Theo phản ánh của người dân, một nhóm đối tượng đứng sau việc khai thác đất trái phép tại huyện Lạc Thuỷ, tỉnh Hoà Bình, trong đó có đối tượng tên K. V. L, sinh năm 1977, trú tại thị trấn Cao Phong, huyện Cao Phong, tỉnh Hoà Bình. Các đối tượng sử dụng việc san lấp mặt bằng để thực hiện dự án hoặc cải tạo đất làm “tấm bình phong” để thực hiện hành vi khai thác đất, vận chuyển đi tiêu thụ trái phép.

Thậm chí, có đối tượng còn ngang nhiên ra giá, nhận tiền bán tài nguyên, hứa chỉ chỗ "mua" hoá đơn để hợp thức hoá "đất lậu", thậm chí tuyên bố đã “làm luật” để thực hiện trót lọt hành vi vi phạm pháp luật như trên (chúng tôi sẽ tiếp tục thông tin chi tiết ở những bài báo tiếp theo - PV).

Câu chuyện chỉ vì lợi ích của nhóm người mà sẵn sàng tàn phá tự nhiên tại huyện Lạc Thuỷ, Hoà Bình khiến những ai chứng kiến không khỏi xót xa, bàng hoàng!

Tan nát rừng sản xuất

Ở điểm khai thác thứ nhất mà phóng viên ghi nhận, tại thôn Rộc Trụ 2, xã Khoan Dụ, huyện Lạc Thuỷ, khu vực hàng nghìn m2 đất rừng sản xuất như biến thành “đại công trường”. Ghi nhận trong nhiều ngày, phóng viên tận mục sở thị cảnh máy xúc cỡ lớn ầm ầm bổ vào những quả đồi. Đất liên tục được moi ra, chất lên xe trọng tải lớn chở đi khỏi khu vực.

Thực tế ghi nhận, đa số đất khai thác tại khu vực này đều được vận chuyển ra cảng Yên Bồng để tiêu thụ.

Theo tài liệu do UBND huyện Lạc Thuỷ cung cấp, “đại công trường” khai thác đất trái phép này nằm trên thửa đất số 127, tờ bản đồ số 1 được UBND Lạc Thuỷ cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất số phát hành BL 051013, cấp ngày 16/10/2012, có diện tích là 9.822m2, mục đích sử dụng là: “Đất rừng sản xuất”.

leftcenterrightdel
 Cận cảnh máy xúc múc đất lên xe, chở đi tại điểm khai thác xã Khoan Dụ, huyện Lạc Thuỷ. Ảnh: Hoàng Long

Ngày 1/6/2020, UBND huyện Lạc Thuỷ có Quyết định số 1079/QĐ-UBND về việc chấp thuận cải tạo mặt bằng đất nông nghiệp cho ông Vũ Văn Hà được cải tạo mặt bằng đất nông nghiệp đối với diện tích 3.668m2, trên tổng diện tích 9.822m2. Theo hình thức, cải tạo mặt bằng san, lấp tại chỗ. Phần dôi dư được cung cấp để san, lấp mặt bằng cho công trình của Công ty cổ phần Gốm Mỹ HB tại xã Yên Bồng.

Quyết định số 1079 nêu rõ: “Ông Vũ Văn Hà có trách nhiệm: 1. Liên hệ với Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Hoà Bình để được hướng dẫn thủ tục cấp phép khai thác đất san lấp theo quy định đối với khối lượng đất dôi dư trong quá trình cải tạo mặt bằng; 2. Chỉ được tiến hành hoạt động cải tạo mặt bằng, khai thác đất san, lấp sau khi có quyết định cấp phép của UBND tỉnh Hoà Bình...”.

Ông Lê Anh Thương, Phó Phòng Tài nguyên và Môi trường huyện Lạc Thuỷ xác nhận, đến nay, hồ sơ xin trình xin cấp phép đã được chuyển lên Sở Tài nguyên và Môi trường nhưng không qua đường công văn. UBND tỉnh chưa cấp phép cho hoạt động cải tạo mặt bằng, khai thác đất, san lấp.

