số 01/2022/LĐ-PT ngày 24/8/2022 của TAND tỉnh Thái Bình cho đến khi có quyết định giám đốc thẩm của Ủy ban Thẩm phán TAND Cấp cao tại Hà Nội.
Lần theo hồ sơ vụ việc
Theo TAND Cấp cao tại Hà Nội, tại Bản án lao động sơ thẩm số 01/2020/LĐ-ST, TAND TP Thái Bình chấp nhận yêu cầu khởi kiện của ông Căn hủy quyết định chấm dứt Hợp đồng lao động số 01 - VTTB/QĐ-TCHC của Cty Apromaco Thái Bình đối với ông Căn; chấp nhận yêu cầu khởi kiện của bà Diệp hủy quyết định chấm dứt Hợp đồng lao động số 02-VTTB/QĐ-TCHC của Cty Apromaco Thái Bình đối với bà Diệp; không chấp nhận toàn bộ yêu cầu phản tố của Cty Apromaco Thái Bình đối với ông Căn, bà Diệp, yêu cầu ông Căn phải bồi thường cho Cty Apromaco Thái Bình nửa tháng tiền lương là 3.059.000 đồng và bồi thường một khoản tiền lương tương ứng với tiền lương của người lao động trong thời gian 45 ngày không báo trước là 10.588.846 đồng, tổng cộng là 13.647.846 đồng; yêu cầu bà Diệp phải bồi thường cho Cty Apromaco Thái Bình nửa tháng tiền lương là 2.484.000 đồng và bồi thường một khoản tiền lương tương ứng với tiền lương của người lao động trong thời gian 45 ngày không báo trước là 8.598.462 đồng, tổng cộng là 11.082.462 đồng.
Bản án sơ thẩm còn tuyên về án phí và quyền kháng cáo.
Không đồng ý, ngày 4/3/2020, Cty Apromaco Thái Bình có đơn kháng cáo, yêu cầu tòa án cấp phúc thẩm bác yêu cầu tuyên hủy các quyết định chấm dứt hợp đồng lao động của Cty Apromaco Thái Bình đối với ông Căn và bà Diệp; chấp nhận toàn bộ yêu cầu phản tố của Cty Apromaco Thái Bình.
Tại Bản án lao động phúc thẩm số 01/2022/LĐ-PT, TAND tỉnh Thái Bình quyết định: Chấp nhận toàn bộ yêu cầu kháng cáo của Cty Apromaco; sửa Bản án lao động sơ thẩm số 01/2020/LĐ-ST của TAND TP Thái Bình. Cụ thể, không chấp nhận yêu cầu khởi kiện của ông Căn và bà Diệp về việc yêu cầu hủy các quyết định chấm dứt hợp đồng lao động; chấp nhận toàn bộ yêu cầu phản tố của Cty Apromaco Thái Bình đối với ông Căn và bà Diệp, buộc ông Căn phải bồi thường cho Cty Apromaco Thái Bình nửa tháng tiền lương và bồi thường một khoản tiền tương ứng với tiền lương của người lao động trong thời gian 45 ngày không báo trước, tổng cộng là 13.647.846 đồng; buộc bà Diệp phải bồi thường cho Cty Apromaco Thái Bình nửa tháng tiền lương và bồi thưòng một khoản tiền tương ứng với tiền lương của người lao động trong thời gian 45 ngày không báo trước, tổng cộng là 11.082.462 đồng.
Ngoài ra, bản án còn quyết định về phần án phí.
Ngày 6/12/2022, ông Căn và bà Diệp có đơn đề nghị xem xét lại bản án lao động phúc thẩm nêu trên theo thủ tục giám đốc thẩm.
