Chất lượng các hạng mục hỗ trợ có vấn đề?

Trong suốt thời gian có mặt tại bản Văng Môn, xã Nga My để nắm bắt, theo dõi và xác minh những thông tin liên quan đến Đề án (Đ.A), nhóm PV đã trực tiếp gặp gỡ các hộ dân được thụ hưởng chính sách, tiếp cận một cách chi tiết, thận trọng các hạng mục thuộc các gói hỗ trợ, qua đó có cái nhìn khách quan, toàn diện về việc quản lý, sử dụng tài sản được sử dụng từ ngân sách Nhà nước để hỗ trợ cho đồng bào dân tộc Ơ Đu tại huyện Tương Dương.

Chúng tôi tìm gặp ông Lo Văn Cường (56 tuổi) ở bản Văng Môn, là già làng, người uy tín tiêu biểu của xã Nga My và huyện Tương Dương gần chục năm nay. Khi đề cập đến quá trình thực hiện các chính sách hỗ trợ của Nhà nước đối với đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn, ông tỏ ra rất phấn khích, biết ơn bởi Đảng, Nhà nước luôn dành sự quan tâm đặc biệt cho đối tượng là dân tộc ít người nói riêng, đồng bào các dân tộc thiểu số nói chung, để họ thực sự “không bị bỏ lại phía sau”, vượt qua bao khó khăn, khắc nghiệt của điều kiện kinh tế - xã hội để vươn lên, xóa đói giảm nghèo. Thế nhưng, câu chuyện của chúng tôi bị ngắt quãng sau những “liệt kê” của ông về cái mà “bà con được” là những tiếng thở dài, trầm tư khi nói đến cách thức tổ chức, quá trình thực hiện của những cán bộ trực tiếp được giao nhiệm vụ của Đ.A cũng như chất lượng, hiệu quả của các gói hỗ trợ.

Theo già Lo Văn Cường, cái bà con cần nhất đã được Nhà nước hỗ trợ chính là chiếc “cần câu” để họ có điều kiện vươn lên trong cuộc sống. Bởi từ các nội dung của Đ.A được cấp trên phê duyệt, họ đã được nhận trực tiếp từ cán bộ Ban Dân tộc trong suốt thời gian qua, cụ thể là từ cuối năm 2019.

Câu chuyện bắt đầu từ giống bò vàng địa phương, được xem là sinh kế quan trọng nhất với người dân. Trong tổng số 280 con bò được cấp trong gói hỗ trợ con giống gia súc có hiệu quả kinh tế cao được chủ đầu tư và các bên thẩm định, qua nhiều lần lấy ý kiến của người dân, xã và ban ngành địa phương đã thống nhất là nguồn bò giống cấp cho đồng bào phải là giống bò có đặc điểm tương đồng về điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng, nguồn thức ăn nhằm nâng cao hiệu quả trong sản xuất nông nghiệp, giúp đồng bào phát triển chăn nuôi bò hàng hoá, xoá đói giảm nghèo. Tuy nhiên, qua quan sát thì toàn bộ số bò được cấp cho bản Văng Môn đều được lấy từ các địa phương miền xuôi, với trọng lượng bằng mắt thường có thể khẳng định là chưa đạt hoặc lớn hơn 130kg theo thẩm định dự toán của cơ quan chức năng (đơn cử như bò của hộ ông Lo Văn Pèn, Lo Văn Cáng…).

Thêm vào đó là còn xảy ra dịch bệnh viêm phổi ở bò giống chỉ sau thời gian ngắn sau bàn giao, bò bị chết sau khi di chuyển từ địa phương khác về địa bàn. Cũng theo ông Cường, người dân nguyện vọng là cấp trên cấp bò giống cho các hộ gia đình phải cân đối giữa tỷ lệ bò đực/cái để duy trì bò sinh sản, nhân phối giống nhưng thực tế là trong số 160 con bò được cấp qua 2 đợt (tính đến 25/6/2020) thì tất cả đều chỉ là bò cái. Ngoài ra, trong tổng số 8,6ha đất khai hoang tròng cỏ phục vụ chăn nuôi ở 3 đồng đất ở bản Văng Môn đến nay chưa hoàn thành.