Dù không được cấp phép nhưng hoạt động khai thác đất trái phép vẫn diễn ra ầm ầm suốt thời gian dài. Những vạt đất rừng sản xuất bị phá tan tành để móc đất đem đi tiêu thụ.

“Khoác áo” dự án, móc đất đem đi

 Tại điểm khai thác “khủng” thứ 2 phóng viên ghi nhận, tại thôn Thung Voi, xã Hưng Thi, huyện Lạc Thuỷ, vừa “khoác tấm áo” thực hiện dự án trang trại nuôi lớn giống công nghệ cao, nhiều khu đồi xanh mướt đã bị khoét tan tành để moi đất đem đi. Nhiều quả đồi xung quoanh dự án này đều bị san phẳng để lấy đất. Ước tính, có tới hàng vạn khối lượng đất đã được vận chuyển đi khắp nơi dọc đường mòn Hồ Chí Minh để tiêu thụ.

Vượt qua ánh mắt dò xét của nhiều đối tượng cảnh giới, phóng viên tiếp cận “đại công trường” thứ 2 tại xã Hưng Thi, ghi nhận một số máy múc cỡ lớn đang hoạt động, hàng chục ôtô xếp hàng, liên tục “ăn” đất vẫn chuyển ra ngoài khu vực này.

leftcenterrightdel
 Vừa “khoác tấm áo” dự án trang trại nuôi lớn giống công nghệ cao tại xã Hưng Thi, nhiều khu đồi xanh mướt đã bị khoét tan tành để moi đất đem đi dù UBND tỉnh không cấp phép khai thác đất. Ảnh: Hoàng Long

Người dân sinh sống tại khu vực “đại công trường” khai thác đất tại xã Hưng Thi, xã Khoan Dụ hết sức bức xúc do cuộc sống luôn bị ảnh hưởng ô nhiễm môi trường, tiếng ồn từ hoạt động khai thác đất gây ra.

Bà H, xã Hưng Thi (xin giấu tên) cho hay: “Nhiều tháng nay, người dân xung quanh dự án trại nuôi lợn giống công nghệ cao luôn phải ăn ngủ cùng bụi, tiếng ồn. Mỗi lần đoàn xe “hổ vồ” (HOVO) nối đuôi nhau vận chuyển đất là bụi bay mù mịt khắp nơi, rú còi inh ỏi, phóng nhanh, vượt ẩu… khiến người dân chúng tôi vô cùng bức xúc”.

Đáng nói, dù hoạt động khai thác, vận chuyển đất đi tiêu thụ trái phép diễn ra rầm rộ, suốt một thời gian dài, nhưng không hề thấy cơ quan chức năng kiểm tra, xử lý.

leftcenterrightdel
Đoàn xe chở đất chạy tung bụi trên đường gây ảnh hưởng đến đời sống của nhân dân. Ảnh: Hoàng Long

Ông Lê Anh Thương, Phó Phòng Tài nguyên và Môi trường huyện Lạc Thuỷ cho biết, dự án này hiện tại chưa được cấp giấy phép xây dựng. Ngoài ra, dự án không được UBND tỉnh cấp phép khai thác đất do vậy việc vận chuyển đất ra khỏi khu vực dự án là trái phép.

“Sau khi nhận được thông tin phản ánh của phóng viên, chúng tôi đã đi kiểm tra tại dự án trang trại nuôi lợn giống công nghệ cao, và có phát hiện sai phạm, có việc vận chuyển đất trái phép ra khỏi khu vực cho phép. Tuy nhiên, chưa thể lập biên bản, vì những người có liên quan chưa mời lên được...”, ông Lê Anh Thương cho biết.

Tuyến đường từ cảng Yên Bồng về thị trấn Chi Nê, huyện Lạc Thủy, bằng mắt thường cũng có thể quan sát thấy những quả đồi nham nhở, nửa trắng nửa xanh, tan hoang sau khi mỗi dự án san lấp được triển khai. Phần đất có giá trị kinh tế đã được mang đi, để lại đằng sau là những dải đất đá trơ trọi.

Chúng tôi sẽ tiếp tục thông tin tới bạn đọc.

Hoàng Long