Cty Apromaco Thái Bình chấm dứt hợp đồng lao động với bà Diệp không đúng quy định
Căn cứ hồ sơ vụ án, TAND Cấp cao tại Hà Nội xét thấy Cty Apromaco Thái Bình (trước đây là Cty Vật tư nông nghiệp Thái Bình là doanh nghiệp Nhà nước), ông Căn và bà Diệp đều là nhân viên của Cty Apromaco Thái Bình. Các đương sự đều thừa nhận ông Căn, bà Diệp là thành viên, là cổ đông của Cty Apromaco Thái Bình và đã được chia lợi tức theo tỷ lệ vốn góp. Như vậy, ông Căn, bà Diệp là người lao động trong doanh nghiệp Nhà nước trước ngày 1/1/1995, theo quy định cùa pháp luật thì chuyển sang hợp đồng lao dộng không xác định thời hạn.
Cty Apromaco Thái Bình cho rằng trong thời gian ông Căn làm Giám đốc Cty Apromaco Thái Bình thường xuyên không hoàn thành nhiệm vụ, chống đối Hội đồng Quản trị và Ban Kiểm soát, không chuẩn bị sổ sách, tài liệu để tiến hành đại hội cổ đông, khi bị miễn nhiệm chức vụ giám đốc không bàn giao tài liệu, sổ sách, tài chính, kho hàng... theo yêu cầu của Hội đồng Quản trị. Bà Diệp biết việc ông Căn là Giám đốc Cty, biết ông Căn phải có trách nhiệm giao tài liệu, cơ sở vật chất và thực hiện các yêu cầu của Hội đồng Quản trị nhưng bà Diệp không đến trụ sở Cty Apromaco Thái Bình trình diện giám đốc mới, không tiếp nhận sự phân công công việc mới. Vì vậy, Cty Apromaco Thái Bình xác định ông Căn và bà Diệp tự ý nghỉ việc nên đã ban hành quyết định chấm dứt hợp đồng đối với ông Căn và bà Diệp.
Trong quả trình giải quyết vụ án, Cty Apromaco Thái Bình không xuất trình được tài liệu, chứng cứ chứng minh việc ông Căn, bà Diệp tự ý nghỉ việc không có lý do, vi phạm thời hạn báo trước.
Tại phiên tòa sơ thẩm, đại diện của Cty Apromaco Thái Bình cũng thừa nhận đầu giờ chiều ngày 3/7/2018, lãnh đạo công ty đã chỉ đạo một số nhân viên khóa cửa và niêm phong phòng làm việc của kế toán, hành chính, rút hệ thống camera bảo vệ.
Trong thời gian ông Căn, bà Diệp làm việc tại kho do bà Diệp quản lý, Cty Apromaco Thái Bình không liên hệ, kiểm tra và làm việc với ông Căn, bà Diệp.
Như vậy, việc Cty Apromaco Thái Bình đơn phương chấm dứt hợp đồng với ông Căn và bà Diệp trong trường hợp này là chưa phù hợp với quy định tại Điều 38 Bộ luật Lao động năm 2012.
Ngoài ra, theo các tài liệu có trong hồ sơ vụ án thể hiện bà Diệp đang điều trị bệnh hiểm nghèo (K vú D05) nhưng Cty Apromaco Thái Bình vẫn ra quyết định chấm dứt hợp đồng lao động với bà Diệp là không đúng quy định tại Điều 39 và Điều 41 Bộ luật Lao động năm 2012.
Do đó, tòa án cấp sơ thẩm chấp nhận yêu cầu khởi kiện của ông Căn, bà Diệp hủy các quyết định chấm dứt hợp đồng lao động của Cty Apromaco đối với ông Căn, bà Diệp là có cơ sở.
Tòa án cấp phúc thẩm cho rằng ông Căn, bà Diệp không đến Cty Apromaco Thái Bình làm việc được xác định tự ý nghỉ việc là vi phạm quy định của Bộ luật Lao động nên Cty Apromaco Thái Bình ra quyết định đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động với ông Căn và bà Diệp là phù hợp với quy định của pháp luật. Từ đó chấp nhận kháng cáo của Cty Apromaco Thái Bình sửa bản án sơ thẩm của TAND TP Thái Bình theo hướng không chấp nhận yêu cầu khởi kiện của ông Căn, bà Diệp là không đúng và ảnh hưởng đến quyền, lợi ích hợp pháp của ông Căn, bà Diệp.