Tiếp đó, trong số 15 chiếc giếng khơi trong danh mục được hỗ trợ với giá trị được phê duyệt là 16 triệu đồng/giếng đến nay mới chỉ có 14 giếng được xây dựng phát huy hiệu quả, đảm bảo nguồn nước sinh hoạt cho người dân, còn lại 1 giếng đang trong tình cảnh ngổn ngang “đắp chiếu”, không đủ nước dùng.

leftcenterrightdel
 Phê duyệt 4 cột loa bằng sắt, bê tông với kinh phí 11 triệu đồng/cột nhưng thực tế khác chủng loại và lắp đặt. Ảnh: CTV Xuân Thống

 

Trong năm 2019, danh mục hỗ trợ máy cày loại Kubata Nhật Bản có giá trị 225 triệu đồng người dân chưa được nhận. Đáng chú ý là ở danh mục hỗ trợ các thiết chế văn hóa, các phương tiện thông tin công cộng (hỗ trợ một lần cho cả giai đoạn) phê duyệt gồm 4 bộ loa bao gồm cả âm ly, cột bằng sắt bê tông có giá trị thẩm định 11 triệu đồng/cột. Tuy nhiên theo ông Lo Văn Cường, thực tế lắp đặt là chiếc cột được đúc bằng inox, không có trụ bê tông mà được đào chôn tạm bợ.

Đáng chú ý tại hạng mục hỗ trợ phát triển sản xuất ở gói hỗ trợ xây dựng chuồng trại gia súc theo quy hoạch lâu dài được phân khai kinh phí 12.659.714.000 (giá trị trước thuế). Ở gói thầu này, Công ty Cổ phần Nam Lộc trúng thầu thi công với hợp đồng bao gồm số lượng 77 chuồng. Trong đó, có 4 chuồng loại 1, 10 chuồng loại 2 (chuồng đôi) và 53 chuồng loại 3. Theo tính toán chi phí xây lắp công trình mà nhà thầu thực hiện là 140 triệu đồng/chuồng là cao hơn so với giá thị trường. Quan sát các chuồng trại sau xây dựng đã khiến dư luận nghi ngại về giá trị thực của gói thầu này, với các chi phí dự toán đúng như xây “biệt thự” cho bò. Để làm rõ vấn đề này, trách nhiệm thuộc về chủ quản lý dự án Ban Dân tộc tỉnh và Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh là cơ quan thẩm định thiết kế, dự toán, trực tiếp là Phòng Quản lý xây dựng công trình.

Trách nhiệm chủ đầu tư quản lý dự án ở đâu?

Tại Quyết định 3829 ngày 22/8/2017 phê duyệt Đ.A hỗ trợ phát triển kinh tế - xã hội dân tộc Ơ Đu tỉnh Nghệ An giai đoạn 2016 - 2025 đã chỉ rõ: Ban Dân tộc tỉnh là chủ đầu tư quản lý thực hiện Đ.A, phối hợp với các sở, ngành và UBND huyện Tương Dương chỉ đạo, triển khai thực hiện có hiệu quả. Ngoài nhiệm vụ xây dựng kế hoạch dự toán ngân sách Nhà nước hàng năm thì Ban Dân tộc tỉnh Nghệ An còn có trách nhiệm tổ chức thực hiện, kiểm tra, theo dõi, đánh giá việc thực hiện Đ.A theo kế hoạch, đảm bảo hiệu quả và bền vững, không để thất thoát. Cùng với đó, các sở, ngành theo chức năng, nhiệm vụ được giao còn phải tiến hành thanh tra, kiểm tra việc thực hiện theo lĩnh vực được phân công.

Trở lại nội dung mà phóng viên đã phản ánh ở bài trước về những kiến nghị, đơn thư tố cáo của người dân đến cơ quan chức năng liên quan đến tiêu cực về chính sách hỗ trợ, trong đó là tính khách quan, minh bạch về lập, phân bổ, thực hiện dự toán và quyết toán kinh phí đối với danh mục hỗ trợ tổ chức lớp dạy tiếng dân tộc Ơ Đu và tập huấn kỹ thuật về nuôi, trồng, phòng, chống chữa bệnh cho gia súc, gia cầm và cây cối ở bản Văng Môn, theo già Lo Văn Cường, ngay khi biết làm sai chức trách, nhiệm vụ được giao, ngày 16/6 vừa qua, trực tiếp ông Nguyễn Tâm Long, Phó Trưởng phòng phụ trách và ông Kim Văn Bốn, cán bộ thuộc Phòng Chính sách Dân tộc, Ban Dân tộc tỉnh đã quay lại bản Văng Môn nhận lỗi với người dân và thống nhất tổ chức bổ sung các lớp học, tập huấn còn thiếu trước đó, đồng thời thanh toán đầy đủ số tiền còn thiếu (1.400.000 đồng/học viên - PV).

leftcenterrightdel
 77 chuồng trại gia súc có chi phí xây dựng hàng trăm triệu đồng/chuồng, khiến dư luận hoài nghi về chất lượng và giá. Ảnh: CTV Xuân Thống

 