Cũng theo TAND Cấp cao tại Hà Nội, tại biên bản họp xem xét, xử lý lao động ngày 13/9/2018 của Cty Apromaco Thái Bình xác định lỗi của người lao động là tự ý nghỉ việc khi chưa được sự đồng ý của Cty Apromaco Thái Bình. Trong trường hợp này, Cty Apromaco Thái Bình phải áp dụng quy trình, trình tự xử lý kỷ luật lao động nhưng Cty Apromaco Thái Bình lại ban hành quyết định chấm dứt hợp đồng lao động với ông Căn, bà Diệp là chưa phù hợp với quy định tại Điều 36 Bộ luật Lao động năm 2012.
Nếu trong trường hợp xác định được người lao động có hành vi nghỉ việc dài ngày, vi phạm nội quy lao động của Cty Apromaco Thái Bình hoặc kỷ luật lao động được quy định tại khoản 3 Điều 126 Bộ luật Lao động năm 2012 và khoản 1 Điều 31 Nghị định số 05/2015/NĐ-CP ngày 12/01/2015 của Chính phủ thì Cty Apromaco Thái Bình phải thực hiện việc xử lý kỷ luật lao động theo trình tự, thủ tục được quy định tại Mục 1, Chương VIII Bộ luật Lao động năm 2012.
Ngoài ra, theo quy định tại khoản 5 Điều 42 Bộ luật Lao động năm 2012, Cty Apromaco Thái Bình đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động với ông Căn, bà Diệp nhưng không báo cho ông Căn, bà Diệp biết trước ít nhất 45 ngày theo quy định tại Điều 38 là không đúng nên Cty Apromaco Thái Bình phải bồi thường cho ông Căn, bà Diệp khoản tiền tương ứng với tiền lương trong những ngày không được báo trước.
Trong vụ án này, theo TAND Cấp cao tại Hà Nội, ông Căn, bà Diệp ban đầu có đơn khởi kiện riêng. Sau đó, ngày 8/7/2019, ông Căn, bà Diệp cùng đứng tên trong đơn khởi kiện. Tuy nhiên, các quyết định chấm dứt hợp đồng lao động đối với ông Căn, bà Diệp là hai quyết định độc lập. Việc giải quyết các vấn đề có liên quan đến quyền lợi và nghĩa vụ của ông Căn khác với bà Diệp. Do đó, tòa án cấp sơ thẩm phải hưóng dẫn từng đương sự làm đơn rồi thụ lý thành hai vụ án khác nhau để giải quyết mới đúng quy định của pháp luật.
Ý kiến bình luận:
Hiện chưa có bình luận nào, hãy trở thành người đầu tiên bình luận cho bài biết này!
(Thanh tra) - Công an bất ngờ ập vào kiểm tra một cơ sở chuyên sản xuất chả thì phát hiện gần 1 tấn chả các loại có sử dụng hàn the, chuẩn bị đưa ra thị trường tiêu thụ.
Hải Hiếu
22:29 27/12/2024(Thanh tra) - Hai lãnh đạo một công ty đã làm giả hàng chục hóa đơn giá trị gia tăng với mục đích nâng cao năng lực tài chính để tham gia dự thầu gói thầu công trình đường bị khởi tố tội làm tội làm giả con dấu, tài liệu của cơ quan, tổ chức.
Hải Hiếu
14:46 24/12/2024Hương Trà
15:30 16/12/2024Hương Trà
11:05 16/12/2024Đức Tài
11:04 13/12/2024Văn Thanh
15:22 02/12/2024T.Thanh
Trần Quý
Minh Đức
Văn Thanh
Nguyễn Điểm
Trần Quý
T.Thanh
Lê Phương
Lê Hữu Chính
Nhóm PV
TC
H.A