“Trước đây chỉ học 6 ngày nhưng họ quyết toán 2 triệu đồng nhưng thực chất người dân chỉ nhận được 600.000 đồng. Họ đã ký khống, sau đó lập khống danh sách học viên để rút tiền 2 triệu đồng/người. Chúng tôi bức xúc và truyền tai nhau nhiều. Sau khi bị lộ thông tin ra họ đã khắc phục bằng cách mở lại lớp học của năm 2019 để bù lại số lớp học còn thiếu. Họ mở lớp dài 9 ngày và 5 đêm để dạy cho người dân, gồm cả giáo viên ở xã Yên Hòa. Ngày 24/6 vừa qua đã tổng kết lớp học. Tại đây, 3 ngày đầu tiên học xong họ phát cho dân 700.000 đồng, tổng học viên tham gia là 138 người. Sau đó đợt sau học xong 3 ngày tiếp họ trả thêm cho mỗi học viên 700.000 đồng, tổng là 1,4 triệu đồng. Trực tiếp anh Kim Văn Bốn quản lý lớp học và thanh toán tiền cho học viên. Dân ở đây biết được là họ đã lách để khắc phục làm sai”, ông Cường cho biết.

Ngoài ra, theo người dân cung cấp, trong hạng mục “Hỗ trợ bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa truyền thống đặc sắc” trong Đ.A được phê duyệt kinh phí 435 triệu đồng, thì tại bản Văng Môn có thành lập Câu lạc bộ văn nghệ gồm 20 thành viên, kinh phí hỗ trợ cho luyện tập để duy trì đội văn nghệ mỗi thành viên được nhận chỉ 300.000 đồng. Tuy nhiên, sau khi có phản ánh thì ngày 16/6 vừa qua, các cán bộ Ban Dân tộc đã trực tiếp chi trả bổ sung thêm cho mỗi thành viên câu lạc bộ thêm 4,5 triệu đồng. Nghĩa là cán bộ Ban Dân tộc đã lợi dụng chức trách, nhiệm vụ được giao để “rút” 4,5 triệu đồng tiền ngân sách Nhà nước chi cho hoạt động này sai mục đích, sai đối tượng. Cũng trong hoạt động bảo tồn, việc hỗ trợ kinh phí mua khung cửi để khôi phục nghề truyền thống của đồng bào Ơ Đu cũng đang gây nhiều điều tiếng, hay cung cấp giống ngô, cỏ, phân bón còn những lo ngại về chủng loại, xuất xứ, giá cả…

Rõ ràng, trong quá trình triển khai Đ.A, Ban Dân tộc tỉnh đã có những thiếu sót trong việc tham mưu, lập và trình UBND tỉnh phê duyệt Đ.A. Những thiếu sót đó, trách nhiệm chính thuộc về bộ phận tham mưu khi xây dựng và lãnh đạo Ban Dân tộc giai đoạn 2015 - 2018. Đặc biệt, trong suốt thời gian xác minh những phản ánh, đơn thư của người dân về chính sách hỗ trợ đồng bào Ơ Đu ở bản Văng Môn, xã Nga My đã bộc lộ những vấn đề tiêu cực, làm ảnh hưởng đến các chính sách dân tộc và công tác dân tộc của Đảng, Nhà nước và ảnh hưởng uy tín cán bộ làm công tác dân tộc tại địa phương. Để xảy ra những tồn tại, khuyết điểm trên là do thực hiện không đầy đủ các quy định; thiếu lãnh đạo, chỉ đạo, kiểm tra, giám sát, để các phòng, ban chuyên môn và một số cá nhân “lợi dụng” chức trách, nhiệm vụ được phân công. Do đó, hơn lúc nào hết, dư luận và người dân rất cần cơ quan thanh tra vào cuộc để thực hiện thanh tra công tác quản lý, sử dụng, quyết toán các nguồn kinh phí, chế độ chính sách cho đồng bào dân tộc Ơ Đu trên địa bàn huyện Tương Dương (Nghệ An).

Báo Thanh tra sẽ tiếp tục thông tin về những diễn biến mới.

Trước thông tin phản ánh tiêu cực liên quan đến chế độ, chính sách và chất lượng công trình thuộc Đ.A hỗ trợ phát triển kinh tế - xã hội dân tộc Ơ Đu, dự án bảo tồn truyền thống dân tộc Ơ Đu, bản Văng Môn, xã Nga My và bản Đửa, xã Lượng Minh, huyện Tương Dương, để phục vụ công tác xác minh theo quy định của pháp luật, Phòng Cảnh sát Kinh tế, cơ quan Cảnh sát điều tra Công an Nghệ An đã vào cuộc, đề nghị Ban Dân tộc tỉnh phối hợp làm rõ.

CTV Xuân Thống